Tạp chí Đầu tư Tài chính ra mắt ấn phẩm Đặc san Toàn cảnh kinh tế tư nhân
Tạp chí Đầu tư Tài chính ra mắt ấn phẩm Đặc san Toàn cảnh kinh tế tư nhân
(Xây dựng) – Sáng 11/10, Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance đã chính thức công bố ấn phẩm Đặc san Toàn cảnh kinh tế tư nhân, nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 – 13/10/2024) và 25 năm ra đời Luật Doanh nghiệp (1999 – 2024).
Ông Hoàng Anh Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance phát biểu tại buổi lễ. |
Ấn phẩm đặc sắc về kinh tế tư nhân Việt Nam
“Toàn cảnh kinh tế tư nhân” là đặc san thứ 3 được Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance xuất bản trong năm 2024, sau thành công của các ấn phẩm: Đặc san Toàn cảnh tài chính số (tháng 5/2024) và Đặc san Toàn cảnh Đầu tư tài chính (tháng 8/2024).
Ra mắt vào thời điểm kỷ niệm 20 năm Ngày doanh nhân Việt Nam và 25 năm Luật Doanh nghiệp, Đặc san Toàn cảnh kinh tế tư nhân mang đến bức tranh tổng quát về sự phát triển của kinh tế tư nhân trong gần 40 năm qua, từ những chuyển động về chủ trương, chính sách, pháp luật đến sự hình thành và lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân.
Thông qua đó, Đặc san nêu bật vai trò và đóng góp to lớn của khu vực kinh tế tư nhân đối với đất nước, nhất là trong bối cảnh thông điệp của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước gần đây đã nhấn mạnh đến một “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Hoàng Anh Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance cho biết, kinh tế tư nhân đã có những bước phát triển và những thành tựu rất quan trọng trong lịch sử phát triển của đất nước. Nhưng lịch sử đã có những khúc quanh khiến cho kinh tế tư nhân đã gần như trở về con số 0 trong khoảng thời gian đầu thập niên 80, khi đất nước lâm vào khó khăn, khủng hoảng.
Và rồi, chính tình trạng khó khăn khi đó đã thôi thúc, mở ra quá trình đổi mới mà trong đó, kinh tế tư nhân dần tìm lại được vị thế, vai trò và tiếng nói của mình. Giờ đây, kinh tế tư nhân đã hiện diện trên hầu khắp các ngành, lĩnh vực kinh tế và đóng góp vô cùng to lớn cho nền kinh tế quốc dân, nhất là trên các phương diện như đóng góp vào ngân sách, tạo việc làm, ổn định đời sống người dân.
“Giờ đây chúng ta có thể thấy dấu ấn của kinh tế tư nhân ở khắp nơi: Nhà chúng ta ở, xe chúng ta đi, trường học và bệnh viện, thậm chí cả những lĩnh vực trước đây chỉ dành cho doanh nghiệp Nhà nước. Có những lĩnh vực tưởng như chỉ có doanh nghiệp Nhà nước có thể đảm trách, thì khi chuyển giao cho doanh nghiệp tư nhân lại càng hiệu quả hơn, chẳng hạn như: Hàng không, thương mại, xuất nhập khẩu… Có những con người rời khỏi khu vực Nhà nước, khi bước ra thương trường lại trở thành những doanh nhân xuất sắc”, ông Hoàng Anh Minh nói.
Lãnh đạo Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam, Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance và các vị khách quý công bố biểu trưng Đặc san Toàn cảnh kinh tế tư nhân. |
Ông Hoàng Anh Minh cho hay, lễ kỷ niệm 20 năm Ngày doanh nhân Việt Nam diễn ra trong bối cảnh các thông điệp chính sách của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước gần đây đã nhấn mạnh đến một “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Đây là dịp để chúng ta cùng nhìn lại hành trình phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, trong đó khối kinh tế tư nhân đang ngày càng phát huy hiệu quả vai trò quan trọng của mình. Đồng thời, cũng là thời điểm để các doanh nghiệp, doanh nhân nhận thức lại vai trò và cơ hội của mình trong dòng chảy phát triển chung của đất nước, trước một “kỷ nguyên mới”.
“Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance hân hạnh được công bố ấn phẩm Toàn cảnh Kinh tế tư nhân với mong muốn đưa lại cái nhìn toàn cảnh về lĩnh vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục cổ vũ, đồng hành cùng sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân và chúng tôi cũng đã khởi động một chương trình nghiên cứu về lịch sử kinh tế tư nhân tại Việt Nam.
Với quy mô 300 trang nội dung, Đặc san Toàn cảnh kinh tế tư nhân bao gồm 3 phần lớn. Phần I là báo cáo chuyên khảo về sự phát triển của kinh tế tư nhân Việt Nam, từ sơ khởi đến đương đại. Phần II là diễn đàn của giới chuyên gia và nhà quản lý, thảo luận về những vấn đề nổi bật và tìm kiếm giải pháp thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư nhân. Phần III là tập hợp của những bài viết giàu cảm xúc về các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu, đang góp phần định hình nên diện mạo của nền kinh tế Việt Nam.
Không chỉ cung cấp những thống kê chi tiết, những cột mốc đáng nhớ, Đặc san còn khắc họa những chân dung điển hình, những con người đã làm nên lịch sử, những câu chuyện về đời kinh doanh vinh quang nhưng cũng nhọc nhằn, cay đắng của các thế hệ doanh nhân Việt Nam, phản ánh bức tranh muôn màu của đời sống kinh tế – xã hội.
Xuyên suốt Đặc san là tinh thần cởi mở và tiến bộ, cổ vũ cho khát vọng và hoạt động đầu tư, kinh doanh của mọi tầng lớp nhân dân, vì mục tiêu tới năm 2030 nước ta có 2 triệu doanh nghiệp, trong đó có ít nhất 70 doanh nghiệp sở hữu quy mô vốn hóa trên 1 tỷ USD, 120 doanh nghiệp có doanh thu thuần trên 1 tỷ USD, 100 doanh nghiệp đạt lợi nhuận trước thuế trên 100 triệu USD, 10 tỷ phú USD… và trên hết là vì một Việt Nam hùng cường.
Kinh tế tư nhân ngày càng phát triển
Phát biểu tại buổi ra mắt, TS. Võ Trí Thành cho biết câu chuyện về kinh tế tư nhân, doanh nhân tại Việt Nam bắt đầu từ năm 1986. Đó cũng là giai đoạn “xanh cỏ và đỏ rực”, gắn liền với những cải cách và đổi mới trong khu vực kinh tế tư nhân.
TS. Võ Trí Thành phát biểu tại lễ công bố ấn phẩm Đặc san Toàn cảnh kinh tế tư nhân. |
“Tinh thần và khát vọng của khối kinh tế tư nhân thời kỳ đầu có thể mới chỉ “vượt rào” một chút nếu như ta xét về tư duy và pháp lý, nhưng đằng sau đấy là sự máu lửa, là cái chất của con người Việt Nam. Doanh nghiệp tư nhân chỉ là một cách nói, một cách phân loại để nghiên cứu, thống kê. Với tôi, hai chữ tư nhân chính xác hơn là về chúng ta, về người Việt và về dân tộc này”, TS. Võ Trí Thành nói.
Bên cạnh việc đánh giá cao về sự phát triển của khối kinh tế tư nhân thời gian qua, TS. Võ Trí Thành cũng đã đưa ra một số nhận định và khuyến nghị để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. Theo TS. Võ Trí Thành, muốn tạo ra được một lực lượng doanh nhân, doanh nghiệp giỏi thì kinh tế tư nhân phải làm được hai điều: một là phải xây nhà từ móng và hai là phải có được thương hiệu toàn cầu.
“Để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, chúng ta phải “xây nhà từ móng”, tức là tập trung, hỗ trợ cho các doanh nghiệp startup, doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ và vừa. Những doanh nghiệp này có thể không có quy mô lơn nhưng lại là ‘linh hồn’ của một nền kinh tế thị trường. Nếu không có những doanh nghiệp này thì sẽ không có nền kinh tế thị trường”, TS. Võ Trí Thành nói.
Bên cạnh đó, hiện Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp lớn, được đo bằng số lượng lao động, đóng góp vào ngân sách… nhưng vẫn cần những doanh nghiệp vừa lớn vừa mạnh. Theo TS. Võ Trí Thành, để có được những doanh nghiệp lớn mạnh, Việt Nam cần phải có thương hiệu toàn cầu, làm chủ công nghệ, xây dựng được hệ sinh thái sản xuất theo xu hướng phát triển chung của thế giới.
Phát biểu tại lễ công bố Đặc san, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, ông có cảm giác rất đặc biệt vì kinh tế tư nhân là một chủ đề rất lớn và khó, nhưng Tạp chí Đầu tư Tài chính đã lựa chọn làm và làm rất công phu, tổ chức lễ ra mắt cho thấy sự trân trọng và nghiêm túc với những ấn phẩm của mình.