Thành phố Hồ Chí Minh: Chưa áp dụng bảng giá đất điều chỉnh từ ngày 1/8
Thành phố Hồ Chí Minh: Chưa áp dụng bảng giá đất điều chỉnh từ ngày 1/8
(Xây dựng) – Nội dung trên được ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết tại cuộc họp về tình hình kinh tế – xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh tháng 7, chiều 1/8.
Lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp về tình hình kinh tế – xã hội tháng 7. (Ảnh: TTBC) |
Ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, trong số các nội dung triển khai Luật Đất đai sửa đổi, UBND cấp tỉnh được xem xét, sử dụng bảng giá đất cũ hoặc điều chỉnh bảng giá đất. Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã có chủ trương điều chỉnh bảng giá đất cũ. Việc điều chỉnh bảng giá đất gồm 7 bước và Sở Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành 6 bước.
Toàn bộ dữ liệu của đơn vị tư vấn thu thập trên địa bàn được cân chỉnh và chuyển cho Tổ giúp việc của HĐND Thành phố Hồ Chí Minh xem xét, thẩm định. “Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố đang cho ý kiến, vì vậy bảng giá đất điều chỉnh chưa áp dụng từ ngày 1/8”, ông Thắng cho biết.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, bảng giá đất lần này là bảng giá điều chỉnh, chứ Thành phố chưa xây dựng bảng giá đất mới theo Luật Đất đai 2024.
“Bảng giá đất mới sẽ được xây dựng và áp dụng từ ngày 1/1/2026. Bảng giá điều chỉnh hiện nay là điều chỉnh giá cũ, cập nhật giá đất giao dịch hiện hành, giá bồi thường đã được phê duyệt, giá cụ thể diễn biến trên thị trường để đảm bảo không gây thất thoát trong bối cảnh bảng giá cũ quá thấp”, ông Thắng cho hay.
Ông Nguyễn Toàn Thắng lấy ví dụ trên địa bàn có một số tuyến đường theo bảng giá cũ chỉ 1-2 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá giao dịch thực tế lên đến 100 – 200 triệu đồng/m2. Do đó, Thành phố cần điều chỉnh lại để có bảng giá phù hợp nhất sử dụng trong giai đoạn này.
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thông tin thêm, trong tháng 7, số lượng hồ sơ đất đai của Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tăng. Cụ thể, toàn địa bàn Thành phố tiếp nhận gần 40.000 hồ sơ đất đai, nhiều nhất vẫn là các hồ sơ mua bán, thế chấp.
“Do hồ sơ nhà đất tăng nên nguồn thu liên quan đất đai của Thành phố Hồ Chí Minh là hơn 12.000 tỷ trong 7 tháng qua. Điều này cho thấy người dân có nhu cầu cao về lĩnh vực giao dịch bất động sản, thế chấp bất động sản”, ông Thắng nhìn nhận.
Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh lấy ý kiến dự thảo về ban hành Quyết định điều chỉnh Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16/1/2020 về bảng giá đất trên địa bàn. Đáng chú ý, theo dự thảo, giá đất tại nhiều địa bàn có xu hướng tăng trung bình từ 5-10 lần so với bảng giá đất hiện hữu (áp dụng từ năm 2020 đến nay).
Cụ thể, giá đất ở đô thị cao nhất của Thành phố Hồ Chí Minh là 810 triệu đồng/m2 tại các tuyến đường trung tâm quận 1 như: Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi. So với bảng giá đất hiện hành, giá đất dự kiến này đã tăng gấp 5 lần. Đơn cử, bảng giá đất đường Đồng Khởi, Lê Lợi từ 162 triệu đồng/m2 tăng lên 810 triệu đồng/m2 (tăng 648 triệu đồng/m2).
Một số tuyến đường lân cận như Phan Bội Châu dự kiến là 348 triệu đồng/m2 (tăng 278,4 triệu đồng/2); đường Phan Chu Trinh dự kiến là 440 triệu đồng/m2 (tăng 352 triệu đồng/m2); đường Phạm Hồng Thái có giá 418 triệu đồng/m2 (tăng 334,4 triệu đồng/m2)…
Tại thành phố Thủ Đức, bảng giá đất hiện hành nhiều tuyến đường chỉ có giá từ 5 – 7 triệu đồng/m2, dự kiến điều chỉnh lên giá 65 – 88 triệu đồng/m2. Đường Trần Não dự kiến có giá 149 triệu đồng/m2, trong khi bảng giá hiện hành chỉ có giá từ 13 – 22 triệu đồng/m2. Hay đường Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền dự kiến có giá 149 triệu đồng/m2, bảng giá đất hiện hành chỉ 9,2 triệu đồng/m2; đường Xuân Thủy dự kiến tăng từ 11 triệu đồng/m2 lên 163 triệu đồng/m2…
Khu vực huyện Nhà Bè, bảng giá đất hiện hành nhiều tuyến đường có giá chỉ từ 1,4 – 4,5 triệu đồng/m2, dự kiến sẽ có giá từ 20 – 70 triệu đồng/m2. Đơn cử, đường Phạm Hùng tăng từ 3 triệu đồng/m2 lên 70 triệu đồng/m2; đường Nguyễn Hữu Thọ (đoạn cầu rạch đĩa 2 – cầu Bà Chiêm) dự kiến có giá 84 triệu đồng/m2, trong khi bảng giá hiện hành chỉ có 8 triệu đồng/m2…
Bạn đang đọc Tin tức xây dựng trên website hungday.com