Tết năm nay hết lo kẹt xe sân bay Tân Sơn Nhất

Tháng sáu 21, 2024

Tết năm nay hết lo kẹt xe sân bay Tân Sơn Nhất

Đồng loạt về đích cuối năm

Sáng nay (21.6), Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP) chính thức khởi công dự án cầu Tân Kỳ Tân Quý (Q.Bình Tân). Đây là dự án đầu tiên TP.HCM áp dụng cơ chế chuyển từ dự án BOT trước đây sang hình thức đầu tư công.

Thông tin tái khởi động cầu Tân Kỳ Tân Quý khiến hàng trăm hộ dân đang sinh sống quanh khu vực này thở phào nhẹ nhõm. Trước đó cây cầu thiết kế với chiều dài 80 m, rộng 16 m, đường dẫn 225 m được khởi công từ năm 2018 với vốn đầu tư 312 tỉ đồng theo hình thức BOT, dự kiến hoàn thành cùng năm. Tuy nhiên, đến tháng 12.2018, khi đã thực hiện được khoảng 70% khối lượng thì công trình phải tạm dừng thi công do vướng mặt bằng và không phù hợp với các quy định pháp lý về hợp đồng BOT tại thời điểm đó. Cầu Tân Kỳ Tân Quý “đứng hình” suốt hơn 5 năm qua, mới thành hình phần giữa cầu, xung quanh được bao bọc bởi “lô cốt” và hai cây cầu tạm bằng sắt để người dân đi lại trong thời gian chờ đợi.

Cuối tháng 9.2022, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định dừng, chấm dứt triển khai dự án xây dựng bổ sung cầu mới Tân Kỳ Tân Quý theo hình thức hợp đồng BOT để chuyển sang đầu tư công. Đến cuối năm 2022, HĐND TP đã thông qua việc sử dụng hơn 491 tỉ đồng để hoàn thiện công trình này.

Tết năm nay hết lo kẹt xe sân bay Tân Sơn Nhất- Ảnh 1.

Cửa ngõ Tân Sơn Nhất đang là một trong những điểm nghẽn giao thông của TP.HCM

HOÀNG TUẤN ANH

Theo lãnh đạo TCIP, dự kiến công trình sẽ thi công trong khoảng 6 tháng, thông xe vào 31.12 năm nay. Dự kiến sau khi hoàn thành, cầu Tân Kỳ Tân Quý cùng với đường Tân Kỳ Tân Quý đang được nâng cấp mở rộng (dự kiến hoàn thành vào tháng 10.2024) sẽ hình thành trục giao thông kết nối thông suốt từ QL1A đến trung tâm TP và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Đây là một trong những dự án được kỳ vọng nhiều nhất, nằm trong nhóm 10 dự án trọng điểm giảm ùn tắc khu vực cửa ngõ sân bay.

Cùng với cầu Tân Kỳ Tân Quý và dự án mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý, công tác mở rộng đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa (Q.Tân Bình) cũng đang được TCIP tăng tốc chạy nước rút. Hiện nay, hầm chui dài hơn 400 m, trong đó đoạn đường dẫn vào hầm phía công viên Hoàng Văn Thụ dài khoảng 140 m và đoạn đường dẫn ra hầm phía Trung tâm quản lý bay có chiều dài hơn 180 m đã thành hình sau hơn 1 năm thi công. Các nhà thầu đang tập trung nhân lực thi công đoạn hầm kín dài hơn 40 m.

Cầu vượt tại khu vực trước nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, dài 988 m, rộng 17 m (4 làn xe) cũng đã xây xong phần thô. Tại điểm đầu dự án giáp đường Cộng Hòa đã thi công xong phần nền, chờ trải nhựa. Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc TCIP, thông tin hạng mục hầm chui Trần Quốc Hoàn – Phan Thúc Duyện đạt hơn 80% khối lượng, dự kiến hoàn thành trong tháng 8. Dự án sắp tới sẽ làm thêm 1 hầm chui khác tại nút giao Trường Chinh – Tân Kỳ Tân Quý. Toàn dự án hiện đạt hơn 50% khối lượng, dự kiến hoàn thành cuối năm nay.

Gần đó, dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám với tổng mức đầu tư gần 300 tỉ đồng cũng đã thi công di dời hạ tầng kỹ thuật sau khi hoàn tất di dời cây xanh. Đoạn đường từ cổng doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa dài gần 800 m sẽ được mở rộng từ 8 – 10 m lên 22 m. Q.Tân Bình đang tích cực vận động người dân sớm bàn giao nốt mặt bằng cho chủ đầu tư, sau đó nhà thầu sẽ triển khai nhiều mũi thi công để đẩy nhanh tiến độ dự án, hoàn thành vào cuối năm.

Như vậy, ngay trước thềm Tết Nguyên đán 2025, khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất sẽ có 4 dự án trọng điểm hoàn thành, cùng “trợ lực” giải tỏa áp lực giao thông cho các tuyến đường hiện hữu vốn đang quá tải trầm trọng.

Tổng lực để sân bay trong thông, ngoài thoáng

Trong khi các tuyến giao thông kết nối bên ngoài đang băng băng về đích thì phía trong công trường thi công nhà ga T3, gần 2.000 kỹ sư, công nhân và 400 đầu xe, thiết bị đang miệt mài thi công xuyên lễ, xuyên tết để rút ngắn tiến độ công trình trọng điểm này.

Ông Lê Khắc Hồng, Trưởng ban quản lý dự án xây dựng Nhà ga T3, cho biết tiến độ chung của dự án đến nay đã đạt khoảng 60%. Trong đó, phần thô của nhà ga hành khách đã hoàn thành 100%, vượt tiến độ 15 ngày. Hạng mục nhà để xe (quy mô 2 tầng hầm, 4 tầng nổi), tiến độ đạt 96%, dự kiến hoàn thành vào 30.6 tới. Hiện tại, nhà thầu đang tiến hành lắp dựng kết cấu khung thép, vách kính và lợp mái nhà ga. Đây là phần găng của dự án, được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, lắp dựng kết cấu thép đến đâu sẽ thực hiện lợp mái và lắp vách kính đến đó để đảm bảo cho công tác hoàn thiện và lắp thiết bị trong nhà.

Tết năm nay hết lo kẹt xe sân bay Tân Sơn Nhất- Ảnh 2.

Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất đang dần thành hình

CHÍ HÙNG

“Trong quý 3, các thiết bị chính trong nhà ga sẽ được lắp đặt để hoàn thành đưa vào khai thác vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước 30.4.2025, vượt 2 tháng so với kế hoạch”, ông Lê Khắc Hồng thông tin.

Nhìn trên tổng quan, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm đánh giá, sau khi Nhà ga T3 đưa vào khai thác, đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa cũng thông xe sẽ đặt ra bài toán mới cho công tác tổ chức giao thông toàn khu vực. Về cơ bản, các phương tiện vẫn lưu thông ra đường Trường Chinh, Cộng Hòa, Trường Sơn thì rất khó, đòi hỏi công tác điều hành giao thông phải có phương án phù hợp. Theo ông Lâm, hiện nay Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị (thuộc Sở GTVT) đang triển khai dự án điều hành giao thông linh hoạt áp dụng công nghệ mới để tối ưu hóa lưu lượng, điều khiển giao thông theo thời gian thực. 

Cụ thể, các công cụ công nghệ sẽ được sử dụng để đo đếm lưu lượng, phân tích tình hình phương tiện trên thực tế, từ đó đưa ra các kịch bản như về thời lượng đèn xanh, đèn đỏ các nút giao trên mạng lưới trong khu vực, tối ưu hóa dòng xe. Đơn cử, khi xảy ra hiện tượng ùn ứ tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, hệ thống sẽ thiết lập các mạng lưới, vành đai ảo để điều khiển giữ xe tại một số nút giao từ xa, giúp các nút giao ngay sát sân bay có thêm thời gian để giải tỏa dòng ùn tắc, thông xe toàn hệ thống. Đây là mô hình điều hành giao thông công cộng đã được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới.

“Ngoài các công trình đang làm thì phải có những giải pháp điều hành, điều tiết giao thông thông minh để giải tỏa giao thông kết nối khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất. Kế hoạch dài hơn, Sở GTVT đang nghiên cứu hệ thống đường trên cao từ QL22 chạy về Trường Chinh, Cộng Hòa nối sang sân bay Tân Sơn Nhất đi về hướng đường Phạm Văn Đồng. Bên cạnh đó, trong quy hoạch TP đã nghiên cứu để điều chỉnh đường sắt đô thị theo hướng từ bên Gò Vấp qua gần Nhà ga T2 hiện nay, nối qua tuyến metro số 2 trên đường Trường Chinh. Trong tương lai sẽ có mạng lưới đường trên cao, đường sắt đô thị giải quyết giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất để người dân TP và cả du khách nước ngoài khi tới TP.HCM có những trải nghiệm tốt nhất ngay từ cửa ngõ hàng không”, Giám đốc Sở GTVT TP Trần Quang Lâm nhấn mạnh.


Bạn đang đọc Tết năm nay hết lo kẹt xe sân bay Tân Sơn Nhất tại website hungday.com