Thời gian trên Mặt trăng lệch bao nhiêu so với Trái đất?
Thời gian trên Mặt trăng chạy nhanh hơn so với Trái đất 56 micro giây. Điều này có khả năng gây ra lỗi định vị lên tới 17km mỗi ngày.
Nhóm nghiên cứu của Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực thuộc Viện Công nghệ California (Mỹ) đã tính toán tốc độ tương đối của thời gian trên bề mặt Mặt trăng, Trái đất và khối tâm của Hệ Mặt trời – nơi được các hành tinh, vệ tinh và ngôi sao trong Hệ Mặt trời quay quanh.
Các nhiệm vụ trong tương lai trên Mặt trăng đòi hỏi cần phải có Giờ Mặt trăng phối hợp (CLT) – (Ảnh: NASA).
Họ tính được thời gian trên bề mặt Mặt trăng trôi nhanh hơn 0,0000575 giây/ngày so với trên bề mặt Trái đất. Hiểu nôm na là phải mất 100.000 ngày (hoặc khoảng 274 năm) để một người trên Mặt trăng già hơn 5,75 giây so với người trên Trái đất.
Theo nhà vật lý lý thuyết Bijunath Patla, Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia (NIST) tại Mỹ, sở dĩ xảy ra điều này là bởi chuyển động của Mặt trăng so với chuyển động của chúng ta khiến đồng hồ chạy chậm hơn so với tiêu chuẩn của Trái đất.
Tuy nhiên, lực hấp dẫn thấp hơn của Mặt trăng khiến đồng hồ chạy nhanh hơn. “Đây là 2 hiệu ứng xung khắc, và kết quả là sự chênh lệch khoảng 56 micro giây mỗi ngày”, Patla cho biết.
Mặc dù sự khác biệt 56 micro giây là vô cùng nhỏ theo tiêu chuẩn của con người, nhưng nó lại rất quan trọng đối với các sứ mệnh không gian yêu cầu độ chính xác cao, cũng như đảm bảo liên lạc giữa Trái đất và Mặt trăng.
“Khi nói đến điều hướng, sự chậm trễ 56 micro giây trong một ngày giữa một chiếc đồng hồ ở Mặt trăng và một chiếc trên Trái đất là một sự khác biệt lớn”, Cheryl Gramling, kỹ sư hệ thống tại NASA chia sẻ.
Sẽ còn mất nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ trước khi Mặt trăng có đủ người và robot để cần đến mức độ chính xác của phép đo này. Dẫu vậy, các nhà khoa học và kỹ sư đã sớm nhận ra tầm quan trọng của việc thiết lập một khung giờ chuẩn của Mặt trăng.
Nếu không có tính toán này, các sứ mệnh khám phá Mặt trăng trong tương lai có thể gặp vấn đề đáng kể, theo trang IFLScience ngày 10-7.
Sự chênh lệch về thời gian giữa Trái đất và Mặt trăng rất quan trọng đối với các sứ mệnh không gian yêu cầu độ chính xác cao (Ảnh: Getty).
Hiện tại không có múi giờ thống nhất nào trên vệ tinh của Trái đất. Đây là vấn đề đối với Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và các cơ quan vũ trụ khác, vì con người muốn đặt căn cứ trên Mặt trăng và sao Hỏa.
Các sứ mệnh không người lái dùng giờ tương ứng với xuất xứ của tàu vũ trụ thực hiện nhiệm vụ, trong khi các sứ mệnh Apollo sử dụng Giờ trôi qua trên mặt đất (GET) – tính từ thời điểm phóng. Khi Mặt trăng đông đúc hơn (với robot và sau đó có thể là con người) sẽ phát sinh một số vấn đề mà Mỹ hy vọng có thể giải quyết bằng cách thiết lập Giờ Mặt trăng phối hợp (LTC).
Theo nghiên cứu mới, việc thiết lập giờ chuẩn Mặt trăng là điều cần thiết để đồng bộ các hoạt động và cách vận hành của những tàu đổ bộ, xe thám hiểm tự hành và tàu quay quanh quỹ đạo trên Mặt trăng. Đặc biệt các hoạt động kết nối, cất và hạ cánh của tàu vũ trụ đòi hỏi thời gian chính xác cực cao.
Vẫn chưa thiết lập Giờ Mặt trăng Dù nghiên cứu mới đã tính toán chính xác thời gian trên Mặt trăng so với Trái đất, song NASA và các cơ quan vũ trụ khác sẽ cần phải thảo luận nhiều hơn nữa trước khi chính thức thiết lập Giờ Mặt trăng phối hợp. Trước đó vào đầu tháng 4, người đứng đầu Văn phòng Chính sách khoa học và công nghệ Mỹ (OSTP) đã gửi một bản ghi nhớ yêu cầu NASA làm việc với các cơ quan khác trong và ngoài nước để thiết lập hệ quy chiếu lấy Mặt trăng làm chuẩn. NASA sẽ có thời hạn đến cuối năm 2026 để thiết lập Giờ Mặt trăng phối hợp (LTC) – khung tham chiếu thời gian hoàn toàn lấy Mặt trăng làm trung tâm. |