‘Vải tiến Trường An’: Canh bạc sinh tử đến từ nghìn xưa

Tháng bảy 9, 2024

‘Vải tiến Trường An’: Canh bạc sinh tử đến từ nghìn xưa

Vải tiến Trường An xoay quanh nhân vật Lý Thiện Đức, giám sự ở Thượng lâm thự, nơi chuyên quản lý các loại rau củ quả cung cấp cho triều đình, sinh sống vào khoảng thế kỷ thứ 8. Trong một lần bị lừa, ông đã đảm nhận việc vận chuyển gần như bất khả vải tươi từ Lĩnh Nam về Trường An ngay trước sinh nhật của Dương Quý Phi.

Với đặc tính “một ngày đổi màu, hai ngày đổi mùi, ba ngày đổi vị” của thứ quả này, làm sao để nó tươi ngon trong một quãng đường gần 5.000 dặm? Bằng những trùng hợp bất ngờ, Lý Thiện Đức đã hoàn thành được nhưng hành trình ấy là không dễ dàng. Với tác phẩm này, Mã Bá Dung đã mượn chuyện xưa để nói chuyện nay, qua cách kết hợp giữa các giai thoại lịch sử và thổi vào đó rất nhiều ẩn dụ vô cùng độc đáo.

'Vải tiến Trường An': Canh bạc sinh tử đến từ nghìn xưa- Ảnh 1.

Vải tiến Trường An (Nhã Nam – NXB Hà Nội ấn hành), Mã Bá Dung đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa kiến thức thông thạo về lịch sử với sự quan tâm đến hiện thực

T.D.

Lần tìm trong dòng lịch sử

Mã Bá Dung chia sẻ, ý tưởng của cuốn sách này bắt đầu từ khi ông viết Đại Minh dưới kính hiển vi. Trong quá trình lần tìm tài liệu, ông đã tìm thấy rất nhiều chi tiết về một nhân vật tên Chu Đức Văn – người chịu trách nhiệm mua các loại vật liệu xây dựng để hỗ trợ kiến thiết kinh thành Bắc Kinh mới của Minh Thành Tổ vào thế kỷ 15. Trong quá trình nhận lãnh nhiệm vụ, rất nhiều sự vụ lặt vặt phải được xử lý, trong khi những sự thay đổi mệnh lệnh do phía trên ban cũng khiến việc thực hiện không dễ dàng.

Tuy nhớ đến nhân vật này, nhưng giữa lúc thực hiện nhiều tác phẩm khác nhau, tác giả đã không đi đến cùng tận để khai thác nó. Đến giai đoạn đại dịch Covid-19, khi đọc được dòng trạng thái của một người bạn trên mạng xã hội, rằng: “Nếu Dương Quý Phi không chết ở dốc Mã Ngôi mà thực sự trốn được đến Nhật Bản, phải chăng cũng sẽ không bao giờ được ăn vải nữa?”, Mã Bá Dung mới liên kết được những “dữ liệu đầu vào” ấy và viết trong 11 ngày để cho ra đời Vải tiến Trường An.

Về mặt lai lịch, tác giả chia sẻ mình lấy theo tên trong một danh sách nằm trong cuối quyển kinh chép ở Đôn Hoàng, có đoạn ghi rằng: “Tư nông tự Thượng lâm thự lệnh Lý Thiện Đức”. Nhận thấy chức vị gần giống, phong cách tên tuổi cũng khá phù hợp với cuốn tiểu thuyết còn đang thai nghén… nên ông đã kéo giãn khoảng thời gian ra, và mang nhân vật nói trên vào cuốn sách này.

Theo sử Trung Hoa, nguồn gốc quả vải Dương Quý Phi ăn có nhiều dị bản, trong đó sử gia Vu Canh Triết cho rằng nó từ Lĩnh Nam, và Mã Bá Dung cũng chọn đi theo hướng này. Khi viết lời tựa cho tác phẩm, Vu Canh Triết cũng nhìn thấy ở cuốn sách một sự quan tâm đặc biệt đến hiện thực, để đọc sử xưa nhưng cũng đồng thời thấy được cuộc đời của nhiều người trẻ trong các trang sách.

'Vải tiến Trường An': Canh bạc sinh tử đến từ nghìn xưa- Ảnh 2.

