Thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ quản lý tốt về đô thị, đất đai theo quy hoạch

Tháng mười 21, 2024

Thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ quản lý tốt về đô thị, đất đai theo quy hoạch

(Xây dựng) – Theo Tờ trình của Chính phủ về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, chính quyền đô thị có điều kiện đáp ứng tốt hơn trong quản lý trật tự xây dựng, đô thị, quản lý đất đai theo quy hoạch, cơ sở hạ tầng, dân cư…

Thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ quản lý tốt về đô thị, đất đai theo quy hoạch
Thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ có 2 quận mới.

Thành lập 2 quận mới

Tại Tờ trình số 614/TTr-CP về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, Chính phủ đề xuất thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở nguyên trạng 4.947,11km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.236.393 người của tỉnh Thừa Thiên – Huế. Thành lập 2 quận (Phú Xuân, Thuận Hóa) trên cơ sở thành phố Huế hiện hữu, thành lập thị xã Phong Điền trên cơ sở nguyên trạng huyện Phong Điền. Huyện Nam Đông được sáp nhập vào huyện Phú Lộc để thành lập huyện Phú Lộc mới.

Kết quả, thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ có 4.947,11km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.236.393 người, với có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 2 quận, 3 thị xã, 4 huyện (không thay đổi số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, nhưng có giảm 1 thành phố, 2 huyện và tăng 2 quận, 1 thị xã).

Thành phố Huế trực thuộc Trung ương có 133 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 78 xã, 48 phường, 7 thị trấn (giảm 8 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó giảm 17 xã và tăng 9 phường), tỷ lệ đô thị hóa 63,02% (779.207 người/1.236.393 người).

Tờ trình của Chính phủ đã đưa ra nhận định khi thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Về tác động tích cực, sẽ là bước đột phá để phát triển kinh tế – xã hội, phát huy các tiềm năng, lợi thế về giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, phát huy các giá trị văn hoá lịch sử đã được UNESCO ghi nhận. Cùng với thành phố Đà Nẵng, thành phố Huế trực thuộc Trung ương là động lực phát triển kinh tế của khu vực miền Trung và cả nước.

Các nguồn vốn được thành phố huy động, tập trung đầu tư cho các hạng mục trong quy hoạch, ưu tiên cho các dự án về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, trùng tu, phục hồi các giá trị di sản văn hoá vật thể, phi vật thể và tư liệu của nhân loại đã được UNESCO công nhận.

Cơ cấu nền kinh tế của thành phố sẽ chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tốc độ tăng trưởng cao hơn, đặc biệt là các nhóm ngành công nghiệp – xây dựng và dịch vụ – du lịch. Đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển và phân bố lực lượng sản xuất theo hướng giảm lao động trong ngành sản xuất nông nghiệp, tăng nhanh tỷ lệ lao động trong các ngành phi nông nghiệp; làm thay đổi cơ cấu kinh tế và tính chất lao động theo hướng tích cực.

Các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh sản xuất, dịch vụ xoay quanh và phục vụ các khu vực đô thị sẽ góp phần giải quyết công ăn việc làm, thu hút lượng lớn lao động tại địa phương, các vùng phụ cận và lao động có trình độ cao từ các địa phương khác, tăng nguồn thu cho địa phương và tăng thu nhập cho người dân.

Thương hiệu thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển sôi động, kích thích nguồn cung chất lượng và nguồn vốn lớn từ doanh nghiệp, người dân các địa phương trong cả nước và đặc biệt là đầu tư nước ngoài.

Trên thực tế, nhìn lại quá trình phát triển của các thành phố trực thuộc Trung ương như: Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ… hàng loạt công trình hạ tầng được xây dựng đồng bộ và hiện đại, các chính sách “mở cửa” thông thoáng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, du lịch được đẩy mạnh, thúc đẩy phát triển đô thị xứng tầm của quốc gia.

Qua đó, đông lực thúc đẩy công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, là cơ sở và điều kiện để Huế phát triển theo hướng đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường gắn với triển khai chính quyền số, đô thị thông minh.

Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh, là động lực để Huế trở thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á và thế giới về văn hóa, du lịch lịch sử, mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam.

