Từ nhiều vụ lái xe công nghệ bị hành hung: Làm sao tránh ‘nóng giận mất khôn’?
Từ nhiều vụ lái xe công nghệ bị hành hung: Làm sao tránh ‘nóng giận mất khôn’?
Nhà em còn làm thêm giường spa gỗ anh chị chuẩn bị mở hay có người quen mở giới thiệu giúp em với nha.
Đối với nhiều tài xế lái xe công nghệ, công việc của họ thường xuyên gặp kiểu khách hàng rất đa dạng, trong đó không ít vị “thượng đế” say xỉn, có hành vi quấy rối. Vậy làm sao tránh việc “nóng quá mất khôn” mà thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, làm tổn thương người khác và chính bản thân mình?
Tháng 7 năm nay, anh Lại Thế Bình (P.Thạnh Xuân, Q.12, TP.HCM) tròn 25 tuổi, ra trường nhưng chưa có công ty phù hợp tuyển dụng, nên Bình đăng ký chạy xe công nghệ trong lúc chờ việc. Bình cho biết hằng ngày được chở rất nhiều khách, đủ mọi lứa tuổi và công việc khác nhau. Những người từng gặp hầu như có thái độ hòa nhã và đôi khi còn bắt chuyện trên hành trình. Tuy nhiên, cũng vài lần anh phải tiếp đón những vị khách say xỉn, mất kiểm soát.
Bình vẫn còn toát mồ hôi khi nhớ lại kỷ niệm trong một lần đưa khách về nhà trên đường Nguyễn Oanh, Q.Gò Vấp, TP.HCM. “Mặc dù xảy ra hơn 1 tháng rồi nhưng mình vẫn nhớ ông khách ấy tên N., khoảng 40 tuổi. Lúc đón ở gần quán nhậu, người này đã nồng nặc mùi bia. Thời điểm ấy là ban đêm, đường vắng. Đến khúc cua giao đường Lê Đức Thọ với Nguyễn Oanh, ông khách bắt đầu nói rất nhiều, hỏi hết chuyện này đến chuyện khác và bảo: “Người mày mập thế mà dám chạy xe à”. Biết khách có uống bia rượu nên mình chỉ nói “Dạ, anh yên tâm” cho qua câu chuyện”, Bình nhớ lại.
Nam tài xế lau mồ hôi, kể tiếp: “Đột nhiên người này hét lớn: “Mày khinh bố hả, sao nói ít vậy?” và túm cổ áo mình. Theo kinh nghiệm, mình lập tức dừng xe và tự nhắc bản thân tuyệt đối không nói gì qua lại, tránh để ông ấy có cớ gây sự tiếp. Rất may có cặp vợ chồng bán bánh chiên đi qua nên mình nhờ họ giúp, thấy vậy ông khách bỏ đi và vứt lại tờ 20.000 đồng trên yên xe. Mình lúc đó rất giận nhưng nhắc nhở bản thân bình tĩnh, nếu cự cãi chắc chắn sẽ có đánh nhau”, Bình nói.
Nhiều bạn trẻ làm các công việc dịch vụ, chăm sóc khách hàng cùng chia sẻ, việc đối mặt với áp lực là điều không thể tránh khỏi, nếu không biết cách khắc chế nóng giận thì rất dễ xảy ra mâu thuẫn. Như sự việc mới đây, vào tháng 6.2024, mạng xã hội bức xúc trước đoạn clip ghi lại cảnh một nam tài xế bị hai khách nhậu hành hung tới tấp ngay trên xe. Nạn nhân là anh H.V.L (29 tuổi, ở Bình Dương), hành nghề tài xế ô tô công nghệ.
Theo clip ghi lại, hai người khách còn dùng nhiều từ ngữ thiếu văn hóa, liên tục chửi bới, xúc phạm và hăm dọa nạn nhân. Trong khi đó, anh L. ôm đầu tự bảo vệ mình, dù bị chửi bới nhưng anh L. không cãi lại.
Ngoài việc bất bình với hai người khách nêu trên, nhiều người bày tỏ đồng tình với cách ứng xử của anh L. khi không đánh trả hoặc gọi người nhà, bạn bè đến “xử lý” để giải tỏa cơn bực tức.
Tài khoản Đoàn Minh Lương bình luận, trong trường hợp này, nếu nam tài xế đánh trả thì nguy cơ xảy ra thương tật liên quan vụ ẩu đả rất cao. Hậu quả có thể cả hai bên đều phải chịu trách nhiệm tùy theo tính chất, mức độ hành vi. Việc anh L. kiềm chế, tự bảo vệ bản thân và giải quyết theo pháp luật là tốt nhất.
Guồng quay hối hả công việc, áp lực kiếm tiền là gánh nặng của không ít thanh niên khi bước vào đời. Các tài xế nhiều năm kinh nghiệm cho rằng những bạn trẻ làm nghề dịch vụ trước tiên phải học cách kiềm chế bản thân, sau mới từ từ trau dồi nâng cao trình độ chuyên môn.
Anh Nguyễn Hồng Nam (32 tuổi), lái xe được 10 năm, ở trọ tại P.21, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, tâm sự: “Ngày trước, mỗi lần bức xúc vì va quẹt là tôi có thể xuống xe “ăn thua đủ” với người ta. Qua nhiều năm phục vụ khách hàng, tôi cũng rút ra được những bài học đắt giá. Bây giờ mọi sự cứ dĩ hòa vi quý được thì tốt, còn bên nào sai cứ để pháp luật giải quyết. Mình không việc gì phải nổi nóng đánh nhau sứt đầu mẻ trán, rồi rước họa vào thân. Nhẹ thì mang thương tật, còn lỡ ra tay nặng quá lại vướng vòng lao lý”.
“Có gia đình rồi, trước khi giơ nắm đấm lên thì trong đầu phải nhớ hình ảnh vợ con ở nhà nheo nhóc. Thôi cứ tịnh tâm mà sống…”, anh Nam cười tươi, nói.
Từng gặp gỡ, lắng nghe lời bộc bạch của nhiều bạn trẻ, chuyên gia tư vấn tâm lý Vũ Thu Trang (làm việc tại Q.10, TP.HCM) cho biết áp lực xã hội hiện đại, áp lực từ công việc đang khiến ngày càng nhiều người rơi vào trạng thái mất cân bằng, mất kiểm soát cảm xúc, dẫn đến những hành vi làm tổn thương chính bản thân mình và người khác.
Cũng theo bà Trang, khi học được cách quản lý và đối phó với cảm xúc, chúng ta không chỉ tránh được những phiền phức mà còn xây dựng thêm nhiều mối quan hệ tốt, tận hưởng nhiều hạnh phúc hơn trong cuộc sống.
“Tuy nhiên, kiềm chế cảm xúc quá nhiều mà không biết cách giải tỏa cũng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần. Lúc này, các bạn trẻ có thể tự giải tỏa bằng nhiều cách như chia sẻ cảm xúc với người thực sự tin tưởng, đó có thể là bạn thân, bố mẹ. Ngoài ra, tập thể dục thường xuyên sẽ làm tăng sức lực cho cơ thể và hỗ trợ bộ não tập trung giúp kiểm soát tốt hơn cơn nóng giận, làm giảm nguy cơ hành động, lời nói, cử chỉ quá mức bình thường”, chuyên gia Vũ Thu Trang chia sẻ thêm.
Bạn đang đọc Từ nhiều vụ lái xe công nghệ bị hành hung: Làm sao tránh ‘nóng giận mất khôn’? tại website hungday.com