Thúc đẩy chủ nghĩa đa phương vì một tương lai hòa bình, thịnh vượng và bền vững
Thúc đẩy chủ nghĩa đa phương vì một tương lai hòa bình, thịnh vượng và bền vững
Chủ nghĩa đa phương phải lấy người dân làm trung tâm
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đánh giá cao đóng góp của cộng đồng Pháp ngữ trong việc thúc đẩy đối thoại và kiến tạo hòa bình, phát huy sự đa dạng văn hóa và ngôn ngữ, góp phần thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững và ứng phó với các thách thức toàn cầu. Các nhà lãnh đạo cũng chia sẻ quan ngại về một số diễn biến phức tạp của tình hình thế giới gần đây, nhất là tại khu vực Trung Đông; nhấn mạnh yêu cầu cải cách thể chế đa phương, trong đó có các thể chế Pháp ngữ, tăng cường hiệu quả hoạt động và kịp thời thích ứng với những xu thế của thời đại.
Phát biểu tại Phiên họp “Vì một chủ nghĩa đa phương đổi mới” của hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định vai trò không thể thay thế của các cơ chế đa phương, đề cao đóng góp của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) và các thể chế Pháp ngữ trong xử lý các vấn đề quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, cũng như tiến trình xây dựng các khuôn khổ, nguyên tắc đối với các vấn đề mới nổi.
Nhằm đề cao vai trò của chủ nghĩa đa phương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh cần gắn liền với các tiến trình chuyển đổi lớn, nhất là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Không gian Pháp ngữ cũng cần thích ứng với xu hướng này, hỗ trợ các thành viên nâng cao năng lực về công nghệ, phát triển năng lượng sạch và thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững. Khoa học, công nghệ là chìa khóa để cộng đồng Pháp ngữ có thể tạo nên những đột phá trong tương lai.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các thể chế đa phương, trong đó có Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định cần đẩy mạnh cải tổ để có thể ứng phó với những thay đổi nhanh chóng của tình hình thế giới và không gian Pháp ngữ. Pháp ngữ cũng cần đổi mới theo hướng tập trung hơn vào ưu tiên của các thành viên, nhất là về hợp tác kinh tế và phối hợp triển khai các văn kiện của Hội nghị Thượng đỉnh tương lai. Chủ nghĩa đa phương chỉ có thể thành công nếu bảo đảm được tính bao trùm, toàn diện, lấy người dân làm trung tâm, đặc biệt là thế hệ trẻ. Theo đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Pháp ngữ tiếp tục thúc đẩy các chương trình giao lưu nhân dân, trao đổi văn hóa, giáo dục thông qua tiếng Pháp nhằm duy trì một ngôn ngữ đẹp gắn kết các thành viên Pháp ngữ, qua đó lan tỏa các kết quả hợp tác Pháp ngữ đến với mọi người dân.
Thông qua Tuyên bố chung Villers-Cotterêts
Chiều cùng ngày đã diễn ra Phiên bế mạc Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19. Sau hai ngày làm việc hiệu quả và thực chất, những người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ thành viên Pháp ngữ đã nhất trí thông qua nhiều văn kiện quan trọng, trong đó có Tuyên bố chung Villers-Cotterêts, Nghị quyết về tình hình chính trị và củng cố hòa bình trong không gian Pháp ngữ, Tuyên bố về đoàn kết với Li Băng.
Tuyên bố Villers-Cotterêts khẳng định cam kết với các giá trị chung của Pháp ngữ là hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững, khẳng định sự tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế. Tuyên bố nhấn mạnh những nỗ lực của Pháp ngữ trong việc ứng phó, giải quyết các thách thức chung, đặc biệt là biến đổi khí hậu, giải quyết việc làm, thúc đẩy bình đẳng giới.
