Tôi tự đọc sách “Tôi tự học”

Tháng chín 2, 2024

Nhắc đến từ khóa “sách về học tập”, hẳn hình ảnh hiện ngay trong đầu nhiều bạn đọc sẽ là cuốn “Tôi tự học” của bác Thu Giang – Nguyễn Duy Cần.
Đối với một đứa yêu sự học và mê tìm hiểu phương cách tập học như mình, việc tìm đọc cuốn sách này đến tự nhiên như ăn rau phải chấm nước mắm vậy. Một ngày đẹp trời tìm sách để đọc, thấy cuốn sách này ở nhà sách, thế là tậu thôi.
Mình đã “ăn” xong cuốn sách này, giờ đã đến lúc phê bình nó.
Bài này sẽ không giống như bài review sách thông thường, mà mình sẽ đặt ra một số câu hỏi suy nghiệm, và dùng kiến thức từ trong sách cũng như tự bản thân để trả lời.
Sau này, nếu bạn có nhã hứng đọc cuốn Tôi tự học, bạn có thể sử dụng danh sách câu hỏi của tôi để hỗ trợ quá trình đọc sâu.

— Theo tác giả, thế nào là người có học thức thực sự? Bạn có đồng ý với quan điểm này không?

Theo mình, tác giả nêu bật hai yếu tố chính của người có học thức:
Thứ nhất, Người có học thức thực sự là người không chỉ học mà còn tiêu hóa được những thứ mình học và áp dụng nó vào đời sống. Tỉ như một người học về điện, có thể mô tả 7749 lý thuyết về điện, nhưng khi điện trong nhà hư lại không biết sửa thì cũng chưa hẳn là người có học thức.
Hơn nữa, người có học thức là người “không phải cần biết thật nhiều, mà cần phải thật biết những gì mình đã biết”. Nói cách khác, người học thức ưu tiên học sâu hơn học rộng, thà chỉ biết một – hai chủ đề thôi, nhưng phải thật chắc, thật rõ, hỏi đâu trả lời được đấy; còn hơn là người động đâu cũng biết, nhưng chỉ giỏi chém gió chứ đến khi bàn luận sâu thì thấy toàn lỗ hỏng.
"không phải cần biết thật nhiều, mà cần phải thật biết những gì mình đã biết "

“không phải cần biết thật nhiều, mà cần phải thật biết những gì mình đã biết “
Đó là ý kiến của tác giả Nguyễn Duy Cần. Còn với cá nhân mình thì sao?
Mình không bất đồng với quan điểm của tác giả, nhưng cũng không hẳn là 100% đồng ý. Bởi với mình, chữ học thức là tương đối. Chúng ta không thể nào chỉ nói “A là người có học thức”, mà cần phải làm rõ “A là người có học thức trong lĩnh vực gì”.
Bởi suy từ ý thứ hai của tác giả, ai cũng sẽ có một hoặc nhiều lĩnh vực mình ngu dốt. Einstein chưa chắc đã hiểu về tình yêu bằng một kẻ suốt ngày đọc tiểu thuyết ngôn tình. Nếu gọi Einstein là người có học thức vì ông ấy giỏi Vật Lý, nhưng không gọi kẻ đọc ngôn tình là người có học thức dù họ biết nhiều lý thuyết tình yêu thì có vô lý chăng?
Thế nên, chữ học thức là một chiếc áo, theo mình, quá rộng cho tất cả mọi người. Chi bằng ta chỉ chấp nhận mình học thức trong một vài lĩnh vực thôi, còn những lĩnh vực khác thì cứ thỏa thích nhận là kẻ ngu. Như thế vừa nhẹ gánh, lại vừa tránh tự cao.

— Tại sao chúng ta cần phải học? Mục đích của việc học là gì?

Theo ý hiểu của mình, tác giả ủng hộ việc học chỉ vì vẻ đẹp của kiến thức, học để nâng cao hiểu biết chứ không phải học để làm đòn bẩy cho đời sống vật chất.
Ngoài ra, Ông cũng làm rõ rằng có hai loại hạnh phúc, hạnh phúc của nhà văn, nhà khoa học nổi tiếng người Đức – Goethe, và hạnh phúc của kẻ ăn mày.
Tất cả những gì ông viết đều dành cho những người cảm được dạng hạnh phúc của Goethe là dạng hạnh phúc cao quý hơn trong cuộc sống.
Định nghĩa hạnh phúc của bạn là gì?

