Tại sao chúng ta thích phán xét người khác

Tháng bảy 15, 2024

Phần lớn chúng ta thường nhầm lẫn hoặc đồng nhất hai từ “phán xét” và “đánh giá”. Thực chất “đánh giá” (assessment) mang nghĩa tích cực, là nhận xét, góp ý để tốt hơn; còn những người thích “phán xét” (judgment) không vì mục đích chung, cũng không vì người khác, mà chỉ để thỏa mãn cái “miệng” và cái “tâm” muốn xoa dịu bản thân của chính họ. Trong khuôn khổ bài viết này, mình bàn về tính thích phán xét – một tính xấu của con người (nhưng chúng ta thường lẫn lộn và không phân biệt, đa số dùng “đánh giá” với ý nghĩa “phán xét” tiêu cực.)

Tại sao chúng ta thích phán xét người khác?

Chắc hẳn không ít lần bạn từng bị phán xét và cũng không ít lần bạn phán xét những người khác. Mình đọc được đoạn trích này trong một bài viết, cảm thấy có chút hổ thẹn…
“Rõ ràng để đánh giá được bản thân đã là một điều không hề dễ dàng rồi vậy mà sao đôi khi chúng ta dễ dàng đánh giá một người khác quá, nhất là qua những gì họ thể hiện bên ngoài“.
Tại sao nhỉ?
Lý do 1: Chúng ta đánh giá ai đó về điều gì đó vì chúng ta chưa có hoặc có rồi nhưng ta chưa chấp nhận được đặc điểm đó trong chúng ta
Có câu: “Khi bạn phán xét người khác, bạn không định nghĩa họ, bạn định nghĩa chính mình.” – Wayne Dyer
Những gì chúng ta thấy ở người khác thường là những gì chúng ta thấy ở chính mình, và điều khiến chúng ta khó chịu ở người khác có thể là điều chúng ta không thích ở mình. Đây là những tâm lý chúng ta có:
“Sự bất an: Đây là lý do lớn nhất khiến mọi người đánh giá. Nếu chúng ta không hài lòng với con người của mình, chúng ta có xu hướng hạ thấp người khác để khiến chúng ta cảm thấy tốt hơn về bản thân.
Nỗi sợ: Chúng ta kéo ai đó xuống để cảm thấy tốt hơn bởi vì chúng ta sợ hãi. Chúng ta đánh giá bằng cách giảm thiểu những gì họ có hoặc đã đạt được bằng cách nhấn mạnh những vào những gì họ không có, khiến chúng ta cảm thấy tốt hơn về bản thân. Chúng ta cho rằng, người này là một mối đe dọa nên chúng ta cần giảm thiểu mối đe dọa đó.
Niềm kiêu hãnh: Đánh giá người khác đem lại cho chúng ta cảm giác mình vượt trội. Chúng ta đánh giá người khác chỉ để cảm thấy tốt hơn về những gì chúng ta đang làm hoặc không làm. Sự đánh giá của chúng ta lúc này đến từ sự quan trọng hoá và sự tự trọng của bản thân.
Sự ghen tị: Chúng ta cảm thấy cay đắng về lợi thế, thành công hay tài sản của ai đó,… Đánh giá dạng này thường đến từ sự oán giận vì ai đó có thứ mà chúng ta không có, chúng ta nghĩ họ chẳng làm gì xứng đáng với điều họ có.”
Theo nhà tâm lý học người Mỹ gốc Anh Raymond Cattell nổi tiếng với các nghiên cứu về tâm lý học, có 16 khía cạnh tính cách mà tất cả chúng ta đều sở hữu. Tính cách của con người được tạo thành từ những đặc điểm giống nhau; và chỉ khác nhau ở mức độ mà mỗi đặc điểm được thể hiện. Khi chúng ta đánh giá ai đó về đặc điểm nào đó, chúng ta đang thực sự đánh giá chính mình khi mà chúng ta chưa hoàn toàn sở hữu hoặc chấp nhận đặc điểm đó trong chúng ta.
(16 khía cạnh tính cách của con người theo nhà tâm lý học Raymond Cattell)

(16 khía cạnh tính cách của con người theo nhà tâm lý học Raymond Cattell)
Lý do 2: Việc phán xét dựa trên những gì ta thấy thường nhanh và dễ, được lập trình tự động trong tâm trí. Chúng ta không cần phải suy nghĩ hay lý luận nhiều để có thể đưa ra một phán xét.
Thế giới xung quanh chúng ta vốn phức tạp, phán xét là một cách để đơn giản hóa mọi thứ. Thay vì tìm hiểu sâu về một người, chúng ta thường dựa vào ấn tượng ban đầu hoặc hành động bên ngoài để đánh giá họ, vì nó dễ dàng và không làm chúng ta tốn thêm năng lượng.
Nó cũng là bản năng sinh tồn. Từ xa xưa, con người nguyên thủy đã phát triển khả năng phán xét nhanh chóng để lường được những mối nguy hiểm. Việc phán xét môi trường xung quanh dựa trên đặc điểm, hành vi, các yếu tố bên ngoài giúp tổ tiên chúng ta trong quá khứ có căn cứ xác định ai là bạn, ai là thù, từ đó bảo vệ bản thân và đồng loại.
Ngày nay, bản năng này vẫn còn tồn tại. Chúng ta thường phán xét người khác để đánh giá xem họ có đáng tin cậy, có thể gây hại cho mình không.
Lý do 3: Chúng ta đánh giá một ai đó vì muốn lý giải hành vi của họ theo hệ quy chiếu của chúng ta (thường sẽ có thiên kiến)
Do không rèn luyện sự đồng cảm, thiếu tư duy phản biện, ảnh hưởng từ nền tảng giáo dục áp đặt của gia đình, nhà trường, và xã hội cũng dạy con người ta phán xét ẩu.
Thử nghĩ lại biết bao nhiêu lần bạn bị những người xung quanh phán xét mọi thứ bạn làm và đôi khi thậm chí bạn còn không làm. Lớn lên và phát triển trong môi trường đó khiến phán xét vô tình trở thành thói quen trong vô thức của chúng ta.
Từ thuở nhỏ.
Khi đi học.
Lớn lên đi làm.
Uh, chúng ta cũng đáng thương.
Xã hội thường có những tiêu chuẩn nhất định về ngoại hình, hành vi, định nghĩa thành công,…Những người không đáp ứng được những tiêu chuẩn này dễ bị phán xét thậm chí kỳ thị. Người ta lười thay đổi, lười suy nghĩ, lười cảm thông và bao dung với những điều khác biệt.
“Không phải ai cũng tốt đẹp, nhưng luôn có điều gì đó tốt đẹp trong bất cứ ai. Đừng bao giờ vội vã phán xét người khác bởi vị Thánh nào cũng có một quá khứ và kẻ tội đồ nào cũng có một tương lai.” – Oscar Wilde.

Vài góc nhìn khác (lầm tưởng, đối lập, hoặc chưa được đề cập đến)

– Mình đọc được bình luận này trong một bài viết khác, một bạn cho rằng: “Cuộc sống mà, phải có hỷ nộ ái ố ….đầy đủ cung bậc cảm xúc. Đánh giá hay phán xét ai đó cũng được, cho thoả mãn cái gì đó của bản thân …cũng được. Miễn sao đừng để những thứ đó ảnh hưởng tới cuộc sống của mình là được. Mình thấy có câu rất hay: “Động lực thì nhìn lên, Áp lực thì nhìn xuống”. Không ai giống ai”. Mình thấy cũng không sai nếu như bạn thêm một vế trong câu “đừng ảnh hưởng tới cuộc sống của mình và của người khác” nữa là được.
– Có người nghĩ rằng phán xét người khác bằng giọng điệu sắc ngọt làm cho bạn nổi bật hơn trong một đám đông tụ tập 8 chuyện? cũng có thể, nhưng bạn mất nhiều hơn thế.
– “Đối với những người mà ai cũng xấu, ai cũng dở, ai cũng có vấn đề. Dường như họ chỉ sống nhờ chỉ trích người khác mà không nhìn lại bản thân. Họ là những người tích cực tạo ra một thế giới tiêu cực. Trong cái nhìn của họ, thế giới này có lẽ chỉ toàn những người xấu”. Như thế này thì tệ quá, mình không bàn đến nữa, nhỉ :)) với cả mình k nghĩ mình có khả năng khiến những người này thay đổi nhận thức, hành động chỉ qua 1 bài viết. Mình tin nhóm đông nhất là nhóm lưng chừng “ở giữa”: Đối với nhóm này, họ sẽ thấy có người tốt người xấu, có lời khen lời chê, có nói về người khác và cũng tự vấn bản thân không ít lần. Trong cái nhìn của họ, thế giới này phức tạp và lẫn lộn, khó phân biệt rõ ràng phải trái, trắng đen. Ý mình là, chúng ta cũng đừng “đánh giá” một người đang đánh giá người khác là người xấu, và tất nhiên một người chẳng đánh giá ai bao giờ đâu hẳn là tốt 😉 Như mình (và mình tin là nhiều người khác cũng giống mình), đôi khi, rõ là biết không nên phán xét, nhưng bản năng & sự “vui quá” vẫn khiến mình thốt ra những lời không đúng và có lúc khiến ai đó tổn thương. Câu vừa dứt ra thì trong lòng cũng trào dâng sự “tự vả” “huhuu sao mình lại nói như thế nhỉ?!.”

