Tuy Phước (Bình Định): Xã Phước Quang – Điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới thông minh
Tuy Phước (Bình Định): Xã Phước Quang – Điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới thông minh
(Xây dựng) – Xác định nông thôn mới (NTM) là hành trình chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, trong những năm qua, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước (Bình Định) đã nỗ lực thực hiện đạt các tiêu chí về đích xã NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và xã đang tiếp tục lộ trình xây dựng xã NTM thông minh. Bức tranh nông thôn xã Phước Quang hôm nay là kết quả đầy đủ khi ý Đảng – lòng dân hội tụ và là thực tế minh chứng chương trình mục tiêu quốc gia NTM đã thúc đẩy nông thôn của tỉnh Bình Định phát triển toàn diện.
Xã Phước Quang đang trên bước đường đổi mới. |
Những kết quả đạt được
Phước Quang là xã đồng bằng cách thị trấn Tuy Phước khoảng 10km và nằm trên Tỉnh lộ 636. Xã có diện tích tự nhiên hơn 1.000ha với 11 thôn và hơn 3.800 hộ dân sinh sống. Người dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề nông.
Từ một xã có xuất phát điểm xây dựng NTM chỉ đạt 8/19 tiêu chí vào năm 2013, trải qua 6 năm phấn đấu (năm 2019) xã Phước Quang đã nỗ lực đạt đủ các tiêu chí trong xây dựng NTM và được công nhận là xã NTM. Vài năm sau, xã Phước Quang đã đạt đủ các tiêu chí và được UBND tỉnh công nhận là NTM nâng cao vào năm 2022.
Không “tự mãn” với những kết quả đạt được, xã Phước Quang tiếp tục duy trì, giữ vững các tiêu chí NTM nâng cao, nâng cao một số tiêu chí để đáp ứng với yêu cầu NTM kiểu mẫu.
Niềm vui đã đến với người dân xã Phước Quang khi năm 2023, Phước Quang vinh dự là xã đầu tiên của tỉnh về đích NTM kiểu mẫu. Việc hoàn thành các chỉ tiêu NTM kiểu mẫu là kết quả khẳng định sự nỗ lực, phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng lòng của nhân dân trong công cuộc xây dựng NTM.
Về xã Phước Quang hôm nay không khó để thấy được sự “thay da đổi thịt” nơi vùng quê này. Những con đường giao thông được bê tông hóa, nhựa hóa sạch sẽ trải dài đến từng thôn xóm, hai bên đường được điểm trang bằng những con đường hoa đầy màu sắc, những ngôi nhà mới khang trang, kiên cố được mọc lên san sát. Niềm vui, niềm hạnh phúc hiện hữu trên những gương mặt, trên từng nếp nhà… tất cả những niềm vui ấy là kết quả mà NTM đã mang lại.
Diện mạo vùng quê ngày càng khang trang. |
Để có được những kết quả đó là sự quan tâm của các cấp, ngành và đặc biệt là sự đồng thuận của người dân. Bà Lý Thị Hồng Gấm, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Quang chia sẻ: “Trong công cuộc xây dựng NTM kiểu mẫu, đã có gần 400 hộ dân tự nguyện hiến 2.500m2 đất lúa và đất vườn; hàng trăm cây ăn quả, nhiều cây trồng khác ước tính kinh phí khoảng 870 triệu đồng và 800 triệu đồng để làm đường, mở rộng giao thông nông thôn, cứng hóa trục giao thông nội đồng. Cùng với đó, nhân dân đã tự nguyện đóng góp kinh phí để đầu tư hệ thống điện để thắp sáng đường làng ngõ xóm thuận lợi việc đi lại, phòng ngừa tai nạn giao thông và các tệ nạn xã hội”.
Chính những sức mạnh nội lực đó đã giúp xã Phước Quang vượt qua khó khăn để cùng nhau xây dựng và về đích NTM kiểu mẫu. Điểm sáng mang lại từ chương trình là đời sống người dân ngày càng được nâng cao, mức thu nhập bình quân trên địa bàn xã đạt trên 62 triệu đồng/người, hộ nghèo của xã chỉ còn chiếm 0,9%. Việc hoàn thiện hạ tầng, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao và duy trì vệ sinh môi trường thường xuyên được quan tâm và thực hiện hiệu quả, cùng với đó, người dân được thụ hưởng các chương trình vui chơi giải trí…
Xã Phước Quang chọn chuyển đổi số là mục tiêu then chốt. |
Phấn đấu về đích xã NTM thông minh
Trong hành trình củng cố thành quả NTM kiểu mẫu và tiến tới mục tiêu NTM thông minh, xã Phước Quang chọn lĩnh vực chuyển đổi số là mục tiêu then chốt. Đến nay, hầu hết các địa điểm công cộng trên địa bàn xã như 11 nhà văn hóa thôn, công viên xã đều có Wifi miễn phí. Toàn xã được lắp đặt Camera với hơn 100 mắt bố trí ở các điểm ra, vào của các thôn, giám sát an ninh trật tự và các vấn đề khác, xã lắp đặt 2 bản tin điện tử công cộng tại địa điểm thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin…
Từ năm 2023, xã cũng đã thực hiện mô hình chợ 4.0 để tạo thói quen cho bà con tiểu thương làm quen với thanh toán không dùng tiền mặt. Xã cũng thành lập Ban chỉ đạo chợ 4.0, phân công cho các thành viên phối hợp với các ban, ngành của khối Ủy ban đi xuống chợ để tuyên truyền, vận động bà con tiểu thương. Đến nay, hầu hết các tiểu thương trong chợ đều có mã QR để thanh toán trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt.
Trong lộ trình tiến tới xây dựng NTM thông minh, Phước Quang đã chọn thôn An Hòa là điểm nhấn quan trọng trong việc thực hiện chuyển đổi số của mình.
Nhà Văn hóa thôn An Hòa. |
Về thôn An Hòa không khó để nhìn thấy những chiếc camera an ninh được lắp ven theo bên đường. Men theo con đường trải bê tông sạch sẽ, chúng tôi tìm đến hội trường thôn An Hòa theo đúng chỉ dẫn định vị vị trí của Google map mà chính Thôn trưởng Trần Trọng Cát gửi. Chúng tôi bất ngờ khi người gửi định vị cho tôi lại là bác trưởng thôn đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” (72 tuổi).
Vừa trò chuyện cùng chúng tôi, bác trưởng thôn vừa cầm chiếc điện thoại smartphone lên để xử lý công việc. Bác cho biết, ngày mai có cuộc họp nên bác phải chỉ đạo từ xa qua các nhóm trong thôn để công việc không bị ngưng trệ. Sau khi xử lý xong công việc, bác Cát còn chỉ cho chúng tôi xem hoạt động của mô hình camera an ninh được kết nối qua chiếc tivi. Chỉ cần qua màn hình tivi, các thành viên trong thôn có thể biết các hoạt động để đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn. Thậm chí, bác Cát còn tự lập hội, nhóm Chi bộ trên zalo để thông báo, tuyên truyền, chỉ đạo nội dung cho các Đảng viên trong thôn.
Từ nhà văn hóa thôn, tổ cộng đồng có thể nắm bắt được tình hình hoạt động của thôn thông qua hệ thống Camera. |
Trưởng thôn Cát cho biết: Thực hiện chuyển đổi số, người già trong làng chúng tôi ai cũng biết xài đồ công nghệ như: smartphone, Zalo, Facebook, hệ thống điều khiển từ xa tắt, mở điện ở hội trường thôn,… Người dân trong thôn còn tải các app tiện ích về để phục vụ đời sống.
“Đặc biệt, giờ đây mỗi lần muốn thông báo hay hội họp không còn phải đến từng nhà mà chỉ cần soạn một tin nhắn trên điện thoại, gửi vào nhóm Cộng đồng thôn là mọi gia đình đều có thể nắm được hết”, Trưởng thôn Cát chia sẻ.
Càng nói chuyện với trưởng thôn Cát, chúng tôi càng đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Bởi không chỉ thành thạo trong các thao tác sử dụng công nghệ số, người trưởng thôn già còn “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người” để vận động tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa mà các ứng dụng nền tảng số mang lại trong công việc, cuộc sống và bác còn chủ động cài đặt, hướng dẫn cho người dân trong thôn.
