The Dreamers (2003): Bản tình ca mộng mơ của tuổi trẻ
Tháng chín 26, 2024
Phá cách, táo bạo và đậm chất thơ, “The Dreamers” đạo diễn bởi Bernardo Bertolucci là một tác phẩm nghệ thuật và đầy cảm xúc về tình yêu cùng tuổi trẻ. Bộ phim lấy bối cảnh những cuộc biểu tình bạo động tại Paris năm 1968, nơi ba nhân vật chính – Matthew, Theo, và Isabelle – hòa quyện vào nhau cùng với điện ảnh, tạo nên một hành trình đặc biệt về sự tự do, mơ mộng và khám phá bản thân.
Ngay từ khi ra mắt, bộ phim độc đáo này đã tạo nên hai luồng ý kiến trái chiều, người thì khen ngợi hết lời mặc cho những người còn lại buông lời rèm pha thóa mạ.
Michael Pitt trong vai Matthew, một chàng trai 20 tuổi từ San Diego, người đến học tại Paris vào cuối những năm 60s. Tại đây, anh đã hình thành mối liên kết sâu sắc với một cặp song sinh người Pháp, Theo và Isabelle. Theo và Isabelle đều là sinh viên, điên cuồng phấn khích vì các sự kiện chính trị, nhưng thậm chí còn phấn khích hơn vì những bộ phim mà họ xem. Cặp anh em song sinh mời Matthew đến căn hộ nơi họ sống, nơi có người cha là một nhà thơ và người mẹ đến từ nước Anh. Tại đây, Matthew bị cuốn hút bởi mối quan hệ thân thiết đến gần như hòa quyện vào nhau giữa cha con, anh em trong gia đình này, cách họ nói về quan điểm triết học, chính trị, về thơ ca giữa căn hộ cũ kỹ tràn ngập sách, tranh tượng cũng như phim.
Khi cha mẹ họ rời đi, Theo, Isabelle và Matthew, ba đứa trẻ với hình hài người lớn bắt đầu sống cuộc sống mộng mơ tỉnh thức của mình trong những trò chơi điên rồ của họ, bao gồm những thử nghiệm tình dục và tất nhiên, điện ảnh. Tất cả những thứ cuồng loạn, phóng đãng và tinh tế nhất được thoả sức phô diễn, hệt như một giấc mơ. Tình bạn giữa họ trở nên sâu sắc hơn ngay khi bộ ba này rút lui vào thế giới riêng của họ trong căn hộ, khi ranh giới giữa gia đình, tình bạn và tình dục phai mờ, khi đắm chìm niềm đam mê chung của ba người với điện ảnh.
Với nhiều cảnh phim lấy cảm hứng từ Làn sóng mới của Pháp và điện ảnh Mỹ, Bernardo Bertolucci đã cho ta thấy được sự tôn vinh những bộ phim kinh điển, đồng thời thể hiện tình yêu dành cho nghệ thuật của ông. Sự năng động giữa các nhân vật gần như ngột ngạt, với sự tiếp xúc của họ lung lay giữa cảm xúc, sự thao túng và khám phá. Khi cả Matthew, Isabelle và Theo trở nên gần gũi hơn, mối quan hệ tình cảm và thể xác của họ cũng trở nên ngày càng phức tạp, đan xen tình yêu của ba người là tình yêu dành cho điện ảnh với sự nổi loạn mỗi cá nhân.
Là những đứa con của điện ảnh, trong một cảnh phim, Isabelle nói với Matthew: “Em bước vào thế giới này trên đại lộ Champs Elysees năm 1959, và từ đầu tiên em nói là ‘New York Herald Tribune!’.” Bertolucci chuyển cảnh đến phân đoạn mở đầu của bộ phim “Breathless” (1959) của Godard, một trong những khoảnh khắc khai sinh ra làn sóng mới của điện ảnh , khi Jean Seberg hét lên những từ đó trên đại lộ. Dường như, làn sóng mới, chứ không phải cha mẹ cô, đã sinh ra Isabelle.
Trong khi The Dreamers khắc họa khát vọng tự do của tuổi trẻ, bộ phim cũng thấm đẫm bối cảnh chính trị của thời đại, làm nổi bật sự căng thẳng giữa giải phóng cá nhân và biến động xã hội. Các cảnh phim mơ hồ, ma mị xen giữa thực và ảo càng làm nổi bật cảm giác tách biệt giữa sự tồn tại của họ và thế giới hỗn loạn bên ngoài. Nội dung khiêu khích của bộ phim, bao gồm các chủ đề tình dục, vừa phản ánh bản chất tự do của thời đại vừa là lời bình luận sâu sắc hơn về hành trình tìm kiếm bản sắc và ý nghĩa của thế hệ thanh niên sống trong thời kỳ biến động văn hóa và chính trị, đặc biệt là trong bối cảnh sôi sục ở Paris thập niên 1960.