Tìm cách ứng xử phù hợp

Tháng mười 16, 2024

Tìm cách ứng xử phù hợp

Bài học từ siêu bão số 3 (Yagi) vừa qua đã nhắc nhớ chúng ta phải có cách ứng xử phù hợp với sông Hồng, từ định hướng quy hoạch, xây dựng, kiến trúc và khai thác trục cảnh quan trung tâm của Hà Nội.

GS.TS Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Mục tiêu lớn nhất là bảo đảm thoát lũ

Tìm cách ứng xử phù hợp

Việc cải tạo trục cảnh quan sông Hồng là hết sức cần thiết, nhằm ngăn chặn, xử lý mức độ gia tăng ô nhiễm đã ở mức nặng nề tại các trục sông nhỏ. Được biết, trong đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, không gian phát triển Thủ đô Hà Nội được tổ chức với 5 trục động lực thì trục sông Hồng là trục động lực chính, điểm nhấn của vùng đô thị trung tâm, kết nối đô thị phía Nam và phía Bắc sông Hồng. Tôi đánh giá cao và rất đồng tình bởi đây là ý tưởng thể hiện sự sáng tạo mạnh mẽ, logic, phù hợp.

Ngành thủy lợi đang nghiên cứu xây dựng đập dâng nước trên sông Hồng và sông Đuống. Đập dâng tạo ra trục cảnh quan rất đẹp, hệ thống sông nội địa của Hà Nội như sông Tích, sông Đáy, sông Nhuệ và hệ thống Bắc Hưng Hải sẽ cùng “sống lại”. Các công trình thủy lợi dọc hai bên sông có thể chủ động lấy nước.

Về cải tạo trục sông Hồng, chúng ta phải đưa ra các mục tiêu. Mục tiêu lớn nhất là bảo đảm thoát lũ cho dòng sông và nâng được mực nước, đưa sông Hồng trở lại thành con sông đẹp. Thực hiện định hướng, đề xuất trong các quy hoạch có liên quan đến bảo đảm thoát lũ cho sông Hồng, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, không phải là việc của riêng ngành nào và cũng không chỉ hướng đến thoát lũ đơn thuần.

Theo tôi, phương án thực hiện phải gắn kết cơ sở hạ tầng kỹ thuật giữa các lĩnh vực thủy lợi, giao thông, xây dựng, bảo vệ môi trường, cải tạo môi trường các con sông cho Thủ đô Hà Nội. Nếu ta làm được như vậy, con sông thật sự trở thành trục cảnh quan gắn liền với lịch sử và tạo tiềm năng, dư địa phát triển cho Thủ đô, phục vụ con người.

Sau bão số 3 vừa rồi, một lần nữa chúng ta ý thức rõ về biến đổi khí hậu đã tạo các trạng thái cực đoan rất lớn như hạn hán, mưa bão, lũ lụt nghiêm trọng. Do đó, học tập kinh nghiệm các nước trên thế giới, chúng ta phải có sự chuẩn bị để bảo đảm an toàn. Một số quốc gia như Nhật Bản, Hà Lan đã xây những con đê kiên cố, rộng tới 500m, sau đó xây dựng nhà cửa bên trên, chấp nhận khi lũ cực đoan quá lớn có thể tràn qua mà không gây vỡ đê. Thêm một vấn đề lớn của Hà Nội là thành phố nằm dưới các đập lớn ở thượng nguồn. Do đó, nhằm ứng phó với các tình huống tiềm ẩn sự nguy hiểm khi nước lũ về vượt quá năng lực thoát lũ của hồ chứa, cần xây dựng thêm các tràn sự cố trên đập, trên đê.

KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam: Ưu tiên phát triển các giải pháp về không gian sinh thái

Tìm cách ứng xử phù hợp

Về vấn đề thoát lũ, từ ngàn đời nay, dòng sông Hồng là nguồn cung cấp nước tưới cho hệ thống nông nghiệp của khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, là tuyến giao thông vận chuyển hàng hóa quan trọng. Vì vậy, phòng chống lũ, trị thủy sông Hồng để bảo vệ các khu dân cư đô thị, giải quyết bài toán thoát lũ là giải pháp quan trọng hàng đầu, đòi hỏi phải bố trí nguồn lực thích hợp, có giải pháp khoa học thích ứng nhằm bảo đảm an toàn, môi trường sinh thái. Trước hết, phải tập trung đánh giá quy hoạch phòng, chống lũ cho lưu vực sông Hồng, đề ra những kịch bản cụ thể, trong đó tuân thủ một cách tuyệt đối quy hoạch thoát lũ, bảo vệ môi trường.

