Thực hư thế lực đứng sau chính sách của ông Donald Trump

Tháng tám 17, 2024

Thực hư thế lực đứng sau chính sách của ông Donald Trump

Hôm qua (16.8), một tổ chức báo chí điều tra có trụ sở tại Anh là CCR (The Centre for Climate Reporting) đã công bố đoạn phim có chứa hội thoại của ông Russell Vought – một đồng tác giả của Dự án 2025. Là một nhân vật nổi tiếng của cánh hữu, ông Vought từng lãnh đạo Cơ quan Quản lý hành chính và ngân sách của Mỹ (trực thuộc Nhà Trắng) dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Chính sách gây tranh cãi

CCR đã cho 2 người đóng giả đại diện cho những nhà tài trợ lớn để gặp gỡ ông Vought tại một căn phòng đã được đặt camera quay lén, trong một khách sạn sang trọng ở thủ đô Washington D.C.

Thực hư thế lực đứng sau chính sách của ông Donald Trump- Ảnh 1.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump

Reuters

Trong gần 2 giờ bị ghi hình mà không biết, ông Vought đã cho biết về công việc hậu trường của mình nhằm chuẩn bị chính sách nếu cựu Tổng thống Trump quay lại làm chủ nhân Nhà Trắng. Qua đó, chính sách sẽ mở rộng quyền lực tổng thống, đồng thời siết chặt nhập cư. Thậm chí, ông Vought còn chắc chắn nhóm của ông đang bí mật soạn thảo hàng trăm mệnh lệnh hành pháp, quy định và bản ghi nhớ nhằm đặt nền tảng cho hành động nhanh chóng đối với các kế hoạch của ông Trump nếu ông thắng cử, đồng thời mô tả công việc của ông là tạo ra các cơ quan “bóng tối” cho Nhà Trắng nếu ông Trump quay lại lãnh đạo.

Thực hư thế lực đứng sau chính sách của ông Donald Trump- Ảnh 2.

Chủ tịch Quỹ di sản Kevin Roberts

Reuters

Phản ứng về video trên, đại diện cho phía của ông Vought cho rằng nội dung trong video “không có gì mới mẻ”, bản thân ông Vought cũng bác bỏ liên quan chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Trump. Trong khi đó, đại diện chiến dịch tranh cử của ông Trump không bình luận về video trên.

Thực tế, các nội dung mà ông Vought đề cập mang đậm tinh thần của Dự án 2025. Đây là một dự án đề ra những chính sách bị cho là quá cực đoan, đặc biệt về vấn đề nhập cư nên bị chỉ trích mạnh mẽ. Lo ngại gặp bất lợi tranh cử, ông Trump cũng đã lên tiếng khẳng định “không biết ai đứng sau” Dự án 2025 – vốn được hình thành từ năm 2022.

Thế nhưng, tờ The Washington Post mới đây đăng tải tấm ảnh ông Trump và chiến lược gia Kevin Roberts, Chủ tịch Quỹ di sản, đã ngồi cùng chuyên cơ vào tháng 4.2022. Hai ông đã đi cùng máy bay riêng đến dự một sự kiện do Quỹ di sản tổ chức. Không những vậy, trả lời tờ The Washington Post hồi tháng 4, ông Kevin Roberts thừa nhận từng thảo luận với ông Trump về Dự án 2025. Tuy nhiên, đại diện chiến dịch tranh cử của ông Trump lại bác bỏ điều đó.

Cơ quan nghiên cứu đầy quyền lực

Quỹ di sản là một trong những cơ quan nghiên cứu, tư vấn chính sách hàng đầu nước Mỹ và thế giới. Đơn vị này đã tham gia thiết lập chính sách cho nhiều đời Tổng thống Mỹ thuộc đảng Cộng hòa.

Dưới thời ông Trump, Quỹ di sản cũng duy trì nhiều ảnh hưởng trong các chính sách của Nhà Trắng.

Từ ngày 28.2 – 2.3.2017, chỉ hơn 1 tháng sau khi ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ, Quỹ di sản đã tổ chức một hội nghị thảo luận về việc xây dựng chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo – Pacific). Hội nghị quy tụ một số ít chuyên gia đến từ châu Á – Thái Bình Dương và người tham dự được yêu cầu bảo mật hội nghị. Đến tháng 11.2017, Tổng thống Donald Trump chính thức đề cập chiến lược Indo – Pacific tự do và rộng mở, mà tinh thần của chiến lược này được đánh giá có sự tác động không nhỏ từ Quỹ di sản.

Không những vậy, sau khi ông Trump rời khỏi Nhà Trắng vào năm 2021, 3 cựu quan chức chính quyền Trump là Ken Cuccinelli, Mark A. Morgan và Chad Wolf đã gia nhập Quỹ di sản. Đây là những người giữ nhiều vai trò khác nhau về thực thi chính sách nhập cư trong chính quyền của ông Trump. Cựu Phó tổng thống Mỹ Mike Pence (tại nhiệm dưới thời ông Trump) cũng hợp tác cùng Quỹ di sản sau khi kết thúc nhiệm kỳ vào đầu năm 2021.

Đến tháng 5.2022, Quỹ di sản cũng đảo ngược quan điểm liên quan cuộc xung đột Ukraine khi chỉ trích Washington đã viện trợ quá lớn cho Kyiv. Cũng kể từ đó, ông Trump dần đẩy mạnh việc chỉ trích viện trợ của Washington dành cho Kyiv, đồng thời chỉ trích mạnh mẽ chính sách của đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden đối với vấn đề Ukraine.

Trump – Harris sẽ có 2 lần “thượng đài” truyền hình?

Chiến dịch tranh cử của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris ngày 15.8 cho hay bà sẵn sàng tranh luận lần 2 với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 10, bên cạnh sự kiện đã được thống nhất vào tháng 9. Giám đốc truyền thông của chiến dịch Harris – Walz 2024 Michael Tyler cho biết họ sẽ tham gia tổng cộng 3 cuộc tranh luận trong mùa bầu cử Mỹ 2024, trong đó có 2 cuộc tranh luận tổng thống và một cuộc tranh luận phó tổng thống.

Trong cuộc họp báo kéo dài 80 phút tại Bedminster thuộc tiểu bang New Jersey (Mỹ) hôm 15.8, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích bà Harris về tình trạng lạm phát khiến giá cả hàng hóa leo thang trong nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ông Trump cũng bày tỏ sự bất bình trước những điều bà Harris làm với nước Mỹ, đồng thời cho rằng mình được quyền công kích cá nhân bà.

Ở chiều ngược lại, theo Forbes, bà Harris dự kiến công bố kế hoạch đầy tham vọng nhằm ngăn chặn hành vi đầu cơ giá cả của các đại gia siêu thị, hỗ trợ 25.000 USD dành riêng cho 400.000 người mua nhà đầu tiên và khoản tín dụng thuế 10.000 USD cho người mua nhà lần đầu. Chiến dịch của bà Harris chia sẻ chương trình này sẽ đem đến lợi ích cho hơn 4 triệu người mua nhà lần đầu trong vòng 4 năm và thu hút thêm cử tri ủng hộ đương kim phó tổng thống Mỹ.

Liên quan các cuộc thăm dò gần đây, khảo sát của Cook Political ngày 14.8 cho thấy bà Harris nhỉnh hơn ông Trump tại 5 trong 7 bang chiến trường gồm Arizona, Michigan, Wisconsin, Bắc Carolina và Pennsylvania. Theo một cuộc thăm dò khác của Trường CĐ Emerson được công bố ngày 15.8, sự ủng hộ của cử tri cho bà Harris trội hơn ông Trump với tỷ lệ lần lượt là 50% và 46%.

Trí Đỗ


Bạn đang đọc Thực hư thế lực đứng sau chính sách của ông Donald Trump tại website hungday.com