Thẻ tín dụng: Được – Mất (P1)
Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, Việt Nam hiện có hơn 800 nghìn thẻ tín dụng nội địa tính tới thời điểm cuối tháng 8/2023. Mức tăng trưởng ấn tượng 42% so với cùng kỳ cho chúng ta thấy rằng, chỉ cần chưa đầy 2 năm số lượng thẻ sẽ tăng lên gấp đôi so với con số hiện tại.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, rất có thể bạn cũng đã nghe được nhưng tin tức như: tỷ lệ nợ thẻ tín dụng quá hạn tại Mỹ đã lên mức kỷ lục cao nhất kể từ 2011, rồi thì ⅕ số chủ hộ gia đình tại Hàn Quốc thừa nhận số nợ phải trả của họ đã gấp 3 lần thu nhập, hay gần đây nhất 1 khách hàng tại Việt Nam nợ thẻ tín dụng 9 triệu nhưng khi đi thanh toán thì con số nợ đã lên đến gần 9 tỷ.
Nói vậy để thấy, những tiện ích mà thẻ tín dụng mang lại nếu không được nhận thức chính xác và sử dụng đúng cách thì rất có thể, nó sẽ trở thành 1 con dao hai lưỡi.
Chính vì vậy, để tìm hiểu tất tần tật về thẻ tín dụng, từ cách nó vận hành như nào, lợi ích – tác hại của nó ra sao, cũng như làm thế nào để tối ưu và không để bản thân trở thành nô lệ của thẻ tín dụng, hãy cùng mình tìm hiểu trong bài viết bên dưới nhé.
1. Quy trình vận hành thẻ tín dụng
1.1. Mở thẻ
– Điều kiện mở thẻ
Đầu tiên chúng ta sẽ cần hiểu: Tín dụng là gì?
Định nghĩa này có lẽ không quá mới lạ. Tín dụng hiểu đơn giản là 1 khoản nợ. Khách hàng khi đi vay tín dụng từ Ngân hàng sẽ được cung cấp 1 khoản tiền để phục vụ nhu cầu khẩn cấp hiện tại, với điều kiện phải hứa trả lại trong tương lai, và tất nhiên thường kèm theo 1 khoản lãi suất nhất định – chính là chi phí cho khoản vay tín dụng đó.
Tuy nhiên không phải ai có nhu cầu thì Ngân hàng cũng sẵn sàng cho vay. Tùy theo 1 số yếu tố như: thu nhập, tài sản, mục đích sử dụng tín dụng, hay lịch sử tín dụng, đã từng có nợ xấu chưa (tất cả các thông tin này sẽ nằm trong 1 thứ gọi là Hồ sơ tín dụng của bạn). Từ đó, Ngân hàng sẽ quyết định hạn mức tín dụng sẽ cho bạn vay và mức lãi suất (chính là chi phí) mà bạn sẽ phải trả cho khoản vay đó.
– Hạn mức thẻ
Với thẻ tín dụng, tổng số tiền Ngân hàng chấp nhận cho bạn vay chính là hạn mức trong thẻ mà bạn có thể chi tiêu. Bạn càng có khả năng năng trả nợ cao (dựa vào các yếu tố trên) thì hạn mức trong thẻ tín dụng của bạn sẽ càng cao.
Khi so sánh với các phương thức vay truyền thống như: vay thế chấp (bạn thế chấp tài sản để đảm bảo cho khoản vay) và vay tín chấp (bạn không thế chấp tài sản, mà chỉ dựa vào uy tín bản thân để vay), thì thẻ tín dụng nghe có vẻ gần giống cách vay tín chấp. Tuy nhiên nó có những điểm cải tiến hơn, vì thế cũng đem lại nhiều lợi ích và hấp dẫn hơn đối với các khách hàng.
Với cách vay cũ, sau khi ký hợp đồng và được giải ngân, thì ngay lúc đó bạn đã bị ghi nhận tất cả khoản nợ và bắt đầu tính lãi vay, dù cho bạn có sử dụng số tiền đó hay không. Tuy nhiên với thẻ tín dụng, bạn được cấp vốn trước, nhưng chỉ khi nào sử dụng mới bị tính là nợ, mà chưa kể khoản nợ đó sẽ không bị tính lãi nếu bạn trả đúng hạn.
Cũng chính nhờ sự hấp dẫn đó nên bên cạnh sản phẩm thẻ tín dụng vật lý truyền thống thì trên thị trường hiện nay cũng có rất nhiều các sản phẩm tương tự sinh ra để cạnh tranh và thậm chí còn cải tiến hơn như là: ví trả sau tại các ví điện tử, tài khoản trả sau tại các app thanh toán hay thẻ tín dụng phi vật lý.