Định nghĩa hạnh phúc của bạn là gì?
Thực lòng mà nói, mình rất đồng tình với việc trong cuộc sống, chúng ta nên hướng đến hạnh phúc do sự hiểu biết mang lại, bởi nó giúp ta nhận ra, dù bản chất cuộc sống có nhiều điều bất công, nó vẫn có những vẻ đẹp mà chúng ta có thể dành cả một đời để hướng tới;
như khoảnh khắc đồng điệu với lời tâm tình của một triết gia, hay rơi nước mắt vì một bản ballad.
Chứ còn hạnh phúc trong sự vô tri, như cách nhiều tầng lớp lười biếng đang cổ xúy, chỉ là tạm thời thôi. Mình tin đến một lúc, cuộc sống cũng sẽ bắt họ mở mắt ra để nhìn vào những thứ “xấu xí” của nó, như lòng tham sân si, như sự nghèo đói.
Nhưng mình cũng hiểu, không phải ai cũng trong hoàn cảnh thích hợp để đi tìm hạnh phúc của tri thức như của tác giả và như Goethe. Có những người chỉ ăn được bữa cơm qua ngày thôi đã là điều xa xỉ rồi. Với những cảnh ngộ như thế, việc họ học để kiếm tiền thực hiển nhiên.
Nên mình nghĩ không có mục đích học tốt và mục đích học xấu ở đây, mục đích nào phù hợp với hoàn cảnh và tư duy thì ta chọn thôi, không ai phán xét ai cả.
Đến cuối cùng, một trong những trạng thái cao nhất của sự học là khi bạn nhận ra có tồn tại những hiểu biết trái ngược mình, nhưng không có nghĩa là nó sai.

— Tác giả so sánh việc học với việc ăn. Bạn hiểu gì từ sự so sánh này và nó có ý nghĩa gì đối với cách học của bạn?

Trong sự ăn, thứ quan trọng không chỉ là số lượng đồ ăn chúng ta nạp vào, mà còn phải kể đến ta ăn cái gì, lượng dinh dưỡng của chúng ra sao.
Mà cũng không phải chỉ thả đồ ăn vào mồm là đã lấy được dinh dưỡng. Nó còn phải trải qua quá trình tiêu hóa. Nếu hệ tiêu hóa của chúng ta kém cỏi, ắt lượng dinh dưỡng ta nhận được sẽ giảm đáng kể, thậm chí về không.
Điều tương tự cũng đúng với việc học. Bạn không thể đọc lướt qua 100 cuốn sách và tự nhận mình là người có học thức. Vả lại, bạn cũng không thể chỉ đọc những cuốn tiểu thuyết ngôn tình mà mong tư duy của mình trở nên sắc bén được. Thế mới thấy, đọc nhiều không bằng đọc thấm, đọc 100 cuốn sách rác không bằng đọc một cuốn tuyệt tác.
Hơn nữa, nếu bạn đọc sách với một cái đầu đóng, không chịu tiếp nhận kiến thức, hoặc do đã quá quen với những loại văn rẻ tiền, thì kiến thức cũng phải thành kiến ngủ thôi.
Nghệ thuật học nói chung và đọc sách nói riêng thật không dễ dàng. Đòi hỏi ta phải nghiền ngẫm thật lâu, thật sâu những điều mình vừa tiếp thu.
Cơ mà, đối với mình, vị giác cũng chỉ là một khía cạnh của việc học. Ta còn cần cả đôi mắt để thấy những mảnh đời phải đi bán vé số để kiếm sống; đôi tai để nghe tiếng gọi của mẹ trong những buổi trưa hè; chiếc mũi để hít mùi hương của ổ bánh mỳ ta nuốt vội trước giờ học; và cảm giác căng tràn khi ta đặt bàn tay vào lồng ngực, để biết ta vẫn còn sống, còn thổn thức.
Là học trò của cuộc đời, ta cần tận dụng cả 5 giác quan.
"Là học trò của cuộc đời, ta cần tận dụng cả 5 giác quan."

“Là học trò của cuộc đời, ta cần tận dụng cả 5 giác quan.”

— Theo bạn, quá trình tự học có gì khác so với việc học kiến thức từ thầy cô?

