Tuyên án vụ Trương Mỹ Lan: Bị hại có được nhận lãi từ trái phiếu SCB?
Tuyên án vụ Trương Mỹ Lan: Bị hại có được nhận lãi từ trái phiếu SCB?
Chiều 17.10.2024, Tòa án nhân dân TP.HCM đã tuyên án sơ thẩm trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2.
Bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bị tuyên mức án chung là chung thân về 3 tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” và “rửa tiền”.
33 bị cáo đồng phạm bị tuyên mức án từ 2 năm đến 23 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX tuyên bị cáo Lan phải có trách nhiệm bồi thường 30.860 tỉ đồng cho hơn 35.800 nhà đầu tư.
Đồng thời, tiền lãi của hơn 30.860 tỉ đồng được xác định từ số lượng trái phiếu bị hại sở hữu không thuộc phạm vi của phiên xét xử. Do đó, hội đồng xét xử tuyên các bị hại giải quyết trong một giao dịch dân sự khác.
Đối với số tiền 445.000 tỉ đồng trong tội “rửa tiền“, số tiền đã được bản án sơ thẩm xác định thu hồi, bị cáo Trương Mỹ Lan phải chịu trách nhiệm toàn bộ số tiền thiệt hại, nên HĐXX không đề nghị các bị cáo nộp lại số tiền “vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, “rửa tiền”.
Về số tiền hơn 30.860 tỉ đồng của hơn 35.800 bị hại, hội đồng xét xử thông tin, theo quy định về nguyên tắc các bị cáo phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” phải chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên toàn bộ số tiền chiếm đoạt được bị cáo Lan sử dụng vào mục đích cá nhân, vì vậy hội đồng xét xử buộc bị cáo Lan phải có trách nhiệm đối với hơn 30.860 tỉ đồng của hơn 35.800 nhà đầu tư.
Ngoài bị cáo Trương Mỹ Lan, các bị cáo khác không phải khắc phục, nhưng có nhiều bị cáo cũng có trách nhiệm nộp tiền khắc phục hậu quả. Do đó, hội đồng xét xử ghi nhận đây là tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo tự nguyện nộp khắc phục hậu quả vụ án.
Theo HĐXX, vụ án này có bị hại với số lượng lớn, cư trú tại 58 tỉnh, thành khác nhau. Trước khi đưa vụ án ra xét xử,hội đồng xét xử đã thông báo có thông báo xét xử vắng mặt đến các bị hại thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Do đó, việc xét xử vắng mặt các bị hại không gây trở ngại và không ảnh hưởng đến quyền lợi của các bị hại. Ngoài ra, trong quá trình chuẩn bị xét xử vụ án, HĐXX đã nhận được nhiều đơn đề nghị của người dân mua trái phiếu của bốn công ty trong vụ án mà chưa được CQĐT làm việc nên hội đồng xét xử đã bổ sung thêm những người này và xác định là bị hại trong vụ án.
Ngoài ra, ở phần dân sự và xử lý vật chứng, HĐXX tuyên giải tỏa kê biên tòa nhà Capital Place (địa chỉ 29 Liễu Giai, thành phố Hà Nội).
Tòa nhà Capital Place vốn là một phần của dự án Vinhomes Metropolis, sau đó được chuyển nhượng sang cho pháp nhân Công ty Twin-Peaks thuộc sở hữu của tập đoàn bất động sản Singapore Capitaland.
Tại tòa giai đoạn 1, bị cáo Trương Mỹ Lan nhiều lần nhắc đến tòa nhà này. Tòa nhà Capital Place đang được thế chấp cho khoản vay của Công ty Twin-Peaks tại 4 ngân hàng nước ngoài. Nhưng chủ sở hữu đã ủy quyền cho Chu Duyệt Phấn (là con gái của bị cáo Trương Mỹ Lan) rao bán giá 1 tỉ USD. Tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan nói tòa nhà Capital Place có giá thấp nhất hơn 400 triệu USD.
HĐXX nhận định bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm là lãnh đạo của SCB có hàng loạt hành vi gian dối, thống nhất với nhau từ việc phát hành trái phiếu đến dụ dỗ người gửi tiền mua trái phiếu; các bị cáo đã dùng nhiều thủ đoạn gian dối, thể hiện ý thức chiếm đoạt tài sản của các trái chủ.
Về hành vi rửa tiền, từ ngày 1.1.2018 – 7.10.2022, bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 445.000 tỉ đồng có được từ hành vi phạm tội tham ô tài sản của SCB (hơn 415.000 tỉ đồng) và lừa đảo chiếm đoạt tài sản của trái chủ (hơn 30.081 tỉ đồng).
Ngoài ra, bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm thông qua các hợp đồng “khống” mua bán cổ phần, vốn góp, tư vấn, giữa các công ty tại Việt Nam và công ty, tổ chức ở nước ngoài; sau đó thông qua hệ thống SCB, tiền vay được chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và tiền trả nợ được chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài. Tổng số tiền bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới là 4,5 tỉ USD, tương đương 106.730 tỉ đồng.