Tìm hiểu về chiếc gương sát nhân “Louis Alvarez 1743”
Chiếc gương khiến những chủ nhân sở hữu đều đột tử mà qua đời, ngay cả vị bác sĩ muốn tìm hiểu bí ẩn về nó cũng đã thiệt mạng.
Câu chuyện về những chiếc gương thần được bắt gặp trong rất nhiều giai thoại hay truyện cổ tích trên toàn thế giới. Nguyên nhân có lẽ một phần bởi từ xa xưa, con người đã luôn tin rằng bên trong những chiếc gương phản chiếu hình hài của mình có thể ẩn chứa cả một thế giới khác. Tuy nhiên một chiếc gương kỳ lạ được biết đến là “chiếc gương sát nhân” hoàn toàn không phải một câu chuyện hư cấu.
Chân dung kẻ sát nhân
Chiếc gương này được nghệ nhân Louis Alvarez chế tác và xuất xưởng vào năm 1743 ở Pháp. Chỉ 2 ngày sau khi hoàn thành chiếc gương, người thợ vốn đang khỏe mạnh bình thường bỗng đột ngột qua đời trong nhà xưởng vì chứng tràn máu não. Không ai liên tưởng về sự ra đi bất ngờ của ông tới chiếc gương soi kia. Nó đã được đưa ra bày bán tại cửa hàng tạp hóa và bắt đầu chuỗi hành trình gieo rắc cái chết.
Nạn nhân thứ hai sau Alvarez là Tesemer, ông chủ cửa hàng bột mì tại thành phố cảng Marseille. Tới cửa hàng mua sắm quà sinh nhật cho người vợ, ông cảm thấy thích chiếc gương và móc hầu bao mua luôn. Tối hôm đó, trong căn biệt thự lộng lẫy của mình, buổi lễ sinh nhật hoành tráng đã được diễn ra. Sau khi lấy chiếc gương ra khỏi hộp quà tặng vợ, thuận tay, ông đưa chiếc gương chạm khắc tinh xảo lên soi. Bỗng nhiên, Tesemer cảm thấy ớn lạnh toàn thân, rùng mình, đầu óc nặng trĩu, cảnh vật trước mắt chông chênh, chao đảo. Bà vợ thấy vậy vội đỡ ông, dìu vào phòng nhưng đáng tiếc, ông đã ra đi. Cũng như Louis, ông được chẩn đoán tử vong vì chứng tràn máu não. Người vợ trẻ quá đau buồn đã bán và đem cho mọi đồ vật riêng tư của ông để không gợi lại kí ức cũ. Chiếc gương “quỷ ám” thất lạc từ đó.
Chiếc gương sát nhân này tiếp tục “tác quái” vào 22 năm sau đó, tức năm 1765. Nạn nhân thứ ba của nó là Arnold, biên tập viên trẻ tuổi của một nhà xuất bản. Anh ta mua được chiếc gương này tại một cửa hàng trên vỉa hè thủ đô Paris và mang nó về treo ngay đầu giường của mình trong phòng ngủ. Ngay sau đó, Arnold mất tích và khi tới căn chung cư của anh để tìm, mọi người sững sờ khi thấy anh đã qua đời nhiều ngày trong chính căn hộ đó. Thật đáng sợ, nguyên nhân chính vẫn là do tràn máu não.
Nạn nhân thứ tư là Henry, một ông chủ cửa hàng đồ cổ. Trong khi đi dạo tại khu chợ mua bán đồ cũ, ông đã bắt gặp chiếc gương được chạm khắc tinh xảo này nên đã mua lại và mang về cửa hàng với hy vọng bán được chiếc gương rẻ mạt này với giá cao. Thật không may, ba ngày sau đó, Henry đã đột tử tại cửa hàng trong khi đang thưởng thức ly cà phê sữa sau bữa ăn trưa. Đặc biệt thay, nguyên nhân tử vong của ông là do chứng… tràn máu não.
Những tin đồn về chiếc gương ma này bắt đầu lan truyền khắp nước Pháp kể từ khi một người bạn thân của Henry tới dự đám tang và bất giác, giật thót người khi thấy chiếc gương “Alvarez 1743”. Ông cũng là bạn thân của Arnold – nạn nhân thứ ba của chiếc gương sát nhân. Mấy năm trước, khi tham dự đám tang của Arnold, ông cũng đã từng bắt gặp nó. Ông liên hệ cái chết của hai người bạn cùng chiếc gương quỷ quái này và họ cùng chết do chứng tràn máu não. Liệu có mối quan hệ nhân – quả gì ở đây không? Quá lo sợ nên dù chưa có chứng cứ xác thực, ông vẫn khuyên gia đình Henry mang chiếc gương này đi vứt bỏ.
