Thực hành sự trân trọng với di tích lịch sử
Thực hành sự trân trọng với di tích lịch sử
Sự việc nhanh chóng thu hút chú ý của các phương tiện thông tin đại chúng và làm dấy lên tranh luận về ý thức văn hóa của du khách khi đến tham quan các di tích lịch sử, nơi linh thiêng.
Nhưng đó không phải là dẫn chứng duy nhất. Đầu tháng 9.2024, một nhóm du khách trẻ mặc bikini “dạo chơi” trên phố Đào Duy Từ (Hà Nội), sau đó chụp những bức ảnh tạo dáng phản cảm đăng trên các diễn đàn. Tháng 7.2024, một nữ du khách nước ngoài mặc bikini và dạo chơi trong phố cổ Hội An (Quảng Nam), một trong những di sản văn hóa thế giới, làm nhiều người dân địa phương bức xúc. Trước đó, cột cờ đỉnh Fansipan (Sa Pa, Lào Cai) có dòng chữ nổi bật trên cột đá với nội dung bày tỏ lời yêu nhau (lẽ ra chỉ cần lưu giữ trong “nhật ký của hai đứa mình”) đã khiến cộng đồng mạng phản ứng.
Khi đến thăm các di tích văn hóa, lịch sử, du khách không chỉ thưởng ngoạn mà còn mang trách nhiệm bảo vệ và tôn trọng không gian xung quanh, nơi mà từng viên đá, gốc cây mang trong mình những câu chuyện về quá khứ, cội nguồn. Nhưng thực tế có những du khách lại coi đây là nơi để thể hiện bản thân một cách lố lăng, không phù hợp, biến không gian văn hóa, không gian linh thiêng thành “sân khấu” riêng. Ăn mặc hở hang như trang phục đi bar, sàn nhảy, bãi tắm hay hành động quá khích không chỉ cho người khác thấy “vốn văn hóa” hạn chế của mình, mà còn thể hiện sự không tôn trọng đối với giá trị văn hóa của nơi đó.
Câu chuyện về cô gái tạo dáng yoga ở cung điện Hàn Quốc hay những du khách mặc trang phục phản cảm, không phù hợp ở những địa điểm văn hóa, di tích là lời nhắc nhở về ý thức. Bởi lẽ, mỗi chuyến tham quan di tích lịch sử, văn hóa không chỉ là hành trình tìm kiếm tri thức mà còn là thực hành những trân trọng đối với quá khứ, đối với di sản.