Theo mình, tất cả những hình thức học sản sinh ra kiến thức, kể cả học với thầy cô, đều là tự học. Bởi kiến thức là quá trình ta tự kiến giải những tri thức mình nhận được.
Chúng ta có biết hàng trăm lý thuyết về học tập, về cách học hiệu quả, nhưng nếu chúng ta vẫn chưa áp dụng được những lý thuyết đó được vào hành trình học của chính ta, đó vẫn chưa được gọi là kiến thức.
Nếu chỉ nghe giảng từ thầy cô mà không nghĩ cách làm sao để áp dụng kiến thức đó vào cuộc sống của ta, hoặc chí ít nghĩ sâu hơn về vẻ đẹp của kiến thức đó, thì có khác gì học vẹt chăng?
Đối với mình, đã là học, thì tất cả mọi quá trình tiếp thu kiến thức, ở một mức độ nào đó, đều là tự học. Còn dạng tiếp thu kiến thức vì người khác, chỉ lấy kiến thức của người khác như một cỗ máy chứ không có tư duy tự bản thân, theo mình không phải là học.

— Trong cuốn sách, tác giả có nhắc đến câu “ đồng thinh tương ứng, đồng khí tương cầu” 3 lần. Theo bạn, câu nói đó có liên quan gì đến hành trình tự học?

Theo mình hiểu, câu trên mang hàm ý rằng những gì hợp nhau ắt sẽ tự tìm đến với nhau. Vả lại, chỉ có những gì hợp ta thì ta mới có thể tiếp thu, bằng không sẽ như nước đổ đầu vịt.
"Đồng thinh tương ứng, đồng khí tương cầu"

“Đồng thinh tương ứng, đồng khí tương cầu”
Trong bối cảnh của cuốn sách, có 2 ý tác giả (có thể) muốn truyền đạt qua câu trên:
– Ý thứ nhất, “Hiểu biết, thực chất là sự nhận ra những gì ta đã biết. Cái thật biết là cái biết do mình đã tìm ra”. “Đọc sách mà biết hay chẳng qua vì nó là tiếng dội của lòng mình.”
hay” Đọc sách mà đến mức cao thâm, là đọc sách không phải để tìm hiểu cái ngoài ta, mà là để tìm hiểu cái người thật của ta”
Tức là vốn dĩ trong ta đã có sẵn sự hiểu biết rồi, nhưng có thể nó chưa được đánh thức hoặc bị che lấp bới nhiều thông tin rác rười. Việc học chỉ đơn thuần là khai phá tâm trí của ta. Như một câu châm ngôn đề nghị phép học:
“Nếu muốn học “thấy” hãy “bịt mắt lại mà tưởng tượng trước bằng một viễn tượng trong tâm hồn”; nếu muốn học “nghe” hãy “bịt tai lại”; nếu muốn học cách “đọc sách” hãy “xếp sách lại mà phỏng đoán trước những gì ta sắp đọc”
Thế nên, loại sách vở hợp với chúng ta chính là những loại có khả năng đánh thức những tư tưởng, xúc cảm tiềm ẩn mà ta chưa thể diễn tả bằng lời.
Bản thân mình không đồng tình với ý này cho lắm, nếu mình hiểu đúng. Bởi mình tin rằng ai sinh ra cũng có xuất phát điểm kém hiểu biết, thậm chí là ngu muội. Kiến thức của chúng ta về thế giới quá hạn hẹp, mà nếu chỉ “nhắm mắt lại” để thấy, “bịt tai lại” để nghe, ta sẽ không bao giờ mở lòng để đón nhận tri thức của thế giới.
Quả đúng là nội trong bản thân chúng ta cũng có rất nhiều thứ để khám phá, nhưng nếu cái gì cũng lấy suy nghĩ nội tâm của ta làm mốc đối chiếu, “hợp thì mới nghe”, có khác gì ta đang tự tạo thiên kiến cho chính mình đâu? Kể ra thì những thứ hợp với ta cũng thay đổi theo thời gian nữa, thứ mà ta tưởng “đồng thinh” bây giờ, mười năm sau nhìn lại ta có thể thấy trẻ con. Chính mình cũng chưa chắc 10 năm sau mình vẫn còn giữ nguyên quan điểm trong bài viết này.
– Ý thứ hai, loại sách hợp với chúng ta là loại sách phản ánh suy tư hoặc trải nghiệm mà ta đã trải qua ở một thời điểm trong cuộc đời. Có nhiều khi, một cuốn sách ta chê thậm tệ lúc còn trẻ, đến vài năm sau đọc lại thì thấy thấm thía. Cũng nhiều lúc, có những cuốn sách ta thấy tuyệt hay thuở thiếu thời, khi trưởng thành hơn lại thấy thật trẻ con.
Điều này quả thực rất đúng. Tỉ như hiện tại mình đang đọc lại cuốn rừng Nauy. Độ 2 năm trước đọc không thấy ấn tượng gì, cứ nghĩ là cuốn này đang được đánh giá quá cao. Nhưng đến bây giờ đọc lần nữa lại xúc động bởi thấy được nhiều hình ảnh khuếch đại của bản thân trong những trang viết của Murakami.
Có một điều chắc chắn, đó chính là khẩu vị đọc, những điều “đồng khí tương hợp” với chúng ta sẽ thay đổi theo thời gian.

