Thanh Hóa: Sẽ giữ nguyên tên thành phố Thanh Hóa sau sáp nhập huyện Đông Sơn

Tháng tám 2, 2024

Thanh Hóa: Sẽ giữ nguyên tên thành phố Thanh Hóa sau sáp nhập huyện Đông Sơn

(Xây dựng) – Tỉnh Thanh Hóa đang hoàn thiện thủ tục cuối cùng, trước khi trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua đề án sáp nhập thành phố Thanh Hóa và huyện Đông Sơn.

Thanh Hóa: Sẽ giữ nguyên tên thành phố Thanh Hóa sau sáp nhập huyện Đông Sơn
Sẽ giữ nguyên tên thành phố Thanh Hóa sau khi sáp nhập với huyện Đông Sơn.

Ông Thiều Sỹ Định, Bí thư khu phố Cao Sơn, thị trấn Rừng Thông chia sẻ: “Việc nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa và thành lập phường Rừng Thông là chủ trương đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thanh Hóa, đồng thời đây là bước đi cụ thể hóa về phát triển quy hoạch đô thị Thanh Hóa đến năm 2040, để Thanh Hóa tương xứng với tiềm năng, vị thế đô thị loại I.

Cử tri phố Cao Sơn chúng tôi rất phấn khởi, đồng tình ủng hộ và tin tưởng tuyệt đối vào đề án này, vì hợp với ý Đảng, lòng dân. Chúng tôi mong chờ ngày huyện Đông Sơn nhập và thành lập phường Rừng Thông thuộc thành phố Thanh Hóa, sẽ tiếp tục được đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông để phát triển kinh tế – xã hội, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao”.

Ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, địa phương đang hoàn thiện thủ tục cuối cùng trước khi trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua đề án sáp nhập thành phố Thanh Hóa và huyện Đông Sơn, các đơn vị hành chính mới vẫn giữ tên thành phố Thanh Hóa do có ưu điểm về văn hóa lịch sử và tiết kiệm kinh phí. Địa phương này cũng đang hoàn thiện thủ tục cuối cùng trước khi trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua đề án sáp nhập.

Theo đó, chính quyền huyện Đông Sơn và thành phố Thanh Hóa cũng vừa hoàn thành bước lấy ý kiến người dân, cơ bản nhận được đồng thuận cao. Dự kiến trong năm 2024 hoặc nửa đầu năm 2025, kế hoạch sáp nhập hai đơn vị hành chính cấp huyện này sẽ hoàn thành.

Được biết, kế hoạch sáp nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa dự kiến thực hiện vào tháng 7/2023, song phải lùi lại do vướng mắc một số thủ tục hành chính. Theo dự thảo Đề án đang được trình các Bộ, ngành Trung ương, toàn bộ gần 83km2, dân số hơn 101.000 ở 14 xã, thị trấn của huyện Đông Sơn sẽ nhập vào thành phố Thanh Hóa.

Sau sáp nhập, thành phố sẽ có diện tích tự nhiên hơn 228km2, dân số hơn 570.000, với 37 phường và 11 xã. Có 7 phường dự kiến được lập mới gồm Rừng Thông, Hoằng Quang, Hoằng Đại, Đông Tiến, Đông Văn, Đông Khê và Đông Thịnh.

Vấn đề đặt tên gọi cho đơn vị hành chính mới sau sáp nhập thời gian qua nhận được sự quan tâm lớn của người dân. Một số nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa cho rằng cần đặt tên thành phố mới là thành phố Đông Sơn, bởi gắn liền với tên gọi một nền văn hóa nổi tiếng trong lịch sử đất nước.

Tuy nhiên, theo Ban soạn thảo đề án, tên gọi này sẽ nảy sinh một số bất cập, lãng phí về mặt kinh tế. Cụ thể theo đề án, danh xưng Thanh Hóa đã có từ gần 1.000 năm, xuyên suốt quá trình chia tách, mở rộng, thành lập các đơn vị hành chính. Trải qua nhiều thời kỳ phát triển của đất nước cũng như của tỉnh Thanh Hóa thì lỵ sở, đô thị tỉnh lỵ tên gọi Thanh Hóa vẫn không thay đổi. Mặt khác, tên gọi Thanh Hóa đã được định vị và nhận diện rộng khắp trong nước và quốc tế, gắn liền với quá trình hội nhập, phát triển của tỉnh Thanh Hóa.

Thanh Hóa: Sẽ giữ nguyên tên thành phố Thanh Hóa sau sáp nhập huyện Đông Sơn
Một góc thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn.

Cũng theo phân tích từ đề án, thành phố Thanh Hóa hiện có quy mô dân số hơn 500.000 người, hàng nghìn doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn, vì vậy giữ tên gọi cũ sẽ hạn chế tác động, ảnh hưởng đến kinh tế – xã hội, đời sống người dân so với tên gọi khác. “Giữ nguyên tên gọi cũ sẽ góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm tải áp lực giải quyết thủ tục hành chính do phải thay đổi thông tin định danh cá nhân, giấy tờ tùy thân, địa chỉ liên lạc của người dân, tổ chức và doanh nghiệp…”, đề án viết.

Tên gọi thành phố Thanh Hóa cũng được cho là phù hợp với định danh đô thị tỉnh lỵ Thanh Hóa trong nhiều văn bản quan trọng của Trung ương và của tỉnh như Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị; quy hoạch tỉnh, Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040, Nghị quyết 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (đều sử dụng tên thành phố Thanh Hóa và đô thị Thanh Hóa).

Ngoài ra, theo Ban soạn thảo đề án, tên gọi thành phố Thanh Hóa cũng đảm bảo quy định của pháp luật và thông lệ hiện nay, khi nhập đơn vị hành chính nông thôn vào đơn vị hành chính đô thị thì giữ nguyên tên gọi của đơn vị hành chính đô thị. Theo khảo sát, toàn quốc có 29/58 thành phố thuộc tỉnh trùng tên với tỉnh, riêng Bắc bộ và Bắc Trung bộ có 20 thành phố thuộc tỉnh (chiếm gần 69%) trùng tên tỉnh như: Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Yên Bái, Lào Cai… và chưa có thành phố thuộc tỉnh nào đổi tên gần đây.

“Địa danh Đông Sơn, văn hóa Đông Sơn không bị mất đi mà sẽ tiếp tục được duy trì, lưu giữ và phát huy giá trị”, đề án nhận định và đi đến thống nhất lựa chọn tên đơn vị hành chính mới sau sáp nhập là thành phố Thanh Hóa.

Thành phố Thanh Hóa được thành lập năm 1993 từ thị xã Thanh Hóa cũ, trở thành đô thị loại III, rồi đô thị loại II năm 2003, đến năm 2014 được công nhận là đô thị loại I. Thành phố hiện có diện tích tự nhiên 147km2, 30 phường và 4 xã, quy mô dân số gần 500.000 người, là thành phố trực thuộc tỉnh có nhiều phường nhất cả nước.

Tháng 7/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2030 nhằm giải quyết bất hợp lý về phân định địa giới, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, tạo thuận lợi cho quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

Bạn đang đọc Tin tức xây dựng trên website hungday.com