Thanh Hóa: Doanh nghiệp sản xuất cát nhân tạo đang gặp khó cho đầu ra
Thanh Hóa: Doanh nghiệp sản xuất cát nhân tạo đang gặp khó cho đầu ra
(Xây dựng) – Thanh Hóa là một tỉnh có lợi thế lớn về sản xuất cát nhân tạo, tuy nhiên với tâm lý e ngại sử dụng cát nhân tạo trong các công trình xây dựng, đang làm chậm sự phát triển của các doanh nghiệp sản xuất cát nhân tạo.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất cát nhân tạo đang gặp khó khăn cho đầu ra sản phẩm. |
Theo quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, Thanh Hóa sẽ phát triển các sản phẩm cát nghiền từ đá (cát nhân tạo) đáp ứng nhu cầu sử dụng. Mục tiêu đến năm 2025 sử dụng tối thiểu 30% cát nghiền, cát tái chế từ phế thải công nghiệp và xây dựng để thay thế cát tự nhiên; năm 2030 sử dụng tối thiểu 40% cát nghiền, cát tái chế từ phế thải công nghiệp.
Để phát triển cát nhân tạo, ngày 17/7/2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 20/2021/NQ-HĐND về “Chính sách khuyến khích phát triển khoa học và công nghệ trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025”. Theo đó, các tổ chức (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác), hộ gia đình, cá nhân đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa bắt đầu thực hiện và hoàn thành việc đầu tư mới hoặc đổi mới toàn bộ công nghệ – thiết bị sản xuất cát nhân tạo (cát nghiền) trong khoảng thời gian từ ngày nghị quyết có hiệu lực đến ngày 31/12/2025 sẽ được hỗ trợ đầu tư tối đa không quá 5 tỷ đồng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 18 dây chuyền sản xuất cát nhân tạo từ đá với tổng công suất 1.390.000 m3/năm. Trong đó, các doanh nghiệp sở hữu dây chuyền có công suất lớn là Công ty TNHH Hoàng Tuấn, Công ty TNHH MTV Tân Thành 2, Công ty Cổ phần Nghi Sơn 36, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hà Liên, Công ty TNHH Thương mại Phú Sơn… Những doanh nghiệp này đều có dây chuyền sản xuất với công suất đăng ký trên 100.000 m3/năm và được cấp phép khai thác mỏ đá, hoặc sản xuất bê tông tươi thương phẩm.
Nếu như người dân không còn tâm lý e ngại khi sử dụng cát nhận tạo trong các công trình xây dựng, thì công suất sản xuất cát nhân tạo và công suất khai thác cát tự nhiên sẽ cơ bản đáp ứng được nguồn cung vật liệu cát cho các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Theo đại diện một doanh nghiệp sản xuất cát nhân tạo cho biết: Hiện nay, cát nhân tạo chủ yếu sử dụng trong sản xuất bê tông và các công trình có sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, cát nhân tạo được thí nghiệm đảm bảo chất lượng tốt như cát tự nhiên và thậm chí còn tốt hơn cát tự nhiên. Bởi cát nhân tạo được sàng lọc, rửa các tạp chất trước khi đưa ra bãi tập kết, trong khi đó cát tự nhiên hút dưới sông lên rồi bơm lên bãi là chủ yếu, ít khi được sàng lọc. Ngoài ra, thành phần hạt cát nhân tạo đều hạt hơn so với cát tự nhiên. Tuy nhiên, tâm lý người dân chưa hiểu hết cho rằng cát nhân tạo được làm từ đá nghiền ra sẽ không tốt so với cát tự nhiên, nên hiện nay việc sử dụng cát nhân tạo đang còn ít.
Còn theo Sở Xây dựng Thanh Hóa: Theo quy hoạch đến năm 2030, trữ lượng cát trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 18 triệu m3, nhưng nhu cầu được dự báo cần khoảng 26,01 triệu m3, còn thiếu khoảng 8,01 triệu m3. Trong khi đó chưa tính đến nguồn cát cung ứng cho xây dựng công trình quốc gia trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và nhu cầu xây dựng nhà dân. Để bù vào sự thiếu hụt này, cát nhân tạo đang là một phần của giải pháp để đáp ứng nguồn cung về cát làm vật liệu xây dựng.
Cát nhân tạo đang được coi là vật liệu thân thiện với môi trường, ít ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và giảm thiểu được tình trạng sói lở bờ sông, tránh ảnh hưởng đến hệ sinh thái do khai thác cát quá mức cho phép.