Tập đoàn Hà Đô: Lợi nhuận sụt giảm, nợ phải trả vượt mức 3 nghìn tỷ đồng
Tập đoàn Hà Đô: Lợi nhuận sụt giảm, nợ phải trả vượt mức 3 nghìn tỷ đồng
(Xây dựng) – Tập đoàn Hà Đô vừa công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2024. So với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận của Tập đoàn này bị sụt giảm gần một nửa, trong khi nợ phải trả tăng vọt, vượt mức 3 nghìn tỷ đồng.
Dự án Hado Park View của Tập đoàn Hà Đô. |
Tài chính suy giảm
Báo cáo tài chính của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô (Tập đoàn Hà Đô) cho thấy, tổng thể bức tranh tài chính kém tươi sáng của doanh nghiệp này. So với cùng kỳ năm 2023 cũng như thời điểm cuối năm 2023, các khoản nợ đều tăng, chỉ có lợi nhuận là suy giảm.
Theo báo cáo, quý II/2024, mảng bán hàng và cung cấp dịch vụ mang về cho Tập đoàn Hà Đô trên 158 tỷ đồng. Trong đó, giá vốn bán hàng chiếm 87,7 tỷ đồng, còn lại 70,4 tỷ đồng là khoản lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Hà Đô cũng đạt trên 90 tỷ đồng. Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, lợi nhuận của Tập đoàn Hà Đô còn 82,8 tỷ đồng. Trong khi đó, con số này cùng kỳ 2023 là trên 147,3 tỷ đồng.
Cộng dồn 2 quý đầu năm 2024, Tập đoàn Hà Đô đạt lợi nhuận hơn 175,3 tỷ đồng. Nhìn lại năm 2023, Tập đoàn Hà Đô đạt lợi nhuận gần 247 tỷ đồng sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp. Như vậy, dòng lợi nhuận 2 quý đầu năm 2024 của Tập đoàn Hà Đô đã bị sụt giảm 72 tỷ đồng so với cùng kỳ 2023. Điều đáng nói, mặc dù lợi nhuận sụt giảm như vậy, nhưng các khoản nợ của Tập đoàn Hà Đô lại có xu hướng gia tăng.
Các khoản nợ phải trả của Tập đoàn Hà Đô trong 2 quý đầu năm 2024. |
Cụ thể, tại thời điểm ngày 1/1/2024, nợ phải trả của Tập đoàn này ở mức hơn 2,8 nghìn tỷ đồng. Thì chỉ trong 6 tháng (hết ngày 30/6/2024), con số này đã vượt mức 3 nghìn tỷ đồng. Đáng lo ngại nhất là khoản nợ ngắn hạn đang ở mức cao là trên 2,4 nghìn tỷ đồng. Trong khi, nguồn phải thu ngắn hạn khách hàng của doanh nghiệp này chỉ ở mức gần 258 tỷ đồng. Trong khoản thu ngắn hạn, bao gồm nhiều khách hàng là doanh nghiệp thành viên của tập đoàn này như: Công ty Cổ phần Quản lý vận hành khai thác bất động sản Hà Đô, Công ty Quản lý và kinh doanh bất động sản Hà Đô, Công ty Đầu tư bất động sản Bình An Riverside, Điện gió Hà Đô Thuận Nam, Công ty Cổ phần Năng lượng Agrita Quảng Nam, Minh Long Sài Gòn, Công ty Za Hưng, Thủy điện Sông Tranh 4…
Hết quý II/2024, hàng tồn kho của Tập đoàn Hà Đô ở mức 507 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm 2024. Số hàng tồn kho này nằm chủ yếu ở dự án An Khánh – An Thượng, Khu biệt thự Sư Vạn Hạnh, dự án chung cư CC1 Dịch Vọng, dự án Toà nhà hỗ hợp Khu đô thị mới Dịch Vọng…
Về khoản nợ dài hạn phải trả của Tập đoàn Hà Đô cũng đang ở mức hơn 564 tỷ đồng, tăng khoảng 70 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2024. Tính đến ngày 30/6/2024, vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Hà Đô đạt 5,4 nghìn tỷ đồng (tăng khoảng 23 tỷ đồng so với đầu năm), chủ yếu đến từ vốn góp của chủ sở hữu (hơn 3 nghìn tỷ đồng). Về tổng tài sản, tính đến ngày 30/6/2024, Tập đoàn Hà Đô đạt mức trên 8,4 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 196 tỷ đồng so với với ngày 1/1/2024.
Soi về dòng tiền, có thể thấy, Tập đoàn Hà Đô đang đổ tiền vào các khoản đầu tư tài chính dài hạn với trên 5,4 nghìn tỷ đồng, chủ yếu vào các công ty con. Việc đầu tư vào công ty liên kết, liên doanh chỉ vỏn vẹn 150 triệu đồng.
Về khoản vay nợ, tính đến ngày 30/6/2024, Tập đoàn Hà Đô đang có khoản vay ngắn hạn khoảng 395 tỷ đồng, vay dài hạn trên 550 tỷ đồng. Trong khoản vay ngân hàng, chủ nợ lớn nhất của Tập đoàn Hà Đô là Ngân hàng Shinhanbank – chi nhánh Trần Duy Hưng với số tiền hơn 109 tỷ đồng.
Mặc dù tình hình kinh doanh không mấy sáng sủa, nhưng 6 tháng đầu năm 2024, thu nhập của các thành viên Ban Tổng Giám đốc, HĐQT cũng như Ủy ban Kiểm tra của Tập đoàn Hà Đô vẫn được đảm bảo.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2024, Tập đoàn Hà Đô đã chi trả hơn 4,4 tỷ đồng cho đội ngũ lãnh đạo. Người hưởng mức thu nhập cao nhất là ông Nguyễn Trọng Minh, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Thường trực – 899 triệu đồng. Đứng thứ hai là ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch HĐQT với mức 775 triệu đồng. Hưởng mức thù lao thấp nhất trong 6 tháng là bà Trần Thị Quỳnh Anh, thành viên độc lập HĐQT, Chủ tịch Ủy ban Kiểm tra với số tiền 38 triệu đồng.
Liệu có làn sóng chuyển giao quyền lực?
Cuối tháng 7 vừa qua, ông Nguyễn Trọng Thông (sinh năm 1953), Chủ tịch HĐQT – người được coi là thuyền trưởng, là linh hồn của Tập đoàn Hà Đô chính thức có đơn xin từ nhiệm vì lý do tuổi tác. “Tôi đã chuẩn bị chu đáo cho việc từ nhiệm, bàn giao chức vụ và rút khỏi HĐQT. Tôi đã bồi dưỡng và xây dựng lực lượng kế nhiệm”, ông Nguyễn Trọng Thông khẳng định.
Ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Tập đoàn Hà Đô và Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Lạc. |
Nhiều người đồn đoán, đây sẽ bước khởi đầu cho làn sóng chuyển giao quyền lực tại Tập đoàn Hà Đô. Bởi hiện nay, người kế nghiệp sáng giá nhất tại tập đoàn này được cho là ông Nguyễn Trọng Minh, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Thường trực, con trai ông Nguyễn Trọng Thông.
Ông Nguyễn Trọng Minh sinh năm 1987, tốt nghiệp Đại học Hamline Hoa Kỳ, trình độ chuyên môn: Cử nhân Quản trị kinh doanh. Năm 2011, ông Nguyễn Trọng Minh bắt đầu tham gia công việc kế toán viên tại Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng An Lạc 1. Từ tháng 9/2014, ông Nguyễn Trọng Minh chính thức tham gia vào Tập đoàn Hà Đô với vị trí Phó trưởng Phòng Tài chính. Tập đoàn Hà Đô vốn là công ty được cổ phần hóa từ doanh nghiệp Nhà nước năm 2005. Doanh nghiệp này được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với lần sửa đổi gần nhất là ngày 16/7/2024, tăng vốn lên hơn 3,3 nghìn tỷ đồng. Trụ sở chính của Tập đoàn Hà Đô đặt tại số 8 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội.
Trong giới kinh doanh bất động sản, ông Nguyễn Trọng Thông được coi là một lão tướng dày dạn trong thương trường. Tính đến hết năm 2023, ông Nguyễn Trọng Thông sở hữu hơn 97,3 triệu cổ phiếu HDG, tương ứng tỷ lệ 31,83% vốn công ty. Tạm tính theo giá cổ phiếu HDG 26/7 là 28.800 đồng/cổ phiếu, khối tài sản của vị sáng lập Hà Đô vào khoảng 2.800 tỷ đồng.
Trong những năm qua, Tập đoàn Hà Đô theo đuổi xuyên suốt 3 lĩnh vực hoạt động là bất động sản, phát triển năng lượng và đầu tư tài chính. Từ năm 2016, sau dự án Hà Đô Centrosa Garden tại quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh, Tập đoàn Hà Đô trỗi dậy mạnh mẽ trên thị trường bất động sản. Hà Đô tiếp tục phát triển bất động sản tại các khu đô thị mới như: Hado Park View tại quận Cầu Giấy, Hà Nội và Hado Park, Hado Riverside tại Thành phố Hồ Chí Minh. Giai đoạn từ năm 2022 đến nay, Hà Đô tập trung vào dự án Hado Charm Villas tại Hà Nội, ước tính ghi nhận doanh thu khoảng 3.500 tỷ đồng.
Ở một khía cạnh khác, ngoài điều hành Tập đoàn Hà Đô, ông Nguyễn Trọng Thông còn được biết đến là Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Lạc (Công ty An Lạc) – chủ đầu tư Khu đô thị mới An Lạc Green Symphony (Hoài Đức, Hà Nội). Tiền thân của dự án này là dự án Khu đô thị Đại học Vân Canh, được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) giao Công ty An Lạc làm chủ đầu tư (năm 2007).
Dự án Khu đô thị mới An Lạc Green Symphony (Hoài Đức, Hà Nội). |
Trước đó, như Tin tức xây dựng mới nhất đã thông tin, chung cư xây dựng không phép tại ô đất ký hiệu C1-CT thuộc dự án Khu đô thị An Lạc Green Symphony (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức) vẫn đang cấp tập thi công, phớt lờ yêu cầu dừng thi công của các cơ quan chức năng. Sau đó, UBND huyện Hoài Đức đã ra quyết định xử phạt đối với Công ty An Lạc số tiền 40 triệu đồng do thực hiện hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng (GPXD) mà theo quy định phải có GPXD đối với công trình có yêu cầu phải lập dự án đầu tư xây dựng tại ô đất có ký hiệu C1-CT thuộc dự án Khu đô thị mới An Lạc Green Symphony.
Để triển khai dự án, chủ đầu tư là Công ty An Lạc đã “cầm cố” chính dự án này tại ngân hàng. Cụ thể, ngày 5/2/2021, Công ty An Lạc ký hợp đồng với Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) – Chi nhánh Đông Anh.
Tài sản đảm bảo là “Lợi tức thu được từ việc kinh doanh, khai thác giá trị của quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; các khoản phải thu, các khoản phí mà chủ đầu tư thu được trong quá trình đầu tư, kinh doanh, phát triển dự án”.
Bạn đang đọc Tin tức xây dựng trên website hungday.com