Thanh Hóa: Ban hành Công điện tập trung ứng phó với mưa lớn, lũ, sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt
Thanh Hóa: Ban hành Công điện tập trung ứng phó với mưa lớn, lũ, sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt
(Xây dựng) – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang vừa ký và ban hành Công điện số 23/CĐ-UBND về việc tập trung ứng phó với mưa lớn, lũ, sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt trên địa bàn tỉnh.
Từ ngày 21/9 đến 19h00 ngày 22/9, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra mưa mưa to đến rất to. |
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh, từ ngày 21/9 đến 19h00 ngày 22/9 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa to đến rất to; lượng mưa phổ biến từ 60-130mm, một số nơi có lượng mưa lớn. Trên các sông đã xảy ra đợt lũ, lúc 21h00 ngày 22/9, mực nước trên sông Mã tại Lý Nhân, sông Bưởi tại Kim Tân, sông Cầu Chày tại Xuân Vinh đạt mức xấp xỉ đến trên báo động 1.
Dự báo trong 24h tới, lũ trên các sông tiếp tục lên nhanh; mực nước lũ trên thượng nguồn sông Mã, sông Chu, sông Bưởi có khả năng lên mức báo động 3, có nơi trên báo động 3; hạ lưu sông Mã, sông Chu, sông Lèn, sông Cầu Chày ở mức trên báo động 1 đến báo động 2.
Để chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ, sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Giám đốc các Sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh, Giám đốc các Công ty: Khai thác công trình thủy lợi, Điện lực Thanh Hóa và các đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố: Tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của thiên tai để chỉ đạo triển khai công tác ứng phó kịp thời, phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương, bảo đảm an toàn tính mạng và giảm thiểu thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân, trong đó:
Rà soát, chủ động sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm để bảo đảm an toàn, nhất là các hộ dân tại khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt, các hộ dân sinh sống ven sông, vùng trũng thấp. Kiểm tra, chủ động triển khai biện pháp đảm bảo an toàn các công trình đê điều, hồ chứa và các công trình cơ sở hạ tầng. Chỉ đạo thực hiện nghiêm việc tuần tra, canh gác và hộ đê theo quy định; xử lý kịp thời các sự cố ngay từ giờ đầu. Bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông tại các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn. Chủ động bố trí lực lượng ứng trực tại các khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống.
Chủ động hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước uống, nhu yếu phẩm cho các hộ dân bị ảnh hưởng của thiên tai, nhất là các hộ dân tại các khu vực bị cô lập, phải đi sơ tán/di dời; tuyệt đối không để ai bị đói, bị rét, không có nơi ở, thiếu nước uống. Yêu cầu các ban, ngành và các đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện.