THỜI GIAN CỦA NGƯỜI ĐI LÀM 6 NGÀY/TUẦN
Tháng bảy 22, 2024
Vậy là đã hơn nửa năm kể từ ngày mình cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp đại học, cũng là hơn nửa năm làm việc toàn thời gian ở vị trí Kỹ sư Thiết kế Cơ khí – đúng chuyên ngành mà mình đã học suốt 4 năm về trước. Mọi thứ dường như khá suôn sẻ đối với một đứa mới ra trường và chưa có nhiều kinh nghiệm như mình: môi trường làm việc năng động; sát sao với thực tế; công việc đa dạng nên va chạm với nhiều lĩnh vực liên quan như xây dựng, điện, hệ thống,… Cơ bản thì cũng ổn, kiểu: “tui làm cho anh, tui học hỏi nhiều điều mới, anh trả tui tiền, hai ta đều vui vẻ”. Chỉ có một vấn đề mình cảm thấy lấn cấn là… mình phải đi làm 6 ngày một tuần, thường tăng ca, suốt nửa năm nay.
…
Khoan, dừng 2 giây, ĐÃ NỬA NĂM RỒI CƠ Á?
Trời ơi, chuyện gì đang diễn ra vậy? Cảm giác như thể mình đã đi lạc vào hang động trong bộ phim Time Trap (2018), bước nhầm vào hang và khi trở ra thời gian đã trôi qua hàng chục năm. Hoặc cũng có thể mình đã vào vai của Jess trong bộ phim Triangle (2009) – bước nhầm lên một con tàu ma quái và phải trải qua những vòng lặp thời gian mãi chẳng có hồi kết. Hoặc, cũng có thể là cả hai, trong bộ phim Triangle Trap nào đó.
HƠN NỬA NĂM VỀ TRƯỚC
Khoảng thời gian này 8-9 tháng trước mình đang chuẩn bị những khâu cuối cùng cho đồ án tốt nghiệp cùng ông bạn. Một đồ án khá tâm huyết của hai đứa về một chiếc máy to kềnh càng trong nhà máy thép. Nhưng kết quả hay sản phẩm của đồ án không phải điều mình nhớ nhất, chính quá trình thực hiện mới để lại cho mình những kỉ niệm khó quên. Những đêm thức trắng vẽ bản vẽ, những ngày cắm liên tục ở quán cà phê để sửa thuyết minh mỗi khi thay đổi phương án tính toán thiết kế, những buổi họp căng thẳng để thảo luận hướng đi của đồ án,… Tất cả dường như mới xảy ra ngày hôm qua thôi. Mặc dù chỉ có 4 tháng ngắn ngủi nhưng có lẽ đó vẫn là một khoảng thời gian khó quên đối với mình ở trường.
Một tuần của nửa năm trước có 7 ngày, và từng ngày trong tuần mình đều ý thức một cách rõ ràng cách mà nó bắt đầu, cách nó trôi qua và cả cách nó kết thúc. Mỗi buổi sáng thức dậy, không có tiếng báo thức nào ép buộc mình phải thức dậy để lao vào dòng người chen chúc, cũng không có ai bắt mình phải về muộn hơn để làm cho xong công việc. Mình có thể dậy muộn, có thể về sớm, có thể sắp xếp việc của bản thân theo ý thích miễn là hoàn thành xong mục tiêu đề ra từ ngày trước đó. Nhìn chung, nếu không tính những giai đoạn căng thẳng khi deadline cận kề thì cách mà thời gian của mình trôi qua trong quãng thời gian ấy tương đối chậm rãi và nhiều ý nghĩa.
TỪ KHI BÁN MÌNH CHO TƯ BẢN
Bẵng đi một thời gian, nhiều sự kiện có tính tuần tự xảy ra một cách nhanh chóng: bảo vệ luận văn; làm lễ tốt nghiệp và nhận bằng; gửi CV tìm một công việc phù hợp, đi phỏng vấn, thử việc, trở thành kỹ sư chính thức. Những điều này xảy ra với mình một cách trơn tru mà không có quá nhiều vướng bận hay cản trở, mình thậm chí chưa từng nghi ngờ ý nghĩa của việc sẽ đi làm ngay sau khi tốt nghiệp. Đây sẽ là khoảng thời gian để mình học hỏi kinh nghiệm trong ngành xem có thực sự thích và gắn bó với nó hay không, cũng là cơ hội để mình xác định lại hướng đi lâu dài cho bản thân sau chuỗi thời gian dài mài đũng quần trên ghế nhà trường. Hoặc, đơn giản hơn, để kiếm tiền nuôi sống bản thân.
Ý định là như vậy nhưng dường như việc đi làm đã vô tình biến đổi cách mà thời gian quanh bản thân mình trôi qua. Một tuần giờ đây cũng có 7 ngày, nhưng trong thế giới tâm trí của mình, chúng dường như ngắn lại và bị phân mảnh, tạo nên hai phần với hai tính chất riêng biệt.
VÒNG LẶP TẺ NHẠT
Một bên là từ Thứ 2 đến Thứ 7, những ngày phải dậy sớm và băng qua đám đông kẹt xe để đến công ty đúng giờ. Những ngày mà mình không có quá nhiều ý niệm hay ấn tượng về cách mà thời gian trôi qua, vì chúng gần như giống nhau và mình chỉ việc tuân theo vòng lặp ấy: thức dậy, chen vào dòng người đông đúc, làm việc, nghỉ trưa, làm việc, lại chen vào dòng người trở về nhà, đi học buổi tối và về ngủ, mọi thứ cứ diễn ra như vậy. Cảm giác lặp đi lặp lại này khiến mình liên tưởng đến nhân vật Phil Connors trong bộ phim Groundhog Day nổi tiếng năm 1993, khi anh ta rơi vào một vòng lặp thời gian vô tận, ở đó, mỗi buổi sáng anh ta đều thức dậy trong ngày lễ Chuột Chũi – ngày mà anh ta ghét nhất. Nhưng khác với Phil chỉ sống trong đúng một ngày 2/2 duy nhất, thời gian của mình vẫn trôi, Thứ 2 rồi Thứ 3 rồi Thứ 4 cứ thế tiếp diễn cho đến Thứ 7.
Thứ 7, một ngày tuyệt vời, ngày chắc chắn sẽ không phải tăng ca và mọi nhân viên đều có thể ra về đúng giờ. Nó cũng là bước chuyển tiếp quan trọng giữa ‘vòng lặp’ và ngày duy nhất mình thật sự rảnh rỗi: Chủ Nhật. Và đây là nơi dòng-thời-gian-trong-tâm-trí mình bắt đầu thay đổi.
CUỐI TUẦN
Ngày cuối tuần bắt đầu khi những con chim quanh nhà bắt đầu líu lo hót – một điều mà tới tận bây giờ mình vẫn cảm thấy khá hiếm hoi giữa cái đất Sài Gòn chật chội này. Mình thức dậy, vận vào người bộ đồ thể thao để chuẩn bị đi chạy bộ, hôm nay không có cái báo thức nào được phép reo, mọi thứ phải được vận hành theo nhịp đồng hồ sinh học. Bạn biết đó, người ta vẫn bảo nếu dậy sớm hơn một chút thì thời gian một ngày của bạn sẽ trở nên dài hơn. Cũng bằng cách này mà mình quan sát được nhiều điều thú vị buổi sáng, cách mà những hàng quán bên lề đường bắt đầu mở bán, cách mà những khu chợ truyền thống trên-vỉa-hè nhộn nhịp người mua, hay nói một cách mỹ miều hơn là cách mà thành phố này bắt đầu thức giấc.
Đấy, ngày Chủ Nhật mình có thể dậy sớm hơn, sống chậm hơn, quan sát được nhiều hơn thế giới bên ngoài. Hôm nay cũng có một vài kế hoạch nhỏ, phải hoàn thành một đề IELTS, phải đọc nốt một cuốn sách, phải viết nốt một bản thảo cho công việc cá nhân, còn phải dành thời gian tìm hiểu học bổng để đi học Thạc Sĩ sau này nữa. Nhưng ít nhất, có một cảm giác mãnh liệt thường trực dâng lên trong mình mỗi khi Chủ Nhật đến, như một liều chất kích thích bơm vào máu, khơi mọi sự hào hứng vốn có trong thân xác này: đó là cảm giác mình đang tự do, đang tận hưởng cuộc sống. Không cần những nơi xa hoa mới gọi là hưởng thụ, chính trong việc sống chậm để quan sát nhịp sống của những người xung quanh với mình đã là một điều quá đỗi thư giãn rồi. Điều này – việc sống chậm và tận hưởng cuộc sống – dường như khá kỳ quặc mỗi khi nghĩ đến nếu như mình đang ở trong vòng lặp công việc kia. Phải chi mọi ngày đều là Chủ Nhật thì hay nhỉ?
Tiếc là, cuộc vui ngắn chẳng tày gang, cảm giác vui vẻ trong ngày nghỉ của mình đan xen và tồn tại một cách đồng thời với nỗi lo toan về một điều căn bản là không thể nào tránh được: rằng ngày mai thứ 2 lại phải đi làm! Vòng lặp sẽ lại bắt đầu. Bằng cách này dòng thời gian tiếp tục trôi, lặp đi lặp lại từ tuần này sang tuần khác.
SỰ NHANH CHẬM CỦA THỜI GIAN
Có lẽ vì ít thời gian để tận hưởng cuộc sống hơn nên tổng cộng suốt nửa năm qua mình chỉ ấn tượng nhiều những ngày chủ nhật quý giá. Điều này tạo ra một ảo tưởng về sự nhận thức trong tâm trí rằng dường như quỹ thời gian của mình dần thu hẹp lại, thời gian đang trôi nhanh hơn dù cho mình biết chẳng có gì thuộc về thực tế khách quan ngoài kia đã thay đổi cả.
Tình trạng này có lẽ trái ngược hoàn toàn với trải nghiệm cận tử mà David Eagleman nhắc đến trong cuốn sách “Não bộ kể gì về bạn”: khi hỏi về trải nghiệm của những người may mắn sống sót sau một tai nạn nào đó, họ kể lại rằng dường như thời gian đã trôi chậm lại vào giây phút nguy hiểm cận kề mà họ đã trải qua. Điều này về sau được David Eagleman lý giải rằng thời gian khách quan bên ngoài chẳng hề trôi chậm đi mà là do khi ở trong một tình huống phi thường như vậy, một khu vực đặc biệt trong não là hạch hạnh nhân được đưa lên chiếm quyền kiểm soát toàn bộ các phần não còn lại nhằm tập trung giải quyết tình thế khẩn cấp trước mắt. Chính điều này khiến cho khả năng thu thập thông tin của não trong giây phút ấy tăng cao lên đáng kể, nó thu thập được nhiều thông tin hơn, vậy nên khi hồi tưởng lại cảm giác nguy hiểm đã trải qua, não cũng mất nhiều thời gian hơn để “phát lại” “bộ phim” mà nó đã quay được – từ đó tạo nên cảm giác dường như thời gian đã trôi chậm đi.
TẢN MẠN CUỐI BÀI
Mình ngồi đây gõ những dòng này vào một buổi tối Chủ Nhật, sáng mai thôi, thêm năm bảy tiếng đồng hồ nữa thôi, khi ánh bình minh ló dạng là mình sẽ lại trở về với vòng lặp quen thuộc của công việc. Ngoài trời mưa lất phất bay, những cơn gió lạnh lẽo mang theo hơi ẩm đặc trưng của những cơn bão thay phiên nhau ùa vào nhà qua những ngóc ngách nhỏ, bất cứ nơi nào có khe hở mà chúng tìm ra được. Nhất định, vòng lặp này sẽ chỉ là tạm thời thôi, rồi mình sẽ thoát ra để đi tìm khoảng trời của riêng mình. Chợt nhớ đến mấy câu trong bài “Đi theo bóng mặt trời” của anh Đen Vâu:
“Tận cùng thế giới là gì. Đâu có ai mà biết được những hóa đơn và trách nhiệm làm giấc mơ ta khiếp nhược. Ta không muốn những ngày trẻ, trở nên gầy gò xanh xao. Ta muốn làm cánh chim nhỏ giữa bầu trời trong xanh chao”
Bài viết này là một vài ghi nhận những thăng-giáng-cảm-xúc theo thời gian trong quá trình “bán thân cho tư bản” của người viết. Còn các bạn? Các bạn có đang sống trong một vòng lặp nào khác hay không?
Anh chị cần mua bàn ghế ăn gia đình thì tham khảo trang này bên em với nhé này ạ. Xin cảm ơn.