Văn phòng Kiến trúc 1+1>2 đoạt 2 giải thưởng kiến trúc quốc tế với công trình Trúc Lâm Coffee
Văn phòng Kiến trúc 1+1>2 đoạt 2 giải thưởng kiến trúc quốc tế với công trình Trúc Lâm Coffee
(Xây dựng) – Không gian Nhà hàng và Cà phê Trúc Lâm (Trúc Lâm Coffee) tại khuôn viên Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (ở Hà Nội) do kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, Vũ Xuân Sơn của Công ty Cổ phần Kiến trúc Xây dựng Quốc tế 1+1>2 (Văn phòng Kiến trúc 1+1>2) thiết kế, vừa giành được hai Giải thưởng kiến trúc quốc tế của Mỹ.
Trúc Lâm Coffee sử dụng vật liệu tự nhiên và vật liệu nhẹ, có khả năng tái sử dụng cao như đất, tre, thép, kính. |
Đó là Giải thưởng Danh dự (Honorable Mention) của Giải thưởng Kiến trúc Quốc tế (International Architecture Awards – IAA) 2024 và Giải thưởng Winner của Green Good Design.
IAA là một trong những giải thưởng danh giá nhất trong lĩnh vực kiến trúc toàn cầu, do Bảo tàng Kiến trúc và Thiết kế Chicago phối hợp cùng Trung tâm Thiết kế Kiến trúc và Nghiên cứu Đô thị châu Âu tổ chức hàng năm, nhằm tôn vinh những công trình kiến trúc xuất sắc và sáng tạo từ khắp nơi trên thế giới.
Giải thưởng Green Good Design là một phần của chương trình Good Design Awards, vinh danh các dự án có tác động tích cực đến môi trường, tiết kiệm năng lượng, thúc đẩy sự phát triển bền vững. Đây là một trong những giải thưởng quốc tế có uy tín nhất trong lĩnh vực thiết kế và kiến trúc xanh.
Nằm trong khuôn viên Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam giữa các công trình kiến trúc truyền thống và những khoảng vườn lớn, Trúc Lâm Coffee hiện lên như một quán nước nhỏ ôm lấy gốc đa di sản, tái hiện hình ảnh truyền thống thân thuộc làng quê Việt Nam: Cây Đa – giếng nước – sân đình.
Dự án có chức năng như một không gian dành cho du khách tham quan nghỉ ngơi, thư giãn; vừa là nơi trưng bày, giảng dạy và thực hành nghề thủ công; triển lãm những tác phẩm mang ý nghĩa nghệ thuật rất độc đáo, chứa đựng giá trị văn hóa và tâm linh sâu sắc của người dân tộc thiểu số nói riêng và dấn ấn đặc trưng Việt Nam nói chung.
Công trình được cải tạo từ ngôi nhà xi măng cũ đã sập xệ, kém thẩm mĩ, thiếu sự đồng bộ với cảnh quan xung quanh. Hoạt động cải tạo tập trung vào các tiêu chí: Bảo tồn tối đa – tối ưu công năng – thân thiện môi trường – phù hợp bối cảnh.
Cụ thể, khối nhà cũ được giữ lại tối đa nhằm giảm thiểu rác thải xây dựng, tiết kiệm chi phí. Cùng với đó, các không gian mở rộng đa hướng, tạo được sự tiếp cận đa chiều, đan xen vào các cây hiện hữu, giúp tăng gấp đôi diện tích sử dụng so với hiện trạng, đồng thời đưa thiên nhiên gần hơn với công trình.
Toàn bộ vật liệu sử dụng cho dự án là vật liệu tự nhiên và vật liệu nhẹ có khả năng tái sử dụng cao như đất, tre, thép, kính.
Công trình được thiết kế theo phong cách của không gian nhà Việt truyền thống, kết hợp với các kỹ thuật dựng tường đất và vách tre của người dân tộc miền núi. Công trình nổi bật với hệ tường trình đất dày tới 40cm bọc toàn bộ mặt ngoài, kết hợp với mái tre và cửa kính lớn tạo diện mạo mới, có sự tương thích, đồng bộ, đối thoại với các ngôi nhà kiến trúc truyền thống trong khuôn viên bảo tàng.
Công trình mang ý nghĩa giáo dục lớn và truyền cảm hứng cho du khách. Khi tới đây, du khách sẽ cùng lúc vừa trải nghiệm không gian của một nhà hàng vừa hiện đại, vừa giữ được kết nối với không gian sống gắn với thiên nhiên của làng Việt cổ và các làng dân tộc khác.
Cùng chiêm ngưỡng không gian kiến trúc của Trúc Lâm Coffee:
Trúc Lâm Coffee trước và sau khi cải tạo. |
Không gian nội thất của Trúc Lâm Coffee.
Bằng cách giải pháp kiến trúc, không gian bên trong và bên ngoài Trúc Lâm Coffee được kết nối với nhau hòa quyện. |
Trúc Lâm Coffee được thiết kế mở, gắn kết hài hòa với cảnh quan xanh xung quanh. |
Trúc Lâm Coffee nép mình dưới gốc đa, nằm khiêm nhường trong khuôn viên Bảo tàng Dân tộc học. |
Tham khảo ngay các mẫu giường spa đẹp giá rẻ cho spa thẩm mỹ viện. Truy cập trực tiếp bài viết tại để để nhận mã giảm giá – triết khấu.