Tiến sĩ Mỹ nói về cơ hội của sinh viên Việt trong nền kinh tế toàn cầu

Tháng mười 8, 2024

Tiến sĩ Mỹ nói về cơ hội của sinh viên Việt trong nền kinh tế toàn cầu

Tại hội thảo quốc tế “Growth and Economic Ties Between the San Francisco Bay Area and Vietnam” (Sự phát triển và mối quan hệ kinh tế giữa Vùng Vịnh San Francisco và Việt Nam) tổ chức chiều 7.10, sinh viên đã đặt nhiều câu hỏi về sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu.

Sự kiện này do Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn tổ chức, với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế hàng đầu trong và ngoài nước.

Tiến sĩ Mỹ nói về cơ hội của sinh viên Việt trong nền kinh tế toàn cầu- Ảnh 1.

Sinh viên đặt câu hỏi cho các diễn giả là chuyên gia kinh tế đến từ Mỹ

ẢNH: C.T

Đặc biệt, hội thảo có sự xuất hiện của tiến sĩ Sean Randolph, Giám đốc cấp cao của Bay Area Council Economic Institute (Viện Kinh tế Hội đồng Vùng Vịnh), một tổ chức kết nối các quan hệ đối tác công – tư giữa doanh nghiệp, lao động, Chính phủ và giáo dục ĐH, nhằm thúc đẩy một nền kinh tế cạnh tranh tại California và khu vực Vịnh San Francisco (Mỹ).

Ngoài ra còn có ông Alex Foard, Giám đốc thường trực kinh doanh toàn cầu tại Trung tâm Nghiên cứu kinh tế của Hội đồng Vùng Vịnh.

Sinh viên cần chuẩn bị kiến thức gì để thích ứng với nền kinh tế toàn cầu

Sau khi tiến sĩ Sean Randolph hoàn thành bài báo cáo ‘Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc tế Vùng Vịnh/Thung lũng Silicon’, rất nhiều sinh viên đã đặt câu hỏi cho ông.

Một sinh viên nêu thắc mắc: “Làm thế nào để sinh viên có thể chuẩn bị tốt nhất cho việc tham gia vào thị trường việc làm của nền kinh tế toàn cầu?”.

Tiến sĩ Mỹ nói về cơ hội của sinh viên Việt trong nền kinh tế toàn cầu- Ảnh 2.

Tiến sĩ Sean Randolph tại hội thảo

ẢNH: C.T

Tiến sĩ Sean Randolph khẳng định trước tiên, kỹ năng ngôn ngữ rất quan trọng. “Hơn nữa, trên phạm vi quốc tế, nhiều công ty đang đầu tư ra khắp thế giới, một trong những vấn đề chính luôn là quy định. Bạn phải có kiến thức về môi trường pháp lý và quy định mà công ty sẽ hoạt động, kiến thức về văn hóa kinh doanh ở quốc gia, khu vực đó. Vì vậy, tôi nghĩ bạn sẽ được đánh giá cao nếu như chuẩn bị tốt các kiến thức về văn hóa, bối cảnh kinh doanh, kỹ năng ngôn ngữ, khả năng hiểu biết về môi trường pháp lý…”, tiến sĩ Sean Randolph chia sẻ.

Trong khi đó, một sinh viên khác quan tâm đến cơ hội nghề nghiệp của ngành kinh doanh và kinh tế quốc tế trong nền kinh tế toàn cầu. Để giải đáp, ông Alex Foard cho rằng kinh doanh quốc tế là việc thực hiện kinh doanh với một nền văn hóa khác.

“Vì vậy, đừng cố gắng kinh doanh với cả thế giới, đừng cố gắng làm mọi thứ, đừng cố gắng đi khắp nơi. Hãy chọn một nơi mà bạn quan tâm, tập trung vào nó, trở thành chuyên gia về cách mà nơi đó kinh doanh. Thế giới rất rộng lớn và mọi thứ đều có thể thú vị, nhưng tôi nghĩ bạn sẽ nhận ra rằng càng tập trung vào một nền văn hóa và cách kinh doanh mà bạn thực sự quan tâm, bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn để mở rộng ra các nơi khác”, ông Alex Foard trao đổi.