— Những phương pháp đọc sách có thể áp dụng trong cuộc sống?

Dưới đây là 6 bài học về đọc sách, được lấy từ cuốn Tôi tự học và biên theo hiểu biết của mình.
Đọc từ nguồn: Thay vì tìm hiểu một chủ đề thông qua một bài giải thích hoặc một cuốn sách tóm lược, bạn nên đọc thẳng vào nguồn bạn cần tìm hiểu luôn. Ví dụ, nếu muốn tìm hiểu về thuyết phân tâm học của Freud, thay vì chỉ mới đọc vài ba lời bình về ông ấy đã vội chê “Freud toàn ngụy khoa học”, thì hãy đọc thẳng tác phẩm của ông ấy. Sau khi đọc ông ấy rồi thì bạn mới có quyền chê, nhược bằng không những hiểu biết của bạn về ông ấy chỉ là vụn vặt.
Chấp nhận và học hỏi từ quan điểm đối nghịch: Khi đọc một cuốn sách có quan điểm khác bạn, thay vì vội chê bai tác giả, hãy thử hỏi bản thân tại sao tác giả lại suy nghĩ như thế, bối cảnh xã hội của ông là gì. Và cũng nên tự hỏi liệu góc nhìn của mình mới có vấn đề chứ không phải của tác giả.
Bởi đọc sách nên là để mở rộng vùng kiến thức, chứ không phải để củng cố góc nhìn hạn hẹp của bản thân. Ông Nguyễn Duy Cần (và mình) cũng ủng hộ việc đọc/theo dõi những người có quan điểm đối nghịch bạn. Theo dõi người ta không đồng nghĩa với việc bạn đồng ý với họ, mà là để đào luyện cho ta một tinh thần cởi mở, rằng vẫn có những quan điểm khác chúng ta tồn tại.
Trong đa số trường hợp, những người ta phản đối không phải là người ngu, mà ngược lại còn đạt thành tựu cao trong xã hội. Vậy ắt cũng có điều gì đó rất đáng học hỏi từ họ. Học từ kẻ thù cũng là học mà.
Đọc mục lục trước khi đọc sách: Điều này nghe đơn giản nhưng không phải ai cũng làm. Đọc mục lục trước sẽ cho chúng ta khái quát về trình tự của cuốn sách, giúp ta đỡ lạc lối trong khi đọc.
Tác giả không nhắc đến nhưng mình cũng xin nói thêm một số lợi ích khác của việc đọc mục lục kỹ trước khi đọc sách.
+ Đầu tiên là tiết kiệm thời gian. Khi đọc mục lục, nếu bạn thấy chương sách nào nghe có vẻ thú vị hơn, bạn có thể đọc trước, hoặc chương sách nào bạn thấy chỉ toàn khái niệm mình đã biết, bạn cũng có thể bỏ qua.
+ Thứ nữa, đọc trước mục lúc cũng rất cần thiết cho quá trình học chủ động, bởi nó giúp bạn tư duy trước nội dung cuốn sách. Khi đọc mục lục, hãy đặt cho bản thân một số câu hỏi về nội dung, hoặc đoán trước chương này sẽ nói gì.
Ví dụ khi đọc cuốn tôi tự học, quan sát mục lục mình thấy có chương năm là ĐỌC NHỮNG GÌ? Ngay lập tức mình sẽ suy nghĩ qua chương này có thể viết về những cuốn sách mà ông ấy cho là hay, hoặc là dạng sách mà ông ấy nghĩ nên đọc.
Rồi mình đọc chương 5 để đối sánh với suy nghĩ của mình. Như thế sẽ cho bạn thế chủ động hơn khi đọc, so với việc chỉ thả mình vô định vào những trang sách
archive.org

