Thích Chân Quang – Thích Minh Tuệ và câu trả lời của mình cho tác giả Thái Đức Phương về bài viết “7 cái sai trong pháp tu của ông Minh Tuệ”

Tháng năm 28, 2024

I. Về mình, và quan điểm của mình về Phật giáo
Bài viết này thể hiện góc nhìn của cá nhân mình, một người theo đạo Phật (Nam truyền), nhưng có góc nhìn rất cởi mở về tôn giáo vì mình dành rất nhiều thời gian của mình để tìm hiểu các tôn giáo khác nhau như Kito giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo, Nho giáo, Đạo giáo và một số tín ngưỡng dân gian khác ở Đông Á. Mình viết bài viết này vì 2 lý do, thứ nhất là vì khi trả lời trong bình luận của tác giả Thái Đức Phương, tác giả này đã trả lời bình luận của mình, trong đó có đoạn tác giả tự nhận mình là sân si và ngay sau đó đã block mình trên spiderum.com để mình không thể vào bình luận thêm nữa, nhưng vẫn tiếp tục trả lời vào bình luận của mình với những người khác. Thứ 2, mình trả lời đến toàn thể những fan ông Minh Tuệ đã bình luận tiêu cực hướng đến Phật giáo trong thời gian qua, mình muốn họ có cái nhìn công bằng và khách quan hơn.
Trước khi vào bài viết, mình xin khẳng định là mình không thù ghét ông Minh Tuệ, mà ngược lại, mình vô cùng trân trọng sự giản dị, khổ hạnh, cũng như đức độ của vị tu sĩ này.
Mình cũng rất ghét ông Thích Chân Quang, và rất nhiều lần làm các clip chỉ trích ông này trên Tiktok. Trong 1 clip về việc “cúng dường cái nhà cho nhà chùa, dọn ra ở trong cái chòi”, mình đã nói rằng là “ai mà có cái nhà ở mà đi cúng chùa thì con cháu mà ăn cám”. Mình khẳng định luôn trong suy nghĩ của mình Thích Chân Quang là một người tào lao, tu hú và không xứng đáng được tôn trọng do những hành vi phản cảm và bôi nhọ đối với chính tôn giáo mà ông Thích Chân Quang đang theo.
Tuy nhiên, mình cực kỳ không tán đồng việc vì một số bạn fan ông Minh Tuệ vì ghét ông Thích Chân Quang (và một số bộ phận tăng lữ khác) mà họ mù quáng công kích Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) và xa hơn nữa là Phật giáo.
Điển hình, mình xin phép trả lời cụ thể về từng điều trong 7 điều mà bạn Thái Đức Phương nhắc đến trong bài viết của bạn ấy.
II/ Trả lời bài viết 7 cái sai trong pháp tu của thầy Thích Minh Tuệ của bạn Thái Đức Phương (TĐP)
“1. Ông Minh Tuệ không phải là nhà sư mà lại nhận đồ cúng dường”
Ở luận điểm đầu tiên này, bạn TĐP có viết
“Chính vì cái sự “TU KHÔNG HỢP PHÁP” của ông nên page Phật Giáo Việt Nam (có tick xanh) đã lên một bài viết khẳng định ông Minh Tuệ không phải là tu sĩ Phật giáo”.
Tức là bạn chỉ trích GHPGVN vì không thừa nhận ông Minh Tuệ là tu sĩ Phật giáo. Tuy nhiên vấn đề là bạn dùng hình ảnh của bài viết này để minh họa cho luận điểm “ÔNG MINH TUỆ KHÔNG ĐƯỢC NHẬN ĐỒ CÚNG DƯỜNG” mặc dù nội dung bài viết chỉ khẳng định ông Minh Tuệ không phải là tu sĩ của giáo hội chứ không cấm ông Minh Tuệ nhận đồ cúng dường. Đây là một dạng ngụy biện điển hình, khi người viết/nói đưa ra những bằng chứng không liên quan nhưng cố tình móc nối cho nó liên quan nhằm đánh lừa những người đọc không kỹ hoặc không có thời gian để tìm hiểu cụ thể về sự việc.
Một điểm sai lầm nữa trong quan điểm của bạn, là bạn chỉ trích GHPGVN vì không thừa nhận ông Minh Tuệ, nhưng bạn cũng biết rằng chính ông Minh Tuệ cũng thừa nhận mình không phải thầy tu, không tu ở chùa nào, không theo Bắc Tông hay Nam Tông. Như vậy, là tiêu chuẩn kép. Chỉ trích của bạn chỉ hợp lý khi ông Minh Tuệ nhận mình là nhà sư mà GHPGVN không thừa nhận thôi. Mình chưa hiểu động lực gì khiến các bạn fan Minh Tuệ bắt GHPGVN phải thừa nhận ông Minh Tuệ trong khi chính ông ấy cũng không muốn?
Mình nghĩ cả GHPGVN và ông Minh Tuệ đều có những con đường khác nhau trong việc tu tập, và cả 2 bên nếu đã không hợp nhau thì không nên chỉ trích nhau. Mình tôn trọng quyền tự do tôn giáo của ông Minh Tuệ, bản thân của mình chỉ thừa nhận Đức Phật là người thầy duy nhất chứ không thừa nhận GH, tuy nhiên mình cảm thấy việc chỉ trích GH là việc làm không cần thiết và sai trái.
2. Ông Minh Tuệ không phải là nhà sư mà lại lấy pháp danh họ Thích
Theo hiểu biết hạn hẹp của tôi thì không hề có luật nào cấm người ta tự đặt pháp danh cho mình. Thậm chí trên cõi mạng, dân chúng con ưu ái “tặng” thêm pháp danh cho các vị sư họ Thích như: Thích Chuyển Khoản, Thích Cúng Nhà, Thích Hiến Kế…
Bạn tự nhận hiểu biết của bạn hạn hẹp. Mình nghĩ đó là điều duy nhất đúng cho đoạn văn trên. Bạn phải hiểu rằng, có rất nhiều thứ, tuy không vi phạm pháp luật, không có nghĩa là nó nên làm. Đó là điểm khác biệt giữa chuẩn mực đạo đức – xã hội và pháp luật. Việc bạn tư duy theo kiểu Không có luật nào cấm thì nó không sai, là một tư duy hết sức ấu trĩ, làm mình không có tý gì nghi ngờ vào việc hiểu biết của bạn hạn hẹp thật chứ không phải ra vẻ châm biến.
Có rất nhiều điều 1 vị sư thầy, chức sắc tôn giáo không nên làm, vì chuẩn mực của họ cao hơn mức chuẩn mực đạo đức của phần lớn mọi người trong xã hội rất nhiều. Tiêu biển như việc kêu gọi donate của ông Thích Chân Quang. Nó không sai về mặt pháp luật, nhưng nó sai về mặt đạo đức đối với 1 người tu hành, nên đáng bị lên án và chỉ trích. Việc ông Minh Tuệ lấy họ thích cũng vậy, nó không sai về mặt pháp luật, nhưng truyền thống của Phật giáo từ ngàn đời nay là chỉ những người xuất gia mới lấy họ Thích (theo họ của Đức Phật Thích Ca), còn những đệ tử tu tại tại gia thì dù sùng đạo đến đâu cũng không nên lấy họ này. Từ đó những người khác, nếu không phải là tăng lữ cũng tránh chữ Thích này, kể cả giới nghệ sĩ, tuy phóng khoáng về việc đặt nghệ danh, nhưng nếu không liên quan thì người ta cũng không ai lấy nghệ danh họ Thích. Truyền thống này đã được tăng đoàn tỳ kheo duy trì suốt mấy ngàn năm, mình nghĩ, chúng ta nên tôn trọng truyền thống này.
3. Ông Minh Tuệ chọn lối tu “khoe hình ảnh” để nhận được sự tôn kính của mọi người
Chúng ta gần như không thấy những vị tu sĩ nổi tiếng ở VN đi bộ ngoài đường, nếu cần ra đường, họ thường khiêm tốn ẨN MÌNH trong xe Mec hoặc Audi. Tôi đoán là những vị này đang thực hành lối ẨN TU. Ngược lại, ông Minh Tuệ không phải là nhà sư nhưng lại chọn lối tu “khoe hình ảnh”: đầu trần chân đất đi bộ khất thực từ Nam ra Bắc. Ngày xưa, Đức Phật cũng đã chọn lối tu “khoe hình ảnh” như thế.
Mình không bàn luận về ông Minh Tuệ ở mục này. Mình chỉ nói rằng việc bạn TĐP không thấy các “tu sĩ nổi tiếng đi bộ ngoài đường” là vô cùng phiến diện. Bạn bỏ qua việc có rất rất nhiều các nhà sư khác ở khắp mọi miền đất nước vẫn đang thực hành nghi thức hành hương, đi chân trần khăp cả nước. Nếu bạn sống ở Sài Gòn chắc chắn sẽ rất dễ tìm thấy những người như vậy.
Còn nếu bạn muốn chỉ trích các “tu sĩ nổi tiếng”, xin hãy nêu rõ đích danh từng cá nhân, thay vì lấp lửng chung chung như vậy nhằm châm biếm, bôi nhọ cả 1 tôn giáo. Ở Việt Nam có hơn 5 triệu tu sĩ Phật giáo, số lượng “tu sĩ nổi tiếng” mà bạn biết chắc chỉ vài chục hoặc vài trăm người là cùng. Liệu chỉ trích như vậy có công bằng đối với hàng triệu nhà sư đang tu ở chùa, hằng ngày ăn chay niệm Phật, không hề xuất hiện trên tiktok?
4. Ông Minh Tuệ vẫn còn tâm phân biệt, không dễ dãi trong việc nhận đồ khiến Phật tử phiền lòng
5. Ông Minh Tuệ tổn phước vì khiến người ta cãi nhau vì pháp tu của ông
Bạn cố viết theo kiểu châm biếm, nhưng thật sự mình cảm thấy nó không hề hài hước vui vẻ mà trái lại gây khó chịu. Nghiêm túc mà nói việc phiền lòng, hoặc cãi nhau, nó thật sự không liên quan gì đến ông Minh Tuệ. Bản thân ông ấy cũng không muốn điều này. Không hiểu sao bạn TĐP cứ cố gáng ghép vào cho nó thêm tính drama nhỉ? Bản thân mình chưa bao giờ nghi ngờ, hay có gì than phiền gì về pháp tu của ông Minh Tuệ, bài viết này cũng vậy, mình nhắm đến đối tượng là những người đang hiểu sai về Phật Giáo và cố tình xuyên tạc nó, như bạn TĐP.
6. Ông Minh Tuệ tu ích kỷ, chỉ tu cho mình
Theo hiểu biết thiển cận của tôi, khi Đức Phật chưa giác ngộ, ngài không hoằng pháp cho ai cả. Làm sao Phật có thể dạy cho người khác về từ bi hỷ xả, vô ngã, vị tha… nếu tâm ngài chưa đạt đến trạng thái đó? Ngày nay, có rất nhiều sư thầy đã dạy cho người khác làm điều đó. Liệu họ có thực hành thứ đạo lý mà họ giảng hay không thì mọi người có thể tự quan sát và rút ra câu trả lời. Nhưng tôi tin rằng người ta không thể cho thứ mà họ không có.
Mình khẳng định 1 lần nữa trong đoạn số 6 này, điều duy nhất bạn đúng là thừa nhận hiển biết thiển cận của bản thân. Mình có bằng cử nhân sư phạm, mình khẳng định giáo dục có thể vận hành theo mô hình tháp. Người anh đang học cấp 2, có thể dạy em học cấp 1 làm toán. Người đang học cấp 3, có thể dạy toán cho em nhỏ học cấp 2. Người giáo viên có bằng Đại học đang dạy THPT, khi đi học cao học thì được các Tiến sỹ, Thạc sỹ giảng dạy, đó là bình thường. Việc bạn đặt ra yêu cầu là phải giác ngộ như Đức Phật mới được hoằng pháp là một điều sai. Ngay cả chính Đức Phật khi còn sống cũng muốn tăng đoàn thay mặt mình truyền bá tư tưởng của mình đến những người chưa biết. Vậy tại sao bạn TĐP lại đặt ra một tiêu chuẩn là phải giác ngộ mới giảng đạo?
7. Ông Minh Tuệ tu ép xác nghĩa là đi sai con đường trung đạo của Phật
Theo mình biết, từ khi chia ra Nam tông, Bắc tông, các nhánh nhỏ khác nữa của Phật giáo, thì các tông phái có cách tu khác nhau. Các nhà sư của tông phái này khi nhìn vào tông phái kia đều có thái độ hài hòa và tôn trọng, không có nhận định đúng sai.
Tóm lại, tôi viết bài này không mong thay đổi bất kỳ ai, mà chỉ vì ngứa mồm nên phải nói, bởi đời ai người nấy quyết, tôi có quyền gì mà can thiệp. Có người chọn tu theo con đường trung đạo, có người chọn tu theo con đường âm đạo. Dù sao cũng chúc mọi người hạnh phúc và tinh tấn với con đường mà mình đã chọn. A di đà lạt!
Mình không biết trung đạo và âm đạo bạn này nhắc đến là gì? Nó có phải là một khái niệm mình chưa được biết đến hay không. Nhưng mình thấy qua ngôn ngữ của tác giả TĐP mặc dù thể hiện là châm biến, mỉa mai nhưng bản thân bạn cũng không hề có 1 chút tôn trọng đối với tôn giáo này.
III. Kết
Mình nhắc lại một lần nữa, mình cực kỳ tôn trọng ông Minh Tuệ và con đường của ông ấy. Tuy nhiên mình không thích cách mà các bạn fan của ông ấy chỉ trích những người khác đặt biệt là GHPGVN. Mình cũng không thích GHPGVN luôn nhưng mình cảm thấy việc phủ nhận toàn bộ đóng góp của GH cho sự phát triển chung của Phật giáo là một việc sai lầm và cần phải dừng lại.
Còn những vị sư thầy tiktok, mình nghĩ cách tốt nhất là mọi người nên ngừng chia sẻ về nó là được. Mỗi tôn giáo luôn tồn tại mặt trái của nó, đối với Hồi Giáo là những thành phần cực đoan, Kito giáo cũng có những scandal về Linh mục ấu dâm… tuy nhiên không thể dùng 1 bộ phận rất nhỏ này (thường chỉ là chưa đến 0,01% về số lượng) mà quy chụp tội lỗi lên toàn bộ những tu sĩ khác đang hướng đến những điều tốt đẹp được. Những vị chân tu đang âm thầm làm những điều tốt đẹp không xứng đáng bị chỉ trích, nhất là vì những bạn chỉ thích đọc những thông tin gây sốc.
Mình hy vọng trước khi bàn luận về sự vật, sự việc, bạn TĐP có thể nhìn đầy đủ các khía cạnh của sự việc, tránh trược hợp chỉ nhìn được 1 phần rồi khẳng định con voi sừng sững như cái cột đình hoặc bè bè như cái quạt mo.