Thành phố Hồ Chí Minh chốt thời điểm vận hành thương mại tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên
Thành phố Hồ Chí Minh chốt thời điểm vận hành thương mại tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên
(Xây dựng) – UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án xây dựng đường sắt đô thị số 1 (metro Bến Thành – Suối Tiên) vào cuối quý IV/2024.
Thành phố Hồ Chí Minh chốt thời điểm vận hành thương mại tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên vào cuối quý IV/2024. |
Theo đó, Quyết định điều chỉnh thời gian thực hiện dự án bao gồm thời gian hoàn thành thi công vào cuối quý IV/2024. Các nội dung khác không thay đổi so với quyết định đã được duyệt năm 2023.
UBND Thành phố Hồ Chí Minh giao Ban Quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (MAUR) là chủ đầu tư, chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, tính chính xác, trung thực của các thông tin, số liệu báo cáo, tài liệu trình.
Cụ thể, yêu cầu MAUR có nhiệm vụ tổ chức thực hiện dự án metro số 1 theo đúng quy định pháp luật đảm bảo chất lượng, hiệu quả, thời gian hoàn thành thi công và vận hành thương mại toàn tuyến cuối quý IV này.
Theo báo cáo mới nhất của MAUR, đến nay khối lượng toàn dự án metro số 1 đã thực hiện đạt 98,58%.
Trong đó, gói thầu CP1a đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố đạt 100%.
Bên cạnh đó, gói thầu CP1b đoạn ngầm từ ga Nhà hát đến ga Ba Son đạt 99,96%. Gói thầu CP2 đoạn trên cao và depot đạt 99,76%; gói CP3 mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng đạt 96,79%.
Dự án metro Bến Thành – Suối Tiên có tổng mức đầu tư 43.700 tỷ đồng, chiều dài khoảng 19,7km, trong đó có 17,1km ở trên cao, đoạn còn lại đi ngầm. Đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh trong số 8 dự án được quy hoạch.
Tuyến metro này được khởi công từ năm 2012 có lý trình bắt đầu từ nhà ga Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình (Thành phố Thủ Đức). Tuy nhiên, dự án này đã gặp nhiều vướng mắc nên khó có thể về đích đúng hạn, nhiều lần gia hạn thời gian hoàn thành.
Metro số 1 là hạ tầng giao thông quan trọng kết nối khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh với thành phố Thủ Đức. Khi dự án đi vào hoạt động sẽ giảm thiểu lưu lượng xe cộ, bớt kẹt xe, giảm tải áp lực cho các tuyến đường hiện hữu. Bên cạnh đó, tuyến metro này hiện cũng đang được nghiên cứu để kéo dài về phía Đồng Nai và Bình Dương giúp tăng kết nối, hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông của cả khu vực.