archive.org
Viết lại những gì đã đọc: Đang đọc bài này chắc bạn cũng biết mình ủng hộ quy tắc này thế nào rồi. Đối với mình, quá trình viết vừa giúp mình hệ thống hóa những suy nghĩ lộn xộn ở trong đầu mình, vừa đóng vai trò bài kiểm tra trí nhớ.
Ngoài ra, khi viết, ta có thể tự thêm thắt ý tứ của mình vào, biến những gì ta đã học thực sự thành của ta. Một ích lợi nhỏ nữa trong thời đại hiện nay đó là giúp xây dựng thương hiệu cá nhân! Một mũi tên trúng quá nhiều con chim. Cơ mà cần nhớ, viết lại là phải viết theo cách hiểu của mình, tuyệt đối không giở sách chép vẹt lại. Làm thế là ta đang tự hủy hoại cơ hội tự học của chính mình.
Đọc tuyển chọn: Đừng phí thời gian vào những cuốn sách tệ. Nếu bạn đọc cỡ 100 trang đầu mà chưa thấy có gì đang học hỏi, bạn có thể yên chí cho mình quyền gấp cuốn sách đó và đọc cuốn sách khác. Thông thường, những tác giả tốt sẽ nghĩ cách hút độc giả ngay trong 100 trang đầu; nên trừ phi bạn đang đọc một cuốn sách giáo khoa hoặc tài liệu nghiên cứu khoa học, 100 trang đầu chán thì 90% khả năng các trang còn lại cũng thế.
Ngoài ra, bạn cũng không nên quá tin vào danh sách các cuốn bán chạy, hay review trên Tiktok. Có nhiều cuốn sách bán chạy hàng đầu ở Việt Nam có nội dung không ra gì. Mình thường chọn sách để đọc bằng 3 cách sau: Đề xuất từ 2-3 người bạn mình tin tưởng, đọc tác giả yêu thích, nghe đề xuất của những podcaster/ giáo sư/ Influencer uy tín.
Tự kiểm tra bản thân: Cuốn sách không nhắc rõ ràng phương pháp này, nhưng vì nó quan trọng nên mình muốn nhấn mạnh. Tự kiểm tra kiến thức của chúng ta trước khi học lẫn sau khi học đều giúp chúng ta tiếp thu kiến thức tốt hơn so với chỉ đơn thuần đọc một tài liệu nào đó (1). Chúng ta nên xem kiểm tra như một phần của quá trình học, chứ không đơn thuần là phương tiện để đánh giá kiến thức.
Trước khi đọc một cuốn sách nào, bạn hãy dành độ 5 phút ghi tất cả những hiểu biết của mình liên quan đến chủ đề cuốn sách, tỉ như đang học tôi tự học thì mình viết trước tất cả những gì mình biết về tự học. Sau đó, khi đọc xong, mình sẽ tự kiểm tra bản thân một lần nữa, qua các câu hỏi ôn tập dạng như các bạn đang đọc. Làm vậy, mình thấy kiến thức trụ lại trong đầu mình lâu hơn gấp nhiều lần so với khi chỉ đọc thông thường.

Kết

Thú thật, mình không đánh giá cuốn tôi tự học là một cuốn sách hay. Chắc bởi kiến thức ông ấy nhắc đến mình đều đã biết. Những luận điểm của ông ấy cũng mang tính một chiều, thường chỉ nói điều này là tốt, mà không hề giải thích tại sao. Có giải thích thì cũng không chạm đến được nguyên nhân cốt lõi.
Tuy nhiên, mình vẫn sẽ đề xuất những bạn muốn tìm hiểu về học tập đọc qua cuốn này. Phần vì đây là cuốn sách tiếng Việt (theo mình) hàm súc nhất về chủ đề này cho đến hiện tại; thứ nữa, tuy được viết hơi mang hướng chủ quan, nhưng 80% nội dung cuốn sách khá tương đồng với các nghiên cứu hiện tại. Điều này khiến mình thêm nể phục bác Nguyễn Duy Cần vì ở những thập niên 60 của thế kỷ trước, lại có thể cô động được nhiều kiến thức phức tạp đến vậy.
Be curious,
Triet
(1) Richland, L.E., Kornell, N. and Kao, L.S. (2009). The pretesting effect: Do unsuccessful retrieval attempts enhance learning? Journal of Experimental Psychology: Applied, 15(3), pp.243–257. doi:https://doi.org/10.1037/a0016496.