THE BREADWINNER (2017) – Những Đứa Trẻ Buộc Phải Trưởng Thành

Tháng sáu 30, 2024

Có những bộ phim hoạt hình đến từ các xưởng phim độc lập, với nét vẽ 2D truyền thống và kể những câu chuyện về cuộc đời thực tế chẳng có những yếu tố siêu nhiên. Nghe có vẻ chẳng có gì hấp dẫn giữa thế giới điện ảnh rộng lớn luôn ngập tràn bom tấn được “vẽ” nên bởi công nghệ đỉnh cao để truyền tải câu chuyện siêu tưởng. 
Thế nhưng, khi dõi một bộ phim “nhỏ bé” về những phận người có phần tầm thường dám mưu cầu những điều phi thường giữa hoàn cảnh vô cùng khác thường, mình như được chạm vào một “mỏ vàng” ẩn chứa tinh túy vượt thời gian bị che phủ bởi truyền thông rầm rộ và nhịp sống hối hả. The Breadwinner là một bộ phim như vậy. 

(Nguồn ảnh: IMP Awards)
The Breadwinner ra mắt vào năm 2017 và được dịch qua tựa việt là Cô Bé Dũng Cảm, thế nhưng dịch sát nghĩa phải là trụ cột gia đình. Dẫu không nổi tiếng ở Việt Nam, bộ phim đến từ hãng phim Saloon ở Ireland từng lọt vào danh sách Đề Cử Oscar hạng mục Phim Hoạt Hình Hay Nhất cùng năm. 
Lấy bối cảnh vào những năm 2001, đất nước Afghanistan nằm dưới sự kiểm soát của tổ chức hồi giáo cực đoan Taliban. Khi đó, phụ nữ và bé gái bị coi là nguồn cơn của mâu thuẫn, bất đồng nên phải chịu sự áp bức nặng nề, bị tước đi những quyền cơ bản nhất như chỉ được ra đường nếu có đàn ông đi cùng, không được đến trường hay học chữ và “mặc định” kiếp sống phụ thuộc vào đàn ông. 
Thế nhưng, nhân vật chính là cô bé Parvana phải ra đường mưu sinh khi gia đình chẳng còn người đàn ông nào để cáng đáng. Cô bé cắt phăng đi mái tóc dài, mặc bộ đồ cũ của người anh trai quá cố và đơn độc đối diện với bất công, bạo lực, định kiến.
Từ một cô bé 11 tuổi tiếc nuối chiếc váy quý bị bán đi để có tiền trang trải cho gia đình , Parvana phải làm việc không ngừng, giữa thành phố đầy rẫy tàn tích chiến tranh trong khi những kẻ cầm quyền mặc sức áp bức người vô tội. Chẳng còn có thể ngây thơ và chỉ nghĩ cho bản thân, Parvana buộc phải trưởng thành để trở thành trụ cột gia đình, lo từng bữa ăn và tìm cách cứu lấy người cha tàn tật đã bị tống giam một cách vô lý. 
Rất nhiều giá trị mà nhà làm phim đã truyền tải qua tác phẩm như ý chí con người trước nghịch cảnh, tầm quan trọng của những ước mơ và vai trò của những câu chuyện kể trên hành trình sống còn của con người. Thế nhưng, với riêng mình, điều đọng lại lâu nhất và xót xa nhất là cách những đứa bé bị mất đi quyền sống cuộc đời tự do nhưng vẫn yêu thương, nâng đỡ nhau và san sẻ ước mơ về một tương lai tươi sáng, dù không biết được ngày mai có còn sống hay không. 
Trên hành trình của Parvana, cô bé gặp lại Shauzia, một người bạn thời còn được cắp sách đến trường. Shauzia vẫn có cha ở bên nhưng lại là điều bất hạnh khi ông ta liên tục đánh đập, hành hạ và bắt ép con gái phải ra ngoài kiếm tiền về cho mình. Trong hoàn cảnh khốn cùng, Shauzia cũng buộc phải giả trang thành con trai để có thể làm việc. 
Nhờ Shauzia chỉ dẫn, Parvana dần làm quen với thân phận mới và mở ra cái nhìn hy vọng thay thế cho một tương lai tuyệt vọng, u ám khi sống cuộc đời của một bé gái. Cùng nhau, hai đứa trẻ làm đủ mọi công việc và đùm bọc nhau giữa thế giới quá đỗi khó khăn. Dù vậy, chúng không thể đi cùng nhau đến một cái kết có hậu trên phim. Khi gia đình Parvana có cơ hội chạy trốn đến một vùng đất mới, cô bé không quên đề nghị người bạn thân và cũng là ân nhân của mình đi cùng. 
Thế nhưng, Shauzia chẳng thể đồng ý vì người cha tàn độc sẽ tìm đến để giết chết cô bé vì dám làm trái ý. Trước giờ phút chia xa, Shauzia tức giận vì bị bỏ rơi, chua xót cho số phận cay đắng nhưng cũng không khỏi mừng vui cho người bạn sắp cứu được cha khỏi tù giam. Thậm chí, cô bé còn đưa cho Parvana toàn bộ số tiền tích góp để tiện bề hối lộ lính canh. 
Với Shauzia, số tiền đó là khát khao, là hy vọng được chạy trốn khỏi cuộc sống địa ngục, đặt chân đến bãi biển xa xôi để sống cuộc đời tự do. Dù vậy, cô bé chẳng ngại ngần trao gửi để giúp người bạn thực hiện nguyện ước. Nhìn nhau bằng đôi mắt ngấn lệ và trao nhau cái ôm cuối cùng, hai đứa trẻ thương nhau như ruột thịt chẳng biết còn được gặp lại hay không. 
Bằng toàn bộ niềm tin và sự dũng cảm để dám ước mơ, Parvana hẹn gặp lại nhau sau 20 năm tại bãi biển xanh mát, khi Shauzia đang bán những món đồ xinh đẹp cho những khách du lịch giàu sang. Dẫu biết rằng khó khăn và gần như không tưởng, chính viễn cảnh được sống tự do đã tiếp thêm động lực để mỗi đứa trẻ có thể bước đi trên chặng đường dài quá đỗi chông gai. Sau đó, Shauzia chạy ra khỏi con hẻm nhỏ, hòa mình vào đám đông toàn đàn ông trên con phố lớn ngập tràn ánh sáng để tiếp tục bước đi trên hành trình tìm lối thoát khỏi chốn địa ngục – trần gian, nhưng chỉ còn một mình. 
Chứng kiến thời khắc chia ly, mình thực sự cầu mong hai đứa trẻ sẽ thực hiện được lời hẹn ước tưởng chừng giản dị nhưng quá đỗi xa vời khi chiến tranh loạn lạc vẫn còn sát bên. Chẳng còn có thể ngây thơ, hồn nhiên và thỏa sức vui đùa, những đứa trẻ buộc phải lăn lộn để sinh tồn. Dẫu vậy, chúng vẫn tỏa sáng rực rỡ bởi không ngừng hy vọng vào tương lao, giữ vững niềm tin và sống dũng cảm với những điều tốt đẹp bên trong mỗi con người. 
Nhờ những đứa trẻ bình thường dám mơ những nhiều phi thường giữa hoàn cảnh bất thường đến tuyệt vọng, sự sống sẽ lại đâm chồi dẫu bị vùi dập bởi bao nghịch cảnh và chiến tranh.