Theo dõi biến đổi môi trường sống tự nhiên từ việc phát hiện 2 loài ve sầu mới
Mới đây, các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Khoa học miền Trung thuộc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã phát hiện và ghi nhận hai loài ve sầu mới. Đây là 2 loài ve sầu thuộc giống Connelicita, họ Tropiduchidae (rầy gân lưới ngọn cánh), bộ Hemiptera (côn trùng cánh nửa).
Phát hiện này đã làm phong phú tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái Việt Nam, cung cấp thông tin quan trọng cho các nghiên cứu bảo tồn và theo dõi sự biến đổi môi trường.
Loài Connelicita bachmaensis được phát hiện ở Vườn Quốc gia Bạch Mã (tỉnh Thừa Thiên – Huế). (Ảnh: TTXVN).
Mẫu vật nghiên cứu 2 loài ve này được thu thập từ hai địa điểm: Vườn Quốc gia Bạch Mã (tỉnh Thừa Thiên – Huế); Trung tâm Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên Việt Nam và cứu hộ động thực vật (Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam) tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Tên khoa học của hai loài ve này là: Connelicita bachmaensis và Connelicita phongdienensis.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Hồng Thái, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học miền Trung cho rằng, việc bổ sung hai loài ve sầu mới thuộc giống Connelicita vào hệ động vật Việt Nam đã nâng tổng số loài này ở trong nước lên 4 và mở rộng phạm vi phân bố về phía Nam. Tuy nhiên, giữa các khu vực này vẫn còn khoảng cách lớn hơn 500 km, chưa có ghi nhận mới về loài Connelicita ở nửa phía Bắc miền Trung Việt Nam, nơi mở ra khả năng phát hiện thêm nhiều loài mới trong tương lai.
Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Hồng Thái, việc phát hiện và mô tả hai loài ve sầu mới giúp nâng cao hiểu biết về hệ động vật nhiệt đới Đông Nam Á, góp phần quan trọng vào nghiên cứu bảo tồn sinh thái. Đồng thời, thông tin chi tiết về đặc điểm hình thái và môi trường sống của các loài này cũng sẽ hỗ trợ các nhà khoa học trong việc xây dựng chiến lược bảo tồn hiệu quả, đặc biệt khi môi trường sống của chúng đang bị đe dọa bởi nạn khai thác và biến đổi khí hậu. Sự đa dạng của họ Tropiduchidae (rầy gân lưới ngọn cánh) ở Việt Nam cũng có thể cung cấp thông tin hữu ích cho việc theo dõi biến đổi của môi trường sống tự nhiên.
Thông tin chi tiết hơn về hai loài ve, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Hồng Thái cho biết, loài Connelicita bachmaensis có kích thước trung bình, chiều dài cơ thể khoảng 12,56 mm đối với con đực và 13,60 mm đối với con cái. Đầu của loài này hẹp hơn phần ngực, phần đỉnh dài hơn mắt, tạo cho chúng hình dáng thuôn dài và đặc trưng. Phần đỉnh đầu màu nâu và có thêm một đường giữa màu vàng nhạt, các đường viền cạnh uốn cong nhẹ nhàng. Đôi mắt có hình cầu, hơi lồi ra hai bên và được bao phủ bởi các đốm màu nâu tạo nên vẻ ngoài sắc nét và thu hút. Cánh trước trong suốt kèm một đốm màu nâu ở giữa giúp loài này dễ dàng ngụy trang trên lá cây. Các cánh sau có màu hơi trong suốt, phần gân đen nhạt và đỉnh hơi cong tròn, hỗ trợ tốt cho việc bay lượn trong không gian rừng rậm.
Loài Connelicita phongdienensis được phát hiện ở Trung tâm Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên Việt Nam và cứu hộ động thực vật (Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam) tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. (Ảnh: TTXVN).
Còn loài Connelicita phongdienensis sở hữu những đặc điểm hình thái độc đáo so với các loài khác cùng chi và có thể phân biệt nhờ cấu trúc đặc trưng của bộ phận sinh dục đực. Các cá thể của loài này có phần đầu và thân màu nâu nhạt với các đốm đen nhỏ, nhưng màu sắc đậm hơn ở một số điểm nổi bật như phần đỉnh đầu và các đốm ở cạnh mắt. Cánh trước có cấu trúc theo hệ thống gân cánh (venation) phức tạp với các mạch máu chạy song song và phân nhánh tại các điểm xác định, tạo nên mẫu hoa văn dễ nhận thấy dưới ánh sáng.
“Mặc dù có thể dễ dàng phân biệt các loài mới qua đặc điểm sinh dục nhưng hình thái bên ngoài của chúng lại rất tương đồng. Vì vậy, không nên chỉ dựa vào hình ảnh đơn thuần để xác định và khuyến nghị tránh việc xác định côn trùng ở cấp độ loài, trừ khi có những bức ảnh chất lượng tốt về bộ phận sinh dục của mẫu vật”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Hồng Thái nói.