Sự việc càng ngày càng quái dị hơn khi chiếc gương tiếp tục gây ra cái chết oan nghiệt cho hai nạn nhân tiếp theo là ông Hanmer và vợ ông (bà Jura) sau 70 năm lưu lạc. Bà Jura đã mua được chiếc gương cổ này trong một lần đi dạo và mang về đặt trên chiếc bàn viết ở nhà. Không ngờ được rằng việc làm vô tình đó đã gây ra cái chết oan uổng cho cả hai người ngay sau đó. Cả hai đã lần lượt qua đời trên đường tới bệnh viện cấp cứu bởi nguyên nhân vẫn là chứng bệnh tràn máu não.
Đã có thêm hơn 20 người nữa chết “bất đắc kì tử” trong vòng hơn 100 năm sau đó. Hầu hết trước khi đột tử, họ đều rất khỏe mạnh, không nghiện ngập hay mắc bất cứ chứng bệnh gì. Họ chỉ qua đời trong vòng ba ngày sau khi tiếp xúc với chiếc gương quỷ ám và nguyên nhân dẫn họ tới cái chết đều giống nhau. Trong số họ, có những người không biết tới chiếc gương này và chỉ tình cờ sử dụng nó; nhưng cũng có những người biết, tò mò, cố tình sử dụng. Dù thế nào nhưng tất cả họ đều phải nhận lấy cái chết.
Nạn nhân thứ 38 của chiếc gương là tiến sĩ Smith. Là nhà khoa học nên ông không hề tin chuyện chiếc gương này có… yêu ma hại người. Ông quyết định vén bức màn của bí ẩn này. Thế nhưng chỉ sau khi tiếp cận được chiếc gương không lâu, ông đã cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu rồi tử vong ngay sau khi dặn dò người nhà hãy cất kĩ chiếc gương hại người này. Tất nhiên, nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông vẫn giống 37 người trước.
Những giả thuyết ban đầu
Cái chết bí ẩn của tiến sĩ Smith đã thôi thúc Hiệp hội Sưu tầm Đồ cổ Pháp khẩn cấp công bố trước báo chí về sự nguy hại của việc tiếp cận chiếc gương. Nhiều nhà khoa học có sự quan tâm đặc biệt xung quanh bí ẩn này; nhưng không ai dám giữ nó lại bên mình để nghiên cứu chỉ vì “chiến tích” của nó. Họ đua nhau đưa ra những phán đoán của bản thân nhưng đều không thể chứng minh chúng.
Từ thời Trung Cổ, có nhiều học giả cho rằng gương soi như một tấm sắt tự hấp thụ chất độc xung quanh và bốc hơi lên dần, ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiếp xúc. Tuy nhiên, giả thuyết này không đứng vững bởi nếu đúng là mặt gương có khả năng hấp thụ hơi độc thì chỉ cần rửa bằng nước lạnh là có thể hòa tan, làm sạch chúng. Ngoài ra, không thể giải thích về nguyên nhân của sức mạnh sát thương lớn đến như vậy của chiếc gương.
Các nhà khoa học Nga thì mở rộng vấn đề hơn. Họ nhận định rằng chiếc gương không chỉ có khả năng hấp thụ chất hóa học hữu hình mà còn có thể hấp thụ các “năng lượng thông tin vô hình”. Vật chất hữu hình có thể gột rửa, nhưng với năng lượng vô hình, điều đó không thể thực hiện được. Tuy nhiên, họ chưa thể lí giải trọn vẹn tại sao trong khi những chiếc gương khác hoàn toàn bình thường thì chiếc gương kì quái này lại có thứ năng lượng vô hình đó. Ngoài ra, một số người cũng hoài nghi chiếc gương được tráng thêm những chất phụ gia độc hại nhưng không ai dám lại gần chiếc gương để… làm thí nghiệm kiểm chứng. Thời gian càng trôi đi, bức màn bí mật bao phủ quanh chiếc gương “quỷ ám” này ngày càng dày thêm, khiến mọi người nhìn nó không còn dưới “con mắt khoa học” nữa mà tin rằng bên trong nó có một “sức mạnh siêu nhiên” bí ẩn. Thậm chí, đã có bộ phim kinh dị được dựng lên từ câu chuyện kì bí này, càng tô vẽ thêm tính li kì, đáng sợ cho câu chuyện.
