Thương tiếc tiễn biệt nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của Đảng ta, nhân dân ta!
Thương tiếc tiễn biệt nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của Đảng ta, nhân dân ta!
Nhà em có sản xuất các tủ spa đựng sản phẩm liên hệ ngay bên em nhé.
Hà Nội sau mấy ngày mưa, bầu trời trong xanh đến kỳ lạ. Hai ngày nay, khu vực vườn hoa Yersin, các phố: Lò Đúc, Nguyễn Công Trứ, Lê Quý Đôn… chung quanh Nhà Tang lễ quốc gia đã trải qua một đêm không ngủ. Theo thông báo của Ban Tổ chức Lễ tang, lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong ngày 25/7 kéo dài đến 23 giờ để phục vụ nhân dân nhưng nhiều người dân vẫn nán lại qua 24 giờ, mới dần ra về.
Người dân bày tỏ niềm thương tiếc sâu sắc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong giờ phút tiễn biệt. (Ảnh THANH TRÀ) |
Ngay từ chiều 25/7 hàng nghìn người dân tại Hà Nội đã xếp hàng chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Dòng người trật tự xếp hàng trên năm ngả đường hướng về Nhà Tang lễ. Họ đến từ mọi miền đất nước, với tâm nguyện được cúi chào tiễn biệt nhà lãnh đạo đáng kính lần cuối cùng. Cùng dòng người trầm mặc chầm chậm di chuyển vào Nhà Tang lễ, chúng tôi cảm nhận được nỗi buồn dâng lên trên những gương mặt, ánh mắt đỏ hoe…
Có nhiều bạn trẻ nâng trên tay di ảnh của Tổng Bí thư, thành kính hướng về linh cữu Tổng Bí thư. Bạn Nguyễn Hương Giang là sinh viên Học viện Ngân hàng, sau một ngày phục vụ ở vòng ngoài Nhà Tang lễ đã đăng ký vào viếng, xúc động chia sẻ với chúng tôi về lòng kính trọng của mình đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vì những việc ông đã làm cho đất nước, cho nhân dân.
Trong dòng người lặng lẽ chờ được vào viếng Tổng Bí thư, chúng tôi gặp một người quen. Ông là Nguyễn Văn Trung, 75 tuổi, nguyên Chánh văn phòng Nhà máy cơ khí Mai Động (nay là Công ty cổ phần Mai Động), thành viên đội tự vệ thành Hà Nội từng bắn rơi chiếc F111 trên sông Hồng vào ngày 22/12/1972.
Nhà máy cơ khí Mai Động nhiều lần được vinh dự đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm, trong giai đoạn đồng chí giữ cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội. Ông Trung xúc động kể lại lần đến chúc mừng sinh nhật của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, lúc đó mới giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng vẫn nhớ tên từng người, gọi mọi người là “các cậu” xưng “anh” rất tình cảm. Đoàn công tác của Nhà máy cơ khí Mai Động hôm ấy đã tặng đồng chí Nguyễn Phú Trọng một bức tranh thêu chân dung đồng chí.
Trân trọng nhận bức tranh, đồng chí kể lại nhiều kỷ niệm gắn bó với Hà Nội và Nhà máy cơ khí Mai Động – một trong những đơn vị anh hùng của Thủ đô trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Giọng ông Trung chùng xuống: “Tôi rất xúc động khi xem những video trên internet, người dân cả nước bày tỏ tình cảm của mình đối với đồng chí Nguyễn Phú Trọng.
Nhiều người chưa từng một lần gặp Tổng Bí thư nhưng đều ngưỡng mộ người lãnh đạo đã một đời trọn vẹn cống hiến cho Đảng, cho dân. Tôi đã gặp đồng chí nhiều lần, nên càng hiểu đó là tình cảm chân thật xuất phát từ đáy lòng”. Mặc dù thời gian gần đây sức khỏe yếu, đi lại khó khăn nhưng ông Trung vẫn quyết tâm đến tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần cuối.
