Từ phức tạp đến đơn giản: Bí quyết học tập hiệu quả từ kỹ thuật Feynman

Tháng bảy 25, 2024

“Chúng ta chấp nhận một thực tế rằng học tập là một quá trình suốt đời để theo kịp sự thay đổi. Nhiệm vụ cấp bách nhất là cần dạy mọi người về phương pháp học.”
– Peter Ducke –
Bạn đã từng cảm thấy lúng túng và thất vọng khi gặp phải khó khăn trong việc ghi nhớ kiến thức? Đây quả thực là vấn đề phổ biến mà hầu hết chúng ta đều gặp phải trong quá trình học tập, tiếp thu tri thức. 
Vừa hay, có một phương pháp học tập hữu ích có thể giúp bạn ghi nhớ kiến thức hiệu quả và lâu dài, kỹ thuật Feynman. 
Kỹ thuật Feynman, được đặt tên theo nhà vật lý học đoạt giải Nobel Richard Feynman. Kỹ thuật hướng đến việc đào sâu kiến thức thay vì học thuộc lòng như phương pháp truyền thống thông thường.

Đôi nét về tác giả

Internet

Internet
Richard P. Feynman sinh ra tại Thành phố New York vào ngày 11 tháng 5 năm 1918. Từ khi còn là cậu bé, Feynman đặc biệt say mê với việc sửa chữa radio. Thời kỳ đó, chi phí gọi một thợ sửa radio không hề rẻ. Vậy nên bất cứ khi nào người dân có máy raido bị hỏng, họ đều nhờ cậu bé Feynman đến và giúp họ sửa chữa.
Thời niên thiếu Feynman từng làm nhân viên phục vụ trong nhà hàng, thỉnh thoảng chàng thiếu niên lại gây ra một số rắc rối ở chỗ làm vì những phát kiến “thảm họa” chẳng giống ai.
Nhưng có lẽ cũng chính nhờ tinh thần yêu thích khám phá những thử nghiệm mới mẻ đã khiến cho Feynman chọn bước chân thế giới của các nhà khoa học, trở thành một nhà vật lý học tài hoa về sau này.  Feynman chọn theo học ngành vật lý tại viện công nghệ Massachusetts. Năm 1939 Feynman tốt nghiệp nhận bằng Cử nhân, rất nhanh sau đó vào năm 1942 ông lấy Tiến sĩ tại Đại học Princeton.
Feyman đạt được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp. Ông từng tham gia làm trợ lý nghiên cứu tại Princeton (1940-1941), trở thành Giáo sư Vật lý tại Đại học Cornell (1945-1950). Năm 1950-1959, ông được bổ nhiệm vào vị trí giáo sư tại Viện Công nghệ California.
Feynman là thành viên của nhiều tổ chức uy tín như Hiệp hội Vật lý Mỹ, Viện Hàn lâm Hoa Kỳ. Ông được trao nhiều giải thưởng danh giá, bao gồm Giải thưởng Albert Einstein (1954), Giải thưởng Einstein (Giải thưởng Albert Einstein của trường Cao đẳng Y khoa) và Giải thưởng Lawrence (1962). Và đạt giải Nobel Vật Lý 1965.

Giá trị cốt lõi và cách thức áp dụng kỹ thuật Feynman

“Bạn cứ tiếp tục học và học, và chẳng mấy chốc bạn sẽ học được điều mà chưa ai từng học trước đây.”
– Richard Feynman –
Không khuyến khích việc nhồi nhét việc nhồi nhét kiến thức máy móc, kỹ thuật Feynman hướng đến việc diễn giải mọi khái niệm phức tạp trở nên đơn giản và dễ hiểu.
Bạn dùng ngôn ngữ của bạn để giải thích toàn bộ kiến thức bạn học hỏi. Quá trình diễn giải sẽ chuyển biến những kiến thức rời rạc thành một hệ thống tri thức bền vững, được lưu trong bộ nhớ dài hạn.
Với kỹ thuật Feynman, việc học không chỉ đơn thuần là tiếp thu thông tin, mà còn là quá trình tích cực xây dựng và tổ chức lại tri thức. 

