Tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao năng lực khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Tháng mười một 6, 2024

Tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao năng lực khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành

(Xây dựng) – Tại Phiên họp toàn thể lần thứ 20, ngày 4/11, Ủy ban Kinh tế đã thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì Phiên họp.

Tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao năng lực khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành
Toàn cảnh Phiên họp ngày 4/11. (Ảnh: Quốc hội)

Trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực

Trình bày Tờ trình, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 ngày 25/6/2015 với mục tiêu xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), là cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.

Dự án gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, đầu tư xây dựng 01 đường cất hạ cánh và 01 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác.

Giai đoạn 2, tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 01 đường cất hạ cánh cấu hình mở và 01 nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu hành khách/năm, 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Giai đoạn 3, hoàn thành các hạng mục của dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 05 triệu tấn hàng hóa/năm. Chính phủ chỉ đạo lập báo cáo nghiên cứu khả thi đối với từng giai đoạn của dự án và báo cáo Quốc hội thông qua trước khi quyết định đầu tư.

Quá trình triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV – nhà khai thác cảng sau này) nhận thấy việc xây dựng ngay đường cất, hạ cánh số 3 bên cạnh và cách đường cất, hạ cánh số 1 đang đầu tư 400m để đưa vào khai thác đồng bộ cùng giai đoạn 1 sẽ mang lại nhiều lợi ích cho việc quản lý, khai thác và bảo đảm hiệu quả đầu tư.

Việc xây dựng ngay đường cất hạ cánh số 3 sẽ đáp ứng tốt nhu cầu khai thác giai đoạn 1 của sân bay Long Thành khi 1 đường cất, hạ cánh xảy ra sự cố, không phải chuyển sang sân bay Tân Sơn Nhất. Việc bổ sung thêm đường cất hạ cánh còn đảm bảo sự khai thác liên tục của cảng. Nếu sau khi đưa vào khai thác giai đoạn 1 mới xây dựng đường cất, hạ cánh số 3, sẽ làm gián đoạn khai thác của cảng tại một số thời điểm. Cùng đó, việc khai thác cảng còn bị ảnh hưởng của bụi trong quá trình thi công xây dựng.

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn thông tin, cần lùi thời gian thực hiện Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 vì tiến độ thực hiện đầu tư đường cất, hạ cánh số 3, dự kiến là 24 tháng, trong đó thời gian chuẩn bị là 12 tháng và hoàn thành trong 12 tháng.

Vướng mắc trong quá trình thực hiện

Nêu những khó khăn trong thực hiện dự án giai đoạn 1, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, sau khi được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, Chính phủ đã chỉ đạo lập trình duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1, triển khai thiết kế đấu thầu thi công hoàn thành, dự kiến đưa vào khai thác năm 2025. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai gặp 1 số khó khăn bao gồm cả chủ quan và khách quan, dẫn tới phải điều chỉnh thời gian hoàn thành của dự án giai đoạn 1. Một số nguyên nhân được chỉ ra đó là do thời gian thi tuyển kiến trúc chuẩn bị, khi lập chủ trương đầu tư và làm báo cáo tiền khả thi, luật có thay đổi nên phải thi tuyển kiến trúc. Cùng với đó là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 làm chậm tiến độ, đặc biệt là trong việc huy động chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam.

Tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao năng lực khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành
Phối cảnh Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong tương lai. (Ảnh: T/L)

Đồng thời, ACV phải tiến hành mời thầu 2 lần mới chọn được nhà thầu để đảm bảo năng lực như hiện nay. Một số công trình như trụ sở các cơ quan cũng phải bố trí kế hoạch vốn. Vì vậy, để hoàn thành giai đoạn 1 của dự án bao gồm cả đường cất hạ cánh số 3, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện giai đoạn 1 đến cuối năm 2026.

Điều chỉnh chủ trương đầu tư là cần thiết, khả thi

Tại Phiên họp, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến liên quan, trong đó nhấn mạnh việc triển khai đồng thời đường bay này sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực, giúp tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao năng lực khai thác.

Các đại biểu cũng đã đánh giá một cách khách quan về tính khả thi và sự hợp lý của đề xuất điều chỉnh tiến độ hoàn thành giai đoạn 1 của dự án đến hết năm 2026. Nhiều ý kiến cũng tập trung thảo luận về tính phù hợp của đề xuất cho phép Chính phủ có quyền quyết định điều chỉnh Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 mà không cần trình Quốc hội thông qua trước khi Thủ tướng phê duyệt. Các hạng mục công trình cần được triển khai đồng bộ để đảm bảo hiệu quả khai thác và vận hành của cảng hàng không…

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn khẳng định, vốn đầu tư sẽ do doanh nghiệp thực hiện, đảm bảo tính chủ động và hiệu quả trong quá trình triển khai dự án. Mặc dù dự án triển khai theo Luật Đầu tư công do có sử dụng ngân sách Nhà nước cho giải phóng mặt bằng, nhưng còn lại là nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp và doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước ngân hàng. Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét, quyết định…

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đánh giá, các đại biểu đồng thuận cao về tính cần thiết của việc đầu tư xây dựng đường bay số 3. Những vấn đề các đại biểu nêu tại Phiên họp sẽ được tổng hợp đầy đủ để hoàn thiện báo cáo thẩm tra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến…