Thanh Hóa: Tiếp tục ưu tiên vốn đầu tư công xây dựng cơ sở hạ tầng
Thanh Hóa: Tiếp tục ưu tiên vốn đầu tư công xây dựng cơ sở hạ tầng
(Xây dựng) – Tỉnh Thanh Hóa tiếp tục ưu tiên các nguồn vốn đầu tư công ngân sách Nhà nước, cho xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, trọng tâm là đầu tư cơ sở hạ tầng 6 hành lang kinh tế.
Thanh Hóa sẽ tiếp tục ưu tiên các nguồn vốn đầu tư công ngân sách Nhà nước cho xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. |
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ký Chỉ thị số 15 về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 – 2030 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, mục tiêu và định hướng đầu tư công giai đoạn 2026 – 2030 của tỉnh Thanh Hóa là thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư công phục vụ cho việc thực hiện dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2026 – 2030 của tỉnh, góp phần đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo; nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, văn hóa và thể thao.
Mục tiêu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước – một cực tăng trưởng mới, có nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc theo Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị và Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 27/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Chỉ thị nêu rõ, số lượng dự án đầu tư vốn ngân sách Nhà nước thực hiện trong giai đoạn 2026 – 2030 phải thấp hơn giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, ngân sách Trung ương thấp hơn khoảng 15 – 20% tổng số lượng dự án; để tập trung cho các dự án lớn quan trọng và không mất nhiều thời gian hoàn thiện thủ tục.
Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục ưu tiên các nguồn vốn đầu tư công ngân sách Nhà nước, cho xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, trọng tâm là đầu tư cơ sở hạ tầng 6 hành lang kinh tế, gồm: Hành lang kinh tế ven biển, hành lang kinh tế Bắc Nam, hành lang kinh tế trung tâm, hành lang kinh tế quốc tế, hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh (xa lộ nông nghiệp), hành lang kinh tế Đông Bắc.
Đồng thời, phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực gồm: Trung tâm động lực phía Nam (Khu kinh tế Nghi Sơn), trung tâm động lực thành phố Thanh Hóa – Sầm Sơn, trung tâm động lực phía Tây (Lam Sơn – Sao Vàng), trung tâm động lực phía Bắc (Bỉm Sơn – Thạch Thành); các công trình liên tỉnh, liên vùng, kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế, khu công nghiệp và cụm công nghiệp.
Đầu tư các công trình thuộc các lĩnh vực giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn; cơ sở hạ tầng các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu, điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Đầu tư các công trình thiết yếu thuộc các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch; thông tin – truyền thông, chuyển đổi số; khoa học công nghệ; giáo dục và đào tạo; y tế; lao động, việc làm; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đầu tư các công trình đảm bảo quốc phòng, an ninh…
Đầu tư các công trình thuộc các lĩnh vực giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn, cơ sở hạ tầng các vùng miền. |
Trước đó, ngày 31/8/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 929/QĐ-TTg, về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Quyết định nêu rõ, nguyên tắc xác định các dự án đầu tư công là ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng; hạ tầng Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp; hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, an sinh xã hội, khoa học.
Tiếp tục ưu tiên đầu tư hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, đê điều, cấp nước, xử lý rác thải, nước thải, y tế, giáo dục, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững; quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới của tỉnh Thanh Hóa.
Nhờ sự đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối các vùng, hoạt động vận tải trên địa bàn. |
Ông Vũ Ngọc Điệp (50 tuổi) xã Định Liên chia sẻ: “Được sự quan tâm của Đảng và chính quyền địa phương, nay có con đường mới việc đi lại thuận tiện hơn. Nhờ sự đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối các vùng, hoạt động vận tải trên địa bàn huyện chúng tôi đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, năng lực vận tải đáp ứng tốt nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân”.
Trao đổi với phóng viên Tin tức xây dựng mới nhất, đại diện lãnh đạo huyện Yên Định cho biết: “Xác định phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là một yếu tố rất quan trọng phải đi trước một bước để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, xóa bỏ rào cản giữa thành thị và nông thôn, rút ngắn khoảng cách phân hóa giàu nghèo mang lại bộ mặt mới cho nông thôn, nên cùng với sự tranh thủ từ nguồn đầu tư của Trung ương, tỉnh đã chú trọng ưu tiên nguồn vốn cho đầu tư hạ tầng giao thông. Trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, các chủ đầu tư hay các cơ quan, tổ chức được giao trực tiếp quản lý dự án đầu tư công đóng vai trò rất quan trọng.
Dự án mở đường giao thông nối Quốc lộ 45 và Quốc lộ 47 trên địa bàn huyện Yên Định, với tổng vốn đầu tư là 227 tỷ đồng, chạy qua 5 xã (Định Liên, Yên Thái, Yên Ninh, Yên Phong, Yên Trường), đến nay dự án đã hoàn thành đạt khoảng 98%. Hiện tại, Yên Định là một trong những địa phương nằm trong top những chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt khá cao”.