Giờ đây, dân số trưởng thành trong thôn sử dụng điện thoại thông minh, được hướng dẫn, tập huấn, đào tạo các kỹ năng số đã hơn 90%. Trên địa bàn thôn có 9/9 hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất như buôn bán, may mặc, cơ khí… đều được Tổ công nghệ số cộng đồng thôn tuyên truyền, hướng dẫn về việc sử dụng các mạng xã hội như zalo, facebook,… để quảng bá, bán sản phẩm. Ngoài ra, đến nay có 100% hộ buôn bán nhỏ, lẻ trên địa bàn thôn đều đã được Tổ công nghệ số của thôn, Tổ lưu động của xã hướng dẫn và làm mã QR thanh toán trực tuyến nhằm đáp ứng nhu cầu giao dịch thanh toán khi tham gia mua bán, trao đổi.
Trưởng thôn Cát phấn khởi nói: “Người dân ở đây tiếp thu nhanh nên việc triển khai cũng dễ dàng hơn. Mọi người giờ đây rất vui và phấn khởi vì từ khi thực hiện NTM, đời sống của người dân đã khởi sắc rất nhiều”.
Đường vào thôn An Hòa được nhựa hóa. |
Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Đoàn Quốc Thịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Quang chia sẻ, để có được kết quả này là cả một quá trình, bởi lúc đầu người dân không đồng tình do lo ngại phiền hà và mất thời gian, thế nhưng sau khi được tuyên truyền, giải thích, các hộ kinh doanh và tiểu thương đã hiểu và thực hiện. Đến nay, mọi người đều cảm thấy rất phấn khởi về những tiện ích mà chuyển đổi số đã mang lại, nhiều người đã bắt đầu có thói quen dùng tiền điện tử thay cho tiền giấy như truyền thống trước đây.
Theo ông Đoàn Quốc Thịnh, yếu tố đầu tiên để chuyển đổi số thành công là phải có một công dân số. Công dân số phải xuất phát từ tổ cộng đồng này nên đã tập trung đào tạo những kỹ năng số cơ bản nhất từ kết nối 3G, Wifi và kỹ năng số cơ bản như soạn thảo văn bản, tìm kiếm thông tin khai thác trên điện thoại hay truy cập tại các nền tảng ứng dụng dùng chung của tỉnh. Bên cạnh đó, các trưởng thôn phải nói được, làm được, thực hiện được các nền tảng số dùng chung đó rồi mới hướng dẫn lại cho bà con.
“Xã cũng đã thành lập một Tổ công dân số lưu động, thôn nào tiến độ chưa đảm bảo thì xã sẽ tăng cường xuống”, ông Thịnh cho hay.
Có thể thấy, những mô hình hay, cách làm hiệu quả cùng với sự đồng thuận cao của “ý Đảng lòng dân” đã góp phần không nhỏ để xã Phước Quang dần tiệm cận với mục tiêu về đích NTM thông minh vào năm 2025. Dẫu rằng phía trước vẫn còn nhiều khó khăn thách thức, dẫu rằng là xã đầu tiên của tỉnh được chọn là xã NTM thông minh, các cán bộ xã vẫn phải “mò mẫm” từng bước để vừa làm vừa học, dẫu nguồn kinh phí vẫn còn hạn chế… nhưng tất cả những điều ấy chỉ là “chuyện nhỏ” khi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phước Quang đồng sức, đồng lòng.
Đánh giá về những nỗ lực, bài học kinh nghiệm của xã Phước Quang trong quá trình xây dựng NTM thông minh, ông Huỳnh Nam, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước cho hay: “Việc thực hiện thành công xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh và phấn đấu trở thành xã NTM thông minh vào năm 2025 là nhờ sự dám nghĩ, dám làm, quyết tâm cao của tập thể lãnh đạo xã; cũng như sự đồng lòng của cộng đồng người dân trong xã. Đây cũng là điểm sáng để góp phần vào thành công chung trong phong trào thi đua xây dựng NTM của huyện giai đoạn 2021-2025, hướng đến xây dựng huyện Tuy Phước đạt Huyện NTM nâng cao năm 2025”.
Bạn đang đọc Tin tức xây dựng trên website hungday.com