Chi tiết chúng ta sẽ trao đổi trong phần 3, khi nói về việc chọn lựa giữa các sản phẩm này. Còn trong các phần sau mình sẽ vẫn gọi chung là “thẻ tín dụng” cho dễ hiểu, nhưng các bạn hãy hiểu rằng tính năng các sản phẩm kia cũng gần tương tự nhé.
– Thời gian miễn lãi
Để lý giải cho việc tại sao vay nợ từ thẻ tín dụng lại không bị tính lãi như vay thông thường, thì các bạn sẽ cần hiểu thuật ngữ “thời gian miễn lãi” của thẻ.
Thông thường khoảng thời gian này sẽ là 45 ngày, bao gồm:
Thời gian chốt sao kê tháng trước đến thời gian chốt sao kê tháng này (30 ngày – 1 chu kỳ thanh toán)
+
thời gian ân hạn (15 ngày – thời gian từ lúc đóng sao kê tháng này đến hạn cuối thanh toán để được miễn phí lãi).
Một số loại thẻ có thời gian miễn lãi cao hơn, ví dụ 55 ngày, tức là bạn sẽ có thêm thời gian ân hạn (25 ngày).
Ví dụ, thẻ của bạn chốt sao kê ngày 20 hàng tháng. Từ ngày 21/3 đến hết 20/4 sẽ là chu kỳ thanh toán tháng 4, tức là ngày 21/4 nếu bạn phát sinh giao dịch từ thẻ tín dụng sẽ là chi tiêu cho chu kỳ tháng 5, tuy nhiên đồng thời cũng chưa cần phải thanh toán cho chu kỳ tháng 4 ngay, vì bạn có 15 ngày ân hạn, tức đến hết ngày 5/5 mà bạn chưa thanh toán thì khoản dư nợ của kỳ sao kê tháng 4 mới bị tính lãi và phát sinh phí chậm thanh toán.
– Chi phí
Và yếu tố cuối cùng bạn cần quan tâm trước khi chính thức sở hữu 1 chiếc thẻ tín dụng chính là các chi phí liên quan đến tấm thẻ đó. Có thể bạn chưa biết nhưng có tới gần 10 loại phí có thể phát sinh khi bạn sử dụng thẻ tín dụng, bao gồm :
+ Phí phát hành: phí đầu tiên phải trả khi mở thẻ, thường sẽ được miễn phí để thúc đẩy khách hàng mở thẻ.
+ Phí thường niên: phí đóng hàng năm để duy trì thẻ, có thể được giảm hoặc miễn nhờ loại thẻ hoặc tần suất sử dụng thẻ của khách hàng.
+ Phí chậm thanh toán: bên cạnh việc bị tính lãi phát sinh, khách hàng cũng phải trả cả loại phí này khi chậm thanh toán dư nợ
+ Lãi suất: chi phí khi bạn sử dụng các dịch vụ của thẻ hoặc khi bạn chậm trả nợ.
Ngoài ra còn các loại phí khác như: phí rút tiền mặt, phí cấp lại thẻ, phí hủy thẻ, phí in sao kê, hay phí vượt hạn mức.
Trên thực tế, các loại phí này thường được giản lược bớt để dễ hiểu cho khách hàng. Tuy nhiên nếu bạn cần thông tin cụ thể hãy cứ hỏi các bạn tư vấn, sẽ được giải đáp chi tiết nhé.
1.2. Sử dụng thẻ:
Ok, sau khi đã hiểu rõ các thông tin, thì giờ bạn có thể đặt bút ký vào cái hợp đồng mở thẻ và chính thức sở hữu cho mình 1 “chú” thẻ tín dụng rồi đấy. Lúc này bạn có thể sử dụng thẻ tín dụng với nhiều mục đích khác nhau, bao gồm:
– Thanh toán
Là chức năng phổ biến và hấp dẫn nhất khi sử dụng thẻ tín dụng. Bạn có thể quẹt thẻ trực tiếp tại các cửa hàng có máy POS (Point of sale – là những máy được liên kết với các ngân hàng, cho phép nhận thanh toán qua các loại thẻ), hoặc có thể thanh toán online như: mua sắm trực tuyến, tiền điện nước, tiền bảo hiểm, vân vân và mây mây. Các dịch vụ này hiện nay đều có các chương trình khuyến mại như: cashback, đổi thưởng, để hấp dẫn mọi người sử dụng thẻ nhiều hơn (và chúng hấp dẫn thật).
Và tất thiên số tiền chi tiêu phải nằm trong hạn mức của thẻ và sẽ được miễn phí 100% lãi suất nếu bạn thanh toán đúng hạn trong thời gian miễn lãi như mình đã đề cập phía trên.
– Trả góp
Ngày nay, nhiều trang thương mại điện tử đã tích hợp hình thức trả góp qua thẻ tín dụng, mang lại cho khách hàng sự tiện lợi khi được trả góp với lãi suất thấp hoặc thậm chí là 0%.