Tiến sĩ Mỹ nói về cơ hội của sinh viên Việt trong nền kinh tế toàn cầu- Ảnh 3.

Ông Alex Foard mong có nhiều tài năng Việt Nam sẽ làm việc ở Vùng Vịnh

ẢNH: C.T

Quan tâm đến vấn đề mang tầm “vĩ mô”, một sinh viên hỏi tiếp: “Mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Vùng Vịnh San Francisco sẽ mang lại những thay đổi gì cho Việt Nam trong tương lai?”.

Ông Alex Foard bày tỏ: “Hiện nay, chúng ta đang chứng kiến nhiều chuyển biến tích cực trong lĩnh vực sản xuất, từ California đến Việt Nam, cho thấy tiềm năng hợp tác kinh tế ngày càng cải thiện. Tôi kỳ vọng rằng trong 10-20 năm tới, sẽ có thêm nhiều tài năng Việt Nam học tập và làm việc ở những khu vực như Vịnh San Francisco và sau đó quay về phát triển trong nước”.

Theo ông Alex Foard, điều này đã được thấy ở các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, nơi người dân trở về từ Vịnh với kinh nghiệm về công nghệ và kinh doanh, và ông hy vọng xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển tại Việt Nam.

Trường ĐH có ảnh hưởng lớn nhất đến ước mơ khởi nghiệp của sinh viên

Trao đổi về vai trò của trường ĐH đối với doanh nghiệp khởi nghiệp của sinh viên, tiến sĩ Sean Randolph nhận định: “Tại Mỹ, các trường ĐH đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới và hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp. Nhiều trường có các chương trình chuyên biệt nhằm cung cấp giáo dục và đào tạo về kỹ năng khởi nghiệp. Thông qua đó, sinh viên có cơ hội kết nối với các nhà đầu tư và khách hàng tiềm năng, giúp họ tiếp cận thị trường, đặc biệt là ở những nơi như Thung lũng Silicon”.

Tiến sĩ Mỹ nói về cơ hội của sinh viên Việt trong nền kinh tế toàn cầu- Ảnh 4.

Sinh viên lắng nghe chia sẻ về xu hướng của nền kinh tế toàn cầu từ các chuyên gia kinh tế đến từ Mỹ

ẢNH: C.T

Theo tiến sĩ Sean Randolph, nhiều nhà sáng lập trẻ trong lĩnh vực công nghệ và khoa học đời sống đã phát triển từ các trường ĐH. Họ là cựu sinh viên từng tham gia các chương trình đào tạo khởi nghiệp và hiện đang hoạt động trên thị trường. Nếu có một tổ chức nào có ảnh hưởng lớn đến việc phát triển doanh nhân và các công ty khởi nghiệp sáng tạo, đó chính là các trường ĐH.

“Những sinh viên này có thể đã có sẵn ý tưởng hoặc công nghệ muốn thử nghiệm trên thị trường. Việc trang bị cho họ các kỹ năng cần thiết để theo đuổi ước mơ của mình là rất quan trọng, và trường ĐH thường là nơi tốt nhất để biến những ước mơ đó thành hiện thực”, tiến sĩ Sean Randolph chia sẻ.

Giúp sinh viên tiếp cận xu hướng kinh tế toàn cầu

Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho biết hội thảo được tổ chức nhằm giúp sinh viên Khoa Kinh doanh và luật của trường có cơ hội tiếp cận với những xu hướng kinh tế toàn cầu, khám phá mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Vịnh San Francisco (tiểu bang California, Mỹ) – một trong những khu vực phát triển kinh tế năng động nhất thế giới.

Đồng thời, thông qua sự kiện, trường mong muốn phát triển các chương trình hợp tác với các đối tác nước ngoài trong trao đổi giảng viên, sinh viên, thực tập nước ngoài và liên kết đào tạo.