Trẻ em như búp trên cành
Trẻ em như búp trên cành
Ngay từ hồi nước ta chưa giành được Độc Lập, Bác Hồ đã đặt vấn đề quan tâm đến trẻ em Việt Nam. Đó là cái nhìn của Bác tới tương lai của dân tộc Việt, nhắc nhở tất cả các bậc cha mẹ, những người lớn về tình thương yêu với trẻ em, quan tâm rất cụ thể, từ “biết ăn ngủ”, tới “biết học hành”, dù thời bấy giờ, dân Việt Nam chúng ta có tới 90% người mù chữ.
Thế rồi, ngày 1.6.1950 là ngày Quốc tế thiếu nhi đầu tiên tại Việt Nam, dù đang trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, nhưng các bé thiếu nhi đã nhận được lời chúc từ Bác Hồ. Từ đó, ngày 1.6 hàng năm được xem là một ngày tết của thiếu nhi toàn quốc.
Nếu tính từ năm 1950, thì ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6 năm nay 2024 đã là 74 năm thiếu nhi Việt Nam có ngày tết của mình. Thêm nữa, Việt Nam chúng ta là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Quyền trẻ em, đây là văn kiện pháp lý quốc tế đầu tiên nói về quyền trẻ em gồm quyền được chăm sóc, bảo vệ và giúp đỡ đặc biệt.
Đã 49 năm đất nước ta được hòa bình thống nhất, đã có nhiều thế hệ trẻ em Việt Nam được lớn lên, trưởng thành khi chiến tranh đã căn bản chấm dứt. Bây giờ, ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6 là cái mốc lịch sử để chúng ta nhìn vào thế hệ trẻ em hôm nay, xem người lớn đã và sẽ làm được những gì cho trẻ em.
Quyền trẻ em đã được bảo vệ. Trẻ em vị thành niên căn bản đã không phải bị bắt buộc lao động và bị bóc lột. Những hiện tượng hết sức xấu xa như bắt trẻ em đi ăn xin, bắt cóc trẻ em để dùng vào những việc việc phạm pháp đã bị pháp luật lên án và bị lực lượng bảo vệ pháp luật truy bắt, truy tố hình sự.
Dù vẫn còn những vùng sâu vùng xa trẻ em phải đến trường trong điều kiện khó khăn, nhưng quyền được đi học là quyền thiêng liêng của trẻ em đã được xã hội hết sức tôn trọng.
Điều kiện sống của trẻ em những gia đình nghèo đã được cải thiện. Nhiều hoàn cảnh đáng thương của trẻ em mồ côi, trẻ em nghèo đã được nhiều tổ chức thiện nguyện xã hội nhiệt huyết ra tay giúp đỡ, để các em bé có điều kiện học tập, không phải bỏ học để làm thêm những công việc nặng nhọc kiếm sống hằng ngày.
Đường đến trường của trẻ em vùng cao, vùng dân tộc thiểu số luôn được nhà nước và xã hội quan tâm, những ngôi trường học sinh bán trú và nội trú đã được xây dựng ở nhiều địa phương vùng núi khó khăn, giúp trẻ em được học tập trong điều kiện tốt nhất có thể.
Trẻ em khuyết tật đã được nhiều trung tâm khuyết tật thu nhận chăm sóc và dạy học, dạy nghề cho các em, để những em khuyết tật có điều kiện hòa nhập, được học nghề và lao động có thu nhập, giúp các em tự tin sống trong xã hội.
Bạn đang đọc Trẻ em như búp trên cành tại website hungday.com