Cụ thể, khi mua trả góp qua thẻ tín dụng, khách hàng sẽ chịu lãi suất trả góp và 1 loại phí là phí chuyển đổi trả góp dao động từ 3 – 7% tổng giá trị sản phẩm. Số tiền này sẽ được chia đều cho số tháng trong kỳ hạn trả góp mà chủ thẻ chọn như: 3, 6 tháng, cho đến 12 hay 24 tháng. Khoản phí chuyển đổi thì sẽ được yêu cầu thanh toán ngay trong kỳ trả góp đầu tiên.
Ví dụ: Bạn mua một chiếc điện thoại 12 triệu đồng, trả góp kỳ hạn 12 tháng, lãi suất trả góp 1%, phí chuyển đổi 3%.
Vậy tháng đầu tiên bạn sẽ phải trả: 1,480,000 VND (tiền trả góp mỗi tháng 1,120,000 + phí chuyển đổi trả góp 360,000). Số tiền cần trả góp mỗi tháng từ tháng thứ 2 đến hết tháng 12 sẽ là 1,120,000 VND. Và tổng số tiền bạn phải trả góp là 13,800,000.
– Rút tiền mặt
Khi sử dụng thẻ tín dụng, bạn có khả năng rút tiền tại các cây ATM, nhưng cần lưu ý rằng chi phí rút tiền là khá cao, thường là khoảng 4% trên tổng số tiền giao dịch, cộng với mức lãi suất 20-40%/năm, và được tính ngay tại thời điểm mà bạn rút tiền ra khỏi cây.
Chính vì vậy việc này thường không được khuyến khích hoặc chỉ dành cho 1 số loại thẻ riêng biệt.
1.3. Thanh toán dư nợ
Sau khi đã chi tiêu hết 1 kỳ thanh toán, giờ là lúc các bạn sẽ bắt đầu tính đến cách trả nợ thẻ tín dụng. Có 2 cách mà ngân hàng sẽ khuyến nghị bạn là: thanh toán tất cả hoặc thanh toán 1 phần dư nợ.
– Thanh toán tất cả
Đây là cách tối ưu nhất dành cho các khách hàng sử dụng thẻ tín dụng. Những khách hàng sử dụng đúng hạn mức và thanh toán tất cả đúng hạn thì ngân hàng sẽ thu được ít tiền phí nhất từ họ.
– Thanh toán 1 phần
Ví dụ đến hạn thanh toán mà bạn không có đủ tiền trả, thì ngân hàng sẽ đề xuất bạn chỉ cần thanh toán 1 phần nhỏ dư nợ (thường sẽ là 5% tổng dư nợ) để tránh mất lãi và phí phạt vì thanh toán quá hạn.
Tuy nhiên mặc dù tránh được lãi phạt, nhưng số dư nợ còn lại chưa thanh toán của bạn (95% dư nợ) sẽ vẫn bị tính 1 mức lãi suất khác, coi như là lãi vay trong thời gian chờ bạn thanh toán, và bị cộng dồn vào các kỳ thanh toán tiếp theo, tức là phạt nhẹ hơn nhưng vẫn bị phạt.
– Không thanh toán
Đây có lẽ là kịch bản xấu nhất. Trong trường hợp đã đến hạn mà bạn không thể thanh toán dư nợ thì sẽ phải chịu phí phạt trả chậm (khoảng 5% tổng dư nợ) và lãi suất quá hạn lên đến 20 – 40%/năm (gấp 2 đến 3 lần lãi vay thông thường)
Đến đây thì mục tiêu chính của bạn rõ ràng là phải ưu tiên trả hết nợ trước khi động vào cái thẻ tín dụng lần nữa rồi, vì mức lãi suất cao sẽ làm khoản nợ của bạn tăng theo cấp số nhân và tỉ lệ thuận với tốc độ xấu đi của hồ sơ tín dụng của bạn, đồng nghĩa với việc các lần vay sau này của bạn sẽ khó được ngân hàng chấp thuận hơn.
** Kết luận:
Trên đây là những thông tin quan trọng mà các bạn cần phải nắm rõ trong quá trình từ khi bạn có nhu cầu mở thẻ tín dụng cho đến khi bạn sở hữu và sử dụng tấm thẻ đó.
Và nếu bạn tự tin rằng mình đã hiểu hết các thông tin cơ bản về thẻ tín dụng, chúng ta sẽ hẹn gặp lại nhau sau trong phần 2 của bài viết này – những ưu, nhược điểm và cách sử dụng thế nào để tối ưu chiếc thẻ tín dụng của bạn.
Disclaimer: Một số tài liệu trong bài viết được lấy từ Ngân hàng CIMB, tuy nhiên thông tin trong bài viết hoàn toàn dựa trên kiến thức và trải nghiệm của tác giả, CIMB không cung cấp thông tin hay định hướng nội dung bài viết để đảm bảo tính khách quan và trung lập.
—————————————————-
Trang cá nhân tác giả: