Văn học Cyberpunk ở Việt Nam: viễn cảnh công nghệ cao ở xứ ta

Tháng mười một 7, 2024

Bài đã đăng Văn Nghệ Quân Đội số tháng 09/2024 với tựa “Viễn cảnh công nghệ & trí tuệ nhân tạo trong truyện viễn tưởng Việt Nam đương đại”

Văn học Việt Nam chưa bao giờ là nền văn chương được đánh giá cao trong lĩnh vực truyện viễn tưởng. Thực tế thì văn học viễn tưởng vẫn là sân chơi riêng của các quốc gia phát triển, nơi khởi đầu của những cuộc đua khoa học công nghệ, viễn thám, trí tuệ nhân tạo với số tiền đầu tư khổng lồ. Song, với riêng thể loại Cyberpunk – nơi gửi gắm nhiều quan niệm về nhân sinh – văn học đương đại Việt Nam đang có nhiều tác phẩm tham dự đề tài, với những cái nhìn mới mẻ. Trước khi đi vào bối cảnh Việt Nam, bạn đọc cũng cần phân biệt một chút Cyberpunk với thể loại mẹ của nó là Khoa học viễn tưởng (Sci-fi). Truyện khoa học viễn tưởng (Sci-fi) là nhóm tác phẩm có đề tài về các giả thuyết khoa học, ban đầu truyện được sáng tạo để thoả chí tưởng tượng của con người về những phát minh tương lai, hoặc để góp tiếng nói của nghệ thuật đối với các chủ đề khoa học tự nhiên. Sau đó, truyện khoa học viễn tưởng dung nạp thêm nhiều mối quan tâm mới như : phản địa đàng (xã hội tương lai với nhiều mâu thuẫn, nghịch lý), hậu tận thế (đời sống con người sau các thảm hoạ toàn cầu), cyberpunk (xã hội tương lai nơi đời sống con người thay đổi một cách bất ổn vì phải sống chung công nghệ cao), biopunk (Tập trung vào các công nghệ sinh học và ảnh hưởng của chúng đối với nhân sinh), steam-punk (tập trung vào các phát minh khoa học giả tưởng vào thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ nhất)… Điểm khác biệt lớn nhất giữa các dòng truyện này đối với truyện khoa học viễn tưởng truyền thống nằm ở vai trò của giả thuyết khoa học. Ở truyện viễn tưởng truyền thống, yếu tố văn chương và khoa học có vai trò ngang nhau: một mặt truyện vẫn có tính giải trí, hấp dẫn, vẫn có những thân phận nhân vật để bạn đọc theo dõi, nhưng mặt khác truyện nhắm đến sự thoả chí của các nhà văn trong việc thảo luận những giả thuyết khoa học quan trọng. Nhà văn thường dành phần trăm dung lượng truyện cho việc giải thích cặn kẽ về mặt khoa học. Có thể nói bỏ yếu tố khoa học đi thì truyện không thể tồn tại, tác phẩm không được hoàn thành. Thậm chí khoa học là tất cả: chính yếu tố khoa học ấy khiến cho bạn đọc thanh thiếu niên say mê, gợi cảm hứng cho nhiều người theo đuổi nghiên cứu sau này. Trong khi đó, Cyberpunk và các dòng truyện khác thì thường nhắm đến việc mô tả, kiến giải, khám phá thêm bản chất con người và nhân loại trong các bối cảnh giả tưởng có cơ sở khoa học. Yếu tố khoa học chỉ tham gia ở mức độ bối cảnh, ít khi được mô tả cặn kẽ về nguyên lý, và chỉ làm chất xúc tác cho những mâu thuẫn trong truyện. Nếu hoán đổi yếu tố này sang yếu tố giả tưởng (phép màu, thế giới ảo, fantasy..),  truyện vẫn có thể diễn ra với đầy đủ ý nghĩa văn chương.

Tìm nhân tính trong cơn bão tương lai

Đọc các tác phẩm viễn tưởng của Việt Nam đương đại, ta hình dung được các chủ đề chung về công nghệ được triển khai ở các mô típ: (1) quan hệ phức tạp giữa con người xã hội và công nghệ (2) quan hệ phức tạp giữa con người với con người trong bối cảnh con người có thể lựa chọn công nghệ làm bạn.  Trong tất cả các tác phẩm, công nghệ đều có vai trò thao túng, kiểm soát hoặc làm thay đổi con người theo chiều hướng xấu. Có lẽ vì điều này các tác giả đều chọn giọng điệu giễu nhại hoặc lạnh lùng nhằm mô tả bối cảnh ngột ngạt nơi chúng ta đã mất kết nối với thiên nhiên. Tuy nhiên các tác giả không dừng lại ở chỗ cảm thương cho bối cảnh của con người, mà thường đảo vị trí giữa con người và máy móc trong định đề đạo đức mà tác phẩm toát lên. Cụ thể hơn, tác phẩm thường bắt đầu với hoàn cảnh mà con người phụ thuộc vào công nghệ, nhưng sau đó dần lạm dụng cho lòng tham hoặc ẩn ức của mình; hoặc ngược lại, con người ban đầu là những “con người thống trị”, dùng công nghệ máy móc như một phần công cụ gia tăng chất lượng sống, nhưng sau đó dần trở thành nô lệ hoặc phát hiện ra cuộc sống của mình đã bị thao túng từ lâu (con người bị trị). Mô típ đảo chiều này khiến cho các tác phẩm tiểu thuyết hoặc truyện ngắn đương đại phần nào hấp dẫn về cốt truyện, chứa đựng những bất ngờ giăng sẵn. Từ điểm nhìn về tình huống truyện, chúng ta sẽ cùng xem xét các yếu tố viễn tưởng của tác giả Việt Nam qua cả hai trường hợp: con người thống trị và con người bị trị.

Khi môi trường sống bị tàn phá, con người mất thế đứng và bám víu duy nhất vào công nghệ để tiếp tục, trí tuệ nhân tạo và công nghệ cao có thể khiến con người bị phụ thuộc, “Đừng Mở Mắt” (một chương trong tập Tổng đài kể chuyện lúc 0h) của tác giả Emma Hạ My là một truyện ngắn đầy ám ảnh và gây ấn tượng mạnh mẽ. Tác phẩm đặt trong bối cảnh hậu đại dịch, khi nhân loại phải đối mặt với một thế giới hoàn toàn thay đổi và sự phụ thuộc vào công nghệ trở nên cực đoan hơn bao giờ hết. Sau một cơn đại dịch khủng khiếp, thế giới mà con người từng biết đã bị biến đổi hoàn toàn. Để có thể quan sát thế giới xung quanh và duy trì cuộc sống như bình thường, mọi người buộc phải cấy chip vào mắt. Chiếc chip này liệu có  trở thành công cụ kiểm soát và điều hướng mọi hành động, suy nghĩ của họ? Con người là kẻ thống trị hay kẻ bị trị? Câu hỏi đã thúc đẩy toàn bộ câu chuyện đi đến điểm kết bất ngờ. Cũng trong tập truyện vốn được định hướng kinh dị này, trong Con nào cũng là con, khi thế giới đã có thể sửa mã gene của những đứa trẻ, các ông bố bà mẹ có thể sử dụng dịch vụ đó để tạo ra những đứa con ngoan như mong muốn. Điều này là tốt hay xấu? Rõ ràng, khi con người có công nghệ trong tay, họ bắt đầu có cảm giác sánh ngang với hoá công. Chính tham vọng đó sẽ khiến con người trả giá.

đi trực tiếp vào đề tài căn tính con người. Nhân vật chính là kỹ sư Phúc Giang  trong một lần nghiệm thu hiện trường thi công cây cầu dây văng đã gặp tai nạn sập giàn giáo của trụ cầu. Anh ta chết? Có lẽ, nhưng câu chuyện tiếp tục khi Phúc Giang tỉnh lại trong một thế giới khác do nhà khoa học Frank sáng tạo với âm mưu tạo ra một loài người mới bằng máy móc, để thay thế loài người trên trái đất vốn thiếu năng lực và thừa điểm yếu. Bản thể mới của các nhân vật gây ra một câu hỏi hiện sinh đặt vào trung tâm: tồn tại và hiện hữu khác nhau ở đâu? Nếu ta thay toàn bộ thân thể vật lý này và thay dữ liệu ký ức của ta vào máy móc, hoặc một giống loài ưu việt hơn bởi công nghệ sinh học, ta có còn là chính mình hay không?

<i>Hỏi thật là tác giả bài trên có đọc văn học Việt Nam không?</i>

Hỏi thật là tác giả bài trên có đọc văn học Việt Nam không?

Các tác phẩm có tình huống truyện thú vị đã bao quát được tương đối nhiều đề tài khoa học đang được quan tâm và tranh cãi trên thế giới đương đại gồm: số hoá bộ não, can thiệp gene, vũ trụ toàn ảnh, xung đột con người và trí tuệ nhân tạo… cho thấy một sự cập nhật, nghiên cứu đáng nể từ các tác giả. Nhưng như trên ta đã nói, công nghệ và khoa học mặc dù là đề tài chính của Cyberpunk, nhưng nó không là cốt lõi giống như truyện viễn tưởng cổ điển. Nếu thay thế các nhân vật, yếu tố công nghệ… thành những bảo vật (như nỏ thần), những phép màu bà tiên, ông bụt hay giả thuyết huyền ảo, các tác phẩm vẫn không mất đi dư vị. Bởi lẽ bản chất của các tác phẩm đều là mối quan tâm hiện sinh: ý nghĩa của cuộc sống là gì, con người đứng đâu trong hệ thống xã hội. Ta sẽ thấy mặc dù có đầy đủ cơ sở khoa học, nhưng nhân vật đều vấp phải những phi lý không hiểu nổi. Con người luôn bị ràng buộc bởi những luật lệ, thiết chế xã hội, nhưng cũng lại luôn phải tự quyết định hướng đi của bản thân. Đôi khi chính những luật lệ thiết chế lại là thứ không thể hiểu nổi đối với thân phận nhỏ bé của từng cá nhân, nó luôn có những “vùng tối phi lý”. Có thể thấy, sự xuất hiện của công nghệ, của trí tuệ nhân tạo là để thay thế, để khuếch đại “vùng tối phi lý” này một cách có cơ sở. Nếu giải cấu trúc cốt truyện theo cách này, ta có thể nhận xét, truyện viễn tưởng cyberpunk ở Việt Nam đã tìm ra được một công cụ kể chuyện đủ tiềm năng để tiếp tục suy tư về vận mệnh cá nhân đương thời.

Nhưng cũng không nên bỏ qua những điểm yếu, hoặc thêm những kỳ vọng cho văn học trẻ Việt Nam. Thứ nhất, các tác phẩm văn học viễn tưởng Việt Nam chưa thực sự có dấu ấn bản sắc. So sánh dù hơi khập khiễng, nhưng văn học viễn tưởng Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Đông Âu hay Hàn Quốc đều thể hiện rõ đặc tính xã hội, tư tưởng và dân tộc tính của các quốc gia. Trong khi văn học viễn tưởng Việt Nam vẫn là những tác phẩm ảnh hưởng từ văn hoá đại chúng thế giới, không dễ để tránh khỏi so sánh. Có lẽ chỉ thấy tập truyện ngắn Nửa Lời Chưa Nói của Duy Ân đã đi sâu vào chủ đề tiếng Việt, nhưng đây lại là tác phẩm mỏng về viễn tưởng hơn cả. Thứ hai, ngôn ngữ của các tác phẩm ít dấu ấn riêng của tác giả. Mặc dù điều này tương đối dễ hiểu vì các tác phẩm đều định hướng đại chúng, nhưng có lẽ độc giả vẫn kỳ vọng nhiều vào các câu chuyện có giọng điệu đặc sắc, ít giống văn học dịch và có cá tính riêng giống như mọi tác phẩm văn học nói chung. Hai điểm yếu này là câu chuyện dài hơi của văn học Việt Nam đương đại, nhưng chính những khoảng hụt ấy lại là gợi mở để các nhà văn trẻ có thêm động lực chinh phục và đóng góp vào sáng tạo văn chương toàn cầu.