Tăng cường khả năng thích ứng cho Đồng bằng sông Cửu Long
Tăng cường khả năng thích ứng cho Đồng bằng sông Cửu Long
(Xây dựng) – Việc đầu tư, cải thiện hạ tầng cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cùng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đã giúp vùng ĐBSCL tăng cường khả năng ứng phó trước mối đe dọa ngày càng khốc liệt của thiên tai…
Dự án âu thuyền Cái Khế đã giúp các vùng trung tâm Cần Thơ hết ngập. |
Dấu ấn những công trình
Tháng 10/2023, đỉnh triều cường trên sông Hậu vượt mức báo động 3 nhưng người dân Cần Thơ vẫn vui mừng vì nhiều tuyến đường ở trung tâm quận Ninh Kiều đã không còn cảnh ngập sâu như trước đây.
Nguyên nhân là do nhiều công trình thuộc dự án 3 (tăng khả năng thích ứng cho đô thị Cần Thơ) đã hoàn thành đưa vào sử dụng.
Nổi bật là hệ thống liên hoàn chống ngập vùng lõi thành phố gồm 9 cống nhỏ (nằm trên đường Cách mạng Tháng 8, đường 918, khu vực kè sông Cần Thơ, kè rạch Cái Sơn – Mương Khai) cùng 3 cống lớn (đầu Sấu, Hàng Bàng và lớn nhất là âu thuyền Cái Khế).
Riêng âu thuyền Cái Khế có tổng đầu tư 436 tỷ đồng, khi chạy thử ngăn ngập hàng loạt đường trung tâm Cần Thơ ở đợt triều cường cao nhất năm 2023.
Ông Bùi Thái Thượng, Giám đốc Ban Quản lý dự án ODA thành phố Cần Thơ cho biết, từ khi công trình âu thuyền hoàn thành, đưa vào sử dụng cùng nhiều hạng mục khác đã ghi nhận những tín hiệu tích cực. Phần lớn các khu vực bị ngập lụt do triều cường trước đây đã an toàn, giao thông thuận tiện.
Dự án 3 Cần Thơ có tổng mức đầu tư hơn 9.167 tỷ đồng, gồm vốn vay của Ngân hàng Thế giới, vốn không hoàn lại từ SECO (Thụy Sỹ) và vốn đối ứng ngân sách Nhà nước. Đến nay, nhiều công trình lớn, trọng điểm, ưu tiên của Dự án 3 đã hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần chỉnh trang đô thị Cần Thơ thêm khang trang, hiện đại; kết nối giao thông khu vực đô thị và chống ngập cho khu vực trung tâm thành phố (quận Ninh Kiều và Bình Thủy).
Công trình kè sông Cần Thơ nhìn từ trên cao. |
Ngoài Cần Thơ, những năm qua, đã có rất nhiều chỉ đạo, thiết chế được đưa ra nhằm giúp ĐBSCL ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Đặc biệt là Nghị quyết 120/NQ-CP, ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH là chủ trương lớn của Chính phủ nhằm chuyển đổi quy mô lớn để ĐBSCL phát triển bền vững thích ứng với BĐKH.
Ghi nhận tại Hậu Giang, tỉnh này đã ưu tiên nguồn lực xây dựng ngành Nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, đầu tư trọng điểm Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. Đặc biệt, tỉnh đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu mùa vụ cho phù hợp với điều kiện canh tác và hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh trên cơ sở phát huy lợi thế tự nhiên của từng loại cây trồng, vật nuôi; cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh đang chuyển dịch theo đúng định hướng là thủy sản – trái cây – lúa gạo. Riêng đối với lĩnh vực thủy sản, đã có bước chuyển biến mới, thâm canh thay cho quảng canh; đồng thời có nhiều mô hình nuôi thủy sản an toàn, hình thành một số vùng nuôi tập trung chất lượng theo hướng thực hành nông nghiệp tốt như GAP, SQF 1000…
Bên cạnh đó, nhiều công trình cấp bách trong phòng, chống thiên tai cũng được tỉnh quan tâm đầu tư và hoàn thiện. Điển hình là hệ thống đê bao ngăn mặn Long Mỹ – Vị Thanh, Tiểu dự án Ô Môn – Xà No, hệ thống cống Nam Xà No. Tính đến nay, tỉnh đã đầu tư trên 120km đê ngăn mặn, có 100 cống hở và 18 cống tròn được đưa vào khai thác, đồng thời có hơn 900 khu vực khép kín với quy mô từ 100-300ha đất sản xuất nông nghiệp và có 130 trạm bơm điện, diện tích phục vụ gần 28.000ha; từ đó góp phần giúp người dân chủ động trong điều tiết nguồn nước, nâng cao năng lực phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn.
