Vẫn chật vật lo nguồn cung điện
Vẫn chật vật lo nguồn cung điện
Nắng nóng tăng thêm 1 độ C, dự báo tiêu thụ điện tăng
Theo Tập đoàn Điện lực VN (EVN), riêng khu vực miền Trung và Nam Trung bộ nhiệt độ có nơi cao trên 1 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Tháng 6 cũng là tháng cao điểm nắng nóng ở miền Bắc. Do đó, dự báo nhu cầu điện có thể tiếp tục tăng cao. Sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống tháng 6 dự kiến đạt 28,1 tỉ kWh, tăng 13,8% so với cùng kỳ. Công suất cực đại toàn hệ thống có thể lên tới hơn 52.000 MW, riêng miền Bắc có thể lên đến khoảng 26.000 MW. Điều này có nghĩa là nhu cầu sử dụng điện sẽ gặp không ít áp lực trong thời gian tới. Trong khi đó, dự án đường dây 500 kV được kỳ vọng cung ứng, truyền tải điện từ miền Trung, Nam ra miền Bắc, đang vào giai đoạn nước rút, nhưng gặp không ít khó khăn.
Trong những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6, hình ảnh các công nhân, kỹ sư ngành điện, được điều động từ 3 miền đi thẳng ra công trường để thi công đường dây 500 kV mạch 3 gây không ít xúc động cho người dân. Nhiều người giỏi tay nghề đã viết đơn xin tình nguyện ra công trường để tiếp sức đẩy nhanh tiến độ đường dây 500 kV mạch 3 sớm về đích theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Một lãnh đạo ngành điện cho biết đội xung kích được điều động ra công trường dịp này là các kỹ sư, công nhân tinh nhuệ từ 5 tổng công ty điện lực. Họ giỏi chuyên môn nhưng xưa nay chỉ “leo trụ điện” thi công sửa chữa đường dây dưới 110 kV, 22 kV… Các đường dây 220 kV hay 500 kV không thuộc 5 tổng công ty điện lực quản lý nên chắc chắn sẽ gặp khó khăn.
Thế nhưng, hàng ngàn kỹ sư, công nhân ngành điện không ngại vất vả lao ra công trường một cách đầy nhiệt huyết. Được biết, lực lượng “quân” chi viện đến nay lên đến hơn 2.000 người, thi công trong địa hình khá khó khăn. Việc đưa vật liệu, cột trụ, sắt thép và các trụ móng là điều không đơn giản. Trong quá trình thi công, nếu khu vực trụ nào vật liệu chưa đưa vào kịp, các công nhân sẽ chủ động sang khu vực lân cận để thi công chờ vật liệu…
Cập nhật đến ngày 8.6, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (thuộc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia) cho biết đã phối hợp với các đơn vị liên quan đóng điện thành công hạng mục mở rộng ngăn lộ tại Trạm biến áp 500 kV Quảng Trạch (thuộc đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối), cung đoạn Quảng Trạch – Quỳnh Lưu. Đây là hạng mục đầu tiên của dự án đường dây 500 kV mạch 3 hoàn thành đóng điện. Hạng mục này do Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung thay mặt chủ đầu tư điều hành quản lý dự án, Công ty Truyền tải điện 2 tiếp nhận quản lý vận hành. Đến chiều 7.6, EVN cập nhật dự án đường dây 500 kV mạch 3 đã hoàn thành 1.177 vị trí móng, hoàn thành và đang dựng 879 cột, hoàn thành và đang kéo 63 khoảng néo…
Dốc lực để không thiếu điện
Dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối khi đi vào vận hành sẽ tạo mối liên kết mạnh từ trung tâm các nguồn điện Bắc Trung bộ về trung tâm phụ tải khu vực miền Bắc, là cơ sở quan trọng để vận hành an toàn, tin cậy, ổn định và tối ưu cho hệ thống điện, góp phần giảm chi phí vận hành hệ thống điện; truyền tải công suất các nhà máy nhiệt điện khu vực Bắc Trung bộ cũng như các nhà máy năng lượng tái tạo khu vực Bắc Trung bộ và phụ cận vào hệ thống điện quốc gia, cung cấp điện cho trung tâm phụ tải khu vực miền Bắc.
