Top 7 bí mật trong cuộc sống hoàng gia thời Trung cổ phương Tây khiến hậu thế phải bất ngờ
Cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của vua chúa, hoàng hậu, công chúa, hoàng tử… cách đây vài trăm năm cũng có nhiều điều không lãng mạn giống trong phim.
Sự thật về cuộc sống hoàng gia thời Trung Cổ
Phim ảnh, những câu chuyện cổ tích và tiểu thuyết lấy bối cảnh thời xưa đã tạo nên nhiều hình dung màu hồng của chúng về cuộc sống chốn cung đình châu Âu thời Trung cổ. Thế nhưng trong thực tế lịch sử, cuộc sống của các nhân vật hoàng tộc phương Tây vài thế kỷ trước như thế nào? Dưới đây là một số sự thật thú vị không hề “màu hồng” mà có thể bạn chưa từng nghĩ đến:
1. Vua và hoàng hậu không bao giờ được ở một mình
Phòng ngủ của vua và hoàng hậu luôn có cận thần theo dõi mọi hoạt động.
Các vị vua, nữ hoàng hoặc hoàng hậu – chủ nhân của cung điện không bao giờ ở một mình ngay cả trong phòng ngủ riêng của họ. Lúc nào cũng sẽ có các cận thần khác ngủ trong phòng và theo dõi mọi nhất cử nhất động của chủ nhân. Cửa phòng ngủ hầu như không bao giờ đóng lại. Nữ hoàng đầu tiên đã đòi quyền riêng tư cho mình là Victoria của Anh. Với việc lúc nào cũng có người ở bên cạnh như vậy, các quốc vương khó có thể che giấu tuyệt đối bí mật nào với những người xung quanh.
2. Hoàng hậu bị nhốt trong phòng ngủ của mình trước khi sinh con
Quá trình sinh con của những người quý tộc ngày xưa gắn liền với nhiều nghi lễ. Nhiệm vụ chính của Hoàng hậu là sinh ra người kế vị cho chồng và đất nước. Chính vì vậy mà sức khỏe của cả hai vợ chồng, các cuộc gặp gỡ và mối quan hệ của họ đều được các triều thần nắm rõ, thậm chí có cả vị quan riêng ghi lại cặn kẽ từng chi tiết.
Trong thời kỳ Tudors (Anh), Hoàng hậu phải bị “nhốt” trong phòng ngủ một thời gian dài trước khi sinh con và ở đó cho đến khi đứa trẻ ra đời. Tất cả các cửa sổ trong phòng đều được đóng lại bằng rèm và không một người đàn ông nào có thể vào căn phòng này cho đến khi em bé được sinh ra.
Triều đình Pháp có những truyền thống khác. Khi Hoàng hậu Marie Antoinette sinh con đầu lòng, sách sử miêu tả phòng sinh như “một buổi biểu diễn lớn”. Ngoài nhà vua, trong phòng sinh còn hàng chục người khác, bao gồm đàn ông chứng kiến Hoàng hậu lâm bồn.
3. Hoàng gia liên tục đi lại giữa các cung điện
Thông thường, các vị vua và hoàng hậu sẽ sở hữu nhiều cung điện, lâu đài…
Triều đình có thể có vài trăm người, và đôi khi là hàng nghìn. Đoàn tùy tùng khổng lồ này sẽ luôn ở cạnh nhà vua mọi lúc mọi nơi. Thông thường, các vị vua và hoàng hậu sẽ sở hữu nhiều cung điện, lâu đài và họ liên tục di chuyển giữa các nơi ở chứ không sống cố định. Nữ hoàng Anh Elizabeth I thường “đổi nhà” vài tuần một lần.
Nhưng lý do cho sự cồng kềnh này không phải là vì các vị hoàng tộc thích thay đổi hay vì nguyên nhân an ninh. Vua chúa phải chuyển nhà liên tục vì họ không thể chịu được mùi khó chịu. Vào thời xưa, hệ thống thoát nước thải còn rất sơ khai. Sau vài tuần sử dụng, mùi hôi thối sẽ xuất hiện. Vậy nên vua, hoàng hậu, hoàng tử công chúa không có cách nào khác là phải sang cung điện khác ở và chờ cho lâu đài của mình được dọn sạch.
4. Giặt quần áo hoàng gia là một công việc khó khăn và phức tạp
Hầu hết tất cả các trang phục đều có lớp đệm bằng vải lanh để dễ giặt hơn.
Trước khi có sự xuất hiện của máy giặt và bột giặt, việc làm sạch quần áo thời Trung cổ rất khó khăn. Tuy nhiên, người hoàng gia vẫn luôn đòi hỏi sự sạch sẽ và gọn gàng. Mỗi quốc vương có một thợ giặt phụ trách tình trạng khăn trải giường của họ.
Quần áo của vua chúa thường được làm sạch bằng bàn chải, chà bằng bánh mì trắng và vết bẩn được làm sạch với sự trợ giúp của các nguyên liệu tự nhiên. Hầu hết tất cả các trang phục đều có lớp đệm bằng vải lanh để dễ giặt hơn. Để khử mùi hôi, trang phục được phơi khô trên các bụi cây hương thảo và hoa oải hương. Thợ giặt cá nhân là một vị trí khá quyền lực và thường biết nhiều bí mật của các bậc quân vương.
5. Kiểu tóc cồng kềnh không phải chỉ vì đẹp
Vào thế kỷ 18, Hoàng hậu Pháp Marie Antoinette bắt đầu một xu hướng tóc mới có tên gọi là poufs. Kiểu tóc này đòi hỏi phụ nữ phải bới tóc lên cao rất phức tạp, được tô điểm bằng hoa, lông vũ và đồ trang sức. Không chỉ tốn thời gian, công sức mà kiểu tóc này còn tốn nhiều tiền. Nhưng các quý cô, quý bà đã phải làm kiểu tóc này mỗi ngày không phải chỉ vì mục đích làm đẹp. Những kiểu tóc này có một ý nghĩa nhất định và giúp phụ nữ thể hiện quan điểm trước những sự kiện nhất định mà các chuẩn mực xã hội không cho phép họ nói ra.
Marie Antoinette đã tạo ra một kiểu tóc đặc biệt nhân dịp chồng bà là vua Louis XVI tiêm phòng bệnh đậu mùa. Vào thời điểm đó, tiêm chủng được coi là một điều nguy hiểm. Với sự giúp đỡ của kiểu tóc cồng kềnh, Marie Antoinette đã bày tỏ ý kiến cá nhân của mình về thủ thuật y tế này. Kiểu tóc của bà càng trở nên phổ biến, người dân Pháp càng sẵn sàng tiêm vắc xin phòng bệnh “nguy hiểm” này.
6. Muốn đội mũ đội đầu cũng phải có kỹ năng đặc biệt
Hennin là một trong những loại mũ đội đầu phổ biến nhất châu Âu thời trung cổ.
Hennin là một trong những loại mũ đội đầu phổ biến nhất châu Âu thời trung cổ. Thậm chí thời bấy giờ, nó là một phần trang phục lễ hội bắt buộc của các công chúa. Những chiếc nón này thường được làm bằng vải lanh và có một lớp phủ bằng lụa. Một vòng đặc biệt được gắn vào phần trước của chiếc mũ nón này giúp cố định hoặc giữ hennin khi có gió mạnh.
Để chiếc mũ này có thể giữ nguyên trên đầu không phải dễ mà người ta phải nhờ tới sự trợ giúp của tóc được cài vào nón hoặc nhờ những chiếc vòng đặc biệt được đeo trên tai. Trong hầu hết trường hợp, người đội sẽ gặp khó khăn trong việc di chuyển khi đội mũ hennin.
7. Tắm rửa bị coi là một “cực hình”
Nhiều người đã biết rằng các phụ nữ quý tộc ngày xưa thường tắm trong khi vẫn mặc đồ lót trên mình. Nhưng một số người thậm chí còn cầu kỳ hơn nữa. Hoàng hậu Caroline, vợ của Vua Anh George II không chỉ tắm trong khi mặc quần áo đầy đủ mà bản thân bồn tắm còn phải được phủ bằng khăn trải giường vải lanh để tạo hiệu ứng xông hơi và tránh cho Hoàng hậu bị cảm lạnh. Những người hầu gái có nhiệm vụ cẩn thận vệ sinh cho bà bằng khăn vải flannel, sử dụng dung dịch xà phòng và sữa của ngựa cái.
Sau khi tắm xong, Caroline sẽ thay bộ quần áo trên người bằng một chiếc váy ngủ bằng vải nỉ và được đưa vào chiếc giường đã được làm nóng sẵn. Một số quốc vương thậm chí còn đặt giường ngủ ngay trong phòng tắm để không bị lạnh hoặc cảm lạnh sau khi tắm xong.