Tạo điều kiện cho Huế khai thác hết tiềm năng, thế mạnh cho phát triển bền vững, đồng thời bảo vệ, giữ gìn được quần thể di tích di sản có quy mô lớn nhất, mang tính toàn vẹn, điển hình nhất của đất nước, góp phần giữ gìn, củng cố bản sắc dân tộc trong quá trình hội nhập toàn cầu và nâng cao giá trị, sức thu hút của ”điểm đến đặc sắc Việt Nam” trên bản đồ thế giới…

Quản lý tốt về đô thị, đất đai theo quy hoạch

Về quản lý Nhà nước, tỉnh Thừa Thiên – Huế đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, bộ máy chính quyền nông thôn không còn phù hợp, bộc lộ nhiều hạn chế khi chưa được tổ chức quản lý liên thông, thống nhất theo mô hình của chính quyền đô thị. Chính quyền đô thị có điều kiện đáp ứng tốt hơn những nhiệm vụ quan trọng, như: Quản lý trật tự xây dựng, đô thị, quản lý đất đai theo quy hoạch, cơ sở hạ tầng, dân cư và địa bàn về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Bộ máy hành chính các cấp được tổ chức và vận hành phù hợp với sự phát triển của đô thị lớn, làm nền tảng cho công tác quản lý Nhà nước và là cơ sở để phát triển đô thị nhanh, bền vững, theo đúng định hướng.

Thành lập thành phố trực thuộc Trung ương sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và toàn diện, tạo điều kiện thuận lợi để địa phương thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc hiệu quả hơn. Các thủ tục hành chính được cải cách, đơn giản hóa, cơ chế một cửa, một cửa liên thông thực hiện trên môi trường điện tử gắn với tăng cường chuyển đổi số giúp giải quyết công việc nhanh, hiệu quả hơn, giảm áp lực cho các dịch vụ hành chính công, thuận lợi cho giao dịch hành chính và giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Tăng quỹ đất xây dựng, tăng nguồn đóng góp cho ngân sách của thành phố để đầu tư vào xây dựng các cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, các công trình công cộng, trường học, trạm y tế, trung tâm văn hóa… tạo thuận lợi cho việc tăng thu nhập bình quân đầu người lên mức cao hơn; nâng cao hơn công tác chăm sóc sức khỏe, giáo dục và phục vụ đời sống nhân dân trên địa bàn được tốt hơn.

Một số phát sinh gây xáo trộn ban đầu

Theo Tờ trình của Chính phủ, đánh giá tổng quan, khi thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương có các tác động tích cực là chủ yếu và cơ bản. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có một số tác động khách quan, đặt ra yêu cầu đối với cả hệ thống chính trị địa phương cần có giải pháp để giải quyết các tác động không tích cực phát sinh.

Cụ thể, địa danh hành chính có thay đổi do thành lập mới thành phố trực thuộc Trung ương thời gian đầu có thể gây xáo trộn nhất định đến đời sống và tâm tư của một số người dân vì tư tưởng coi trọng văn hóa làng quê, họ tộc… Công tác giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn phải thay đổi lại địa chỉ, giấy tờ cá nhân mới cho phù hợp.

Phát triển kinh tế – xã hội và quá trình đô thị hóa sẽ dẫn đến một số vấn đề bất cập mới nảy sinh cần phải quan tâm giải quyết, như: Tình trạng di dân từ nông thôn đến thành thị; lao động, việc làm, chuyển dịch cơ cấu, thành phần dân cư; quản lý kiến trúc cảnh quan và môi trường đô thị.

Các không gian di sản xen lẫn trong đô thị là một lợi thế, tuy nhiên cũng sẽ hạn chế không gian phát triển cho việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Việc phát triển thành đô thị trực thuộc Trung ương sẽ cần nguồn lực đầu tư rất lớn, trong khi nguồn thu ngân sách địa phương chưa cao phần nào tạo áp lực đối với thành phố trong giai đoạn đầu. Việc đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ quản lý đô thị các cấp cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện.

Việc chuyển từ chính quyền nông thôn sang chính quyền đô thị bước đầu tạo áp lực đối với chính quyền địa phương trong việc giải quyết các vấn đề về cơ sở hạ tầng xã hội (y tế, giáo dục…). Chi phí sinh hoạt có khả năng tăng hơn, ảnh hưởng đến một bộ phận dân cư, nhất là người có thu nhập thấp, tác động phần nào đến vấn đề an sinh xã hội, đời sống của một bộ phận người dân.