Tiêm 4 mũi vắc xin, vì sao vẫn mắc viêm não Nhật Bản?
Tiêm 4 mũi vắc xin, vì sao vẫn mắc viêm não Nhật Bản?
PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết: “Với ca bệnh viêm não Nhật Bản B (cộng đồng vẫn thường gọi là viêm não Nhật Bản), sau khi đã tiêm đủ 4 mũi vắc xin, nhưng vẫn mắc bệnh, thì bệnh nhân đó cần được đánh giá lại viêm não do nguyên nhân gì? Vì có nhiều nguyên nhân gây viêm não, mặc dù khá hay gặp ở trẻ nhỏ là viêm não Nhật Bản B, đặc biệt khi chưa có tiêm chủng mở rộng. Còn vắc xin viêm não Nhật Bản B thì chỉ phòng được viêm não Nhật Bản B chứ không phòng bệnh viêm não do nguyên nhân khác. Chưa kể hiệu lực của vắc xin không bao giờ đạt được 100%. Do đó, có thể tiêm rồi vẫn mắc”.
Thông tin thêm về hiệu quả của vắc xin và tiêm chủng, một chuyên gia của Tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia, cho biết thêm, có một tỷ lệ nhỏ tiêm vắc xin nhưng không tạo miễn dịch. Đây là yếu tố cá nhân, không do chất lượng vắc xin.
“Thực tế một số thử nghiệm lâm sàng đã ghi nhận, trong khi hầu hết người tham gia nghiên cứu đều sinh miễn dịch, có kháng thể sau tiêm vắc xin, thì cá biệt có trường hợp tiêm 4 mũi nhưng không có kháng thể”, chuyên gia cho hay, và cũng chia sẻ: “Các vắc xin nói chung cũng không tạo kháng thể 100% sau tiêm, mà tỷ lệ bảo vệ đạt trung bình khoảng 90 – 95%, tùy loại, với những người đã tiêm đầy đủ. Tuy nhiên, khi đã tiêm vắc xin, nếu mắc bệnh, thì triệu chứng sẽ nhẹ hơn”.
Giải thích cụ thể hơn về ca bệnh viêm não 13 tuổi, tại Hà Nội, được xác định viêm não Nhật Bản B, sau khi đã tiêm 4 mũi vắc xin này, TS Đỗ Tuấn Đạt, nguyên Chủ tịch Công ty Vắc xin và sinh phẩm số 1 VABIOTECH (Bộ Y tế), chuyên gia nhiều năm trong lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất vắc xin lưu ý thêm: “Theo chỉ định của vắc xin viêm não Nhật Bản, vì Việt Nam nằm trong vùng dịch nên sau khi tiêm xong 3 mũi tiêm cơ bản, cứ 3 năm sẽ phải nhắc lại 1 lần cho đến năm 15 tuổi. Bệnh nhân nêu trên đã tiêm mũi cuối từ năm 2019, hiện đã phải tiêm nhắc lại. Và nếu cần chắc chắn, phải làm thêm kháng thể, để đánh giá hiệu quả sau tiêm”.
Vắc xin viêm não Nhật Bản có tỷ lệ miễn dịch sau tiêm đạt từ 95 – 100%, do đó, các gia đình luôn lưu ý cho trẻ tiêm chủng đầy đủ và tiêm nhắc lại theo tư vấn của nhân viên y tế”, TS Đạt thông tin thêm.
Đánh giá dịch để triển khai chiến dịch tiêm chủng
Theo chuyên gia của TCMR quốc gia, các năm qua, TCMR quốc gia đã cùng các địa phương tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho các trẻ chưa tiêm chủng đầy đủ, để các trẻ có kháng thể, được bảo vệ tốt nhất. Ngoài ra, TCMR còn có các chiến dịch tiêm chủng, ngoài tiêm chủng thường xuyên đã duy trì tại các trạm y tế xã, phường.
Chiến dịch tiêm chủng được thực hiện được căn cứ trên diễn biến thực tế về dịch bệnh tại địa phương để ngăn dịch bùng phát, hoặc triển khai tại vùng dịch tễ có yếu tố nguy cơ, ví dụ như, từng tiêm vắc xin sởi-rubella, bạch hầu hoặc vắc xin bại liệt, viêm não Nhật Bản.
Theo đánh giá của chuyên gia, với Hà Nội, tỷ lệ trẻ trong độ tuổi TCMR được tiêm chủng đầy đủ ở mức cao. Trường hợp viêm não Nhật Bản trên là ca bệnh đầu tiên trong năm nay, hiện vẫn là cá biệt, chưa đặt ra vấn đề tiêm chiến dịch.
Tuy nhiên, để bảo vệ trẻ em trước bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, các gia đình vẫn cần cho trẻ tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch và tiêm bù mũi nếu đã hoãn tiêm. Không chỉ với viêm não Nhật Bản, mà trẻ cần được tiêm đầy đủ với các bệnh truyền nhiễm đã có vắc xin.
Các vắc xin trong TCMR do Nhà nước tổ chức, mua vắc xin và từ nguồn viện trợ, tiêm miễn phí cho các trẻ trong độ tuổi.
Hiện, vắc xin viêm não Nhật Bản B có lịch tiêm là:
Tiêm lần 1: khi trẻ đủ 1 tuổi
Tiêm lần 2: 1 – 2 tuần sau lần 1
Tiêm lần 3: 1 năm sau lần 1
Lịch tiêm chủng mới nhất do Bộ Y tế cập nhật đến thời điểm này, có 11 bệnh truyền nhiễm bắt buộc sử dụng vắc xin. Trong đó có viêm não Nhật Bản B.
Trước đây khi chưa triển khai vắc xin viêm não Nhật Bản B, tỷ lệ trẻ mắc bệnh này chiếm đến 50% các ca viêm não. Hiện, tỷ lệ này giảm thấp, còn khoảng 5 – 15%.
Bạn đang đọc Tiêm 4 mũi vắc xin, vì sao vẫn mắc viêm não Nhật Bản? tại website hungday.com