Tuyên bố kêu gọi các nước thành viên khuyến khích, ủng hộ các hoạt động hợp tác về khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy kinh tế số, khởi nghiệp, thúc đẩy đối tác công-tư. Tuyên bố khẳng định cam kết thúc đẩy quảng bá tiếng Pháp, nhấn mạnh vai trò của tiếng Pháp trong đào tạo, giảng dạy, sáng tạo, thúc đẩy đa dạng văn hóa. Tuyên bố nhấn mạnh quyết tâm của các nước thành viên Pháp ngữ trong thực hiện phát triển bền vững, bảo đảm hài hòa giữa nỗ lực tăng trưởng, xóa đói nghèo và bảo vệ môi trường.
Hội nghị cũng đã nhất trí đồng ý Ghana và Cộng hòa Cyprus trở thành thành viên chính thức, đưa số thành viên của OIF lên 93 thành viên; kết nạp Angola, Chile, vùng Nouvelle-Escosse (Canada), Polynesia thuộc Pháp và vùng Sarre (Đức) làm quan sát viên.
Hội nghị quyết định việc tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Pháp ngữ lần thứ 46 tại Bờ Biển Ngà vào năm 2025 và Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 20 tại Campuchia vào năm 2026. Sau Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 7 được tổ chức tại Hà Nội vào năm 1997, đây sẽ là lần thứ 2 Hội nghị cấp cao được tổ chức tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Mong muốn trí thức kiều bào đem những thành tựu khoa học tiên tiến về đất nước
Sáng 5.10 (theo giờ địa phương), tại Paris, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có cuộc trò chuyện thân mật với chuyên gia, trí thức kiều bào tiêu biểu ở các nước trong cộng đồng khối Pháp ngữ.
Tại buổi gặp, các trí thức kiều bào đã chia sẻ những kinh nghiệm, đề xuất các ý kiến và gợi ý chính sách về các vấn đề như hợp tác đa phương trong lĩnh vực công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI); sáng lập doanh nghiệp, tăng trưởng và phát triển; những thách thức lớn trong phát triển internet vạn vật (IoT) để tạo ra tăng trưởng kinh tế; lợi ích của việc ứng dụng công nghệ Blockchain trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hoan nghênh, đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, có trách nhiệm với đất nước của các trí thức kiều bào tại buổi gặp, nhấn mạnh những đóng góp của đội ngũ trí thức người VN ở nước ngoài cho nước sở tại và quê hương VN là nguồn lực rất đáng quý.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh trong thời gian tới, VN sẽ tập trung dồn lực cho thời kỳ, cơ hội chiến lược quan trọng, “bứt tốc” để phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đã đề ra để kiến tạo kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc VN.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước bày tỏ sự vui mừng trước tiềm lực của cộng đồng người VN ở nước ngoài, trong đó có đội ngũ trí thức đang ngày càng lớn mạnh, khẳng định vai trò quan trọng của cộng đồng nói chung và đội ngũ trí thức nói riêng trong công cuộc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đất nước. Đảng và Nhà nước xác định rõ “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, kiều bào là vốn quý, là nguồn lực quan trọng của đất nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước kêu gọi kiều bào tiếp tục phát huy tích cực vai trò cầu nối trong quan hệ giữa VN với các nước trong cộng đồng Pháp ngữ, đem lại lợi ích thiết thực cho các bên, đóng góp trực tiếp cho sự phát triển của đất nước; mong muốn trí thức kiều bào sẽ tiếp tục đem những thành tựu khoa học tiên tiến của thế giới về đất nước, đào tạo cho VN nhiều nhân tài hơn nữa. Doanh nhân kiều bào sẽ đem nhiều sản phẩm VN đến thị trường quốc tế hơn nữa, thúc đẩy chuyển cơ sở sản xuất về VN. Các văn nghệ sĩ góp phần bảo tồn và phát huy tiếng Việt trong không gian Pháp ngữ, bên cạnh tiếng Pháp, góp phần thúc đẩy sự đa dạng về văn hóa và ngôn ngữ.