Nhà văn Mã Bá Dung

South China Morning Post

Dùng sử xưa để nói chuyện nay

Mở đầu tác phẩm, Mã Bá Dung cho Lý Thiện Đức – viên quan lúc này đã 42 tuổi – xuất hiện trong một thương vụ mua nhà. Vốn là một chức quan nhỏ, không quen với việc xu nịnh hay có tham vọng, dẫn đến tuy đã làm quan hơn 20 năm, nhưng để có cơ ngơi riêng tại Trường An gần kinh thành thì đó không phải là chuyện dễ dàng. Để đủ tiền mua một căn nhà nhỏ, viên quan họ Lý đã phải vay mượn một khoản từ chùa, gọi là “tiền hương tích”.

Điều này cũng giống với nhiều người trẻ ngày nay, khi việc mua nhà để an cư lạc nghiệp ngay tại thành phố là vô cùng khó khăn.

Đến khi sớ chỉ vận chuyển vải tươi đến Thượng thư lại, nhìn thấy việc khó có thể rơi đầu, thì việc đùn đẩy, gán việc cho người thấp bé cũng đã xảy ra. Để rồi khi đã nghĩ kế, việc muốn chu cấp tiền cũng như nguồn lực để đưa vải về kinh thành nhanh nhất có thể của Lý Thiện Đức cũng đã xảy ra rất nhiều bất trắc, từ gây khó dễ, cảm thấy tị hiềm, ảnh hưởng đến lợi ích nhóm cho đến âm mưu mưu sát hay nẫng tay trên…

Đó còn chưa kể đến ý muốn của phía bề trên thay đổi từng ngày, gây ra biết bao gián đoạn và sự khó khăn trong quá trình đó.

Điều này lại một lần nữa giống với cuộc đời của người đi làm trong các công sở, khi các quy trình quan liêu và mối quan hệ với nhiều đồng nghiệp cũng rất phức tạp. Lựa chọn dĩ hòa vi quý hay là đứng lên, đấu tranh cho mình cũng được Mã Bá Dung xây dựng trở thành nút thắt ở cuối tiểu thuyết, mang đến một câu chuyện không chỉ thú vị về mặt tình tiết, mà còn tạo ra được nhiều đồng cảm cho bất kỳ ai.

Có thể nói qua Vải tiến Trường An, Mã Bá Dung đã kết hợp kiến thức thông thạo về lịch sử với lòng quan tâm đến hiện thực đặc biệt, khiến lời văn có thể đánh thẳng vào lòng người đọc một cách sâu sắc và rất ấn tượng như Vu Canh Triết đã từng nhận định. Ngoài ra với những chắt lọc tình tiết từ các pho sử, ông đã dựng nên một cuốn tiểu thuyết có phần sống động, qua đó cho thấy tài năng của vị nhà văn khi thể hiện được ở đa dạng phong cách khác nhau, từ trộm mộ, kỳ ảo, khoa học viễn tưởng cho đến lịch sử, trinh thám…

Mã Bá Dung sinh năm 1980, tại Xích Phong (Ulankhad) thuộc khu tự trị Nội Mông. Ông là nhà văn nổi tiếng Trung Quốc với bút lực dồi dào, văn phong đa dạng. Thể loại sáng tác của ông trải từ phê bình, tản văn, tiểu phẩm đến tiểu thuyết vừa và dài…

Ông từng đoạt các giải thưởng như: giải Ngân Hà dành cho tác phẩm khoa học viễn tưởng Trung Quốc (năm 2006), giải Văn học nhân dân – một trong những giải thưởng văn học uy tín nhất của văn đàn Trung Quốc (năm 2010), giải Người mới Văn học Mao Thuẫn (năm 2021)…

Nhiều tiểu thuyết của ông đã được chuyển thể thành phim điện ảnh, phim truyền hình và kịch sân khấu. Mới đây, Vải tiến trường an cũng được chuyển thể thành phim truyền hình 40 tập, khởi quay vào tháng 3.2024 với sự tham gia của diễn viên Lôi Giai Âm trong vai Lý Thiện Đức.


Bạn đang đọc ‘Vải tiến Trường An’: Canh bạc sinh tử đến từ nghìn xưa tại website hungday.com

Anh chị chuẩn bị mở thẩm mỹ viện hay có người quen làm spa thì giới thiệu giúp em trang Giường spa giá rẻ này với nhé. Xin cảm ơn.