Phương pháp Feynman bao gồm các bước cơ bản sau:

Bước 1: Xác định những khái niệm, lĩnh vực cần tìm hiểu. Ghi chép lại để bắt đầu quá trình lý giải kiến thức.
Ví dụ bạn muốn tìm hiểu về khái tự nhận thức. Vậy bạn cần liệt kê ra các thông tin sau:
+ Định nghĩa tự nhận thức?
+ Đặc điểm, vai trò của tự nhận thức
+ Phương pháp cải thiện khả năng tự nhận thức
Bước 2: Đọc kỹ lý thuyết, sau đó giải thích lại những khái niệm bằng ngôn ngữ dễ hiểu
Khi giải thích khái niệm, hãy sử dụng từ ngữ đơn giản như thể bạn đang giảng giải cho một em học sinh lớp 5 hoặc người chưa có nền tảng về kiến thức để họ có thể nắm bắt được vấn đề. 
Ví dụ như khái niệm “Tự nhận thức” được định nghĩa theo hai nhà tâm lý học Shelley Duval và Robert Wicklund: “Tự nhận thức là khả năng tập trung vào bản thân vào cách hành động, suy nghĩ hoặc cảm xúc của bạn phù hợp hoặc không phù hợp với các tiêu chuẩn bên trong của bạn. Nếu bạn tự nhận thức cao, bạn có thể đánh giá bản thân một cách khách quan, quản lý cảm xúc mình, điều chỉnh hành vi của bạn với các giá trị tương ứng và hiểu chính xác cách người khác nhìn nhận về bạn.”
Khá khó hiểu phải không? Bạn hoàn toàn chọn cách giải thích khái niệm tự nhận thức bằng ngôn ngữ đơn giản hơn như sau: “Tự nhận thức là khả năng của bạn để hiểu về bản thân. Đó là khi bạn biết suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của bạn như thế nào. Bạn hiểu được điểm mạnh, điểm yếu, những gì bạn thích, không thích về chính mình.”
Lấy ví dụ cụ thể cho khái niệm Tự nhận thức như: Bạn biết bản thân hạnh phúc khi trở thành một người lạc quan, vui vẻ, biết giúp đỡ người khác. Bạn cũng biết bản thân sẽ vô cùng buồn bã khi bạn nổi nóng hoặc nói những lời tổn thương đến mọi người xung quanh. Đây là minh họa dễ hiểu cho quá trình tự nhận thức.
Bước 3: Trong quá trình giải thích, nếu gặp những khái niệm, liên kết còn mơ hồ, hãy quay lại, ghi chép, lập thêm kế hoạch nghiên cứu phù hợp. 
Bước 4: Lặp lại chu trình hiểu – giải thích – xác định lỗ hổng kiến thức cho đến khi có thể giải thích một cách trôi chảy bằng ngôn ngữ của riêng bạn.
Ở bước 3 và bước 4 sẽ dành cho việc bạn thấy mình chưa thể giải thích hoặc hiểu những khái niệm, vậy thì phải quay lại bước 2, đọc kỹ kiến thức để hệ thống rõ ràng. 

Lợi ích của việc ứng dụng kỹ thuật Feynman vào quá trình tiếp thu kiến thức

Theo mô hình The Learning Pyramid được nghiên cứu và phát triển bởi Viện Nghiên cứu Quốc gia Hoa Kỳ (National Training Laboratories):
Nếu người học tham gia tích cực và vận dụng kiến thức thì tỷ lệ ghi nhớ sẽ càng cao. Cụ thể, tỷ lệ ghi nhớ của não khi tiếp thu kiến ​​thức qua nghe giảng là 5%, đọc là 10%, các phương tiện truyền thông là 20%, diễn đạt tại chỗ là 30%, thảo luận với người khác là 50%, thực hành là 75% và dạy người khác là 90%”.
Pinterest

Pinterest
Kỹ thuật Feynman hoàn toàn đáp ứng tiêu chí cho việc ghi nhớ sâu kiến thức, bao gồm diễn giải, thực hành, thảo luận, giảng dạy cho người khác.

Dưới đây là một số lợi ích khác của kỹ thuật Feynman:

– Tập trung vào việc hiểu sâu: Phương pháp Feynman hỗ trợ bạn tìm ra mối liên hệ, mối tương quan giữa các khái niệm, thay vì chỉ ghi nhớ lý thuyết máy móc.
Tăng khả năng nhớ lâu dài: Liên tục giải thích lại những khái niệm, cách này sẽ giúp cho việc lưu trữ thông tin lâu dài.
Theo một nghiên cứu về khả năng ghi nhớ, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng nếu một ai đó quyết định ghi nhớ một điều gì đó, bộ não sẽ tự hỏi hai câu hỏi cơ bản: Thông tin đó có hợp lý không? Thông tin có ý nghĩa gì không? (Sousa 2017). Nếu những gì bạn nghe hoặc đọc không có ý nghĩa với bạn hoặc bạn không hiểu thông tin thì não bộ nhanh chóng để thông tin vào vùng quên lãng.
– Phát triển kỹ năng giao tiếp: Việc luyện tập giải thích các khái niệm cũng giúp bạn cải thiện kỹ năng giao tiếp và thuyết trình.
– Tăng tính chủ động trong học tập: Học tập chủ động thường đẩy nhanh quá trình học tập. Tích cực tham gia thảo luận, đặt câu hỏi hoặc áp dụng kiến ​​thức theo cách thực tế, tăng cường vốn hiểu biết, ghi nhớ thông tin hiệu quả.
Theo một nghiên cứu của Tạp chí Hành Vi Nghề nghiệp, khi mọi người chủ động trong việc tìm tòi tri thức, họ thường sự thăng tiến trong công việc, đồng thời đạt được sự hài hòa trong cuộc sống cá nhân.

Thành tựu đến từ ứng dụng kỹ thuật Feynman

Bản thân Richard Feynman vẫn luôn áp dụng kỹ thuật Feynman vào trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Với nhà vật lý tài ba này, ông luôn coi việc giải thích một cách rõ ràng và dễ hiểu là một thách thức quan trọng trong quá trình trau dồi tri thức. Đứng trước khối lượng thông tin đồ sộ, Feynman thường tự đặt câu hỏi “Liệu tôi có thể gắn cái này với một ví dụ đơn giản không?” hoặc “Liệu tôi có thể giải thích vấn đề này để sinh viên năm nhất có thể hiểu được không?”.
Khi gặp phải những lý thuyết phức tạp, Feynman không ngần ngại dành thời gian tự mày mò, nghiền ngẫm, tìm cách diễn giải chúng bằng ngôn ngữ của riêng ông. Ông tin rằng việc nỗ lực làm rõ những khái niệm mơ hồ không chỉ giúp sinh viên tiếp thu tốt hơn mà còn giúp chính ông hiểu sâu về bản chất của vấn đề.
Tiến sĩ trẻ Leonard Mlodinow gia nhập Viện Công nghệ California (Caltech) vào năm 1981, trong quá trình vật lộn để tìm kiếm chỗ đứng trong thế giới vật lý thu nhỏ ở Caltech, khi biết đến phương pháp Feynman, ông đã vô cùng hào hứng, chia sẻ lại rằng: “Feynman không chỉ làm cho vật lý trở nên hấp dẫn hơn…, ông đã làm cho vật lý trở nên quan trọng. Cứ như thể một nhà vật lý, với một ý tưởng thôi, thì cũng có thể một mình làm thay đổi thế giới cũng như thay đổi quan niệm của con người về nó”. Do vậy, “dù lái xe đi chở trứng gà, chăn thả gia súc hay ngồi gọt khoai tây trong bếp, đầu óc tôi lúc nào cũng vương vấn những vấn đề và câu hỏi đặt ra trong cuốn sách của Feynman”.
Bill Gates, vị tỷ phú tài năng của nước Mỹ cũng say mê với phương pháp Feynman đến mức ông đặt tên cho Feynman là “người thầy vĩ đại nhất mà tôi từng có”.

Trải nghiệm cá nhân khi áp dụng kỹ thuật Feynman vào việc đọc hiểu và viết tóm tắt sách

Trên webisite nhà Nhện phần lớn bạn sẽ thấy chủ yếu mình viết các bài review hoặc tóm tắt sách.
Thông thường với cuốn sách dễ hiểu thì mình chỉ cần đọc 3 đến 4 lần thì có thể viết xong bài tóm tắt. Nhưng cũng có rất nhiều những cuốn sách “khó nhằn”, phải đọc đi đọc lại nhiều lần thì mình mới hiểu và có thể viết ra bản thảo hoàn chỉnh
Cụ thể như cuốn sách “Thao túng tâm lý”. Khi bài viết mình được Nhà Nhện chuyển thể thành video trên kênh Spiderum Book.
Phía dưới phần bình luận, có một số độc giả nói lời cảm ơn vì bài viết đã nói đúng trải nghiệm của họ, nhưng cũng có số độc giả bình luận nói bài tóm tắt khác với khi đọc cuốn sách.
Cũng có một số độc giả khác thì nói rằng đây là cuốn sách họ hối hận khi mua. Mình hoàn toàn hiểu vì sao mọi người phản ứng như vậy.
Có hai lý do chính ở đây:
– Thứ nhất, “Thao túng tâm lý” là một cuốn sách khó đọc, bản thân mình tốt nghiệp chuyên ngành Tâm lý học nhưng cũng gặp nhiều khó khăn để hiểu về những khái niệm được viết trong sách. Không những vậy, mình thừa nhận cuốn sách có rất nhiều điểm hạn chế, tâm lý con người là phạm trù tâm lý rộng lớn, nên cách viết tác giả dễ gây hiểu lầm “giữa hành vi cố ý thao túng” hay đôi khi việc gây ra tổn thương không phải là sự thao túng mà đơn giản chúng ta chưa biết có cách giao tiếp phù hợp.
– Lý do thứ hai, ở bản tóm tắt mình không viết lại toàn bộ nội dung sách. Mình đã chọn lọc nội dung và viết theo định hướng: “truyền tải cách thức vượt qua thao túng dành cho nạn nhân từng bị thao túng”.
Mình ứng dụng kỹ thuật Feynman cho bài viết. Đầu tiên mình dành nhiều thời gian đọc hiểu, ghi chép, sau đó chọn diễn đạt các khái niệm phức tạp trở nên đơn giản hơn bằng vốn từ và theo cách hiểu của riêng mình.
Xuyên suốt quá trình, mình vừa viết vừa đào sâu lại những khái niệm khi nào thấy chưa ổn thì mình đều xóa đi và bắt đầu lại. Mình cũng thường xuyên xem xét các ý tưởng chính hợp lý chưa? Mình hay tự hỏi khái niệm viết lại có dễ hiểu không, liệu một em bé 12 tuổi đọc bài, có thể hiểu những điều mình viết?
Mỗi bài tóm tắt, mình luôn tuân thủ 4 bước trong kỹ thuật Feynman: Đọc – ghi chép – diễn giải – đọc lại (nếu chưa hiểu). Đều đặn như vậy, cuối cùng mình cũng viết ra được bài tóm tắt hoàn chỉnh. Mặc dù bài viết vẫn có những thiếu sót nhất định, nhưng mình cũng cảm thấy tương đối ổn khi diễn đạt lại phần kiến thức khò nhằn của cuốn sách trở nên dễ hiểu.

