Tự sự tuổi 30
Tháng tám 7, 2024
Tôi viết bài này ở thời điểm chỉ còn vài tháng nữa là tôi bước sang tuổi 30, hơn 1/3 đời người và cũng là một ngưỡng quan trọng để nhìn lại. Những chuyện viết ra dưới đây cũng chỉ là cá nhân thôi, nó không đại diện cho tất cả. Và thông thường thì tôi cũng ít chia sẻ nhưng hôm nay thì lại khác, tôi thấy có can đảm để viết ra và nơi đây cũng là nơi an toàn để làm việc đó.
Tôi 30 tuổi và đứng trước việc đóng cửa một dự án khởi nghiệp mà mình đã theo đuổi 4-5 năm nay, cũng chỉ là một mô hình kinh doanh siêu nhỏ thôi nhưng sao tôi thấy chật vật quá, gắng gượng nhiều lần và đến bây giờ cũng thấy nản. Khách hàng không có, doanh thu sụt giảm, chi phí tăng và các khoản nợ cũ thì vẫn đều đặn đến, tôi thấy mình luẩn quẩn giữa một mớ bòng bong do chính mình tạo ra.
Gia đình thất vọng thấy rõ, gần hai tháng nay tôi không gọi điện về nhà, thi thoảng bố mẹ gọi tôi thì vẫn là những phàn nàn quen thuộc: sao mày không gọi về? không nhớ bố mẹ hở? sao tháng rồi lại không gửi tiền về nhà để trả nợ? Làm ăn cả tháng mà không để ra đồng nào? Cũng chả thấy mày lo yêu đương hay vợ con gì? Nhìn con nhà người ta kìa? mày chả được việc gì cả?…
Tôi hoàn toàn thấu hiểu được nỗi lòng của cha mẹ tôi, chính họ cũng đang chịu đựng rất nhiều áp lực từ tôi và từ chính những tiêu chuẩn cộng đồng mà họ đang sống. Tôi thì có thể tách biệt ra mà sống chứ cha mẹ tôi thì không thể. Tôi không thể làm họ vui mà còn liên lụy đến họ nữa. Mỗi lần gọi điện như là một lần để hỏi thăm nhưng nó cũng là cơ hội để họ trao lại bớt bực dọc vào tôi . Hiểu vậy nên tôi vừa muốn nghe để nhận lại vơi đi nhưng cũng vừa thấy sợ vì có thể mình không chịu nỗi nữa.
Tôi không có bạn bè, các bạn cấp ba hay đại học đều không còn, khi những định hướng và mối quan tâm không còn cùng nhau nữa thì thời gian sẽ đánh bại đi mấy thứ ”bạn bè” hay ”tri kỷ” ở thời niên thiếu. Một vài anh chị đồng nghiệp cũ thì đôi lúc vẫn liên lạc và giúp đỡ nhau nhưng nó cũng sẽ phai nhạt theo thời gian. Tôi thấy mình bị cô lập ở giữa thế giới rộng lớn này.
Lúc công việc khó khăn cũng là lúc rảnh rang hơn, tức là không có việc để làm đó. Nhưng tôi cũng ”không dám” lấp đầy khoảng trống đó bằng những giờ liền lướt mạng xã hội. Tôi nói là ”không dám” dù tôi có thể, đó là vì tôi thấy sợ: bước lên đó, người ta nói chuyện nọ chuyện kia, làm cái nọ cái kia, đến nơi nọ nơi kia. Còn tôi thì im ắng và lủi thủi như một kẻ vô dụng, bất tài. Tôi không dám và tôi cũng sợ hãi khi nhìn vào nỗi tự ti khổng lồ đang xâm chiếm tâm trí tôi.
Mẹ tôi bảo: mày thấy tự ti chưa? còn cố cứng đầu hay ra vẻ gì nữa không? về nhà chả dám nói chuyện với anh em hay hàng xóm làng giềng gì nữa hẩy. Tôi giải thích với mẹ nhiều lần nhưng chắc bà cũng không hiểu: đúng là tôi có cảm thấy tự ti, nhưng đó là cảm thấy tự ti trong cái thế giới của tôi thôi, chứ không phải là khi ở nhà.
Cái cảm giác rõ nhất của tôi khi về nhà đó là cảm giác ”không thuộc về”. Tôi không thuộc về những cuộc nhậu nhẹt tới bến, tôi không thuộc về những câu chuyện hơn thua về tiền bạc hay nhà cửa, tôi không có quan tâm đến chuyện mua bán đất đai để kiếm lời,…Tôi không quan tâm đến những chuyện được xem là thịnh hành ở quê và những suy nghĩ miên man trong đầu tôi thì cũng chẳng ai để ý. Đó là cảm giác không thuộc về chứ không phải tự ti.
Tôi 30 tuổi, công việc không đâu vào đâu, nợ nần, không bạn bè, sống xa cách và luôn có cảm giác không thuộc về gia đình mình, ôm trọn nỗi tự ti khổng lồ và không biết cách nào để vượt qua nó. Dạo này, tôi hay khựng lại để nhìn về tương lai và thấy nó xa xôi, tôi bối rối với nó. Rồi tôi cũng tự hỏi là tôi có đang chán mình không? người khác chán thì thấy rõ rồi đó, còn tôi thì tôi có như vậy với mình không?
Tôi có chán bản thân mình đó, đối mặt với hàng đống chuyện bủa vây thì tôi thấy mất niềm tin với bản thân. Tôi có chán nên tôi cũng bỏ bê nó: tóc dài cũng không buồn cắt, ngày chỉ ăn một bữa, tối thức khuya và chìm đắm vào những suy nghĩ miên man không điểm kết, dường như tôi cũng đang hắt hủi bản thân mình theo cách thế giới này làm với tôi vậy.
Nhưng rồi, cuộc sống thì luôn luôn thay đổi và suy nghĩ không chịu dừng lại thì cũng có lúc nó chạm được một điều gì đó. Khi viết những dòng thì chính tôi cũng tự chất vấn bản thân mình rằng:
– Bản thân mình có đáng bị hắt hủi như vậy không? nếu cảm thấy không có ai thương cảm thì mình có thể rành điều đó cho bản thân mình được không? Mình sẽ ôm ấp những nỗi đau trong lòng mình (tự ti, yếu kém…) và trao cho nó ánh mắt dịu dàng hay sẽ kỳ thị nó như bao người kia?
– Nghèo khó, vô dụng hay bất tài thì đáng xấu hổ hử. Nó đáng bị sỉ vả, kỳ thị và hắt hủi như vậy hay đó chỉ là cách để người ta thể hiện sự thượng đẳng của mình?
– Báo hiếu là gì? Không mang lại được niềm vui cho cha mẹ thì là bất hiếu hử? Liệu có phải cứ làm chiều lòng nhau thì mới là báo hiểu, có phải không?
– Và rồi, giữa muôn vàn điều tồi tệ đến như vậy thì mình có thể bước qua để làm điều gì có ích được không? hay mình sẽ chôn vùi cùng đống thứ bẩn thỉu trên?
Tôi không chắc là mình sẽ trả lời hết và rành mạch được tất cả những câu hỏi trên, nhưng việc đặt ra giúp tôi gợi mở và thách thức chính mình. Những câu hỏi ấy lật ngược lại tất cả những lo lắng mà mình chìm đắm vào rồi thành nạn nhân của nó. Tôi muốn được dừng lại, tái tạo và chuyển mình. Để lại sau lưng những bừa bộn và những điều tưởng chừng là tồi tệ để tái định hình một giá trị mới.
Tôi viết bài này như một cách để giải tỏa tâm lý, áp lực cuộc sống thì nhiều nhưng bị chuyển biến sang áp lực tâm lý thì còn nặng nề hơn. Kể ra để giải bày và đặt câu hỏi để gợi mở là những điều thật sự tốt. Tôi cũng đã không đưa giải pháp gì hay dự định ra sao gì về sắp tới, mà chỉ kể ra và đặt câu hỏi. Còn sắp tới có thế nào thì tôi sẽ kể tiếp, cảm ơn bạn đọc đã đoái hoài và lắng nghe tôi, tôi thấy mình như được an ủi.