Thiên tai và biện pháp phòng, chống thời Nguyễn

Tháng tám 16, 2024

Thiên tai và biện pháp phòng, chống thời Nguyễn

Ngày 16.8, Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức hội thảo khoa học chủ đề “Diễn trình lịch sử về thiên tai ở Thừa Thiên – Huế”, thu hút nhiều nhà nghiên cứu, người yêu lịch sử và lãnh đạo các cơ quan chức năng địa phương tham gia.

Thiên tai và biện pháp phòng, chống thời Nguyễn- Ảnh 1.

Hội thảo thu hút khá đông các nhà nghiên cứu và đại diện cơ quan tại Thừa Thiên – Huế

LÊ HOÀI NHÂN

Hội thảo đặt vấn đề nghiên cứu thấu đáo diễn trình lịch sử về thiên tai ở Thừa Thiên – Huế, qua đó tìm hiểu quy luật, biến động của thời tiết qua các giai đoạn, hiểu rõ thêm những biện pháp phòng chống, cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ, khắc phục hậu quả lũ lụt của các nhà nước, tổ chức xã hội, cộng đồng qua từng thời kỳ lịch sử.

Trong số 12 tham luận gửi đến hội thảo, một số nhà nghiên cứu đã tập trung phân tích, chỉ ra bối cảnh về thiên tai, bão lũ thời nhà Nguyễn và các biện pháp phòng, chống.

Thiên tai qua các thời kỳ lịch sử

Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh đã tập trung nghiên cứu bão lũ trong các năm Giáp Thìn (1844, 1904, 1964) và cung cấp tư liệu về trận bão năm 1904. “Theo lời kể của dân gian thì đứng tại cổng chùa Ba La Mật (nay ở P.Phú Thượng, TP.Huế) nhìn lên phía kinh thành thấy rõ tận chùa Thiên Mụ không còn một cây gì chắn tầm mắt, tất cả đã trốc gốc, bổ rạp xuống mặt đất. Đình Hương Nguyện phía trước tháp Phước Duyên bị sụp đổ. Cầu Trường Tiền bị đổ xuống sông 3 vài (là kết cấu nối hai nhịp giữa hai mố cầu và tựa lên các mố đó – PV), nóc mái Tòa Khâm bị sụp đổ. Ở phía dưới, nhà bia ven sông Phổ Lợi cũng bị sụp đổ xuống sông…”, ông Vinh diễn giải.

Nghiên cứu về thảm họa và những hệ lụy từ cơn bão lịch sử năm Giáp Thìn 1904 tại thị xã Huế và phủ Thừa Thiên qua tài liệu lưu trữ ở hải ngoại, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến lần đầu cung cấp một cái nhìn cụ thể và toàn diện hơn về thảm họa thiên tai mang tính lịch sử của vùng đất Huế đầu thế kỷ 20.

“Việc lựa chọn các mô hình kiến trúc thích ứng và có khả năng chịu đựng mưa bão ở Huế bắt đầu được đặt ra; chức năng cứu hộ, cứu trợ trong và sau thiên tai của lực lượng quân đội, của các cơ quan chính quyền có trách nhiệm được đánh động và được đề cao hơn trước; trách nhiệm bình ổn thị trường, giá cả và ổn định đời sống của người dân sau thiên tai cũng được đặt lên vai của chính quyền quản lý. Đặc biệt, cũng từ thảm họa này, xã hội Việt Nam bắt đầu có sự nâng cao ý thức cưu mang đồng bào vùng gặp nạn; bắt đầu biết kêu gọi tổ chức vận động từ thiện, lạc quyên cứu trợ các vùng bị thiên tai tàn phá. Tất cả đều là những bài học kinh nghiệm rất quý giá và bổ ích để vận dụng có hiệu quả cho công cuộc phòng chống, cứu hộ, cứu trợ thiên tai của xã hội thời hiện đại”, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến đúc kết.

Các vua triều Nguyễn khắc phục thiên tai

Trong lời dẫn của ông Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên – Huế, có nêu thông tin các vua nhà Nguyễn ngoài trách nhiệm là người đứng đầu trong việc chỉ huy phòng chống thiên tai còn rất nghiêm khắc trong việc xử lý các quan chức thiếu trách nhiệm. Đồng thời, có các biện pháp phòng chống, cứu trợ cho dân chúng khi bị bão lụt.

Ông Dũng dẫn chứng đề tài “Nghiên cứu về chủ đề tình hình lũ lụt ở Thừa Thiên – Huế dưới triều Nguyễn (1802 – 1884), các biện pháp cứu trợ và khắc phục hậu quả” của PGS-TS Đỗ Bang, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, để đề cập tình hình cứu trợ, cứu nạn của triều đình đối với nhân dân vùng lũ.

Đó là việc chẩn cấp gạo, nấu cơm muối kịp thời cho dân bị nạn; xuất kho cho vay, giảm giá bán, thế chấp, cấm tích trữ vơ vét lương thực, thuê thuyền nước ngoài tải gạo cứu trợ; xuất kho dự trữ trung ương hoặc điều thóc giữa các tỉnh để cứu trợ, tổ chức lạc quyên, quy dân phiêu tán, chữa bệnh, cấp thuốc men… Ngoài ra, triều đình còn miễn, giảm, hoãn thuế và sưu dịch hay thu thuế thay thóc bằng tiền cho dân.

Thiên tai và biện pháp phòng, chống thời Nguyễn- Ảnh 2.

Kinh thành Huế trong trận lũ 2023

VÕ THẠNH

Nghiên cứu về những quy luật, kinh nghiệm lịch sử, biện pháp phòng, chống thiên tai ở Thừa Thiên – Huế xưa và nay, nhà nghiên cứu Dương Phước Thu nhận xét: “Nhìn lại quá trình phòng, chống thiên tai, dịch bệnh ở Thừa Thiên – Huế từ năm 1945 trở về trước, chúng ta sẽ thấy ngoài các văn bản truyền lệnh, phương tiện, thuốc men, lực lượng “cứu hộ” của triều đình và các địa phương, còn có sự đóng góp tích cực và vô cùng quan trọng của cộng đồng làng xã, họ tộc… Người dân đã tự lập ra những quy định nhằm đáp ứng kịp thời và lâu dài về công tác phòng, chống, ứng cứu, quyên góp, khen thưởng, xử phạt… khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra tại địa phương”.

Một số tham luận khác cũng bàn về bài học kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp và kiến nghị thiết thực trong ứng phó thiên tai thời đại mới…


Bạn đang đọc Thiên tai và biện pháp phòng, chống thời Nguyễn tại website hungday.com