Tinh Thần Ngày Nay

Từ xưa đến nay, tinh thần con người ta luôn luôn khao khát vượt lên mọi trói buộc, vùng thoát mọi hạn chế của thiên nhiên và xã hội, của các thế lực chính trị, của sự thiếu hụt về tâm lý và tri thức, để được tự do trong hành động, phát triển tâm tưởng, và sáng tạo văn hóa. Vô số hệ tư tưởng vì vậy đã được xây dựng và lan tỏa, khai phá khả năng của con người đến những nơi sâu xa nhất mà ngôn ngữ cũng không thể biểu đạt. Có những cố gắng thô sơ nhưng lại mang giá trị vượt thời gian, lại có những nỗ lực có sức đồng cảm vô cùng, nhưng lại dần trở nên đơn điệu khô cứng. Bài viết này cung cấp những “điểm neo” để những bạn hiếu kì tự định hướng rồi vận dụng linh động theo cung cách riêng của mình, nói ngắn gọn là tự bơi lội, xoay trở với những gì nhìn thấy trên bề mặt.

Niết Bàn và trở về Thiên Đàng

Tinh thần vượt lên trói buộc của Phật giáo được biểu hiện qua cách đặt vấn đề (nhận thức đau khổ trong đời sống) và giải quyết vấn đề (tu
tập để đạt trí tuệ, từ đó giác ngộ, diệt khổ, Niết bàn) hết sức gãy gọn, khúc chiết. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, cá nhân tiếp thu đạo Phật cần cấm dục, vô dục, ly dục, nghĩa là cần trở nên không có tham vọng tiến thân, bằng lòng với những gì mình có, sống nhẫn nhục, không đấu tranh, sống cuộc sống “an bần lạc đạo”. Những điều này thực tế là tước đoạt tự do của con người, khiến con người chịu sự chi phối của tôn giáo, qui định của các tổ chức Phật giáo, tự giới hạn mình trong những lời dạy cũ (dù liên tục được khoác lên nhiều màu sắc mới mẻ của lớp lớp đệ tử các thời kỳ), và đóng khung tư tưởng, vì vậy mà cản trở sự phát huy tinh thần sáng tạo của con người.

Tương tự, mục tiêu của Cơ Đốc giáo là nhận được sự cứu rỗi và được ban cho lối vào thiên đàng sau khi chết. Vì sao lại cần cứu rỗi? Vì vốn dĩ con người khi được Đức Chúa Trời sáng tạo ra thì hoàn hảo về mọi mặt, và sống trong một thiên đàng thực sự, chính là Eden (Sáng thế kí 2:25). Điều này được hiểu là, theo Kinh Thánh, con người vốn dĩ có quyền tự do để quyết định và lựa chọn, tự do về tâm linh lẫn thể xác (hoàn hảo, vì được tạo dựng theo hình ảnh của Chúa), và có đầy đủ vật chất quanh mình (sống trong thiên đàng); nhưng sau đó thất bại (?) trước cám dỗ và lời nói dối của Satan nên đã ăn trái cây bị cấm, bất tuân lời Chúa Trời dạy, dẫn đến cái chết (Sáng thế kí 2:25). Sau đó là câu chuyện về Đức Chúa Jesus và những ai tin vào Ngài (và sự chết của Ngài), sẽ được cứu rỗi và ban cho lối vào thiên đàng (Isaiah 64:6-7, Isaiah 53:6).

We are all born into a state of innocence, and we all have the choice before us: to live life with God, eating of the tree of life, or to be our own god, eating of the tree of knowledge of good and evil.

We are all born into a state of innocence, and we all have the choice before us: to live life with God, eating of the tree of life, or to be our own god, eating of the tree of knowledge of good and evil.

Mục tiêu “trở về” thiên đàng của con người sau khi chết để được giải phóng khỏi bản chất tội lỗi, và được tự do tương giao đúng đắn với Chúa – một đấng Thượng Đế toàn trí toàn năng, đã phản ánh một cách đầy xúc cảm cho khát vọng về tự do của con người ngay từ những thời kì cổ xưa. Khác với con đường tìm kiếm trí tuệ trong cô độc của Phật giáo, “niềm tin” (vào Chúa) là sợi dây thừng bện chặt tất cả anh em con chiên với nhau, và là con đường dẫn ta đến những giá trị tốt đẹp. Tuy vậy, và cũng chính là vì vậy, Kinh Thánh không cho phép con người đi chệch hướng (khỏi các lời được “hà hơi” của Chúa), và yêu cầu một “niềm tin” không cần bằng chứng, không đòi phải thấy tận mắt (chỉ có thể thấy thiên đàng sau khi chết) (2 Timothy 3:16, 2 Peter 1;20-21). Những điều này rõ ràng mang tính chất răn đe, ngăn cấm người ta vô cùng. Nếu đơn giản hóa cuộc sống bằng cách đặt toàn bộ loài người vào cùng một hoàn cảnh, cùng một tình trạng (tội lỗi), hiệu quả tập trung lòng người sẽ trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết, khi đó dẫn tới một lẽ tất nhiên, ai nấy đều sẽ khao khát được rũ sạch tội lỗi, và con đường để được thanh tẩy cũng hiển nhiên vô cùng: hãy làm theo Kinh Thánh.