Tình cảm của người dân dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất đặc biệt. Trong dòng người đến viếng Tổng Bí thư, nhiều người chưa từng một lần gặp Tổng Bí thư, nhưng không quản đường xa, mong được tiễn biệt nhà lãnh đạo mà họ yêu kính.
Anh Thạch Trung Kiên ở huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, ngay sau khi được tin Ban Tổ chức Lễ tang sẽ tạo điều kiện để nhân dân được vào viếng Tổng Bí thư, anh đã bắt chuyến xe đêm ra Hà Nội, chờ từ sáng sớm đến chiều muộn để được vào viếng Tổng Bí thư.
Nhiều người như anh, không quản xa xôi, chờ đợi, trong đó có ông Trần Văn Cam, 70 tuổi, ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Ông Cam chia sẻ, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người khởi xướng, dẫn đầu đã đem lại chuyển biến tích cực tại địa phương.
Với tấm lòng thành kính, ông muốn đến nơi này, thắp một nén nhang bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn, tri ân những cống hiến của Tổng Bí thư với đất nước, với Đảng và nhân dân.
Chia sẻ với chúng tôi, các chị là tiểu thương đến từ phường Dương Nội, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội cho biết, đã dừng công việc gia đình đến túc trực trước Nhà Tang lễ quốc gia để chờ được vào viếng.
Chị Nguyễn Thị Hậu chia sẻ, tuy hằng ngày chỉ buôn bán nhỏ nhưng các chị rất quan tâm tình hình xã hội. Chị cho rằng hơn 10 năm qua, kinh tế-xã hội của đất nước có nhiều thành tựu nổi bật. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện từng ngày.
Chị nói: “Phật dạy làm người phải biết tới “tứ ân”, trong đó ân đất nước, ân đồng bào cũng cần được báo đáp, ghi tạc”. Thời gian qua, cùng với xu thế phát triển của cả nước, người dân Dương Nội tuy chưa giàu có nhưng luôn hạnh phúc.
Người dân biết ơn Đảng, Nhà nước lãnh đạo cả dân tộc tiến lên, nhân dân có đời sống ấm no, đủ đầy. Niềm tiếc thương của người dân đối với người đứng đầu của Đảng là minh chứng tấm lòng tri ân mà nhân dân gửi tới Đảng, Nhà nước ta.
Từ sáng sớm 26/7, dòng người vẫn không ngừng đổ về quê hương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội) để thắp hương tưởng niệm, bày tỏ lòng thành kính trước anh linh Tổng Bí thư.
Không chỉ từ các quận, huyện của Hà Nội, nhiều người từ các tỉnh, thành phố khác, thậm chí ở nước ngoài cũng đến để tiễn biệt người lãnh đạo tài đức vẹn toàn của nhân dân, của đất nước.
Thầy Nguyễn Trọng Vĩnh (91 tuổi), người thầy dạy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm học lớp 10, Trường trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều, hiện đang định cư tại Đức. Sau khi biết tin Tổng Bí thư từ trần, mặc dù tuổi đã cao nhưng ông tha thiết và được con cháu hỗ trợ để trở về nước, cho kịp giờ đến thôn Lại Đà để thắp hương tưởng niệm và tiễn đưa Tổng Bí thư về nơi an nghỉ cuối cùng.
Ông Ngô Hữu Nghĩa quê ở xã Vân Hà, huyện Đông Anh, đang sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ngay khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, ông đã trở về quê và đến thôn Lại Đà để tưởng niệm Tổng Bí thư. “Tôi vô cùng đau buồn và thương tiếc trước sự ra đi của bác Nguyễn Phú Trọng. Người dân Đông Anh chúng tôi nói riêng và cả nước nói chung đều dành cho bác những tình cảm đặc biệt. Tổng Bí thư ra đi để lại nhiều tiếc thương cho dân tộc, cho đất nước, cho nhân dân”, ông Nghĩa ngậm ngùi chia sẻ.
Từ huyện Nam Sách (tỉnh Hải Dương), ông Lê Văn Tùng cùng người thân đến xã Đông Hội từ 5 giờ sáng. Dù phải xếp hàng chờ đợi nhưng ông vẫn không cảm thấy mệt mỏi hay phiền lòng.
Hàng nghìn người dân cũng kiên nhẫn xếp hàng trong trật tự để mong dâng nén hương thơm tỏ lòng thành kính đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để được lưu lại những dòng chữ xúc động, bày tỏ sự thành kính, tiếc thương Tổng Bí thư.
Trong giây phút xúc động, nghẹn ngào những giọt nước mắt đã không ngừng rơi thể hiện sự tiếc thương vô hạn với người con ưu tú của dân tộc, nhà lãnh đạo đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng, cho đất nước, nhân dân.
Theo đại diện lãnh đạo huyện Đông Anh, trong hai ngày tổ chức Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã có 1.588 đoàn và 56.600 người đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại thôn Lại Đà, xã Đông Hội. Tình cảm của người dân với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính là sự ghi nhận quý giá về những công lao Tổng Bí thư đã cống hiến cho nước, cho dân.
Do đông người dân đến viếng Tổng Bí thư, Ban Tổ chức đã sắp xếp khu vực gửi xe khá xa Nhà văn hóa thôn Lại Đà để tránh ùn tắc, đồng thời bố trí hệ thống xe điện đưa đón. Tuy nhiên, hầu hết người dân chọn cách đi bộ để bày tỏ lòng thành kính với nhà lãnh đạo xuất sắc của đất nước, của nhân dân.
Nhà chị Ngô Thị Thuần ở đối diện nhà văn hóa, nơi tổ chức Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn rộng cửa đón mọi người ghé lại nghỉ chân. Chu đáo mời nước, chị Thuần xúc động nói: “Chúng tôi coi đây là công việc chung của cả nước, chứ không phải chỉ của riêng mình. Ai cũng mong bày tỏ tấm lòng của người dân quê bác Nguyễn Phú Trọng”.
Chị Nguyễn Thị Trà, cũng là người dân của thôn Lại Đà đi dọc con đường làng dài cả cây số để mời nước đoàn viếng: “Bà con về đây, dành tình cảm cho Tổng Bí thư khiến chúng tôi rất xúc động và biết ơn. Mọi người vất vả, chúng tôi không biết làm gì để hỗ trợ, đền đáp”.
Gần 22 giờ ngày 25/7, bà Nguyễn Thị Chăng, 73 tuổi, từ huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, cùng người em ngồi đợi bên lối ra Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh. Đoàn của bà là một trong những đoàn cuối cùng đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất.
Bà Chăng cho biết, dù đang bị bệnh khớp đi lại khó khăn, nhưng bà cố gắng cùng mọi người đến thắp nén nhang từ biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo đã để lại trong lòng họ sự tiếc thương khôn nguôi một nhân cách lớn, hết lòng vì nước, vì dân.
Bà trân quý sự giản dị, liêm khiết của Tổng Bí thư và hy vọng những bạn trẻ sau này sẽ noi gương ông để sống tốt hơn, xây dựng đất nước giàu mạnh hơn.
Trong hai ngày diễn ra lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Thành phố Hồ Chí Minh, đông đảo người dân từ khắp các tỉnh, thành phố đã không ngại đường sá xa xôi, đội mưa để có thể được vào viếng đồng chí Tổng Bí thư.
Trong buổi viếng sáng 26/7, bà Nguyễn Thị Tuyết (66 tuổi, ngụ tại thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương) dậy từ 3 giờ sáng để kịp bắt xe lên thành phố. Bà ôm trên tay di ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng mấy câu thơ bà tự sáng tác: “Vì dân vì nước vẹn toàn/Nhớ công ơn bác đời đời khắc ghi”- bà Tuyết xúc động khi đọc hai câu thơ của mình.
