Thạch Thất (Hà Nội): Khởi sắc từng ngày nhờ xây dựng nông thôn mới
Thạch Thất (Hà Nội): Khởi sắc từng ngày nhờ xây dựng nông thôn mới
(Xây dựng) – Nằm ở cửa ngõ phía Tây của Thủ đô Hà Nội, huyện Thạch Thất là một vùng đất cổ có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa. Đây cũng là một trong những địa phương đi đầu trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn xã Hạ Bằng đều đã ứng dụng công nghệ cao từng phần, cơ giới hoá để sản xuất. |
Thay đổi nếp nghĩ, tư duy trong xây dựng nông thôn mới
Hạ Bằng là xã thuần nông, nhân dân sống chủ yếu bằng thâm canh nông nghiệp, xã không có nghề phụ. Trong những năm trở lại đây, nhờ làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài, lựa chọn đầu tư vào học hành để thoát nghèo, tiến tới làm giàu bền vững nên số người đi học đại học, cao đẳng, trung cấp ngày càng tăng, số lao động nông nghiệp ngày càng giảm, cơ cấu kinh tế dần chuyển dịch theo hướng thương mại – công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp – nông nghiệp, kinh tế phát triển khá.
Xã Hạ Bằng đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2013. Năm 2023, xã Hạ Bằng tiếp tục được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Và tháng 8/2024, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ban hành Quyết định số 4151/QĐ-UBND công nhận xã Hạ Bằng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Để có được những thành quả trên, trong suốt chặng đường qua, Ban Chỉ đạo nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của xã đã tập trung chỉ đạo tuyên truyền, triển khai, quán triệt tới cán bộ, đảng viên, hội viên và toàn thể nhân dân về kế hoạch xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và đạt được nhiều thành tích nổi bật, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Bí thư Chi bộ thôn 3, xã Hạ Bằng cho biết, để đạt kết quả tích cực trong xây dựng nông thôn mới, mỗi cán bộ, đảng viên phải hiểu rõ, nắm chắc nội dung, yêu cầu, quy định của từng tiêu chí, gương mẫu đi đầu trong mọi công việc; phải làm cho người dân thay đổi nếp nghĩ, tư duy, đó là xây dựng các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu đều hướng tới nâng cao đời sống vật chất, tinh thần để họ đồng tình ủng hộ và tích cực tham gia.
Về nông nghiệp, tổng diện tích cấy lúa cả năm 2023 là 300/300ha đạt 100% kế hoạch huyện giao; năng suất lúa bình quân cả năm đạt 62,2 tạ/ha, sản lượng 1.866 tấn. Diện tích cấy lúa vụ Xuân năm 2024 là 172,3/172,3ha đạt 100% kế hoạch, năng suất lúa bình quân dự kiến đạt 68 tạ/ha, sản lượng đạt 1.171,64 tấn. Các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn xã đều đã ứng dụng công nghệ cao từng phần, cơ giới hoá để sản xuất.
Tình hình sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại được duy trì và phát triển. Lao động qua đào tạo công nhân kỹ thuật không bằng (thợ mộc, thợ xây, hàn xì…) là 3.876 người. Số lao động trong lĩnh vực công nghiệp xây dựng 2.039 người có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định từ 5 đến 10 triệu đồng mỗi tháng góp phần nâng cao thu nhập cho ngành Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn.
Hoạt động thương mại – dịch vụ xã Hạ Bằng tiếp tục phát triển theo hướng dịch vụ bán hàng online. Trên địa bàn có khoảng 900 hộ gia đình và cá nhân kinh doanh dịch vụ tại chợ Roi, tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ, siêu thị mini, các mặt hàng ngày càng đa dạng, tiện ích đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng; dịch vụ cho thuê nhà ở sinh viên, công nhân, nhà nghỉ phát triển mạnh.
Bên cạnh đó, cùng với phát triển kinh tế, xã Hạ Bằng luôn chú trọng, đảm bảo thực hiện tốt công tác an sinh xã hội và giảm nghèo cho người dân. Thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, nâng cao hiệu quả các Chương trình an sinh xã hội, tăng cường công tác hỗ trợ, khuyến khích, động viên người nghèo vươn lên thoát nghèo. Tranh thủ sự quan tâm của huyện, xã kêu gọi thêm các nhà hảo tâm hỗ trợ, từ năm 2017 – 2023 đã xây sửa 2 nhà ở hộ nghèo, cận nghèo, 3 nhà tình nghĩa cho hộ chính sách; tạo điều kiện tham gia lớp học nghề miễn phí, giới thiệu việc làm trong các doanh nghiệp trên địa bàn huyện.
