Tiềm năng phát triển thương mại biên giới tại Nghệ An
Tiềm năng phát triển thương mại biên giới tại Nghệ An
(Xây dựng) – Có Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn và 4 cửa khẩu phụ, nhiều lối mở dọc huyện biên giới… là điều kiện thuận lợi để Nghệ An phát triển kinh tế thương mại vùng biên.
Nghệ An là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước, với 16 tuyến quốc lộ đi qua và cao tốc Bắc – Nam được xây dựng. Nơi đây cũng có hệ thống hạ tầng sân bay quốc tế, cảng biển đồng bộ với sản lượng hàng hóa thông qua hàng năm khá lớn.
Nghệ An có 419km biên giới trên đất liền, tiếp giáp với 3 tỉnh của nước CHDCND Lào là Bô Ly Khăm Xay, Xiêng Khoảng và Hủa Phăn, có Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, cửa khẩu quốc gia Thanh Thủy và 3 cửa khẩu phụ: Thông Thụ, Tam Hợp và Cao Vều cùng nhiều lối mở. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để Nghệ An có thể phát triển thương mại biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua bán, trao đổi hàng hóa và đi lại của người dân, phương tiện qua lại biên giới giữa hai nước.
Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn là cửa khẩu của Nghệ An, cửa ngõ giao thương, hội nhập với các nước trong khu vực. |
Ðể khơi thông tiềm năng hợp tác thương mại biên giới, thời gian qua, trên cơ sở các Hiệp định Thương mại song phương được ký kết và các văn bản pháp luật được Chính phủ ban hành, tỉnh Nghệ An cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, thương nhân hai bên cửa khẩu biên giới trao đổi, mua bán, xuất, nhập khẩu hàng hóa. Qua đó, phối hợp thuận lợi giữa hai bên để đảm bảo công tác thông quan hàng hóa, phương tiện, xuất, nhập cảnh…
Hiện nay, trên tuyến biên giới đất liền và cửa khẩu biên giới đất liền của tỉnh có 1 chợ biên giới đang hoạt động tại cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn là chợ Nậm Cắn (hay còn gọi là chợ Đoàn kết). Chợ nằm ở giữa hai cửa khẩu Việt Nam và Lào (Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn), sát đường biên giới (Bên suối Nậm Cắn) về phía Lào (thuộc địa bàn Bản Đín-đăm, huyện Nọong-hét, tỉnh Xiêng-khoảng, Lào).
Năm 1994, trên cơ sở thống nhất giữa chính quyền hai huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) và huyện Nọong-hét (Xiêng-khoảng, Lào). Chợ mang tên là Chợ biên giới Nậm Cắn (hay còn được gọi bằng cái tên thân mật là Chợ Đoàn kết) để thể hiện tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam – Lào, là nơi giao thương, trao đổi hàng hóa của dân cư hai bên biên giới.
Năm 2006, thực hiện thỏa thuận mở rộng thương mại biên giới giữa hai tỉnh, Chợ biên giới Nậm Cắn được tổ chức lại và chuyển sang xây dựng trên lãnh thổ Lào (do UBND tỉnh Nghệ An hỗ trợ kinh phí xây dựng) thuộc bản Đín-đăm, huyện Nọong-hét, tỉnh Xiêng Khoảng, Lào; tần suất chợ họp 02 lần/01 tháng, vào các ngày 14 và 29 dương lịch. Lưu lượng người, phương tiện tham gia họp chợ ngày càng đông.
Tới năm 2017, chợ biên giới Nậm Cắn chuyển đến khu vực nằm ở khoảng giữa hai cửa khẩu của Việt Nam và Lào (nằm trên lãnh thổ Lào), sát đường biên giới (Bên suối Nậm Cắn); tần suất chợ họp 02 lần/01 tháng, vào các ngày 14 và 29 dương lịch. Từ năm 2019 đến nay, tần suất chợ họp 04 lần/01 tháng, vào các ngày chủ nhật.
Thương nhân kinh doanh tại chợ chủ yếu là các hộ kinh doanh buôn bán hàng tạp hóa, mỹ nghệ, nông, lâm, hải sản… của nhân dân 2 bên biên giới. Số lượng các hộ kinh doanh thường xuyên tại chợ biên giới Nậm Cắn cả công dân Lào và Việt Nam khoảng từ 170 đến 200 hộ. Trong đó, phiên chợ bình thường dao động có từ 2.000 đến 3.000 người dân Việt Nam và có từ 500 – 800 người dân Lào qua lại cửa khẩu để đi chợ biên giới Nậm Cắn. Vào thời gian cao điểm (nhất các ngày lễ, tết Nguyên đán Việt Nam và Tết Năm mới Lào), số lượng người dân hai bên đi chợ dao động từ 5.000 đến 6.000 người.
Hiện nay chợ biên giới Nậm Cắn có quy mô, lưu lượng người, phương tiện tham gia ở các phiên chợ lớn, góp phần đẩy mạnh hoạt động thương mại biên giới. Tại Biên bản ghi nhớ Hội đàm cấp cao giữa hai tỉnh Nghệ An – Xiêng Khoảng năm 2023, cả hai tỉnh đang có chủ trương mở rộng quy mô của chợ nằm phát triển du lịch, tạo điều kiện để nhân dân hai bên phát triển kinh tế.
Chợ biên giới Nậm Cắn là nơi giao thương, trao đổi, mua bán hàng hóa của cư dân biên giới huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) và huyện Nọong-hét (tỉnh Xiêng Khoảng) có mối quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt, nhân dân hai bên giới có mối quan hệ thân tộc, dòng họ, từ trước đến nay sau từng giai đoạn, đặc biệt là vị trí họp chợ có nhiều thay đổi, quy mô phiên họp chợ khác nhau nhưng cư dân hai bên biên giới vẫn đi chợ đều đặn và luôn chấp hành nghiêm quy định của pháp luật hai bên. Hoạt động kiểm soát, quản lý hoạt động ra vào chợ được cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị và đặc biệt là nhân dân hai bên biên giới đồng tình, ủng hộ và đánh giá rất cao.