Như bạn thấy, kỹ thuật Feynman hoàn toàn có thể ứng dụng với bất cứ lĩnh vực nào mà bạn muốn học tập hay tìm hiểu.
Hiện nay, có rất nhiều hình thức học tập khác nhau, từ sách, học từ nền tảng mạng xã hội như youtube, podcast.
Nhưng nếu chỉ đọc, nghe đơn thuần mà không chủ động xây dựng lại hệ thống kiến thức thì kiến thức đến và đi cũng giống như “nước chảy ngoài hiên”.
Vậy nên, điều quan trọng là chúng ta phải chủ động trong quá trình học tập.

Dưới đây một số bước cơ bản giúp bạn ứng dụng kỹ thuật Feynman vào quá trình học đa phương tiện:

– Xác định mục đích học tập: Trước khi bắt đầu, hãy xác định rõ mục tiêu học tập của bạn – bạn muốn tìm hiểu về chủ đề gì, muốn học được những gì? Xác định mục đích sẽ giúp bạn tập trung vào những nội dung trọng điểm.
– Tích cực ghi chép và suy ngẫm: Khi xem video hoặc đọc tài liệu, hãy chủ động ghi chép, đề xuất ý kiến, liên hệ với kiến thức hiện có. Cố gắng diễn giải lại các khái niệm bằng ngôn ngữ của bạn.
– Sắp xếp, liên kết ý tưởng: Sau khi thu thập thông tin, hãy sắp xếp, nhóm các ý tưởng chính lại với nhau. Tìm cách liên hệ và diễn giải mối liên hệ giữa các khái niệm.
– Đặt câu hỏi và tìm ra trả lời: Trong quá trình học, hãy chủ động đặt câu hỏi về những vấn đề chưa hiểu rõ. Sau đó, cố gắng tự trả lời bằng cách theo cách hiểu của bạn.
– Chia sẻ và phản hồi: Khi học xong, hãy cố gắng chia sẻ những gì bạn đã học với người khác. Điều này sẽ giúp bạn kiểm tra lại khả năng hiểu vấn đề của bạn. Ngoài ra, bạn cũng có thể nhận được phản hồi, góp ý để hoàn thiện vốn hiểu biết.

Lời kết

Kỹ thuật Feynman mang lại nhiều lợi ích trong việc học và hiểu các khái niệm phức tạp, nhưng nó đòi hỏi công sức, kiên trì, tinh thần và sự cải tiến liên tục. Đây có thể xem là một trong những thách thức lớn đối với người học trong quá trình thực hành kỹ thuật Feynman.
Tuy nhiên với một tinh thần sẵn sàng cam kết học hỏi, kỹ thuật Freynman sẽ là một công cụ hữu ích hỗ trợ giúp bạn học tập hiệu quả.
“Trong cuộc đối đầu giữa dòng sông và tảng đá, dòng sông luôn chiến thắng – không phải bằng sức mạnh mà bằng sự kiên trì.” – H. Jackson Brown.
Tiếp thu tri thức cũng giống như quá trình dòng sông chảy về phía thượng nguồn, luôn cần sự chăm chỉ và bền bỉ để vượt qua chông gai.
Nguồn tham khảo tài liệu:
Sách: Feynman: Chuyện thật như đùa

Anh chị cần mua bàn ghế ăn gia đình thì tham khảo trang này bên em với nhé này ạ. Xin cảm ơn.