Ứng Hòa (Hà Nội): Phấn đấu đến năm 2026 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
Ứng Hòa (Hà Nội): Phấn đấu đến năm 2026 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Xây dựng) – Xuất phát điểm thấp, gặp nhiều khó khăn khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), song với quyết tâm cao, Đảng bộ và nhân dân huyện Ứng Hòa (Thành phố Hà Nội) đã có nhiều đổi mới trong cách triển khai thực hiện, nhờ đó diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Đến nay, toàn huyện đã có 28/28 xã được UBND Thành phố Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn NTM; 9/28 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 3/28 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Năm 2024, nghề may áo dài thôn Trạch Xá, xã Hòa Lâm được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. |
Chung sức xây dựng NTM
Bám sát Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy giai đoạn 2021-2025; Huyện ủy – HĐND – Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của huyện, UBND huyện Ứng Hòa tập trung chỉ đạo quyết liệt cùng với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã đạt được những kết quả quan trọng; cán bộ, đảng viên, nhân dân đã nhận thức sâu sắc về mục tiêu, ý nghĩa và tầm quan trọng của chương trình xây dựng NTM. Vượt chỉ tiêu Thành phố giao xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Trong sản xuất nông nghiệp, huyện đã chỉ đạo quyết liệt việc cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp; Xây dựng, ban hành các cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế trong sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, theo vùng sản xuất tập trung; Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất tập trung có quy mô lớn, đã hình thành các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, sản xuất theo hướng công nghệ cao như: Quyết định số 3534/QĐ-UBND ngày 20/7/2020 về phê duyệt đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp huyện Ứng Hòa theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả bền vững giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”; Thực hiện Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND ngày 04/7/2023 của HĐND Thành phố Hà Nội về quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp Thành phố Hà Nội nhằm chủ động tích cực chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, xây dựng, ban hành các cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế trong sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, theo vùng sản xuất tập trung; Quy hoạch vùng sản xuất lúa hàng hóa có giá trị, chất lượng cao; sản xuất rau an toàn; trồng cây ăn quả; chăn nuôi, thủy sản. Từ đó đưa giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác ngày một tăng; cơ cấu nội ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực.
Phát triển kinh tế nông thôn ngày được chú trọng, đặc biệt trong phát triển các hợp tác xã (HTX), Tổ hợp tác, trang trại, các làng nghề và các cụm công nghiệp, khu công nghiệp. Việc phát triển kinh tế nông thôn đã và đang gắn liền với thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của huyện và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Cụ thể đẩy mạnh phát triển theo hướng: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành Nông nghiệp; Tăng giá trị sản xuất nông nghiệp trên đơn vị sản xuất thông qua chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; Gắn sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản theo chuỗi giá trị hàng hóa nông sản trên cơ sở hình thành vùng sản xuất hàng hóa, tập trung, quy mô lớn, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp; phát triển mở rộng liên kết, hợp tác nhằm khai thác có hiệu quả nguồn lực hiện có gắn với bảo vệ môi trường, phát triển du lịch nông thôn…
Kinh tế – xã hội nông thôn đã có bước phát triển khá, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được cải thiện và ngày một nâng cao; Công tác y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân được cải thiện, chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên, toàn bộ các trạm y tế đều có bác sỹ, tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm y tế toàn huyện đạt 93,8%. Công tác đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn được quan tâm, tỷ lệ lao động qua đào tạo ngày một tăng; công tác hỗ trợ cho các đối tượng chính sách và người nghèo được đảm bảo, không còn nhà dột nát, không còn hộ đói. Công tác vệ sinh môi trường nông thôn đã được chú trọng, tỷ lệ rác thải được thu gom xử lý trong ngày tại khu vực nông thôn đạt 100%.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng cho biết: Nhờ sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và nhân dân, nền kinh tế của huyện đã duy trì mức tăng trưởng ổn định trong những năm qua. Các chỉ tiêu kinh tế – xã hội do Thành phố giao đều cơ bản hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra.
Dự kiến đến cuối năm 2025, tổng giá trị sản xuất của huyện (theo giá so sánh năm 2010) sẽ đạt 17.436 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 7,58%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành ông Nghiệp, đồng thời tăng cường phát triển công nghiệp và dịch vụ.
Đặc biệt, phong trào “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã đạt được những kết quả tích cực. Hiện tại, huyện có 70 sản phẩm được chứng nhận OCOP với đánh giá từ 3 sao trở lên, phấn đấu đến năm 2024 có thêm 20 sản phẩm được công nhận đạt OCOP 3 sao trở lên. Huyện đã có 7 mô hình chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Về thu ngân sách, huyện đã vượt dự toán hàng năm, với tổng thu ngân sách 5 năm đạt gần 2.500 tỷ đồng, tăng bình quân 6,04% mỗi năm, vượt mục tiêu Đại hội đề ra là 5%. Các khoản chi ngân sách được thực hiện tiết kiệm, ưu tiên đầu tư phát triển có trọng tâm, đúng chương trình mục tiêu của Thành phố Hà Nội và các chương trình, đề án của huyện.
Đến nay, toàn huyện đã có 28/28 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó có 9 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Năm 2022, huyện vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM.
Công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người dân tiếp tục được cải thiện. Dự kiến đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người của huyện sẽ đạt trên 80 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, với mục tiêu đến cuối năm 2025, 100% hộ dân nông thôn cũng sẽ tiếp cận nước sạch.
