Vai Trò Của Hạch Hạnh Nhân Trong Hành Vi Và Cảm Xúc Con Người

Tháng tám 28, 2024

Hạch hạnh nhân là một vùng của não bộ, nó liên quan đến quá trình xử lý cảm xúc, đặc biệt là nỗi sợ. Mặc dù cảm xúc không phải là dạng thông tin hay bằng chứng thực tế, nhưng chúng là một cách mà não chúng ta giữ an toàn và nhận thức về môi trường xung quanh. Ví dụ, nỗi sợ và lo lắng tồn tại để cảnh báo chúng ta có những nguy hiểm tiềm ẩn.
Vì cảm xúc đưa thông tin đến ta về môi trường xung quanh, chúng ảnh hưởng đến hành vi. Khi những cảm xúc đóng vai trò cảnh báo về sự nguy hiểm tiềm ẩn, chúng ta có thể hành động để bảo vệ bản thân. Nhưng đồng thời, cảm xúc không phải luôn cho ta thông tin chính xác về những mối đe dọa và có thể gây lo âu và căng thẳng ngay cả khi chúng ta không thực sự nguy hiểm. 

Nguồn: library.neura.edu

Chức Năng Chính Của Hạch Hạnh Nhân Là Gì? 

Theo TS. Shaheen E. Lakhan, một nhà thần kinh học và là giám đốc y khoa của Click Therapeutics tại New York, hạch hạnh nhân là một “hạt hạnh nhân cấu trúc nhỏ, nó chịu trách nhiệm cho tất cả các cảm xúc – chủ yếu là sợ hãi, giận giữ, niềm vui và lo âu”. 
Mặc dù những phản ứng hạch hạnh nhân có thể cảnh báo chúng ta khi chúng ta không an toàn hay cần thực hiện các bước để kiểm soát căng thẳng thì hạch hạnh nhân cũng có thể trở nên hoạt động quá mức ở những người bình phục sau chấn thương, góp phần gây ra các triệu chứng của chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn. Thêm vào đó, nghiên cứu chỉ ra rằng hạch hạnh nhân đóng một vai trò vào rối loạn tâm trạng, bao gồm cả rối loạn trầm cảm nặng.

Hạch Hạnh Nhân Kiểm Soát Những Cảm Xúc Nào?

Hạch hạnh nhân có liên quan đến việc điều chỉnh sự lo âu, hung hăng, phản ứng căng thẳng, những ký ức gắn liền với cảm xúc và nhận thức xã hội. Nó có liên quan tới việc kích hoạt phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy – fight or flight, việc này có ảnh hưởng đến cách chúng ta phản ứng với những tình huống có nguy hiểm tiềm ẩn. 
Mặc dù phản ứng này giúp ta thích nghi và giữ an toàn, nhưng nó có thể trở nên mất cân bằng và dẫn đến phản ứng quá mức. Những người có hạch hạnh nhân hoạt động quá mức có thể cảm thấy những phản ứng này hoạt động ngay cả khi họ không gặp nguy hiểm. Điều này có thể gây căng thẳng và mệt mỏi.
Vì hạch hạnh nhân được kết nối với những ký ức cảm xúc đã qua cũng như với những cảm xúc hiện tại, do đó nó có liên quan đến những ký ức chớp nhoáng (flashbulb memories), hay còn gọi là những ký ức sống động về chi tiết về các sự kiện bất ngờ và có ý nghĩa cảm xúc, cũng như các khoảnh khắc lịch sử quan trọng.
Flashbulb memories chỉ những trải nghiệm về những sự kiện nổi bật trong ký ức. Ví dụ, sự kiện 11/09/2001, một số người ở ngày đó có thể nhớ rõ ràng về ngày hôm đó họ đã làm gì, ở đâu, với ai,…

Điều Gì Có Thể Gây Tổn Thương Hạch Hạnh Nhân? 

Trong khi hộp sọ của chúng ta bảo vệ bộ não khỏi bị tổn thương, hạch hạnh nhân cũng không tránh khỏi tổn thương cả trong lẫn ngoài. TS. Lakhan cho biết: “Amygdala có thể bị tổn thương do đột quỵ, nhiễm trùng như virus Herpes Simplex, các bệnh thoái hóa thần kinh như Alzheimer, và các khối u não.” Bạn cũng có thể bị chấn động não hoặc chấn thương não do va đập làm tổn thương hạch hạnh nhân.
Có khả năng não bị tổn thương không thể phục hồi. Tuy nhiên, ngay cả khi hạch hạnh nhân bị tổn thương, bạn vẫn có thể phục hồi, đặc biệt là khi được hỗ trợ và điều trị. Theo TS. Lakhan, “não bộ có khả năng đáng kinh ngạc cho việc bù đắp và tái tổ chức, được gọi là khả biến thần kinh (neuroplasticity).” Khả biến thần kinh là khả năng điều chỉnh và thay đổi của hệ thần kinh dựa trên tổn thương hoặc nhu cầu.
Ví dụ, nếu bạn bị đột quỵ, não bộ có thể tái tổ chức và sắp xếp lại các đường thần kinh để bù đắp và cho phép hoạt động bất chấp tổn thương.