Từ năm 2022, xã Hạ Bằng không còn hộ nghèo; số hộ cận nghèo cuối năm 2023 là 35 hộ, trong đó có 7 hộ cận nghèo đa chiều chiếm 0,37% số hộ trong toàn xã. Theo kết quả điều tra thu nhập bình quân đầu người năm 2023 của xã Hạ Bằng là 85,25 triệu đồng/người/năm.
Ông Phùng Văn Nhâm, Chủ tịch UBND xã Hạ Bằng nhấn mạnh: Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, thay đổi diện mạo nông thôn và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Xã Hạ Bằng xác định, xây dựng nông thôn mới là quá trình lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Xã sẽ tiếp tục xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đạt được nhiều kết quả thiết thực hơn nữa.
Hiện nay, huyện Thạch Thất có 1 khu công nghiệp và 11 cụm công nghiệp làng nghề đang hoạt động và xây dựng mới. |
“Điểm sáng” phía Tây của Thủ đô
Huyện Thạch Thất có 22 xã và 01 thị trấn; đến năm 2017, huyện có 21/21 xã được Thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (riêng xã Thạch Hòa, thị trấn Liên Quan phát triển theo hướng đô thị). Huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Đến tháng 8/2024, huyện Thạch Thất có 5 xã được Thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Phấn đấu đến cuối năm 2024 có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tình hình kinh tế – xã hội của huyện Thạch Thất luôn phát triển và tăng trưởng ổn định, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, hệ thống chính trị, dân chủ cơ sở được củng cố…
Cụ thể, giá trị sản xuất nông – lâm – thủy sản năm 2023 đạt khoảng 1.870 tỷ đồng, bằng 100,2% kế hoạch năm và tăng 5,3% so với năm 2021. Trong 9 tháng đầu năm 2024 giá trị sản xuất nông – lâm – thủy sản ước đạt 1.375 tỷ đồng, bằng 71,4% kế hoạch năm và tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Toàn huyện Thạch Thất có 31 Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp đang kinh doanh các khâu dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp như: Tưới tiêu; bảo vệ đồng điền; giao thông, thủy lợi nội đồng; khuyến nông, bảo vệ thực vật; làm đất; cung ứng vật tư nông nghiệp; thu hoạch; bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra có 7 Hợp tác xã (Bình Yên, Dị Nậu, Hương Ngải, Kim Quan, Thạch Xá, Đại Đồng, Hạ Bằng) kinh doanh thêm dịch vụ mua bán điện nông thôn. Đến nay, có 14/31 Hợp tác xã hoạt động tốt, chiếm 45,2%; 8/31 Hợp tác xã hoạt động khá, chiếm 25,8%; 9/31 Hợp tác xã hoạt động trung bình, chiếm 29%.
Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện Thạch Thất có 23 trang trại (theo tiêu chí quy định tại Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/02/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), trong đó: 4 trang trại trồng trọt, 13 trang trại chăn nuôi, 1 trang trại thủy sản và 5 trang trại tổng hợp. Có 59 làng có nghề, trong đó có 10 làng được công nhận làng nghề truyền thống, các làng nghề truyền thống. Huyện có 1 khu công nghiệp và 11 cụm công nghiệp làng nghề đang hoạt động và xây dựng mới.
Từ năm 2021 đến tháng 9/2024, toàn huyện đã đào tạo nghề cho 17.230 lao động; giải quyết việc làm mới cho 23.323 lao động. Có 87% thôn, làng được công nhận và giữ vững danh hiệu thôn, làng văn hóa; 91,6% số gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa. 100% số xã đạt bộ tiêu chí Quốc gia về y tế. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế ước đạt 95,2% dân số. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch đạt 100% (trong đó tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch tập trung đạt 59,3%); 58/81 trường học công lập (Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT) đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 71,6%.
Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 trên địa bàn huyện Thạch Thất đạt 93 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chiếm 1,12%. Đến nay, huyện Thạch Thất có 162 sản phẩm OCOP đạt từ 3-4 sao, trong đó có 116 sản phẩm đạt 4 sao; 46 sản phẩm đạt 3 sao. Các chủ thể đã quan tâm hơn về kiểm soát chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, bán hàng, tiêu thụ sản phẩm, nên thị trường tiêu thụ được mở rộng, giá trị hàng hóa tăng cao hơn so với trước khi chưa đạt chứng nhận OCOP.
Ông Phùng Khắc Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất chia sẻ: Sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy, huyện đã đạt được một số kết quả rõ rệt trong công tác xây dựng nông thôn mới. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng phát triển sản xuất được quan tâm đầu tư, bộ mặt nông thôn ngày một đổi mới khang trang hơn, từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập, đi lại, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân, an ninh trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.