Liều mình vén bức màn bí ẩn
Tháng 4/2005, Waine (tiến sĩ khảo cổ người Mỹ) thực hiện chuyến bay tới Paris xin phép Hiệp hội Sưu tầm Đồ cổ Pháp tiến hành điều tra chiếc gương “ma” này thêm một lần nữa. Chuyện tiến sĩ Waine liệu có trở thành nạn nhân thứ 39 của chiếc gương sát nhân hay không bỗng trở thành tiêu điểm của giới truyền thông và dân chúng. Tuy nhiên, đề nghị này của ông không được chấp thuận bởi họ không muốn chứng kiến thêm một bi kịch nữa gây ra bởi chiếc gương.
Không nản lòng, ông đã tới gặp cháu nội của tiến sĩ Smith. Trước nỗ lực và tấm lòng chân thành của Waine, người cháu này đã giúp mang chiếc tráp gỗ có đựng chiếc gương được niêm phong kĩ giao cho ông. Sau khi có được chiếc gương, ông đã nhanh chóng đáp máy bay về Mỹ nghiên cứu.
Bỏ mặc mọi lời ngăn cản của người vợ, ông vẫn quyết tâm thực hiện hành động “điên rồ” là tìm hiểu chân tướng sự việc. Sau bao nhiên năm ngủ trong bóng tối, phủ đầy bụi bặm, cuối cùng chiếc gương ma quái cũng được nhìn thấy ánh mặt trời. Ông đã tiến hành một số nghiên cứu giám định và nhận ra tuổi của mặt gương chưa tới 100 năm. Vậy rất có thể là mặt gương đã bị ai đó thay mới vào và như vậy thì chiếc khung gỗ xinh xắn được chạm khắc tinh xảo kia chính là hung thủ giết người hàng loạt.
Sau khi rời thư viện trường đại học quay trở về nhà, bước vào phòng thí nghiệm, ông thất thần khi thấy hai con chuột bạch làm thí nghiệm nhốt trong chiếc lồng sắt đặt trước gương đã chết cứng từ bao giờ. Chiếc gương ma lại một lần nữa “tác yêu tác quái”. Khi giải phẫu, ông sững sờ khi thấy trong não chúng chứa đầy máu đọng. Chúng đã “ra đi” vì chứng tràn máu não.
Để kiểm chứng dự đoán của mình, ông đã gọt lấy một vài mẩu dăm trên khung gỗ chiếc gương để làm mẫu hóa nghiệm. Theo kết quả nhận được, chiếc khung gỗ của gương “ma” được chế tạo bằng gỗ cây coura – một loại cây gỗ rất hiếm gặp đã tuyệt chủng hơn 100 năm nay.
Theo tài liệu nghiên cứu, gỗ cây coura chứa một loại chất cực độc, khi hứng luồng ánh sáng tự nhiên càng mạnh rọi vào thì chất độc từ gỗ bay hơi tạo thành luồng khí độc càng nhiều. Khí này khiến mạch máu của não người hít phải ngay lập tức bị tắc nghẽn, nứt vỡ rồi nhanh chóng tràn máu lên não và qua đời. Tiến sĩ Waine đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần do có thói quen đóng kín rèm cửa sổ khi vào phòng thí nghiệm và thể trạng tốt. Khi ông rời khỏi phòng, để thoáng khí, bà vợ đã mở cửa sổ ra, ánh sáng mặt trời ùa vào phòng khiến chất độc bay hơi mạnh, gây nên cái chết cho hai con chuột bạch kia.
Thế nhưng, khi rất đỗi vui mừng và chuẩn bị công bố kết quả nghiên cứu tới giới khoa học và các phương tiện truyền thông thì ông tá hỏa khi chiếc gương đã “không cánh mà bay”. Bởi không có hiện vật gốc nên ông không thể chứng minh được rằng những mẩu dăm gỗ kia được gọt từ khung của chiếc gương sát nhân ấy. Bí ẩn tưởng chừng như đã có thể hé lộ ra giờ lại đang có nguy cơ bị chôn vùi…