Trung Quốc mạnh tay “giải cứu” nền kinh tế

Tháng chín 25, 2024

Trung Quốc mạnh tay “giải cứu” nền kinh tế

Theo tờ South China Morning Post, các biện pháp tập trung khá nhiều vào việc vực dậy thị trường bất động sản Trung Quốc vốn trong trạng thái “giậm chân tại chỗ” khá lâu.

Loạt biện pháp nặng ký

Cụ thể, Trung Quốc cắt giảm 0,5 điểm phần trăm của lãi suất thế chấp cho nhà ở hiện tại và tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Theo lãnh đạo ngành tài chính Trung Quốc, việc giảm lãi suất thế chấp hiện tại dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho 50 triệu hộ gia đình – tương đương 150 triệu người, giảm chi phí lãi vay hộ gia đình trung bình khoảng 150 tỉ nhân dân tệ mỗi năm, điều này sẽ thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư một cách hiệu quả.

Đồng thời, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC – đóng vai trò ngân hàng trung ương của nước này) cũng sẽ hỗ trợ việc mua lại đất của các công ty bất động sản bằng cách nghiên cứu các biện pháp cho phép các ngân hàng chính sách và thương mại cấp các khoản vay cho các công ty đủ điều kiện để mua đất. Giải pháp này nhằm hồi sinh nguồn đất và giảm bớt áp lực tài chính cho các doanh nghiệp bất động sản.

Trung Quốc mạnh tay “giải cứu” nền kinh tế- Ảnh 1.

Thị trường bất động sản Trung Quốc đang đối mặt nhiều khó khăn

ẢNH: REUTERS

Tờ South China Morning Post dẫn lời chuyên gia Julian Evans-Pritchard, thuộc Capital Economics – công tư tư vấn kinh tế có trụ sở tại Anh, nhận xét: “Đây là gói kích thích quan trọng nhất của PBOC kể từ khi bùng nổ đại dịch Covid-19”.

Giải quyết khó khăn

Như vậy, trong vòng 2 ngày, Trung Quốc liên tục đưa ra nhiều chính sách kích thích nền kinh tế. Ngày 23.9, PBOC giảm thêm 10 điểm cơ bản của lãi suất hợp đồng mua lại có thời hạn (repo) thời hạn 14 ngày, từ 1,95% xuống còn 1,85%. Kèm theo đó, PBOC còn thông qua công cụ này để bơm 74,5 tỉ nhân dân tệ (khoảng 10,6 tỉ USD) cho nền kinh tế.

Những động thái trên của Bắc Kinh nhằm giải quyết tình hình kinh tế khó khăn chưa có nhiều khởi sắc, nhất là ngành bất động sản trì trệ trong thời gian dài.

Trong khi đó, theo đánh giá gửi đến Thanh Niên, Công ty phân tích Moody’s nhận xét: Xuất khẩu Trung Quốc ngày càng mở rộng trong những năm qua đã khiến nhiều nước gia tăng chủ nghĩa bảo hộ. Gần đây, một số quốc gia đã tăng thuế đối với các tấm pin mặt trời, xe điện, thép, nhôm và hàng hóa bán lẻ giá trị thấp của Trung Quốc. Danh sách các quốc gia tăng thuế bao gồm các nền kinh tế phát triển như Mỹ, EU và Canada, cũng như các thị trường mới nổi như Brazil, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan.

Việc bị tăng thuế khiến hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc thêm khó khăn. Nghiêm trọng hơn là xung đột thương mại Mỹ – Trung khiến Bắc Kinh gặp thêm nhiều thách thức.

Cùng ngày 24.9, tờ South China Morning Post đưa tin Bộ Thương mại Trung Quốc đã mở một cuộc điều tra nhằm vào PVH Group (Mỹ), công ty mẹ của các thương hiệu quần áo Calvin Klein và Tommy Hilfiger. Nguyên nhân là PVH Group bị nghi ngờ “vi phạm các nguyên tắc giao dịch thị trường bình thường bằng cách tự ý tẩy chay bông Tân Cương và các sản phẩm khác”.

Động thái này của Bắc Kinh gây lo ngại có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng thương mại Mỹ – Trung. Trong khi đó, khi ngày bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần, thì rất khó có việc Washington hạ nhiệt căng thẳng với Bắc Kinh.

Xa hơn, ngay cả khi Nhà Trắng đổi chủ thì bất đồng Mỹ – Trung cũng vẫn là thách thức lớn cho Bắc Kinh. Bởi vì, nỗ lực cạnh tranh với Trung Quốc là chủ đề hiếm hoi nhận được sự đồng thuận của cả đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa tại Mỹ.

Đặc biệt, nếu cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử thì Washington có thể còn ban hành nhiều chính sách khác nhằm vào Bắc Kinh. Trong phân tích gửi đến Thanh Niên, TS Ian Bremmer, Chủ tịch Eurasia Group (Mỹ) – đơn vị tư vấn và nghiên cứu rủi ro chính trị hàng đầu thế giới, dự báo: “Nếu thắng cử, ông Trump sẽ có đường lối cứng rắn hơn đối với sự cạnh tranh của Trung Quốc. Điều này sẽ bắt đầu với sự trở lại của ông Robert Lighthizer, chuyên gia thương mại được đánh giá là “diều hâu” dưới thời ông Trump, và thúc đẩy mức thuế quan cao hơn nhiều đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc”.

Thực tế này khiến Trung Quốc phải sớm vực dậy nền kinh tế để sẵn sàng đối mặt các thách thức lớn hơn có thể xảy đến trong thời gian tới.

Ảnh hưởng đến khu vực

Theo đánh giá của Công ty phân tích Moody’s, những căng thẳng địa chính trị và thương mại, sự không chắc chắn chính trị, và tăng trưởng không ổn định ở Trung Quốc là những thách thức lớn nhất đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong đó, tình hình kinh tế Trung Quốc không khả quan, nhất là nhu cầu không lớn đã ảnh hưởng đến việc xuất khẩu của các nước khu vực vào Trung Quốc.