Về việc phát triển lá phổi xanh giữa trung tâm Hà Nội và quy hoạch lại không gian hai bên ven bờ sông Hồng, cần tính đến việc làm gia tăng giá trị cho khu đất, nơi mà hiện nay các khu nhà ổ chuột đang chiếm lĩnh cả hai bên bờ sông Hồng. Để làm được điều này, cần ưu tiên phát triển các giải pháp về không gian sinh thái, cung cấp các tiện ích, dịch vụ cộng đồng cho người dân đô thị; tạo sự kết nối không gian sinh thái sông Hồng với hệ thống các tuyến sông, mặt nước đô thị; xây dựng hạ tầng giao thông tiếp cận gồm giao thông dọc sông, cầu qua sông, tuyến đường thủy dọc sông… gắn với các giải pháp bảo đảm hành lang thoát lũ và thích ứng với điều kiện thủy văn.

Khi quy hoạch khu vực hai bên sông, cần tạo cơ hội lớn nhất cho người dân được tiếp cận với các không gian công cộng mở, thân thiện. Thêm vào đó, cần tổ chức giao thông công cộng hợp lý để khuyến khích người dân đi bộ, đạp xe, kết nối với những tuyến đường hướng ra sông. Kiến trúc ven sông phải khai thác tối đa ưu thế và những khác biệt so với các công trình ở trung tâm đô thị.

KTS Marco Buinhass, Giám đốc thiết kế Công ty Tư vấn quốc tế enCity: Biến thách thức thành cơ hội

Tìm cách ứng xử phù hợp

Hà Nội là “thành phố của sông hồ” hay “thành phố trong sông”. Những dòng sông, đặc biệt là sông Hồng sẽ đóng vai trò như nguồn lực chính để bù đắp sự thiếu hụt, đáp ứng nhu cầu và mục tiêu hướng tới sự phát triển bền vững của một Thủ đô xanh, sinh thái.

Những thách thức liên quan đến đô thị hóa ở Hà Nội rất đa dạng, đòi hỏi giải pháp sáng tạo phù hợp với lịch sử, bối cảnh và nguồn lực cơ bản của khu vực này. Khai thác trục cảnh quan sông Hồng nên được coi là nhân tố chính hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố Hà Nội xanh – văn hiến – văn minh – hiện đại.

Coi thách thức là cơ hội, chúng ta phải xem xét giá trị của sông Hồng, không chỉ như một nguồn nuôi dưỡng đô thị lịch sử mà còn là chìa khóa cho tương lai xanh bền vững của thành phố. Trong số các vấn đề cần giải quyết, cần chú ý những tác động do thủy văn và biến đổi khí hậu mang lại, với bối cảnh là một thành phố trũng thấp gần cửa sông lớn và khó lường, cũng như công tác cải tạo đô thị, cung cấp không gian công cộng và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông. Những thách thức này phải được biến thành cơ hội và điều đó sẽ đòi hỏi các hành động kết hợp để giải quyết, gồm phục hồi sinh thái, phòng chống lũ lụt, cải tạo và chỉnh trang đô thị, cung cấp không gian công cộng và giao thông đô thị.

Cần có “phác đồ” 3 bước gồm tái sinh hệ sinh tái, tái hợp con người với dòng sông và tái tạo cơ hội. Theo đó, phục hồi sinh thái là bước đầu tiên hướng tới tầm nhìn về hành lang sông Hồng như một vùng giảm nhẹ lũ lụt, cải thiện chức năng sinh thái và khai thác tiềm năng của một trục phát triển xanh cho trung tâm Hà Nội. Đồng thời, cần xem xét một hệ thống cơ sở hạ tầng không có rào cản để đảm bảo khả năng tiếp cận toàn diện và sự hòa nhập đô thị thích hợp và có ý nghĩa của hệ thống đê sông Hồng.

Việc kết nối và khả năng tiếp cận cũng là một yếu tố quan trọng của trục phát triển trung tâm mới. Hệ thống giao thông chạy từ Bắc xuống Nam sẽ kết nối với đường thủy, tuyến xe buýt và hành lang giao thông mềm, góp phần xóa bỏ sự ngăn cách vật lý giữa tả ngạn và hữu ngạn của hệ thống đê.

Cuối cùng, tái tạo cơ hội chính là tạo ra các mô hình và kiểu phát triển mới để đáp ứng nhu cầu về nhà ở, cải tạo các khu định cư không chính thức ngoài đê. Cần xem xét việc cải tạo hiện trạng thực tế và khả năng chuyển đổi các vùng nước đọng hiện tại thành một hệ thống bờ sông năng động, góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội – môi trường bền vững.