Điều Gì Xảy Ra Khi Hạch Hạnh Nhân Được Kích Hoạt?

Hạch hạnh nhân sẽ được kích hoạt để phản ứng với các mối đe dọa nhận thức được nhằm giữ cho bạn an toàn bằng cách kích hoạt những phản ứng sợ hãi. Như TS. Lakhan đã nói, “Khi chúng ta nhận thức một mối đe dọa, hạch hạnh nhân sẽ hoạt động để kích hoạt phản ứng căng thẳng của cơ thể – phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy của chúng ta.” Điều này hoạt động thông qua hệ thần kinh tự chủ, làm tăng nhịp tim, huyết áp, nhịp thở và sự tỉnh táo của bạn. 
Bằng cách kích hoạt hệ thần kinh tự chủ, hạch hạnh nhân chuẩn bị cho bạn khả năng tự bảo vệ và giữ an toàn. Nó cho phép bạn phản ứng một cách nhanh chóng để nhận ra mối quy hiểm. Ví dụ, nếu một con động vật tấn công bạn và bạn cần trốn thoát khỏi nó, phản ứng này có thể đảm bảo rằng bạn phải có năng lượng và sức mạnh cơ bắp để chạy trốn. Nếu bạn không thể chạy trốn, phản ứng này sẽ định hướng những nguồn lực của bạn có để chống lại mối đe dọa. 
Khi chúng ta nhận thấy mối đe dọa, hạch hạnh nhân sẽ hoạt động để kích hoạt phản ứng căng thẳng của cơ thể.
Sau khi mối đe dọa hết đi, hoặc sau khi bạn nhận ra rằng đã không có mối đe dọa nào ngay từ đầu, hạch hạnh nhân sẽ giảm năng lượng trở lại với sự trợ giúp của thùy trán. “Có những cơ chế để làm giảm bớt phản ứng này để bạn không ở trong trạng thái lo âu liên tục. Phần phía trước của não bạn thực sự có tác dụng kiềm chế amygdala và nói rằng, về cơ bản, không còn những vấn đề cấp bách nữa.” – TS. Lakhan nói.
Tuy nhiên, đối với một số người, thùy trán không thể ngăn chặn tình trạng hoạt động của hạch hạnh nhân hiệu quả. Điều này có thể xảy ra sau chấn thương. Nếu bạn sống trong trạng thái căng thẳng hoặc chấn thương mãn tính, hạch hạnh nhân có thể vẫn duy trì kích hoạt trong thời gian dài bởi sự cần thiết. Khi bạn luôn phải cảnh giác với nguy hiểm, hạch hạnh nhân có thể bật mà không tắt để đảm bảo sự sống của bạn. Mặc dù điều này có thể giúp bạn an toàn tại lúc đó, nhưng nó có thể làm bạn mệt mỏi theo thời gian. 
Theo TS. Lakhan, khi “mạch thần kinh nhân thức-cảm xúc” (hoặc sự liên kết giữa hạch hạnh nhân và những phần khác của não bộ điều chỉnh sự kích hoạt của nó) không vô hiệu hóa hạch hạnh nhân đúng cách, nó có thể gây ra các triệu chứng trầm cảm và lo âu.

Làm Thế Nào Để Chúng Ta Có Thể Làm Dịu Hạch Hạnh Nhân Hoạt Động?

Tin tốt là ngay cả khi hạch hạnh nhân hoạt động quá mức để phản ứng với chấn thương hoặc tổn thương thì bạn vẫn có thể đảo ngược những tác động này. “Hạch hạnh nhân có thể được huấn luyện,” TS. Lakhan nói. “Vì não bộ tương tác với một số vùng nào quan trọng khác và hình thành nên cái được gọi là mạch não, nên bài tập tốt nhất là tăng cường các mạch thần kinh này.
Về cơ bản, chúng ta có thể tăng cường kết nối giữa hạch hạnh nhân và thùy trán để giúp giảm căng thẳng.
TS. Lakhan chia sẻ những mẹo dưới đây để giảm sự hoạt động của hạch hạnh nhân và kích hoạt lại thùy trán:
Hít thở sâu: Hít thở sâu và chậm từ cơ hoành và tập trung vào việc thở ra là một kỹ thuật rất hiệu quả.
Tập thể dục: Hoạt động thể chất như đi bộ, nhảy, hay yoga có thể giúp điều chỉnh hạch hạnh nhân.
Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT): Việc tái cấu trúc nhận thức có thể thay thể các kiểu suy nghĩ tiêu cực hoặc thảm khốc bằng những suy nghĩ tích cực và thực tế hơn.
Nguồn: verywellmind.com
Dịch: Brian Dinh