Tàu ngầm Liên Xô tại Cuba suýt châm ngòi ‘thế chiến 3’
Tàu ngầm Liên Xô tại Cuba suýt châm ngòi ‘thế chiến 3’
Mới đây, giới chức Cuba hôm 6.6 thông báo tàu ngầm hạt nhân của Nga sẽ cập cảng thủ đô Havana trong tuần tới, nhấn mạnh đội tàu từ Nga sẽ không mang vũ khí hạt nhân, do đó sự kiện này không gây đe dọa đến khu vực.
Với nhiều người, việc một tàu ngầm Nga có mặt tại Cuba làm khơi dậy hồi ức cách đây hơn 60 năm. Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba tháng 10.1962 là sự kiện về căng thẳng ngoại giao và quân sự giữa Mỹ và Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh, đẩy thế giới đến bờ vực chiến tranh hủy diệt, với năng lực hạt nhân của hai siêu cường thời điểm đó.
Khi đó, trong lúc lãnh đạo Washington và Moscow nỗ lực tìm cách ngăn chặn chiến tranh bùng phát, một tàu ngầm Liên Xô triển khai tại Cuba đã suýt “bấm nút” châm ngòi cuộc chiến, song quyết định từ một sĩ quan trên tàu phần nào đã đưa cục diện thế giới đi theo một chiều hướng khác.
Thời điểm “căng như dây đàn”
Đầu năm 1962, cơ quan an ninh Liên Xô đã nghĩ ra một kế hoạch táo bạo để chống lại mối đe dọa tấn công khi tên lửa đạn đạo tầm trung Jupiter của Mỹ được đặt tại Thổ Nhĩ Kỳ – một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Chiến dịch Anadyr đã được thực hiện, với mục đích triển khai vũ khí đến Cuba, gồm 3 tiểu đoàn tên lửa đạn đạo tầm trung, cùng nhiều trang thiết bị quân sự như xe tăng và tàu tên lửa. Chiến dịch này đã thực hiện một loạt thủ thuật ngoại giao, quân sự và hậu cần nhằm che dấu việc vận chuyển hàng tấn vũ khí Liên Xô đến khu vực được xem là “sân sau” của Mỹ.
Tuy nhiên, tại Cuba, các khu vực bố trí tên lửa hạt nhân sớm bị máy bay trinh sát U-2 và F-8 từ Washington chụp ảnh. Cuộc khủng hoảng bắt đầu vào tháng 10.1962, khi Tổng thống Mỹ khi đó là John F. Kennedy ra lệnh bao vây phong tỏa Cuba. Điều này đã tạo ra tình thế Mỹ bố trí vành đai quân sự vây quanh các tàu ngầm mang ngư lôi trang bị đầu đạn hạt nhân của Liên Xô – gồm 4 tàu ngầm lớp Foxtrot B-4, B-36, B-130, và B-59.
Những tàu này đã được điều đến cảng Mariel của Cuba vào đầu tháng 10.1962 để cung cấp cho chính quyền cố Chủ tịch Cuba Fidel Castro một tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân, giúp Havana ngăn chặn một cuộc tấn công tiềm tàng của Mỹ.
Cả 4 tàu ngầm trên đều bị Washington phát hiện, một phần nguyên nhân là vì phải di chuyển với tốc độ cao và giao tiếp thiếu hiệu quả. Lực lượng tác chiến chống ngầm (ASW) của Hải quân Mỹ đã được điều động để săn các tàu ngầm Liên Xô nhưng không biết những tàu này có trang bị vũ khí hạt nhân. ASW nhận lệnh chỉ được thả bom chìm – loại vũ khí khi thả xuống nước sẽ phát nổ tại độ sâu được cài đặt trước, được dùng để chống tàu ngầm – nhằm ra dấu hiệu cho Liên Xô rằng tàu ngầm của họ đã bị phát hiện.
Bộ tư lệnh cấp cao của Liên Xô biết về động thái ra tín hiệu của Mỹ, nhưng các nghiên cứu sau này đề cập rằng chỉ huy của 4 tàu ngầm trên không hay biết, do đó họ xem việc quân đội Mỹ thả bom chìm là hành động thù địch.
Quyết định bước ngoặt
Dù có những rủi ro tiềm ẩn, 3 trong 4 tàu ngầm đã quyết định nổi lên và rời khỏi vùng biển Cuba. Duy chỉ có thuyền trưởng của tàu B-59, ông Valentin Savitsky, từ chối cho tàu nổi, dù pin trong tàu đã cạn kiệt. Sau 4 ngày chịu tác động của bom chìm, nhiệt độ trong khoang tàu tăng lên đến mức không thể chịu được và một số thuyền viên đã ngất xỉu do thiếu oxy.
Do đã mất liên lạc từ Moscow và mang tâm lý ám ảnh, thuyền trưởng Savitsky cho rằng chiến tranh đã nổ ra và lối thoát danh dự duy nhất là phóng đầu đạn hạt nhân vào quân đội Mỹ. “Chúng ta sẽ bắn nổ tung bọn họ. Chúng ta sẽ chết, nhưng sẽ đánh chìm tất cả. Chúng ta sẽ không trở thành nỗi hổ thẹn của hạm đội”, ông Savitsky nói với các thuyền viên.
Tàu ngầm B-59 được phép sử dụng mọi vũ lực cần thiết, nhưng quy trình phóng vũ khí hạt nhân yêu cầu tất cả sĩ quan trên tàu phải đồng thuận. Khi sĩ quan chính trị Ivan Maslennikov đồng ý, B-59 chỉ còn cách một bước để trở thành nhân tố khơi mào thế chiến 3. Tuy nhiên, thuyền phó Vasili Arkhipov, kiêm chỉ huy đội tàu ngầm tại Cuba, được cho là đã một mình phản đối vụ phóng ngư lôi hạt nhân, thuyết phục ông Savitsky cho tàu nổi lên và chờ chỉ thị từ Moscow.
B-59 sau cùng đã nổi lên, bị bao vây bởi tàu chiến và trực thăng Mỹ. Tàu treo cờ Liên Xô và yêu cầu lực lượng tuần tra ASW dừng “hành động gây hấn”. Giới quan sát cho rằng ông Vasili Arkhipov nên được mang ơn vì đã giữ cái đầu lạnh trong thời khắc ngặt nghèo nhất của toàn bộ thuyền viên trên tàu, và được cho là một phần ngăn thế giới bị kéo vào chiến tranh hủy diệt.
Bạn đang đọc Tàu ngầm Liên Xô tại Cuba suýt châm ngòi ‘thế chiến 3’ tại website hungday.com