Ông Nguyễn Ngọc Trình (sống tại quận Tân Phú), là cựu chiến binh, đến đây từ rất sớm. Ông chờ đồng đội trong Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Thành phố Hồ Chí Minh. Dù đến 7 giờ sáng, lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới bắt đầu nhưng từ khi trời còn chưa tỏ, nhiều người đã có mặt trước khu vực chờ để vào viếng.
Là một người con của Hà Nội, vào Thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp từ năm 2002, mấy ngày nay, khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, anh Nguyễn Phú Huỳnh (sống tại huyện Hóc Môn) lòng dạ nôn nao. Anh đã mang theo tấm di ảnh của Tổng Bí thư tự tay làm từ nguyên liệu ốc xà cừ, khắc chạm tinh xảo, tỉ mỉ trong suốt hơn 2 tháng.
Anh Huỳnh chia sẻ: “Xuất phát từ tình cảm, mến phục một vị lãnh đạo tâm huyết, giản dị, gần gũi nên tôi dành nhiều thời gian, tâm huyết để thực hiện tác phẩm này. Và hôm nay đến đây, với tất cả lòng thành kính, tôi muốn tiễn biệt ông lần cuối”. Chánh phối sư Hương Phương, Phó Trưởng ban Thường trực Hội thánh Cao đài Minh Chơn Đạo (tại Cà Mau) cùng một số đại diện của Hội thánh khởi hành lên Thành phố Hồ Chí Minh từ 23 giờ tối 24/7 để kịp lễ viếng sáng 26/7 tại Hội trường Thống Nhất.
Đoàn muốn thắp nén nhang tiễn biệt vị Tổng Bí thư đáng kính, người luôn hết lòng lo cho nhân dân, tận hiến với dân tộc đến giây phút cuối cùng. Cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Nhà nước, Chính phủ đã có những quyết sách phát triển kinh tế đất nước, chăm lo đời sống nhân dân ngày càng ấm no hạnh phúc, các tôn giáo được thể hiện tín ngưỡng theo đúng quy định, Chánh phối sư Hương Phương bày tỏ.
Chiều 26/7, sau Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội, đoàn xe đưa linh cữu Tổng Bí thư về nơi an nghỉ cuối cùng trong niềm xúc động, nghẹn ngào dâng đầy khóe mắt của đông đảo người dân.
Suốt chặng đường di chuyển từ Nhà Tang lễ quốc gia tới Nghĩa trang Mai Dịch, đồng bào đứng kín hai bên đường giữa cái nóng oi ả của mùa hè miền bắc. Ánh mắt lưu luyến nhìn theo linh xa phủ quốc kỳ chở linh cữu Tổng Bí thư đang đi xa dần. Trong dòng người có Thượng tá, cựu chiến binh Trần Tuấn Phương, 75 tuổi, hướng theo linh xa chào vĩnh biệt nhà lãnh đạo đáng kính.
Nước mắt ông lăn dài trên gò má, giọng ông nghẹn lại: “Giờ phút này tôi bỗng nhớ đến lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói cách đây chưa lâu rằng, ông rất thích câu văn của nhà văn Nguyễn Đình Thi viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên ngực áo này không một tấm huân chương, nhưng dưới làn áo mỏng này có một trái tim. Xin vĩnh biệt đồng chí!”.
Trên các tuyến đường đoàn xe đi qua, chúng tôi được chứng kiến những hình ảnh và khoảnh khắc nghẹn ngào, xúc động nói lên tình cảm của nhân dân đối với người đi xa. Đó là người lái “xe ôm” sẵn lòng chở miễn phí cho người muốn ra tuyến đường đoàn xe sẽ đi qua; cụ già sẵn lòng chia sẻ miễn phí những chai nước mát lành; những thanh niên luôn tay thu vén, dọn dẹp những thứ còn lại của đám đông. Tình người như thêm gắn kết trong một ngày mà nước mắt rơi chung…
Bạn đang đọc Tin tức xây dựng trên website hungday.com