Để chủ động bảo đảm nguồn cung ổn định, đặc biệt tại thị trường miền Bắc, miền Trung và Nam Trung bộ, EVN cho hay các tổng công ty, đơn vị điện lực đã có kịch bản hằng tuần, nắm rõ tình hình sản xuất kinh doanh, sẵn sàng cung ứng điện kể cả trong tình huống nắng nóng kéo dài, nhu cầu phụ tải tăng cao đột biến. Một trong những nguồn điện quan trọng mà ngành điện đề cập là điện than. Theo đó, các phương án dự phòng, đảm bảo nhiên liệu cho sản xuất nhiệt điện, duy trì tồn kho ổn định được nêu chi tiết tại các báo cáo, kịch bản dự phòng. Trong kế hoạch đầu tư, ngoài dự án đường dây 500 kV, EVN cũng nhấn mạnh khẩn trương hoàn thành các công trình lưới điện để tăng nhập khẩu điện như dự án đường dây 500 kV Monsoon – Thạnh Mỹ, trạm cắt 220 kV Đăk Ooc và đường dây đấu nối, đường dây 220 kV Nậm Sum – Nông Cống…
TS Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng, cho rằng ngành điện chắc chắn sẽ không để tình trạng bị động để thiếu điện tại miền Bắc vào tháng cao điểm mùa nắng nóng như năm ngoái. Tuy nhiên, sẽ có những tình huống bất khả kháng như sử dụng điện tăng đột biến vào những ngày nắng nóng dẫn đến xảy ra nhảy tụ, bị cắt đột ngột không lường trước được. Sự chuẩn bị về nguồn nhiệt điện khá tốt nên trước mắt chưa đến mức phải công bố tình trạng khẩn cấp về thiếu điện.
Tuy nhiên vẫn phải cẩn trọng, không nên quá kỳ vọng vào đường dây 500 kV mạch 3 về đúng hẹn. Nhiều ngày qua, ngành điện tập trung sức lực, chỉ đạo sát sao việc thi công và căng mình để làm. Nhưng có đạt đúng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hay không còn tùy thuộc vào thiên thời. Chẳng hạn như mưa thì không thi công được.
Vì thế, giải pháp chung vẫn là sẵn sàng các nguồn điện. Hiện nguồn nhiệt điện than đang chủ đạo, chiếm đến 60% tổng sản lượng. Tỷ lệ phụ thuộc rất lớn nên trước mắt, phải tập trung kiểm tra các tổ máy này có ổn định hay không. Bên cạnh đó, nguồn thủy điện vẫn phải tiếp tục quan sát, phát trong phạm vi cho phép, bởi cao điểm mùa nắng nóng tại miền Bắc cũng chưa tới. Ngoài ra, nguồn năng lượng tái tạo tại miền Bắc cần có chính sách sớm, hấp dẫn nhà đầu tư tham gia và cho được bán điện cho hàng xóm để giảm gánh nặng… Cùng với đó, bổ sung sớm nguồn điện mới, đa dạng hóa nguồn điện, đặc biệt là các nguồn điện chạy nền cho miền Bắc là hết sức cần thiết.
“Tôi nhiều lần đề cập, cần sớm huy động các nhà máy điện năng lượng tái tạo gồm điện gió, điện mặt trời để chuyển tiếp đưa vào vận hành với giá tạm tính trước khi thống nhất được giá bán điện giữa các bên. Cần phải giải quyết những khó khăn vướng mắc về các quy chế, quy định kỹ thuật để hòa điện năng lượng tái tạo vào lưới điện quốc gia”, ông Lâm nhấn mạnh.
Để đảm bảo điện cho phát triển kinh tế và đời sống người dân trong mọi tình huống, lãnh đạo EVN nói rất mong nhận được sự chia sẻ và hành động tích cực thông qua triệt để sử dụng điện tiết kiệm, nhất là vào các giờ cao điểm trưa (từ 11 – 15 giờ) và tối (từ 19 – 23 giờ). Trong đó, đặc biệt chú ý sử dụng hợp lý điều hòa nhiệt độ, chỉ bật điều hòa khi thực sự cần thiết, đặt nhiệt độ ở mức 26 – 27 độ C trở lên; không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn trong giờ cao điểm. Việc triệt để sử dụng điện tiết kiệm cũng giảm thiểu nguy cơ sự cố về điện và hạn chế tình trạng hóa đơn tiền điện tăng cao.
Bạn đang đọc Vẫn chật vật lo nguồn cung điện tại website hungday.com