Ngoài ra, tỉnh cũng đầu tư, xây dựng nhiều cụm tuyến dân cư để di dời khẩn cấp các hộ dân khu vực sạt lở nghiêm trọng; cũng như bố trí sắp xếp lại dân cư ven sông, kênh, rạch; nâng cấp, mở rộng các trạm cấp nước tập trung trên địa bàn huyện Vị Thủy, Châu Thành A, Phụng Hiệp, Châu Thành…
Mặt khác, để nội dung Nghị quyết và các văn bản chỉ đạo về phát triển bền vững được triển khai có hiệu quả và nhận được sự đồng tình của người dân, các ngành chức năng của tỉnh đã tổ chức triển khai 165 cuộc tuyên truyền đến người dân, cơ sở và doanh nghiệp.
Hài hòa các giải pháp ứng phó
Hiện tình hình sạt lở đất, sụt lún, thiếu nước ngọt trong sản xuất, sinh hoạt… do BĐKH đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tỉnh ĐBSCL. Tính đến nay, trên địa bàn 13 tỉnh khu vực ĐBSCL có tổng 596 vị trí sạt lở bờ sông, bờ biển với chiều dài hơn 804.4km (bờ sông 548 điểm/ 582.7km, bờ biển là 48 điểm/221.7km). Trong đó, tổng số điểm sạt lở của 3 tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Tiền Giang chiếm gần 30% trên tổng số điểm sạt lở thống kê được tại 13 tỉnh ĐBSCL.
Vùng ĐBSCL đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để ứng phó với thiên tai và BĐKH. |
Số liệu đo đạc của Bộ Tài nguyên và Môi trường ở 287 mốc chuẩn quan trắc của vùng ĐBSCL trong hơn 10 năm gần đây cho thấy, tốc độ sụt lún đất trung bình là 0,96 cm/năm, trong khi nước biển dâng chỉ 0,35 cm/năm. Kết quả này cho thấy, tốc độ sụt lún đất nhanh hơn gấp ba lần so với mực nước biển dâng.
Thời gian qua, các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung nhiều hơn cho công tác quản lý bờ sông, lòng sông, bờ biển. Theo đó, tăng cường truyền thông, xử lý vi phạm; tổ chức điều tra, đánh giá hiện trạng sạt lở, bờ sông, bờ biển, xây dựng bản đồ phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, Trung ương đã đầu tư và đã có kế hoạch đầu tư cho các tỉnh vùng ĐBSCL 16.223 tỷ đồng để xây dựng 218 công trình kè chống sạt lở, với chiều dài 324km.
Tại Cà Mau, tỉnh này đã đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng để xây dựng 55,7km kè bảo vệ bờ biển và 9,2km kè bảo vệ bờ sông chống sạt lở, nhưng đến nay chính quyền và người dân địa phương vẫn chưa hết lo lắng, do sạt lở vẫn tiếp tục xảy ra với chiều hướng ngày càng nghiêm trọng.
Các chuyên gia cho rằng, tác động của khai thác nước ngầm quá mức dẫn đến sụt lún đất đã rõ. Vì vậy, để hạn chế tình trạng này, trước mắt cần phải quản lý việc khai thác nước ngầm, sử dụng nước hiệu quả để hạn chế tình trạng sụt lún đất. Về lâu dài, cơ quan chức năng, chính quyền các cấp tăng cường sử dụng nước mặt ở các sông, kênh rạch để thay thế sử dụng nước ngầm.
Ðể làm được điều này cần nhanh chóng chuyển hướng nền sản xuất nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ, giảm thâm canh, lúa vụ ba, áp dụng các biện pháp sản xuất sạch, an toàn, chú trọng chất lượng hơn số lượng để giảm bớt phân bón, thuốc trừ sâu thải vào nguồn nước nhằm khôi phục dần chất lượng nguồn nước mặt ở các sông để người dân có thể sử dụng cho sinh hoạt, sản xuất như hàng chục năm trước.
Trong năm 2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 1162 bổ sung 4.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 cho các tỉnh vùng ĐBSCL thực hiện dự án phòng chống sạt lở.
Để kéo giảm chi phí trong công tác phòng chống sạt lở, ngoài việc đầu tư các công trình, các số địa phương đang tập trung nguồn lực để trồng rừng phòng hộ ven biển, ưu tiên giải pháp chống sạt lở bền vững, từ xa.