Trong khi đó, Đạo gia lại đi một đường vòng vô cùng to lớn. Trong Tiêu dao du của Trang Tử từng mô tả một con cá Côn lớn đến mấy nghìn dặm sống ở Biển Bắc, cá này hóa ra chim Bằng khổng lồ cũng không biết mấy nghìn dặm. Biển động, chim Bằng vỗ cánh mà bay, bay xuống biển Nam, quạt nước dậy lên ba ngàn dặm, xoáy tròn mà bay lên chín vạn dặm cao, “kỳ dực nhược thùy thiên chi vân” (cánh nó như mây rủ kín trời) và bay luôn sáu tháng mới nghỉ. Mục đích của nó là hướng tới cõi cao xa nhất, vượt lên trên mọi sự vật thế tục, bay tới vô cùng, tự do tự tại, một mình tiến thoái.

Trạng thái ấy được mô tả như sau: “Đăng thiên du vụ, nao khiêu vô cực, tương vong dĩ sinh, vô sở chung cực” (Lên trời bơi trong mây mù, vòng tới vòng lui vô cực, quên đi mà sống, không hề có kết thúc) – Đại tông sư; “Thừa vân khí, ngự phi long, nhi du hồ tứ hải chi ngoại” (Đáp hơi mây, cưỡi rồng bay, mà rong chơi ở ngoài bốn bể) – Tiêu dao du; “Thánh nhân bất tông sự ư vụ… nhi du hồ trần cấu chi ngoại” (Thánh nhân không làm công việc… mà rong chơi ở bên ngoài nơi bụi bặm) – Tề vật luận;; “Thừa phi mãng diểu chi điểu, dĩ xuất lục cực chi ngoại, nhi du vô hà hữu chi lương, dĩ xử khoáng nhưỡng chi dã” (Đáp cánh chim phiêu diêu mà ra ngoài sáu cực để rong chơi ở cõi không có gì, để ở vào cánh đồng bao la trống trơn) – Ứng đế vương. Để đạt đến cõi tinh thần tối cao, tịnh khiết vô cấu, bay lượn tự do vươn tới vô cùng như những kì cảnh trên, điều hiển nhiên là người ta nếu không có sức mạnh tinh thần to lớn, tích súc ý chí sâu xa, trí tuệ cực sâu thì tuyệt đối không muốn, và cũng không thể thoát khỏi được sự mê luyến của tình thú thế tục, hay những quan niệm truyền thống về danh lợi địa vị, đứng ngoài sống chết mà thoát khỏi sợ hãi, e dè.

Ta thấy rõ khi Trang Tử dựng lên hình tượng chim Bằng là có dụng ý so sánh với lũ côn trùng, chim sẻ, chim cưu để làm nổi bật sự nhỏ bé, đáng thương của chúng. Những kẻ này “trí hiệu nhất quan, hạnh tỉ nhất hương, đức hợp nhất quân năng nhi trưng nhất quốc giả”, nghĩa là họ có trí tuệ đủ để làm một chức quan, phẩm hạnh đủ để gắn kết một làng, đạo đức có thể hợp ý một ông vua, năng lực đủ để một nước tín nhiệm – đều là những người được ca ngợi, khâm phục, và nhiều người bắt chước theo; và họ cũng không tránh khỏi việc huênh hoang, đắc ý vì những thành tựu đạt được. Trang Tử trái lại càng hạ thấp những người như vậy, cho rằng họ là những kẻ “người đời có khen cũng không khích lệ, mà đời có chê cũng không ngăn đón được.” Ý tưởng chính là dùng hình tượng văn học để coi thường những thứ mà người đời sùng thượng như công danh, địa vị, lợi lộc, và cả đạo đức. Sau đó, Trang Tử thậm chí còn bước dài hơn một bước, đến mức “cử thế nhi dự chi nhi bất gia khuyến, cử thế nhi phi chi, nhi bất gia thư, định hồ nội ngoại chi phận, biện hồ vinh nhục chi cảnh, tư dĩ hĩ” (cả thế gian khen ngợi cũng không gắng làm, cả thế giới chê bai cũng không chán nản, trong lòng tự mình có tiêu chuẩn riêng để phân chia vinh nhục). Đâu đó chính là hàm chứa hay ít nhất là chạm đến thành quả về mệnh lệnh tuyệt đối (categorical imperative) của I. Kant sau này.

Tiểu kết

Xã hội ngày nay phức tạp hơn ngày xưa gấp nhiều lần không chỉ bởi khoa học kĩ thuật tiến bộ thần tốc, mà còn nhờ sự giao hòa và va chạm giữa các kiến trúc tư tưởng nền tảng trong suốt lịch sử loài người. Tinh thần vươn lên biểu hiện ra muôn hình vạn trạng ở mọi thời kì, và nhiều khi chỉ là những gợi dẫn mờ mịt nhưng về sau lại trở thành nếp văn hóa và ý thức xã hội hết sức kiên cố.

Related Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *