TP.HCM: Người dân vẫn băn khoăn nhiều vấn đề sau sắp xếp khu phố

Tháng tám 16, 2024

TP.HCM: Người dân vẫn băn khoăn nhiều vấn đề sau sắp xếp khu phố

Ngày 15.8, Thường trực HĐND TP.HCM tổ chức giám sát việc thực hiện thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên khu phố, ấp trên địa bàn Q.Tân Phú. Theo báo cáo tại buổi làm việc, trước khi sắp xếp khu phố, toàn Q.Tân Phú có 11 phường với 68 khu phố, 1.168 tổ dân phố. Sau sắp xếp, Q.Tân Phú không còn tổ dân phố và hình thành 237 khu phố.

Trước khi sắp xếp khu phố, tổng số người hoạt động không chuyên trách ở khu phố, tổ dân phố là 2.880 người. Sau khi sắp xếp khu phố, các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở khu phố, người tham gia trực tiếp ở khu phố với 9 chức danh với 2.105 người, giảm 775 người.

Đến nay, 6/11 phường đảm bảo đủ nhân sự cho 9 chức danh, còn 5 phường khuyết 28 các chức danh, do không đủ hội viên để thành lập hội. Đối với nhân sự còn khuyết từng chức danh khu phố, các phường sẽ tiếp tục theo dõi, phối hợp, vận động tìm nhân sự để đề xuất khi có đủ hội viên để thành lập Chi hội và bầu Chi hội trưởng phụ trách công tác khu phố.

Sau sắp xếp khu phố, Q.Tân Phú cũng gặp một số khó khăn do một số khu phố có các chung cư cao cấp, hoặc chung cư biệt lập, trường hợp để nguyên thành lập khu phố mới thì số lượng hộ dân chiếm khá đông, nhưng khi tách các block, khối nhà chung cư để thành lập nhiều khu phố để thuận lợi quản lý thì không đủ số hộ để thành lập, buộc phải ghép với cụm dân cư xung quanh. Tuy nhiên các chung cư này là chung cư khép kín, hạn chế ra vào, do đó Ban điều hành khu phố hiện nay rất khó quản lý.

Bên cạnh đó, người giữ chức danh trưởng khu phố trực tiếp thực hiện nhiều nhiệm vụ như thông tin, tuyên truyền, vận động kiêm nhiệm luôn công tác thủ quỹ, kế toán nên việc thu chi, nộp tiền gặp nhiều khó khăn. Q.Tân Phú cũng gặp khó khăn khi bố trí các trụ sở hoạt động cho khu phố mới, trên địa bàn quận chỉ có 80/237 khu phố có trụ sở.

Thiếu trụ sở hoạt động, kinh phí chi trả các chức danh

Tại buổi làm việc, ông Trần Văn Chinh, Trưởng khu phố 9, P.Tân Sơn Nhì chia sẻ: “Sau khi sắp xếp thì tất cả chức danh đều có kinh phí hỗ trợ riêng chức danh khuyến học thì không có. Vì thế, tôi đề xuất nên có hỗ trợ kinh phí cho công tác khuyến học. Bởi vì đầu tư cho công tác giáo dục sẽ tạo ra thế hệ tốt luôn xứng đáng, cần được quan tâm đúng mức”.

Còn ông Vũ Đức Nguyên, Trưởng khu phố 7, P.Tân Sơn Nhì nêu ý kiến về thiếu trụ sở hoạt động cho các khu phố mới. Theo ông Nguyên, khu phố 4 cũ bây giờ chia thành 3 khu phố mới nhưng chỉ có 1 trụ sở hoạt động chưa đầy 20m2, nên tất cả hoạt động rất bất cập. Vì vậy, ông Nguyên kiến nghị cần có giải pháp hài hòa hỗ trợ các khu phố mới có chỗ sinh hoạt cho hiệu quả.

TP.HCM: Người dân vẫn băn khoăn nhiều vấn đề sau sắp xếp khu phố- Ảnh 1.

Ông Hồ Anh Trung, Trưởng khu phố 12, P.Hòa Thạnh phát biểu tại hội nghị

THÚY LIỄU

Chia sẻ công tác quản lý khu phố mới là chung cư, ông Hồ Anh Trung, Trưởng khu phố 12, P.Hòa Thạnh cho biết, sau khi sắp xếp khu phố, công tác hoạt động so với các khu phố khác thì khá thuận lợi.

“Qua 4 tháng hoạt động sau sắp xếp, với kinh nghiệm quản lý khu phố là chung cư và các khu nhà lân cận, tôi nghĩ 3 thành phần Bí thư, Trưởng khu phố và Trưởng ban công tác mặt trận khu phố nếu không ở trong chung cư thì rất khó thực hiện công tác vận động. Tôi thấy cần phân bố đều 1 trong 3 chức danh phải là người trong chung cư thì như vậy việc vận hành sẽ tốt lên. Tôi không nằm trong ban quản trị chung cư nhưng sự hợp tác giữa 2 bên rất tốt, đây là điều tôi nhận thấy”, ông Trung chia sẻ.

Không xây trụ sở mới, tận dụng cơ sở vật chất hiện có trên địa bàn

Ghi nhận ý kiến các đại diện khu phố, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM cho biết, sau sắp xếp khu phố có nhận thấy sự khó khăn trong quản lý đối với khu phố có chung cư, đặc biệt là chung cư cao cấp có hệ thống an ninh cao.

“Q.Tân Phú có thể cân nhắc sắp xếp các cụm chung cư thành 1 khu phố. Trong quy định chỉ quy ước khu phố có từ 500 họ trở lên chứ không quy định số trần nên không nhất thiết phải chia nhỏ ra để quản lý”, bà Thắm thông tin.

Về trụ sở hoạt động, theo bà Thắm, chủ trương của thành phố là sau sắp xếp không làm phát sinh trụ sở khu phố, bên cạnh đó, xác định đây là tổ chức tự quản tại cộng đồng dân cư, không phải cơ quan hành chính nên không thể cấp trụ sở mới. Q.Tân Phú nên tận dụng các trụ sở hiện có, luân phiên sử dụng giữa các khu phố hoặc tận dụng các cơ sở trường học trên địa bàn. Tận dụng nền tảng công nghệ thông tin để tương tác, tiếp cận thông tin thuận tiện hơn.

Bổ sung thêm, ông Huỳnh Thanh Nhân, Phó chủ tịch HĐND TP.HCM đề nghị Q.Tân Phú cần sớm bổ sung đầy đủ nhân sự không chuyên trách, tránh việc để một người kiêm nhiệm nhiều công việc. Đồng thời, ông Nhân đề nghị đến ngày 1.10, Q.Tân Phú phải bầu đầy đủ các vị trí trưởng khu phố đảm bảo đủ điều kiện, tiêu chuẩn sức khỏe để đảm nhận công việc, đảm bảo nhân sự nữ chiếm khoảng 30%. Cùng với đó, Q.Tân Phú phải phát huy hiệu quả của Tổ công nghệ số cộng đồng, ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ công tác quản lý khu phố.

TP.HCM: Người dân vẫn băn khoăn nhiều vấn đề sau sắp xếp khu phố- Ảnh 2.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu kết luận buổi giám sát

THÚY LIỄU

Kết luận buổi giám sát, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực của Q.Tân Phú trong công tác sắp xếp khu phố theo quy định.

“Tôi đề nghị Sở Nội vụ nghiên cứu xây dựng quy chế phối hợp hoạt động giữa 5 chức danh người hoạt động không chuyên trách tại khu phố để từ đó phân công nhiệm vụ cụ thể, thuận lợi. Phải hướng dẫn rõ người, rõ việc, nếu không mỗi làm mỗi hỏi thì rất khó hoàn thành. Còn đối với công tác bố trí dự toán kinh phí để chi trả phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở khu phố, đề nghị Sở Tài chính ghi nhận, tiếp thu và báo cáo với UBND TP.HCM để có phương án thực hiện cụ thể hơn”, bà Lệ nói.


Bạn đang đọc TP.HCM: Người dân vẫn băn khoăn nhiều vấn đề sau sắp xếp khu phố tại website hungday.com