Lời khuyên hành động:

Chúng ta thường khuyên nhau mặc kệ những lời phán xét tiêu cực. Chúng ta giả vờ mạnh mẽ, biết mình nên tập trung vào điều gì. Nhưng thực ra chúng ta vẫn để ý, vì chúng ta là con người với rất nhiều cảm xúc, chúng ta mong manh và yếu đuối lắm.
Tư duy đúng phải là nhận ra, tìm cách thay đổi chính mình, và thay đổi người xung quanh, thay đổi xã hội để bớt đi thói xấu đó chứ không phải là mặc kệ. Vì chúng ta mặc kệ nên ở giữa cộng đồng nhưng chúng ta chẳng có lấy một sự kết dính nào vì chúng ta luôn nghi ngờ, lo sợ hoặc đề phòng nhau. Chúng ta cô đơn hơn bao giờ hết dù đang ở giữa đám đông hay trong chính ngôi nhà mình.
Đây là 4 lời khuyên hành động mình tin rằng có thể giúp chúng ta hạn chế nhất việc phán xét người khác theo bản năng:
1. Trong mọi trường hợp (kể cả chê hay khen), luôn nhớ rằng chỉ tập trung vào hành vi, đừng bình phẩm con người.
Chỉ từ hành động mà phán xét con người không chỉ cho thấy ta hạn hẹp mà còn khiến đối phương cảm thấy bị xúc phạm và tổn thương. Tập trung vào hành vi giúp chúng ta đưa ra những nhận xét mang tính xây dựng hơn.
Mục đích của việc đánh giá, phê bình là giúp người khác nhận ra lỗi sai và cải thiện, chứ không phải là để hạ thấp hay làm tổn thương họ. Thế nhưng chúng ta vẫn thường quên và không rạch ròi giữa 2 yếu tố này. Bạn có thấy những tình huống này rất quen không: Thay vì nói “Việc bạn đi muộn sẽ ảnh hưởng đến những người xung quanh, hãy lưu ý nhé” ta lại nói “Tại sao bạn lại thiếu kỷ luật và không tôn trọng tập thể vậy, lần sau bạn cần đến đúng giờ”. Hoặc thay vì nói “”Mẹ cảm thấy buồn vì con không gọi điện hỏi thăm mẹ thường xuyên.” ta nói “Con thật là vô tâm, chẳng bao giờ quan tâm đến mẹ.”. Thay vì “ “Tôi thấy bài viết còn hơi phiến diện, bạn có thể bổ sung thêm một số góc nhìn khác để bài viết đa chiều hơn như….” là “Bài viết này thật là ngớ ngẩn, tác giả chẳng biết gì về chủ đề này cả.”
2. Hãy nhớ rằng: Mọi người có thể bị tổn thương vì những lời nói quá đáng của bạn. Và tổn thương là một cảm giác rất…đau mà.
Con người là sinh vật có trái tim biết yêu, mình tin hầu hết chúng ta – vì là đồng loại nên đều biết xót thương lẫn nhau, kể cả người xa lạ. Nó cũng là một bản năng của con người, giống như bản năng phán xét vậy; nó tồn tại sẵn ở đó, chỉ cần nhớ lôi nó ra đúng lúc để dùng một cách thông minh thôi.
Khi nhận thấy mình có khả năng sắp nói ra lời phán xét, cố gắng chậm lại 1 nhịp, nghĩ đến điều này, bạn sẽ biết nên dừng lại hoặc phổ biến hơn sẽ là nói tiếp nhưng theo một chiều hướng đúng đắn và bớt cay nghiệt hơn, vì ta cũng hoàn toàn không muốn làm đau bất cứ ai. Chỉ là nhiều khi, ta hấp tấp, ta ham vui, cái tôi mong muốn được thể hiện bản thân của ta trỗi dậy lớn hơn bất kỳ ai hay điều gì khác (đó cũng là một bản năng của con người – bản năng của cái tôi cá nhân). Vậy là ta lỡ lời. Mỗi lần không thể kiểm soát được như thế, về nhà nhớ nằm vắt tay lên trán nghiêm túc mà nghĩ để sau rút kinh nghiệm cố chậm lại 1 chút, sắp xếp và điều chỉnh 1 tí cái lời sắp nói ra tránh lặp lại y hệt lần trước. Người bị tổn thương nhiều lần có thể sẽ chọn rời xa bạn 1 ngày nào đó. Hãy nhớ rằng: Sự phán xét, nhất là phán xét ẩu luôn gây ra tổn thương. Nó không có lợi cho việc chung và cho những mối quan hệ của bạn.
3. Trước tiên, tôi xin lỗi bạn vì đã phán xét bạn…..
Dù ở đâu, xã hội nào cũng có những người thích phán xét, phán xét ẩu. Đúng. Nhưng điểm khác biệt nằm ở việc họ nhận ra đó là thói xấu cần sửa và họ cố gắng sửa bằng cả nền giáo dục không phán xét mà tự vấn. Có lần, xem chương trình “America’s Got Talent”, giám khảo Simon tỏ thái độ “Cô này xấu vậy thì hát không ra gì.” Và khi cô hát xong, Simon thẳng thắn, “Trước tiên, tôi xin lỗi bạn vì tôi đã phán xét bạn…” Đó là thái độ trung thực, tự vấn, thẳng thắn mà tôi muốn có, tôi cố gắng học để có và tôi mong muốn người Việt có bởi tôi biết nó sẽ thay đổi được rất nhiều điều và là một trong những chất gắn kết xã hội cho sự thay đổi lớn hơn. Nếu không chúng ta sẽ chẳng thể làm được việc gì lớn hơn vì mỗi người đều bị tổn thương và dần xa nhau bởi thói phán xét, phán xét ẩu.
4. Sử dụng nó để hiểu bản thân và phát triển bản thân: Mọi thứ khiến chúng ta khó chịu về người khác có thể dẫn chúng ta đến sự hiểu biết về bản thân, nhận thức về bản thân (như lý giải ở trên). Đôi khi chúng ta mất cả đời để hiểu chính mình mà vẫn không sáng tỏ, nhưng phản chiếu bản thân qua một người khác lại giúp ta nhìn thấy bản thân một cách rõ ràng. Hãy tận dụng điều này trên hành trình phát triển bản thân để hiểu mình, hiểu người, và xây dựng những mối quan hệ và cộng đồng tốt đẹp.
Trước khi phán xét người khác (hoặc kể cả là đưa ra lời đánh giá, góp ý cho ai đó tốt hơn) bạn cũng cần đi đôi giày của họ và đi con đường của họ. Vì phán xét ẩu người khác cũng giống như bạn đọc cuốn sách đầu tiên của một tác giả và cho rằng mình đã hiểu toàn bộ sự nghiệp của họ. Mong chúng ta đều nhận thức được phán xét như một bản năng của con người cần được gọt giũa và tận dụng được nó giúp bạn sống tốt hơn, hiểu mình, hiểu người. Thay vì phán xét tiêu cực, tập trung vào việc thấu hiểu và chấp nhận sự khác biệt.