Bên cạnh đó, huyện đã phát triển một số điểm du lịch được thành phố công nhận như: Thôn Cầu Bầu (xã Quảng Phú Cầu), đền Đức Thánh Cả (xã Hồng Quang), làng Chòng (xã Trầm Lộng), du lịch võ học tại môn phái Thiên Môn Đạo (xã Hòa Nam)…
Đơn cử tại làng nghề may áo dài Trạch Xá (xã Hòa Lâm), nơi đây được mệnh danh là cái nôi của áo dài truyền thống, ngày ngày vẫn cho ra đời những chiếc áo dài thướt tha, giữ vẹn nguyên vẻ đẹp thuở ban đầu.
Ông Nghiêm Văn Đạt, Chủ tịch HTX Làng nghề May Áo dài truyền thống Trạch Xá cho biết: Làng nghề may Trạch Xá đã có hơn 1.000 năm tuổi. Nghề này là nghề cha truyền con nối từ xa xưa. Các cụ ngày xưa đi làm chỉ có đôi chân và một cái tay nải, trong đó có thước, vạch, kéo và kim chỉ. Họ đi khắp các làng trên xóm dưới, đến nhiều địa phương để may quần áo cho quan chức và dân chúng. Tiếp nối và gìn giữ truyền thống tốt đẹp đó, đồng thời được sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành tại địa phương, năm 2024, nghề may áo dài thôn Trạch Xá được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm tự hào, sự cổ vũ tinh thần to lớn đối với mỗi người dân làng nghề Trạch Xá, để tiếp tục phát huy, gìn giữ những giá trị của truyền thống đồng thời mang những giá trị tốt đẹp này lan tỏa đến bạn bè thế giới.
Công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Nhiều địa phương đầu tư nguồn lực xây dựng nhà văn hóa, khu vui chơi, sân bóng… phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí của người dân. |
Tiếp tục xây dựng NTM nâng cao
Phát huy kết quả đạt được trong những năm qua, huyện đã ban hành Nghị quyết chuyên đề xây dựng huyện Ứng Hòa đạt chuẩn NTM nâng cao. Theo đó, huyện đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2026 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Có ít nhất 50% số xã trên địa bàn đạt chuẩn NTM nâng cao; tỷ lệ hài lòng của người dân trên địa bàn đối với kết quả xây dựng NTM nâng cao của huyện đạt từ 95% trở lên.
Để đạt được mục tiêu trên, ông Nguyễn Tiến Thiết, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa cho biết: Huyện xác định tập trung chỉ đạo nhiệm vụ cụ thể đối với từng tiêu chí. Đáng chú ý như về quy hoạch, huyện chỉ đạo hoàn thiện và trình phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng huyện Ứng Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời xây dựng quy hoạch khu chức năng dịch vụ hỗ trợ sản xuất phù hợp quy hoạch xây dựng vùng huyện đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Về y tế – văn hóa – giáo dục, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn huyện đạt trên 95%. Tiếp tục bố trí nguồn lực đầu tư tu bổ, tôn tạo các di sản văn hóa trên địa bàn huyện nhằm phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của địa phương. Đầu tư kinh phí nâng cấp các trường THPH và Trung tâm Giáo dục thường xuyên trên địa bàn huyện, phấn đấu đến năm 2026 toàn bộ các trường THPT trên địa bàn huyện được công nhận đạt chuẩn quốc gia.
Đối với tiêu chí về kinh tế, huyện chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các cụm công nghiệp đang được đầu tư trên địa bàn, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất vào cụm công nghiệp để giải quyết việc làm tại chỗ cho nông dân, thúc đẩy chuyển dịch lao động nông nghiệp, nông thôn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các sở, ngành liên quan của thành phố và UBND các xã hướng dẫn nông dân tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất của trung ương, thành phố và cơ chế của huyện; tập huấn, hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, công nghệ cao, liên kết đầu tư phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm các loại cây, con có giá trị kinh tế cao như: sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, sản xuất rau an toàn, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản trong các vùng chuyên canh tập trung để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, giảm giá thành sản xuất. Hướng dẫn nông dân ứng dụng các phương pháp thu hoạch, bảo quản, chế biến tiên tiến và tiêu thụ sản phẩm để giảm hao hụt sau thu hoạch, tăng giá trị nông sản giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập. Tiếp tục chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP hàng năm, phấn đấu mỗi năm có thêm từ 10-20 sản mới phẩm được công nhận.
Về môi trường, tập trung chỉ đạo, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, các tổ chức và cá nhân về ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường trong sản xuất làm thay đổi từ nhận thức thành hành động cụ thể; thúc đẩy tái sử dụng, tái chế biến chất thải hữu cơ, phế phụ phẩm nông nghiệp thành nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường gắn kết với chuỗi giá trị nông sản hữu cơ. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cấp nước sinh hoạt từ nguồn cấp nước tập trung trên địa bàn huyện; phấn đấu đến hết năm 2024 toàn bộ các xã trên địa bàn huyện được tiếp cận nguồn nước sạch sinh hoạt từ nguồn cấp nước tập trung.
Đồng thời, huyện sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự góp phần xây dựng nông thôn mới. Chú trọng xây dựng nông thôn văn minh gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong quản lý, điều hành, phấn đấu cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến toàn trình để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của huyện.