Thành phố Điện Biên Phủ: Phát triển hệ thống đô thị hiện đại

Tháng tám 2, 2024

Thành phố Điện Biên Phủ: Phát triển hệ thống đô thị hiện đại

(Xây dựng) – Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, những năm qua, thành phố Điện Biên Phủ luôn chú trọng quan tâm đến công tác quy hoạch và quản lý đô thị. Hiện nay, thành phố đang tập trung hoàn thiện các tiêu chí của đô thị trung tâm, góp phần tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao chất lượng đời sống của người dân trên địa bàn.

Thành phố Điện Biên Phủ: Phát triển hệ thống đô thị hiện đại
Thành phố Điện Biên Phủ phát huy giá trị của Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt “Chiến trường Ðiện Biên Phủ”.

Động lực thu hút đầu tư

Theo Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Điện Biên Phủ là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế – xã hội, thương mại – dịch vụ, du lịch, khoa học – kỹ thuật, giáo dục – đào tạo, văn hóa nghệ thuật của tỉnh, là đô thị trung tâm của vùng Tây Bắc. Quy hoạch tỉnh là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức thực hiện phát triển đô thị đồng bộ, hiện đại, phù hợp với định hướng của hệ thống đô thị quốc gia và với cấu trúc chiến lược tổng thể kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh của tỉnh.

Phát triển có trọng điểm với định hướng hình thành các đô thị lớn, đô thị bền vững thông minh, đô thị xanh thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhằm xây dựng thành phố Điện Biên Phủ trở thành đô thị xanh – sạch – văn minh, hoàn thành tiêu chí đô thị loại II vào năm 2025.

Để từng bước nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý đô thị, chính quyền thành phố Điện Biên Phủ đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của tỉnh rà soát, hoàn chỉnh các quy hoạch liên quan. Những công trình: Nhà khách tỉnh, đường 60m, tuyến đường động lực kết nối từ phía Đông sang phía Tây thành phố, chỉnh trang cải tạo kè sông Nậm Rốm, khu trung tâm chính trị hành chính tỉnh Điện Biên, khu trung tâm thương mại và nhà ở thương mại thành phố do Tập đoàn Vin Group đầu tư, dự án khu đô thị mới, phố đi bộ sân bay Mường Thanh… đã và sẽ hình thành tạo diện mạo mới cho đô thị trung tâm.

Hiện thành phố đang tổ chức lập quy hoạch chung theo địa giới hành chính mới, nhiệm vụ quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 408, ngày 18/4/2023. Đây được xác định là đồ án rất quan trọng, không những đóng vai trò động lực phát triển của tỉnh mà còn là trung tâm đô thị du lịch quốc gia đã được định hướng trong quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn giai đoạn 2021 – 2030, đáp ứng với yêu cầu phát triển của thành phố nói riêng, tỉnh Điện Biên nói chung trong giai đoạn mới.

Để thực hiện được chủ trương đó, các địa phương tập trung triển khai thực hiện lập quy hoạch chung, điều chỉnh quy hoạch, chương trình phát triển đô thị, đề án phân loại đô thị, thành phố tiếp tục tổ chức rà soát quy hoạch, thẩm định, đề xuất giải pháp thực hiện, triển khai các hoạt động đầu tư “Khu quần thể giao lưu văn hóa ẩm thực Aquaria Điện Biên Phủ”; điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu trung tâm thể dục thể thao tỉnh Điện Biên; quy hoạch tổng mặt bằng dự án Cửa hàng xăng dầu Huổi Phạ; điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu, tỷ lệ 1/5.000 khu vực phía Bắc thành phố Điện Biên Phủ gắn với quy hoạch Cảng hàng không Điện Biên và điều chỉnh cục bộ quy hoạch hạ tầng khu đường 60m.

Về kết cấu hạ tầng của thành phố Điện Biên Phủ hoàn thiện tạo động lực thúc đẩy các địa phương vệ tinh xung quanh phát triển. Trong đó, chỉnh trang đô thị phục vụ đón Tết Nguyên đán năm 2024, lễ hội Hoa Ban năm 2024, lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Bảo dưỡng, sửa chữa cầu treo bản Đông Mệt 1 và Đông Mệt 2 xã Pá Khoang nhằm đảm bảo an toàn sau thời gian đưa vào vận hành, khai thác sử dụng và đủ điều kiện an toàn trên cung đường chạy Điện Biên Phủ – Marathon 2024.

Kiểm tra thực tế đối với đề nghị đấu nối hệ thống thoát nước của dự án Khách sạn Mường Thanh Luxury Điện Biên Phủ, trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh…

Cho đến nay, nhiều tuyến đường, khu đô thị được xây dựng, sửa chữa cũng góp phần thay đổi bộ mặt của thành phố Điện Biên Phủ. Các công trình được đẩy nhanh tiến độ thi công cuốn chiếu, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, bảo đảm chất lượng, an toàn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc như: Việc lập, quản lý quy hoạch chi tiết các khu, điểm theo quy định chung xây dựng thành phố tại một số thời điểm đáp ứng được yêu cầu đề ra. Việc phối hợp với UBND các phường, xã, Đội Quản lý trật tự đô thị trong công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố có lúc còn chưa kịp thời, chưa chặt chẽ.

Thành phố Điện Biên Phủ: Phát triển hệ thống đô thị hiện đại
Một góc đô thị thành phố Điện Biên Phủ nhìn từ trên cao.

Tạo diện mạo mới đô thị

Trong thời gian tới, thành phố Điện Biên Phủ tiếp tục tăng cường công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc xây dựng đô thị và triển khai lập các dự án quy hoạch chi tiết các khu, điểm theo quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư theo định hướng phát triển của địa phương, phù hợp với các quy hoạch, khuyến khích các dự án phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn. Phát triển nông nghiệp nông thôn gắn với du lịch sinh thái, du lịch lịch sử và du lịch cộng đồng, huy động mọi nguồn lực để thực hiện các dự án ưu tiên trong chương trình phát triển đô thị.

Đầu tư nâng cấp kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị đảm bảo yêu cầu phát triển dân số và kinh tế – xã hội khu vực đô thị; nâng cao năng lực quản lý, quản trị đô thị để thu hút người dân sinh sống tại các đô thị.

Ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch UBND thành phố Điện Biên Phủ cho biết: Thành phố sẽ chú trọng thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai nhằm phục vụ các dự án phát triển kinh tế – xã hội và hạ tầng đô thị. Chỉnh trang các khu dân cư trong khu đô thị hiện hữu và các vùng lân cận để bố trí, ổn định dân cư bảo đảm phù hợp với quy hoạch góp phần tạo diện mạo mới cho đô thị thành phố và tăng dân số cơ học, tăng mật độ dân số để từng bước đáp ứng về quy mô dân số toàn đô thị và mật độ dân số đô thị theo tiêu chí đô thị loại II.

Khi thẩm định, tham gia ý kiến các đồ án quy hoạch, Sở Xây dựng đều lưu ý các khu vực cần bảo tồn, tu bổ, gìn giữ để phát huy giá trị lịch sử, bên cạnh đó quan tâm các khu phát triển mới, khu công viên cây xanh, các dự án hạ tầng, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc.

Đối với 45 điểm di tích lịch sử trên địa bàn là điều kiện thuận lợi để xây dựng thành phố Điện Biên Phủ giàu bản sắc văn hóa trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị của di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt “Chiến trường Ðiện Biên Phủ” cùng với đặc trưng về sinh thái, cảnh quan, môi trường, văn hóa nhân văn.

Bạn đang đọc Tin tức xây dựng trên website hungday.com